Đề xuất chính sách thoả đáng với hy sinh, vất vả của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc

Thứ Năm, 15/05/2025, 16:01

Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc (LHQ). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, đồng thời khẳng định vai trò của lực lượng Công an, Quân đội đã tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ trong những năm qua.

"Ra đời năm 1948, đây là một trong những lĩnh vực quan trọng và là một cơ chế đặc biệt được LHQ giao cho Hội đồng Bảo an, dưới hình thức các phái bộ tại các khu vực đã tạm ngừng xung đột, có thoả thuận ngừng bắn hoặc thoả thuận hoà bình, nhằm chấm dứt các xung đột và xây dựng hoà bình thông qua việc triển khai lực lượng do các nước thành viên LHQ đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của LHQ", đại biểu thông tin.

Qua nghiên cứu các văn bản, hiện nay LHQ đang duy trì 11 phái bộ gìn giữ hoà bình và một số phái bộ chính trị đặc biệt với tổng số 70.000 nhân viên, trong đó Quân đội và Cảnh sát các nước khoảng 59.000.

Đề xuất chính sách thoả đáng với hy sinh, vất vả của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc -0
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân thảo luận tại Tổ 13, chiều 15/5.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết, Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ từ ngày 23/11/2012 đến nay, khi được Bộ Chính trị thông qua đề án tổng thể. Tháng 9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án CAND Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và cam kết quốc tế, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã cử lực lượng vũ trang tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ. Trong đó, Bộ Quốc phòng chính thức tham gia từ năm 2014, đến nay đã cử 137 lượt quân nhân đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNMISS ở Nam Xu-đăng, Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ MINUSCA ở Cộng hoà Trung Phi, Phái bộ Huấn luyện của Liên minh Châu Âu ở Cộng hoà Trung Phi và và tại trụ sở LHQ.

Đối với Bộ Công an, đã cử 5 tổ công tác tham gia gìn giữ hoà bình của LHQ từ năm 2022 đến nay. Đến năm 2025, Bộ tiếp tục báo cáo Ban Bí thư xin chủ trương cử Tổ công tác số 6 gồm 6 đồng chí đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ MINUSCA ở Cộng hoà Trung Phi, đây là phái bộ thứ 3 được mở rộng quy mô tham gia của Bộ Công an, lần đầu tiên Bộ Công an triển khai lực lượng tại phái bộ này.

Bộ Công an cũng cử sĩ quan tham gia các vị trí ứng tuyển tại Cục Hoạt động hoà bình của LHQ (New York - Hoa Kỳ) từ năm 2022 cho đến nay.

Đề xuất chính sách thoả đáng với hy sinh, vất vả của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc -0
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 9.

ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá, thành phần tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ có 3 bộ phận chính: Quân sự, Cảnh sát và Dân sự. Bộ phận Quân sự đóng vai trò quan trọng trong giám sát nhân quyền, hoà giải dân tộc, giám sát lệnh ngừng bắn... Còn bộ phận Cảnh sát bảo vệ thường dân, đào tạo nâng cao năng lực Cảnh sát nước sở tại, bảo vệ nhân viên và tài sản của LHQ, thiết lập sự an toàn công cộng, phòng chống tội phạm, trực tiếp làm việc với Cảnh sát nước sở tại, giúp xây dựng lòng tin trong cộng đồng địa phương. Bộ phận Dân sự có lượng lớn các bộ phận và chức năng dân sự khác nhau trong các lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ.

"Về kết quả, Ban soạn thảo đã đánh giá trong tờ trình của Chính phủ. Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động này, tuy thời gian rất ngắn nhưng lực lượng Quân đội, Công an, Dân sự có bước tiến rất nhanh, rất vững chắc trong các hoạt động của phái bộ, khẳng định sự lớn mạnh, tham gia sâu rộng vào hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ. Các sĩ quan được cử tham gia đã bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo và hội nhập môi trường làm việc của LHQ, đa quốc gia, đa văn hoá", bà nhận định.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các sĩ quan Quân đội, Công an Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ: "Ở Nam Xu-đăng mặc dù có lệnh ngừng bắn nhưng hoạt động nội bộ vẫn diễn biến phức tạp, chiến tranh cục bộ vẫn xảy ra. Anh em chúng ta hằng ngày phải đối mặt với hiểm nguy súng đạn, thời tiết rất khắc nghiệt, 55-60 độ. Nhiều đồng chí mất 3-5 tháng mới thích nghi được môi trường, khí hậu khắc nghiệt, có những đồng chí hy sinh do thời tiết, khí hậu hay ảnh hưởng bom đạn, chiến tranh giữa các đảng phái chính trị khó lường... Rồi điều kiện y tế thiếu thốn, dịch bệnh khó kiểm soát... Dù là hoạt động nhân đạo nhưng có rất nhiều rào cản cả trên thực địa và tính pháp lý".

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các sĩ quan đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ...; đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được LHQ đánh giá rất cao, được Chính phủ và hai Bộ ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý...

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Xuân, đây là lực lượng có tính cọ xát rất cao, làm việc trong môi trường quốc tế khắc nghiệt, chế độ, chính sách đã có nhưng chưa thoả đáng, chưa đáp ứng những hy sinh mất mát, khó khăn, vất vả. Bà hy vọng, thời gian tới, khi Quốc hội thông qua luật này, vừa đảm bảo hành lang pháp lý vững chắc, đồng thời có chế độ chính sách tạo điều kiện hơn nữa để cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ thực sự yên tâm công tác, có đóng góp tích cực, những cống hiến được bù đắp thoả đáng.

Nêu thực tế có những sĩ quan thực hiện nhiệm vụ hy sinh tại chiến trường hay bị bệnh tật trong thời gian tham gia hoạt động, hoặc sau khi trở về bị ảnh hưởng của môi trường làm việc khắc nghiệt bị nhiễm bệnh tật, đại biểu đề nghị khoản 4 Điều 25 về chế độ chính sách của lực lượng tham gia gìn giữ hoà bình của LHQ cần bổ sung quy định, chế độ chính sách đối với những cá nhân bị ảnh hưởng sức khoẻ sau khi thực hiện xong nhiệm vụ.

"Đề xuất chính sách ưu việt, ưu tiên hơn đối với những đồng chí nữ tham gia để khích lệ, động viên, khuyến khích; dự thảo cần thể hiện rõ nét. Bởi trong số lực lượng của chúng ta tham gia gìn giữ hoà bình LHQ những năm qua đều có cán bộ nữ, thể hiện hình ảnh đẹp, phần lớn các cán bộ đã có gia đình, để lại chồng con ở nhà để tình nguyện xung phong tham gia", bà bổ sung.

Quỳnh Vinh
.
.