Có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng đã hợp tác với Việt Nam
Năm 2024, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững; tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt; môi trường xã hội được duy trì an ninh, an toàn.
Sáng 26/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe: Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng Viện KSND tối cao; Báo cáo công tác của TAND tối cao năm 2024; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2024; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 và các báo cáo thẩm tra. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung họp.
Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024.
Cần nêu cao trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc giáo dục con em
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn, truy tố, xét xử và giải quyết các kiến nghị của cử tri trong năm 2024; Chính phủ tiếp tục có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, có hiệu quả đối với đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân và hoàn thiện thể chế pháp luật. Đại biểu phân tích số liệu người chưa thành niên phạm tội và cho biết, có nhiều em học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật là điều rất báo động, tạo ra sự lo lắng trong xã hội.
Để kéo giảm và ngăn ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên, đại biểu cho rằng, đó là trách nhiệm của chính quyền, nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn về tình hình và dự báo trong thời gian sắp tới để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, từ đó có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ để kiểm soát tốt hơn việc sử dụng mạng xã hội để phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Đại biểu cho biết, khi khảo sát, giám sát các trung tâm cai nghiện, nhà tạm giữ và các trại giam, thấy tỷ lệ trại viên và phạm nhân là thanh thiếu niên ngày càng tăng cao. “Tuổi đời của các em, các cháu còn rất trẻ, nếu cứ như vậy thì tương lai của các em, các cháu sẽ đi về đâu. Tôi đặt câu hỏi và mạnh dạn nêu gia đình, dòng họ, làng xóm, nhà trường, đoàn thể xã hội chúng ta đang ở đâu trong phần lỗi của các cháu dù là một phần lỗi nhỏ nhất và chúng ta phải làm gì để hạn chế mức thấp nhất tình trạng này?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn về các nguồn lực cho các lực lượng tham gia làm công tác đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời, kịp thời dự báo, cảnh báo tình hình cho người dân, đề xuất ban hành chế định nhằm thực hiện tốt, hiệu quả công tác này trước mắt và trong dài hạn.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân khá phổ biến. Hiện tại, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có Nghị định số 13 năm 2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngoài ra chưa có văn bản luật nào quy định về vấn đề này. “Chính vì vậy, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào sự ra đời của Luật Dữ liệu, đồng thời kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo cho các ngành chức năng tích cực hơn nữa trong việc tìm các giải pháp hiệu quả, sớm chấn chỉnh tình trạng này để thông tin của mỗi cá nhân sẽ được giữ gìn và bảo vệ, nhất là trên không gian mạng” – đại biểu kiến nghị.
Môi trường xã hội được duy trì an ninh, an toàn.
Báo cáo giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, năm 2024, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm giữ vững, tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt; môi trường xã hội được duy trì an ninh, an toàn. “Đây là nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, trong đó có lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và khu vực đang rất bất ổn trong tình hình hiện nay” – Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định và cho biết, dù hệ thống chính trị nói chung, lực lượng Công an nói riêng đã rất nỗ lực, cố gắng song chưa thể khắc phục được ngay những khó khăn, tồn tại.
Nói về nguyên nhân của tồn tại, bất cập, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội dù đã có sự phục hồi mạnh mẽ, song về cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc hoạt động cầm chừng còn nhiều, dẫn tới tình trạng thiếu việc làm, xu hướng dịch chuyển cơ cấu lao động từ thành thị về nông thôn, trong khi nhu cầu nhân lực của khu vực này có hạn chế dẫn đến tình trạng thừa lao động, nhất là trong độ tuổi thanh niên. “Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm, nhất là nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở những khu vực nông thôn, miền núi tăng cao trong năm nay” – Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng cho rằng, có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân. Đây là hệ lụy tích tụ từ nhiều năm do mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là do dòng văn hóa phẩm ngoại lai không được kiểm duyệt chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Một trong những biểu hiện của việc này, đó là tội phạm, nhất là tội phạm trẻ em, tội phạm chống người thi hành công vụ, các hành vi vi phạm pháp luật bắt chước người nổi tiếng lan truyền trên mạng tiếp tục có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây.
Đồng chí Bộ trưởng cũng nêu rõ, nhiều mâu thuẫn ở cơ sở không được chính quyền, các tổ chức xã hội ở địa phương phát hiện, tháo gỡ kịp thời, nhất là các mâu thuẫn do liên quan đến tranh chấp đất đai dẫn tới xảy ra một số vụ giết người, nhất là giết người thân gây đau lòng và bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật chưa thực sự phát huy được hiệu quả tối đa, hình thức và đối tượng có thời điểm còn chưa phù hợp, dẫn tới việc một số đối tượng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, nhiều hành vi vi phạm pháp luật hành chính có khung xử lý còn thấp, chưa thể hiện được tính nghiêm minh, răn đe.
Thậm chí, một số bộ phận người dân có biểu hiện coi thường pháp luật, sẵn sàng chấp nhận bị xử lý nếu bị phát hiện, nhất là trong vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, áp lực ngày càng cao trong công tác điều tra, xử lý tội phạm của các cơ quan tư pháp nói chung, lực lượng Công an nói riêng, các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng không gian mạng, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, hoạt động xuyên biên giới gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Bộ trưởng Lương Tam Quang bày tỏ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, giám sát của các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri và nhân dân để Bộ Công an tiếp tục nâng cao được hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lực lượng Công an thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế
Cũng nói về công tác phòng, chống tội phạm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà), cho biết, một trong những vấn đề khó khăn trong đấu tranh chống các tội phạm tham nhũng, chức vụ trong giai đoạn hiện nay là có một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài. Việc truy bắt một số đối tượng này vẫn chưa hiệu quả, nguyên nhân do giữa nước ta và một số nước khác chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc ký các hiệp định tương trợ tư pháp, tổng kết, việc triển khai Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các nước khác để từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng tham nhũng đang trốn ở nước ngoài.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, lực lượng Công an và các cơ quan thực thi pháp luật đã thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế. “Chúng tôi cũng đang tăng cường và ký những hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ tội phạm. Căn cứ theo từng nước, chúng tôi đang dần dần làm từng bước. Thời gian vừa qua, chúng ta đã bắt và xử lý dẫn độ nhiều đối tượng. Có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác với chúng ta và đã đưa những đối tượng cần dẫn độ về nước. Thời gian tới, trên tinh thần này, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có những hiệp định liên Chính phủ để chúng ta thực hiện tốt hơn” – Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định.