Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, đồ uống có đường

Thứ Sáu, 22/11/2024, 10:21

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, điều hoà nhiệt độ từ 9.000 BTU trở xuống, xăng... là mặt hàng thiết yếu, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi).

Điều hoà, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, đồ uống có đường phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo Tờ trình dự án luật do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày, cần thiết ban hành Luật Thuế TTĐB để đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế TTĐB hiện hành; phù hợp với xu hướng cải cách thuế TTĐB của các nước. Dự thảo luật gồm 4 chương, 12 điều.

Theo dự thảo, thuế suất thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: dự thảo giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030. Mục tiêu của quy định là để góp phần đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 - 2030 theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và hướng tới đạt tỉ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới

Đối với mặt hàng rượu, bia, dự thảo luật quy định thuế suất theo tỉ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới.  Việc đề xuất mức thuế trên nhằm giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia, mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: điều hoà, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, đồ uống có đường...  -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Thuế TTĐB.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB như: sửa đổi quy định mặt hàng điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; sửa đổi quy định mặt hàng “hàng mã” không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học để bảo đảm phù hợp với thực tế; sửa đổi quy định kinh doanh đặt cược bao gồm đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính bao quát; sửa đổi quy định hoạt động kinh doanh gôn bao gồm kinh doanh sân tập gôn để giải quyết vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Dự thảo luật bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.

Đề nghị mở rộng hơn nữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế

Trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia, cơ quan thẩm tra nhất trí phương án Chính phủ đề xuất.

Đối với đề xuất việc bổ sung nước giải khát theo TCVN, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, Cơ quan thẩm tra cũng bày tỏ quan điểm nhất trí với Chính phủ đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo TCVN” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo TCVN song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Cơ quan thẩm tra cũng tổng hợp các ý kiến về việc cần đánh giá tác động đối với đề xuất này.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất bổ sung, mở rộng hơn nữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.

Không nhất trí điều hoà, xăng...chịu thuế thu nhập đặc biệt

Trong phần thảo luận dự luật, các đại biểu đều thống nhất cần thiết phải sửa luật, nhất trí tăng thuế TNĐB với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá...Tuy nhiên, đối với nhiều mặt hàng như: điều hoà, xăng...nhiều đại biểu không nhất trí với quy định vì đây là hàng hoá thiết yếu. Bên cạnh đó, đối với mặt hàng đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml thì có rất nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến nhất trí nhưng đề nghị cần quy định cụ thể hơn, có ý kiến cho rằng không nên đánh thuế mặt hàng này.

Về quy định máy điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống phải chịu mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt 10%, nhiều đại biểu bày tỏ ngạc nhiên, băn khoăn khi dự luật quy định như vậy. Các đại biểu đồng thuận cho rằng, máy điều hòa không phải mặt hàng xa xỉ vì vậy không nên áp thuế TTĐB.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: điều hoà, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, đồ uống có đường...  -0
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng phát biểu tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Nếu đánh thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ là có bất cập, thực tế hầu hết gia đình có đời sống đủ ăn đã lắp máy điều hòa. Điều kiện thời tiết nóng bức cả Nam lẫn Bắc hiện nay không thể không có điều hoà trong nhà". Đại biểu dẫn chứng, năm 1998, máy điều hòa được đưa vào mặt hàng đánh thuế TTĐB 20%, nhưng đến năm 2008 thấy không hợp lý đã kéo xuống, bây giờ lại đẩy lên.

“Việc lắp điều hòa cũng nhằm đảm bảo sức khỏe, tái tạo năng lượng lao động sau thời gian làm việc cần giấc ngủ ổn định, thoải mái. Nếu không có máy điều hòa sẽ khó lòng đảm bảo sức khỏe. Mặt khác, khi sử dụng điều hòa người dân đã chịu chi phí điện tính theo lũy tiến, bây giờ chịu thêm mức thuế suất đặc biệt khi lắp đặt sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân và họ sẽ không hài lòng với chính sách này” – đại biểu nêu và cho biết, việc lắp đặt máy điều hòa là yêu cầu tất yếu của cuộc sống đối với đông đảo người dân, không nên xem đây là mặt hàng xa xỉ, phải tạo điều kiện để người dân có cuộc sống thoải mái hơn".

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng quy định như dự luật sẽ đẩy lùi điều kiện sinh hoạt của Việt Nam về lại 30 - 40 năm trước và đề nghị chỉ nên áp dụng thuế môi trường với mặt hàng này.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: điều hoà, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, đồ uống có đường...  -0
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý dự thảo luật.

Tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi luật, tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Hà Nam), đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị không nên đánh thuế tiêu TTĐB đối với xăng vì đây là thiết yếu, không đúng với mục đích là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng xa xỉ.

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) thì đề nghị cân nhắc, xem xét tác động của đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường đối. Việt Nam là đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nhu cầu giải khát của người dân là rất lớn, trong đó, có một phần đáng kể là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp. Đối với nhóm đối tượng này cũng như người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa… nhu cầu sử dụng các loại nước giải khát khá phổ biến, đặc biệt là các gia đình sống ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Bởi vậy, việc đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường thực chất là “đánh” vào người tiêu dùng, ở đây là nhóm đối tượng là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, đề nghị khi xác định mặt hàng, sản phẩm chịu thuế TTĐB phải cân nhắc tác động của sắc thuế đến nhóm người tiêu dùng nêu trên.

Phương Thuỷ
.
.