Hoa nở trên đá
Sắc trắng hoa ban, hoa sơn tra vẫn bung nở trên triền đồi những ngày tháng tư. Một bức tranh trong trẻo và đầy quyến rũ miền sơn cước. Sơn La đẹp không chỉ có cảnh sắc, mà vẻ đẹp đó còn nhân lên nhiều lần bởi con người nơi đây – họ là những bông hoa nở trên đá núi. Sắc xanh trong những bộ quân phục của các nữ chiến sĩ Công an cơ sở mang đến nguồn sinh khí mới cho những mảnh đất còn nhiều nhọc nhằn nơi đây.
1. Đến bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt ai ai cũng biết Thiếu tá Lừ Thị Thu Trang, dân bản ở đây quý mến gọi chị bằng hai từ “nụ Trang”, “nụ” trong tiếng Thái là “con cái”, dân bản ở đây coi nữ Công an ấy như con của họ trong gia đình. Theo chân nữ Thiếu tá xuống bản, điều đó lại càng được minh chứng rõ nét hơn qua từng lời nói, hành động của chị; dưới mái nhà sàn, Thiếu tá Lừ Thị Thu Trang, Phó trưởng Công an xã Sặp Vạt cùng đồng đội vui vẻ trò chuyện với bà Lò Thi Le ở Mệt Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu: “Năm nay nhà mình thu hoạch được mấy tấn mía thế “êm” (mẹ)?” / “Cũng đủ ăn thôi “nụ”(con) ơi…”/ Nếu êm thấy ở bản có vấn đề gì êm phải bảo chúng con ngay nhé!/ “Ở bản dạo này chẳng có vấn đề gì, bà con rất yên tâm!...”.
Chỉ nhìn cách tiếp xúc, trò chuyện của Thiếu tá Trang với quần chúng nhân dân cũng đủ thấy tình cảm của chị với cơ sở chân thành và gắn kết đến nhường nào. Bà Le xúc động nói: “Trước đây, khi chưa có lực lượng Công an chính quy, và nụ Trang xuống thì tình hình ANTT còn nhiều vấn đề lắm, vẫn có tình trạng trộm cắp xảy ra nên dân bản cũng có nhiều tâm tư. Nhưng giờ thì yên tâm lắm rồi”.
Công tác tại xã vùng III với nam giới đã khó khăn, nhưng với những nữ cán bộ Công an thì khó khăn đó lại nhân lên gấp bội phần. Khi trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, việc nắm bắt về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế. Trước khi xung phong về cơ sở, Thiếu tá Lừ Thị Thu Trang là cán bộ Đội An ninh Công an huyện, sau đó công tác tại Công an thị trấn, và giờ là Công an xã Sặp Vạt. Người mới, công việc mới và địa bàn mới, nên việc đầu tiên của chị là phải gần đồng đội, gần chính quyền, gần nhân dân để biết người dân, chính quyền cần gì, trông đợi gì vào lực lượng Công an chính quy khi được triển khai về xã, làm như thế nào để đáp ứng được kỳ vọng của người dân, chính quyền trong công tác đảm bảo ANTT.
Công tác tại cơ sở, mỗi ngày trôi qua, với chị đó là những kỷ niệm đáng nhớ, nhưng có lẽ kỷ niệm khi lần đầu tiên đi đánh án ma túy có lẽ là một nét vẽ của cuộc sống chạm vào trái tim chị, đến giờ nữ Thiếu tá vẫn nhớ như in. Ngày ấy mới về địa bàn, khi có thông tin về đối tượng liên quan đến ma túy, chị cùng anh em trong xã phối hợp lực lượng Công an huyện để “tóm gọn” đối tượng này.
Xác minh, bám, nắm đối tượng liên quan đến ma túy đòi hỏi có sự khéo léo, linh hoạt, không sẽ lộ nghiệp vụ. Nửa tháng trời trôi qua, có những lúc chị và anh em đánh án tưởng vụ án sẽ đi vào ngõ cụt, nhưng rồi bằng sự bền bỉ cùng với tinh thần thép, anh em đánh án lại động viên nhau “cất vó” được tên này. Đêm “cất vó”, địa điểm mà đối tượng hoạt động đó là một nhà văn hóa của bản, trời tối đen như mực, không gian bốn bề ẩm thấp, đối tượng lại hoạt động kín kẽ để qua mặt lực lượng Công an. Xác định thời điểm thích hợp, Thiếu tá Trang và anh em trong tổ công tác ập đến bắt giữ đối tượng, mặc cho đối tượng chống trả quyết liệt, nhưng bản lĩnh người phụ nữ ấy không cho phép mình chùn bước. Sau ít phút giằng co, đối tượng cũng phải chịu khuất phục.
Về đến trụ sở khi đã quá nửa đêm trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, anh em trong tổ công tác trêu rằng “Chị Trang đo được mấy mét đường rồi?”, dẫu mệt và có nhiều hiểm nguy nhưng với chị đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất đến giờ chị không thể nào quên.
2. Về huyện biên giới Sốp Cộp những ngày tháng tư, khi những cơn mưa bất chợt đổ xuống, Đại úy Thào Thị Thu, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an huyện Sốp Cộp cùng anh em trong Đội vẫn miệt mài xuống bản cấp CCCD và mã định danh điện tử cho bà con dân bản.
Là nữ chiến sĩ người Mông hiếm hoi của Công an toàn tỉnh, Đại úy Thào Thị Thu là tấm gương cho nhiều người con gái trong bản học tập và noi theo, ngày ấy chị đã “đấu tranh” không ngừng để được đi học tiếp với lời hứa góp sức mình cho quê hương bản làng. Bằng tuổi chị, các bạn cứ học hết lớp 8, lớp 9 là bỏ học về bản lấy chồng, vì họ cho rằng chỉ có lấy chồng thì mới thay đổi cuộc đời, có thêm người về nhà làm nương, làm rẫy, trồng cây ngô, cây khoai…vậy là đủ!
Ngày đầu nhận nhiệm vụ, còn vô vàn những điều mới mẻ, Đại úy Thào Thị Thu tâm sự: mặc dù bản thân chị là người dân tộc thiểu số, nhưng có những điều chị nói bà con cũng chưa nắm hết được, đòi hỏi bản thân chị cần phải có những cách “giải mã” gần gũi, nhưng cách hữu hiệu nhất vẫn là “mưa dầm thấm lâu” và mọi việc phải xuất phát từ tâm. Cứ kiên trì như vậy, đến nay bà con ai cũng đã tin tưởng, thương yêu chị và đồng đội như người trong gia đình. Khi tuyên truyền cũng như vận động, bà con đã nghe và tin tưởng.
Trong những ngày này, chị và anh em trong Đội đang dốc sức thực hiện đợt thi đua 120 ngày đêm thực hiện Đề án 06/CP do Công an tỉnh phát động, phối hợp với Công an các xã, thị trấn trên địa bàn để hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân trên địa bàn, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể. Tập trung và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn công dân trên địa bàn huyện lập hồ sơ và hoàn thành quy trình hủy, xác lập lại số định danh cá nhân sai cấu trúc…
Tìm hiểu thêm về nữ Đại úy trẻ đầy nhiệt huyết này, chúng tôi được biết, chồng của chị cũng công tác trong lực lượng Công an, Thiếu tá Vì Văn Kiến công tác tại Đội Tổng hợp Công an huyện. Khi hai mảng công tác của 2 vợ chồng đều có những khó khăn, vất vả, con còn nhỏ nhưng cả hai đều động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Khi được hỏi, cả 2 vợ chồng đều bận rộn, việc chăm sóc con cái, gia đình ai sẽ lo? Đại úy Thào Thị Thu bộc bạch: Thú thật, công việc của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH thời điểm hai năm nay đều rất bận, có những lúc chị đi công tác trong các bản vùng sâu, vùng xa hàng tháng trời, nhưng cũng rất may mắn chị có một người chồng yêu thương, sẻ chia, là chỗ dựa vững chắc để chị yên tâm công tác. Anh xã nhà chị nhiều lúc phải kiêm nhiều nhiệm vụ, vừa làm chồng, vừa làm cha, thậm chí vừa làm mẹ của các con, khi con ốm, con nhớ mẹ thì bản thân anh cũng đã có nhiều cách để vỗ về các con, để chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
3. Những nữ chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà mà họ còn là những tấm gương của sự dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ trước mọi tình huống. Nhớ lại năm 2021, thời điểm khi dịch bệnh COVID-19 căng thẳng nhất trên địa bàn cả nước và cả tỉnh Sơn La, trong đó huyện Phù Yên là địa bàn dịch bùng phát mạnh nhất. Thiếu tá Đinh Thị Chí, Phó trưởng Công an xã Huy Thượng, huyện Phù Yên đã xung phong đi vào tâm dịch, sát cánh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ truy vết F0, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân các bản vùng cao chấp hành tốt các quy định của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thức khuya, dậy sớm đồng hành cùng đồng đội, bà con nhân dân trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, Thiếu tá Đinh Thị Chí chia sẻ: Địa bàn xã Huy Thượng rất rộng, để tham gia làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19, Thiếu tá Đinh Thị Chí đã phải gửi hai con nhỏ cho người thân trông hộ; con còn nhỏ, đôi khi trái gió trở trời chỉ sợ con ốm lại không có mẹ bên cạnh cũng là một thiệt thòi lớn. Khi nhắc đến 2 con của chị, bất giác chị lặng người đi, những giọt nước mắt lăn dài qua lớp khẩu trang và chị nói với chúng tôi bằng cả niềm xúc động: “Nhớ con lắm em ạ! Lần đầu tiên mình xa con lâu đến vậy, có nhiều đêm đi làm về, nghĩ đến con không ngủ nổi”.
Không “lên gân”, không ồn ào, hình thức, những bông hoa của núi đang ngày đêm góp sức bảo đảm ANTT trên địa bàn. Với họ, cái được lớn nhất không phải là những tấm bằng khen, giấy khen mà là sự tin tưởng, giúp đỡ của nhân dân và chính quyền ở cơ sở nơi bản làng vùng cao.