Cần chấn chỉnh việc quản lý, cấp phép đối với các trường tư thục

Hơn chục nghìn học sinh lớp 9 khó vào trường công mỗi năm (bài 2)

Thứ Sáu, 25/07/2025, 06:28

Trước khi sáp nhập, năm học 2024-2025 ngành GDĐT TP Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh, Bình Dương có khoảng 520.700 học sinh và Bà Rịa - Vũng Tàu có 300.000 học sinh. Sau khi sáp nhập, hiện thành phố có khoảng 2,6 triệu học sinh, nhiều nhất cả nước. Về quy mô trường lớp, sau khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 3.500 trường học từ bậc mầm non tới THPT.

Với quy mô học sinh như trên, khu vực Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu quỹ đất còn nhiều nên tình trạng thiếu trường lớp ít gay gắt hơn. Nhưng với các phường, xã thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh cũ, để có chỗ học trong trường THPT công lập cách nhà vài km là vấn đề không đơn giản với nhiều phụ huynh…

Hơn chục nghìn học sinh lớp 9 khó vào trường công mỗi năm (bài 2) -0
Trường quốc tế nhiều cấp học Tây Úc đang được Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu rà soát.

Khi số lượng học sinh lớp 9 vẫn ở mức cao hàng năm, thì do cơ sở vật chất trường công lập quá tải, nên năm học 2024-2025 vừa qua, Sở GDĐT chỉ tuyển được 71.020 học sinh vào lớp 10 tại 113 trường công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (cũ), giảm 6.274 chỉ tiêu so với năm học trước đó. Sang năm học 2025-2026 này, dù chỉ riêng khu vực TP Hồ Chí Minh (cũ), số lượng học sinh lớp 9 đã có tới 88.772 em, nhưng 115 trường THPT công lập cũng chỉ được giao tuyển sinh 70.070 chỉ tiêu.

Mặc dù cơ hội để học sinh tốt nghiệp THCS được vào trường THPT công lập tăng cao hơn tới 14% so với năm học trước đó, nhưng cũng chỉ 79% số học sinh lớp 9 được vào trường THPT công lập. Như vậy với 21% số học sinh vừa học xong lớp 9 còn lại, nếu phụ huynh không muốn cho con em vào học bổ túc tại các trung tâm giáo dục thường xuyên; học cao đẳng, trung cấp nghề, thì chỉ còn cách phải “cắn răng” trả học phí để vào các trường tư thục có bậc THPT.

Trước khi ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh ra quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 cho 64 trường THPT và trường phổ thông nhiều cấp học thuộc loại hình tư thục ở địa bàn TP Hồ Chí Minh (cũ) vào ngày 28/5, ngày 12/5 ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GDĐT đã ký giấy mời tham dự họp về rà soát quy mô học sinh năm học 2025 -2026 và các năm tiếp theo của các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ngoài công lập. Kèm theo giấy mời này là danh sách 36 trường được mời lên Sở GDĐT làm việc theo từng nhóm, từng khung giờ khác nhau.

Như vậy, trước khi “chốt” danh sách các trường và số lượng được phép tuyển sinh, Sở GDĐT đã kiểm tra, khảo sát về cơ sở vật chất, điều kiện đáp ứng của các trường để ấn định chỉ tiêu được phép đào tạo. Tuy vậy, đến ngày 16/6 ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT ký văn bản về việc thành lập Hội đồng tuyển sinh lớp 10 cho năm học mới trong đợt 1, thì danh sách chỉ còn lại 43 trường.

Để tiếp tục rà soát, cho phép các trường tư thục tuyển sinh khối 10, ngày 3/6, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GDĐT tiếp tục ký văn bản gửi 15 trường tư thục yêu cầu rà soát, báo cáo lại điều kiện cơ sở vật chất, đề xuất lại chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2025-2026 nhằm đảm bảo định mức diện tích sàn cho mỗi học sinh theo quy định; bổ sung văn bản pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê cơ sở vật chất, biên bản kiểm tra PCCC… Như vậy, ngay cả cơ hội tìm được chỗ học ở trường tư thục không quá xa nơi ở và có mức học phí phù hợp với khả năng cũng là điều không dễ dàng với nhiều phụ huynh có con em không vào được lớp 10 công lập. 

Con số 18.700 học sinh lớp 9 không được vào lớp 10 trường công trong năm học tới tưởng chừng đã tạo cơ hội rất lớn cho các trường tư thục, nhưng ngược lại, ông Huỳnh Kim Tuấn, Hiệu trưởng hệ thống Trường THCS-THPT Trần Cao Vân - một trường mức học phí đại trà với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đỗ vào các trường đại học công lập lên tới 70% cho biết: Năm nay tuyển sinh rất khó khăn.

Đến thời điểm này trường mới tuyển được khoảng 750 học sinh khối 10, chưa bằng một nửa so với chỉ tiêu được giao. Vì vậy, lý do dẫn đến thực trạng trên là gì? Do nhiều phụ huynh đã cân nhắc cho con em vào trường cao đẳng, trung cấp nghề hay còn do cạnh tranh không sòng phẳng giữa các trường tư thục? Vấn đề này Sở GDĐT và từng phường, xã cần nắm rõ để biết số học sinh lớp 9 ở khu vực TP Hồ Chí Minh (cũ) không đủ điểm vào lớp 10 công lập sẽ học ở đâu trong năm học sắp tới.  

Sau những ngày thấp thỏm với kết quả thi tốt nghiệp của con, ông Phạm Thế Duy - một phụ huynh ở khu vực trung tâm thành phố hồ hởi cho hay, con trai ông đã đậu nguyện vọng 1 theo số điểm do Sở GDĐT công bố mới đây. Nhưng khi nhận xét về con số tuyển sinh vào lớp 10 công lập hàng năm luôn thấp hơn hàng chục nghìn so với số lượng học sinh dự thi tốt nghiệp THCS, giọng của phụ huynh này bỗng chùng xuống.

“Trừ số ít những gia đình có điều kiện muốn cho con vào học trường quốc tế với học phí rất cao, còn lại hầu hết các bậc cha mẹ như tôi đều muốn các cháu tiếp tục được học trường công đến hết bậc THPT mới đi học nghề hoặc học đại học do tuổi các cháu còn nhỏ. Hơn nữa, kiến thức ở bậc THPT là bắt buộc và là hành trang để các cháu trưởng thành sau này. Song mỗi năm thành phố “loại” hơn chục nghìn học sinh lớp 9, những gia đình cố lo được sẽ buộc phải cho con học trường tư thục với học phí cao; những trường hợp khó khăn chỉ còn cách phải cho con theo học trường nghề hoặc học bổ túc trung học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Khi đó kiến thức bắt buộc phải học ở bậc THPT của các cháu sẽ khó toàn diện”, ông Duy tâm tư.

Trong khi địa bàn Gò Vấp (cũ) có đến 4 trường THPT công lập, thì việc phân tuyến nguyện vọng 2 cho học sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 đã được Sở GDĐT thành phố “đẩy” tới một trường THPT ở cuối quận Phú Nhuận (cũ). Nhà ở cuối khu vực Gò Vấp, nên hàng ngày vợ chồng bà M. phải cắt cử nhau sáng dậy sớm hoặc chiều tan làm trước để đưa đón con đi học trên hành trình hơn chục km từ nhà đến trường. Sang năm học sắp tới vợ chồng bà M. quyết định dành tiền mua xe máy điện công suất nhỏ cho con tự đi học dù chưa yên tâm khi để con chạy xe đi một mình trước tình trạng đường sá đông đúc, kẹt xe triền miên hiện nay.

Nhìn lại hành trình một năm ròng rã lặn lội đưa đón con đi học, bà M đề nghị ngành GDĐT cần xem lại việc phân tuyến đối với học sinh THPT, làm sao bảo đảm quãng đường đi học của các cháu trong bán kính vài km để cả phụ huynh và học sinh bớt cực nhọc. Khi đã sáp nhập 3 tỉnh, thành, năm học này ngành GDĐT thành phố cần phân tuyến lại đối với học sinh vừa tốt nghiệp bậc THCS, vào trường THPT công lập. “Học sinh vào lớp 10 ở khu vực Gò Vấp, quận 12 (cũ) sang khu vực Thuận An của Bình Dương học sẽ gần và đi lại đỡ vất vả hơn đi vào các trường ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh để học”, bà M. nêu ý kiến.

Chúng tôi gửi một loạt nội dung xoay quanh những vấn đề nêu trên đến ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT thành phố. Ông Hiếu cho biết đã chuyển cho cấp dưới để chuẩn bị nội dung trả lời nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.

Quy định tạm thời của TP Hồ Chí Minh về chuẩn phổ cập bậc trung học trên địa bàn giai đoạn 2023-2030: Thanh, thiếu niên được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trước khi hết 21 tuổi. Phường, xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS phải huy động được 95% học học sinh tốt nghiệp THCS theo học chương trình phổ cập THPT (đối với ngoại thành là 90%); có tỷ lệ người từ 18-21 tuổi có bằng tốt nghiệp chương trình bậc phổ cập trung học từ 80% trở lên (ngoại thành là 70%).

Bảo Sơn
.
.