Điều chỉnh, bãi bỏ nhiều quy định là "rào cản" trong lĩnh vực giáo dục

Thứ Tư, 09/10/2024, 16:16

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định số 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nghị định số 125 có một số nội dung mới, thay đổi cơ bản so với Nghị định số 46 và 135.

Tại quy định mới đã cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Nghị định đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức.

Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh đối với 8 ngành nghề kinh doanh gồm: Hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non; hoạt động của cơ sở giáo dục phổ thông; hoạt động của cơ sở giáo dục thường xuyên; hoạt động của trường chuyên biệt; hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kiểm định chất lượng giáo dục; dịch vụ tư vấn du học. Đồng thời, quy định bổ sung rõ trình tự thực hiện 6 thủ tục hành chính còn vướng mắc trong triển khai thực hiện trên thực tế.

Điều chỉnh, bãi bỏ nhiều quy định gây
Nghị định mới điều chỉnh các quy định về điều kiện thành lập cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Nghị định mới cũng đã thay đổi các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng thay thế hoặc bãi bỏ những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức. Tại Nghị định số 125 cũng có một nội dung mới so với quy định trước đó là Nghị định đã bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục công nhận đại học vùng, đại học quốc gia.

Cụ thể tại Điều 104 Nghị định số 125 quy định 3 nhóm điều kiện để công nhận đại học vùng, đại học quốc gia. Các điều kiện thành lập, cho phép thành lập đối với tổ chức kiểm định trong nước đã được sửa đổi bổ sung phù hợp theo hướng tường minh các điểu kiện, bảo đảm tính khả thi và thực chất phù hợp với mô hình tổ chức công, tư theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn do cách hiểu của xã hội chưa thống nhất về việc "độc lập" đối với các tổ chức kiểm định công lập, không làm phát sinh tình huống phức tạp khi phải xây dựng cơ chế đặc thù đối với tổ chức công lập; tổ chức kiểm định công hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập độc lập tự chủ cấp độ 1 theo quy định chung.

Về điều kiện thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, Nghị định đã chỉnh sửa điều kiện này theo hướng đề án thành lập trường phải "phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương" để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Đối với trường cao đẳng sư phạm, Nghị định điều chỉnh quy định về diện tích đất xây dựng trường cao đẳng sư phạm để thống nhất với điều kiện về diện tích đất xây dựng trường cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như sau: "2 ha đối với khu vực đô thị hoặc 4 ha đối với khu vực ngoài đô thị". Đối với trường tư thục, để bảo đảm về nguồn vốn của nhà đầu tư khi đăng ký thành lập trường, bổ sung quy định: "Vốn đầu tư xây dựng trường tư thục phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận".

Đối với trường đại học, Nghị định quy định điều kiện cho phép trường đại học hoạt động đào tạo theo hướng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu, đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý phải đáp ứng yêu cầu hoạt động đối với các ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo, quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

H.Thanh
.
.