Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ Hai, 12/05/2025, 15:44

Chiều 12/5, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã phối hợp với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND và PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đồng chủ trì hội thảo. 

Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc -0
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Quyền con người là giá trị cốt lõi của nhân loại, được khẳng định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người năm 1948 và các công ước quốc tế quan trọng khác. Tại Việt Nam, quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật cụ thể hóa, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người.

Đặc biệt, Thông báo số 01/TB-VPCP ngày 01/01/2025 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã nhấn mạnh rằng: “Chương trình giáo dục quyền con người là chương trình chính thức, nằm trong tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng môn học quyền con người là môn học độc lập trong các cơ sở giáo dục, đào tạo”. Đây là định hướng quan trọng, khẳng định vai trò của giáo dục quyền con người trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc -0
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại hội thảo.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, với sự hội nhập quốc tế sâu rộng và những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục quyền con người không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là nền tảng để đào tạo những thế hệ công dân có ý thức pháp luật, tinh thần nhân văn, và trách nhiệm xã hội. Giáo dục quyền con người giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tôn trọng sự đa dạng, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, và tích cực tham gia xây dựng một xã hội đoàn kết, thượng tôn pháp luật.

Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc -0
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định: Giáo dục quyền con người không chỉ là một môn học hay một hoạt động ngoại khóa mà là một quá trình thấm nhuần các giá trị nhân văn, dân chủ vào nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc đầu tư vào giáo dục quyền con người ở các cơ sở giáo dục là một đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước, góp phần đào tạo ra những công dân có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có ý thức trách nhiệm cao, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và văn minh.

Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc -0
PGS.TS Đặng Dũng Chí, nguyên Viện trưởng Viện Quyền con người phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đều khẳng định, giáo dục quyền con người là nền tảng cho xã hội thượng tôn pháp luật. Bảo vệ và giáo dục quyền con người là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện của cả nước, cũng là vấn đề mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, việc lồng ghép nội dung quyền con người vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa đã được triển khai tại một số trường học.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục quyền con người trong nhà trường, các ý kiến đề xuất cần xây dựng môn học quyền con người độc lập, đưa vào chương trình giáo dục chính thức, thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân; tích hợp nội dung quyền con người vào các môn đồng thời áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, đa dạng như câu lạc bộ, hội thảo, tọa đàm, và hoạt động tình nguyện để học sinh, sinh viên thực hành các giá trị quyền con người; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước để nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy.

Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc -0
Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Đặng Dũng Chí, nguyên Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục quyền con người góp phần hình thành phẩm chất, đạo đức của thế hệ trẻ Việt Nam. Trong đó, giáo dục thế hệ trẻ về nhân quyền cần được chuyển đổi từ nhận thức sang hành vi. Thông qua giáo dục quyền con người, thế hệ trẻ sẽ hiểu rõ về các quyền và nghĩa vụ của mình, tôn trọng pháp luật và quyền của người khác; thấu hiểu những giá trị nhân văn sâu sắc, biết đồng cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng và quan điểm...

Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc -0
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thái Nguyên phát biểu tại hội thảo.

Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND đã chia sẻ về giáo dục quyền con người tại các học viện, trường CAND hiện nay và các giải pháp nâng cao hiệu quả. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các trường CAND trong việc bảo vệ quyền con người theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAND.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thái Nguyên cũng đề xuất tăng “kháng thể” cho người dân trong xã hội số, nhất là việc các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề về nhân quyền; chống “tác dụng phụ” trong xã hội số; nguy cơ “tắt não, bật chat GPT”… Cùng với đó, cần thay đổi cách tiếp cận mới về giáo dục quyền con người bền vững thông qua giáo dục xanh, giáo dục số.

Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc -0
PGS.TS Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa giáo dục nhân văn và giáo dục quyền con người. Để làm tốt công tác này, cần đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chú trọng kỹ năng cần thiết, nhất là kỹ năng mềm; sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và mạng xã hội; xây dựng môi trường giáo dục tích cực và sáng tạo, trong đó trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng dạy quyền con người; thúc đẩy chính sách hỗ trợ để phát triển giáo dục nhân văn gắn với quyền con người…

Chú trọng giáo dục quyền con người ở các nhà trường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND khẳng định: Hội thảo hôm nay không chỉ là một diễn đàn học thuật mà còn là cơ hội khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy giáo dục quyền con người tại Việt Nam.

Những ý kiến, giải pháp được trình bày tại hội thảo sẽ góp phần đưa giáo dục quyền con người trở thành một chương trình chính thức, thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người năm 2024.

Huyền Thanh
.
.