"Ngủ quên" trước hiểm họa thực phẩm chức năng giả: Trách nhiệm thuộc về ai?
Một nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng giả ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm, tung ra thị trường 920 mã sản phẩm, tổng sản lượng khi bị phát hiện, thu giữ tới hơn 100 tấn, với doanh thu riêng một công ty trong hệ sinh thái lên tới 800 tỷ đồng chỉ trong ba năm. Khủng khiếp là vậy nhưng cả một hệ thống cơ quan chức năng đến chính quyền cơ sở tưởng chừng như mọi quy định, quy trình đều rất chặt chẽ đã bị các đối tượng "qua mặt", hoạt động sai phạm trong suốt một thời gian dài và chỉ bị lộ diện khi lực lượng Công an phát hiện, vào cuộc.
Buông lỏng quản lý hay niềm tin bị phản bội?
Liên quan đến vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, ngày 28/4, thông tin với PV Báo CAND, Thượng tá Hồ Văn Hùng, Trưởng Phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Nhà máy của đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả này được xây dựng tại KCN Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội từ năm 2016. Trong gần 10 năm qua, nhà máy này hoạt động rầm rộ, "qua mặt" hầu hết các cơ quan chức năng có liên quan cũng như chính quyền địa phương. Chỉ trong 3 năm gần đây, một trong số những công ty trong hệ sinh thái này đã có doanh thu lên tới 800 tỷ đồng từ sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả ra thị trường.

Lãnh đạo Phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cũng phân tích, để sản phẩm được phép sản xuất, đưa ra thị trường thì phải được cơ quan chức năng như Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp phép. Trước đó, một trong những khâu mà doanh nghiệp phải hoàn thành đó là có được chứng nhận đánh giá, kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm đạt kết quả.
Đối với vụ án này, Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dược phẩm MEDIUSA) đã chỉ đạo nhân viên đưa phiếu kiểm định các thành phần của sản phẩm đến Công ty TNHH Khoa học TLS để kiểm nghiệm. Tuy nhiên, thay vì đánh giá khách quan, trung thực, Công ty TNHH Khoa học TLS lại “bán phiếu ăn tiền” khi mỗi một sản phẩm đến kiểm định thu với số tiền 1 triệu đồng.
Qua điều tra ban đầu, hàng trăm sản phẩm đã được đưa đến Công ty TNHH Khoa học TLS để kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm “đạt” nhưng trên thực tế kết quả sản phẩm được đưa ra thị trường hoàn toàn trái ngược. Có được “lá bùa” này, Nguyễn Năng Mạnh hoàn tất hồ sơ và dễ dàng xin được cấp phép sản xuất, đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm thực phẩm chức năng giả, gây tổn hại vô cùng lớn đến kinh tế, sức khỏe của người dân.
Đề cập đến lợi nhuận mà Nguyễn Năng Mạnh cùng các đồng bọn thu được, lãnh đạo Phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về kinh tế, buôn lậu, tham nhũng cho biết “rất lớn, có thể nói là khổng lồ”. Chỉ tính riêng một công ty trong hệ sinh thái của Nguyễn Năng Mạnh trong thời gian từ 2021-2024 đã có doanh thu lên tới 800 tỷ đồng, các đối tượng để ngoài sổ sách kế toán số tiền 720 tỷ đồng.

Với nhiều vụ án về thuốc giả, sữa giả bị Cơ quan Công an phát hiện trước đó và nay là thực phẩm chức năng giả, dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng có liên quan không thể viện cớ hoạt động của các đối tượng trong đường dây này là "tinh vi, khó phát hiện" để bao biện cho những lỗ hổng quản lý đã tồn tại quá lâu.
Câu hỏi đặt ra là: Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ở đâu khi những sản phẩm giả này tràn lan trên thị trường trong suốt thời gian dài? Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế ở đâu khi hàng loạt sản phẩm được "công bố tiêu chuẩn" mà thực chất là lừa đảo bởi thành phần chính cũng như thành phần phụ trong sản phẩm không đạt yêu cầu? Lực lượng Quản lý thị trường, cơ quan thuế, hải quan, chính quyền cơ sở ở đâu khi những doanh nghiệp bất minh liên tục tăng trưởng "nóng", dòng tiền bỏ ra ngoài sổ sách hàng trăm tỷ đồng và không rõ nguồn gốc?
Một nhà máy, một dây chuyền sản xuất với quy mô công nghiệp, hệ thống phân phối rộng khắp, hoạt động trong suốt một thời gian dài thì không thể dễ dàng "tàng hình". Dư luận, người dân nhất là những nạn nhân của đường dây sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả trên phẫn nộ, có quyền đánh giá, đặt ra nghi vấn với các cơ quan chức năng có liên quan bằng những từ ngữ như “kém cỏi” hay “thờ ơ” hoặc “bao che”?, cũng như yêu cầu những cơ quan chức năng này phải trả lời thông tỏ có hay không việc đó?.
Phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm nếu có
Thực phẩm chức năng đúng như tên gọi là "chức năng bổ trợ" nâng cao cho sức khỏe con người. Người dân chọn mua nhiều sản phẩm giá cao của các công ty trên với niềm tin rằng sản phẩm đã qua thẩm định, qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước.
Khi sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng len lỏi, gặm nhấm từng ngăn tủ thuốc, túi tiền của gia đình người dân, hậu quả không chỉ là những con số thiệt hại kinh tế mà là tính mạng, là sức khỏe của nhân dân bị đem ra đánh cược. Phản bội lòng tin ấy, tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng còn những cơ quan quản lý có liên quan khi không rõ tình hình, buông lỏng hay thậm chí liệu có chăng đã làm ngơ?, có thể thoái thác trách nhiệm hay không?
Đại diện lãnh đạo Phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá, lẽ ra, mỗi sản phẩm lưu hành phải được hậu kiểm định kỳ chặt chẽ, mỗi doanh nghiệp tăng trưởng bất thường phải bị rà soát chặt chẽ về thuế, mỗi khu công nghiệp phải có báo cáo cập nhật biến động đặc biệt là các nhà máy nằm trong diện nghi vấn từ chính quyền cơ sở.
Tuy nhiên trên thực tế, công tác hậu kiểm nhiều nơi chỉ làm cho có. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm rõ ràng là có lỗ hổng rất lớn. Công tác quản lý thị trường ở nhiều lĩnh vực đã thiếu tính chủ động nắm địa bàn, phát hiện, xử lý sai phạm. Cơ quan thuế hay hải quan dường như chỉ quan tâm đến "số thu" mà không nhìn tới dấu hiệu rửa tiền, trốn thuế tiềm tàng trong dòng doanh thu bất thường, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp nghi vấn.

Chính sự lỏng lẻo ấy đã tạo điều kiện để những "con quái vật" sản xuất thực phẩm chức năng giả lặng lẽ lớn lên trong bóng tối và hoạt động mạnh mẽ suốt một thời gian dài. Ở đây, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân những người đứng đầu các cơ quan có liên quan và không thể chìm trong trách nhiệm tập thể.
Dư luận đang đòi hỏi phải chỉ rõ cơ quan nào, cá nhân nào có buông lỏng, hay thập chí tiếp tay không? và phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu có dấu hiệu thiếu trách nhiệm hoặc tiếp tay cho sai phạm. Không thể để những lời xin lỗi hay biện minh mơ hồ xoa dịu hậu quả đã xảy ra.
Đã đến lúc cần một cuộc tổng rà soát thực chất, không khoan nhượng trên toàn hệ thống cấp phép, hậu kiểm, kiểm tra sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng. Cuộc triệt phá này không chỉ để xét xử các đối tượng sản xuất, tiêu thụ hàng giả. Nó còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ hệ thống quản lý Nhà nước nếu không thay đổi tư duy quản lý, không siết chặt kỷ cương, thì những hiểm họa như trên sẽ còn tái diễn với những cái giá ngày càng đắt đỏ hơn. Sức khỏe nhân dân không thể bị đem ra đánh cược. Và lòng tin nhân dân một khi mất đi sẽ không dễ dàng lấy lại.