Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho nạn nhân mua bán người (Bài cuối)
Để những em gái không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, cần nhất là sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các em nhận biết, phòng tránh những cạm bẫy ngoài xã hội khi rời vòng tay gia đình, vùng quê để tìm việc làm.
Gia tăng vụ án mua bán người trong nội địa
Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, hoạt động của tội phạm mua bán người thời gian qua diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi từ 16-28, tập trung chủ yếu ở nhóm người thiếu việc làm. Đây là một trong những nguyên nhân chính phát sinh hoạt động của tội phạm mua bán người. Xu hướng mới của tội phạm mua bán người hiện nay thường gắn với lừa đảo trực tuyến, ma túy, mại dâm và cưỡng bức lao động.

Tính chất và thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này liên tục thay đổi, tinh vi và ngày càng nghiêm trọng, chủ yếu trên không gian mạng…; hay lợi dụng vào hoàn cảnh gia đình của nạn nhân là các cháu gái, tuổi còn nhỏ, ở các vùng nông thôn, miền núi, gia đình khó khăn về kinh tế, thiếu hiểu biết phải bỏ học để tìm kiếm việc làm. Các đối tượng đã đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội (Facebook, zalo, Telegram…) tuyển nhân viên làm việc với mức lương cao để liên hệ, dụ dỗ. Sau khi các nạn nhân tin tưởng, liên hệ, gặp gỡ xin việc làm thì bị các đối tượng khống chế, bán cho các đối tượng kinh doanh quán Karaoke để ép các nạn nhân bán dâm, làm nhân viên phục vụ tại các quán hát.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, trong giai đoạn 2020-2024, tỷ lệ các vụ án mua bán người ra nước ngoài có xu hướng giảm, chiếm 64%, nhất là trong giai đoạn 2020-2022, số vụ mua bán người ra nước ngoài chỉ chiếm khoảng 50% trong tổng số vụ án mua bán người xảy ra tại Việt Nam. Trong khi đó, trước năm 2019, số vụ án mua bán người ra nước ngoài chiếm khoảng trên 80%. Điều này minh chứng rõ ràng tội phạm mua bán người ở Việt Nam đã có những thay đổi lớn về cơ cấu với sự gia tăng vụ án mua bán người trong nội địa và giảm về số vụ án mua người ra nước ngoài… Trong đó, nổi lên mua bán người phục vụ các dịch vụ “nhạy cảm” tại các quán karoke, đe dọa, đánh đập nạn nhân ép bán dâm, nếu nạn nhân phản kháng đối tượng tiếp tục liên hệ, câu kết để bán đối tượng cho quán hát khác.
Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 388/BCA ngày 26/6/2025 chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2025, trong thời gian từ 1/7 đến 30/9/2025; phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Công an các cấp đã và đang tiếp tục làm tốt công tác phòng ngừa; tham mưu và phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị mua bán như phụ nữ, trẻ em, học sinh các trường học nội trú…
Tính đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức lồng ghép tuyên truyền tập trung được gần 42.000 buổi với hơn 1,2 triệu lượt người tham gia; qua hệ thống loa truyền thanh địa phương, cấp phát 47.200 tờ rơi; đăng, phát hơn 1.000 tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng… tạo hiệu ứng và lan tỏa rộng rãi, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, cơ quan Công an liên tục đưa ra cảnh báo người dân cần cẩn trọng với những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hấp dẫn trên mạng xã hội, tin nhắn từ người lạ, thậm chí là lời giới thiệu từ người quen… Nghe thật hứa hẹn, nhưng ẩn sau những lời mời ấy có thể là chiếc bẫy mua bán người. Giấc mơ tìm kiếm việc làm, đổi đời có thể hóa thành cơn ác mộng. Mỗi người dân, đặc biệt là các em gái hãy bảo vệ chính mình bằng cách, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhận việc; tham khảo ý kiến người thân, chính quyền địa phương; luôn nghi ngờ với những lời mời làm việc "ngon ăn" không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu mua bán người, đừng im lặng hãy liên hệ tới cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc chính quyền sở tại để được bảo vệ.
Cần phát huy mô hình Ngôi nhà Bình yên
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến Ngôi nhà Bình yên là mô hình được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) vận hành từ năm 2007, với mục đích cung cấp một cơ sở tạm lánh an toàn, miễn phí cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người. Đến nay sau gần 20 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 1.800 phụ nữ và trẻ em và ngày càng chứng minh tính thiết thực, hiệu quả. Mới đây, đã tiếp nhận một nhóm nạn nhân ở độ tuổi rất trẻ, có bạn dưới 16 tuổi của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an. Trong đó có em H.T.M (14 tuổi), là nạn nhân mua bán người do các đối tượng Nguyễn Văn Phẩm, Nguyễn Tiến Hùng… cầm đầu trong chuyên án của Cục Cảnh sát hình sự vừa đấu tranh, triệt phá mà chúng tôi (PV) đã nêu ở trong bài 1.
Theo một cán bộ của Ngôi nhà Bình yên, tâm lý của em M khi mới vào cơ sở tạm lánh chưa ổn định, do em nhỏ tuổi là người dân tộc, nói tiếng kinh chưa nhiều nên tính cách của em khép kín, ít bộc lộ cảm xúc khiến việc tiếp cận của em khá khó khăn. Hiện Ngôi nhà Bình yên đã động viên, hỗ trợ và dạy nghề cắt tóc theo nguyện vọng của em M sau khi rời cơ sở tạm lánh để về nhà.
Bà Nguyễn Khánh Linh, Phó phòng Công tác xã hội, Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng cho biết: “Nạn nhân mua bán người không chỉ gặp tổn thương về thể chất mà còn về tinh thần... Do đó, bên cạnh hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và y tế thì việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình ổn và phục hồi về mặt tâm lý là vô cùng quan trọng.
Tại Ngôi nhà Bình yên, chúng tôi hiểu rằng để có thể xây dựng một kế hoạch hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, trước hết phải xây dựng được lòng tin của người tạm trú, họ cần được cung cấp đầy đủ thông tin và hiểu được việc họ ở nhà tạm lánh là đang được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Ngoài những buổi tham vấn cá nhân, hoạt động sinh hoạt nhóm cũng được tổ chức định kỳ hàng tuần nhằm trang bị cho người tạm trú các kiến thức kỹ năng liên quan đến phòng, chống bạo lực giới, mua bán người, các kỹ năng để tự bảo vệ bản thân. Sau khi họ rời Ngôi nhà Bình yên sẽ không tái trở thành nạn nhân hoặc rơi vào bẫy trở thành thủ phạm tiếp tay cho các đường dây mua bán người”. Ngoài ra, nhằm đảm bảo việc tái hòa nhập bền vững, Ngôi nhà Bình yên cũng thực hiện việc hỗ trợ sinh kế, kết nối với các cơ sở đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm, tìm kiếm các nguồn tài trợ để trang bị các trang thiết bị, công cụ, từ đó người tạm trú có thể làm nghề sau khi trở về địa phương.
Cũng theo bà Nguyễn Khánh Linh, Ngôi nhà Bình yên đã có sự phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương và Bộ đội Biên phòng… trong việc tiếp nhận các nạn nhân mua bán người trong suốt thời gian qua. Đối với các hoạt động phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra, từ việc thực hiện hiệu quả, chuyên nghiệp các hoạt động tham vấn, Ngôi nhà Bình yên đã thu thập được nhiều thông tin có giá trị từ nạn nhân, hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân trong quá trình lấy lời khai phục vụ công tác điều tra. Với thông điệp “Bạn không cô đơn, Ngôi nhà Bình yên luôn bên bạn”, nơi đây đã và đang tiếp cận và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, miễn phí dựa trên nguyên tắc lấy thân chủ làm trọng tâm, cá nhân hóa các kế hoạch hỗ trợ để đảm bảo tốt nhất cho sự an toàn và quyền của nạn nhân.
“Chúng tôi tin rằng, sự đồng hành của Ngôi nhà Bình yên với các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người có thể giúp một phần nào đó phục hồi những tổn thương mà nạn nhân phải gánh chịu, đồng thời giảm thiểu những hậu quả của mua bán người đối với từng cá nhân, gia đình và cộng đồng” – bà Nguyễn Khánh Linh chia sẻ.