Nghệ thuật sinh thái: Những tiếng nói mạnh mẽ về môi trường

Thứ Sáu, 22/11/2019, 14:12
2019 có thể nói là một năm nở rộ của nghệ thuật sinh thái. Chưa bao giờ các vấn đề về môi trường như ô nhiễm, rác thải nhựa… lại được các nghệ sĩ quan tâm nhiều như hiện nay. Có thể nói, nghệ thuật sinh thái đang là một đề tài “hot”, thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cộng đồng.


Nỗi ám ảnh rác thải nhựa qua những triển lãm nghệ thuật

Trước đây, đề tài nghệ thuật sinh thái ít được quan  tâm, nếu không nói, đó vẫn là những tiếng nói nhỏ lẻ, yếu ớt, chưa đủ mạnh để lại dấu ấn hay có tác động lớn đến xã hội. Nhưng mấy năm gần đây, những vấn đề về môi trường, rác thải nhựa đang trở thành vấn đề toàn cầu, đặc biệt Việt Nam đang đối mặt nặng nề với những hậu quả từ môi trường.

Nghệ thuật sinh thái trở thành phương tiện để nghệ sĩ bày tỏ quan điểm về các vấn đề nóng của xã hội, góp phần kết nối và cảnh tỉnh mọi người về ý thức sống xanh, gần gụi với thiên nhiên, bảo vệ trái đất đang bị quá tải và gồng mình chống chọi với thiên tai, bão lũ.

Tác phẩm của nghệ sĩ Von Wong.

Nghệ thuật sinh thái manh nha từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước. Nhưng ở Việt Nam, một vài năm gần đây, nó mới được các nghệ sĩ quan tâm và xuất hiện một số dự án. Trong xu thế phát triển của nghệ thuật đương đại, người nghệ sĩ dần thoát khỏi cái tôi của mình để quan tâm đến những vấn đề mạnh mẽ hơn tới cộng đồng. Nghệ thuật sinh thái là cách để họ thể hiện điều đó.

Năm 2017, dự án nghệ thuật sắp đặt “Những can thiệp nối dài” của nghệ sĩ Lê Phi Long, với tác phẩm “Tương lai ẩn khuất” và “Dị bản xâm lăng” đã được thực hiện tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và ở TP. Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao nhận thức của con người về mối nguy hại ô nhiễm môi trường từ rác thải.

Cuối năm 2018, nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly dựng “Cây ký ức - Cây hy vọng”, một tác phẩm công cộng, ngay vị trí gốc cây cuối cùng thuộc hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP. Hồ Chí Minh). Ly Hoàng Ly cũng là nghệ sĩ đương đại duy nhất của Việt Nam tham gia lễ hội Art + Climate = Change 2019, diễn ra từ ngày 12-4 tới 1-6 tại Úc, bên cạnh 20 nghệ sĩ quốc tế khác.

Đầu năm 2019, nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế Von Wong đã chọn TP. Hồ Chí Minh làm nơi tổchức triển lãm “Rẽ sóng biển nhựa”, tác phẩm được thực hiện từ 160.000 ống hút nhựa được thu gom từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Von Wong vốn nổi tiếng với các tác phẩm siêu thực xoay quanh thảm họa môi trường. Những tác phẩm của anh là tổng hòa của những nỗ lực sắp đặt, thiết kế, nhiếp ảnh… để kể ra câu chuyện khiến người xem bàng hoàng và chia sẻ.

Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, nghệ sĩ đương đại Trần Nguyễn Ưu Đàm đã mang đến một triển lãm đầy ấn tượng “Rồng rắn lên”. Sau khi chu du qua nhiều không gian nghệ thuật danh tiếng như nhà hát Esplanade (Singapore), triển lãm “Body/Play/Politics” tại Bảo tàng Nghệ thuật Yokohama (Nhật Bản) và “Liên hoan nghệ thuật Asia Pacific Triennial 8” tại Queensland Art Gallery I Gallery of Modern Art (Úc)...

“Rồng rắn lên” đã tạo nên một tiếng nói mạnh mẽ ở Việt Nam với với những chiếc xe máy và hệ thống ống pô liên tục thổi căng những “con rắn” được khâu từ các túi nhựa dùng một lần.

Cảm hứng đến trong những lần Ưu Đàm dừng đèn đỏ, dường như bị ngộp vì khí thải từ động cơ xe máy. Trong ẩn dụ của Ưu Đàm, những dòng khí thải này gợi ra cảnh con người đang chật vật đấu tranh với những chế phẩm của một nền công nghiệp đang tàn phá và làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Một tác phẩm trong triển lãm “Hành tinh nhựa”.

Mới đây nhất, tại Hà Nội, Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA đã triển lãm “Hành tinh nhựa” kéo dài hơn hai tháng.

“Hành tinh nhựa” giới thiệu đến công chúng 4 tác phẩm sắp đặt, điêu khắc của nhóm nghệ sĩ đến từ Tò he (một doanh nghiệp xã hội ứng dụng sáng tạo nghệ thuật), bao gồm: “Đại dương”, “Cánh đồng”, “Lốc xoáy”, “Gia đình”. Những vật liệu nhựa đã qua sử dụng như ống hút, nylon, chai nước, đồ gia dụng… được ráp nối khéo léo thành các tác phẩm kích cỡ lớn. Trong đó, có những tác phẩm cao gần 4m, dài tới 18m.

Từ sự quan sát thực tế về môi trường sống ngập tràn nhựa, các nghệ sĩ đã sáng tạo nên một thế giới mà ở đó những yếu tố của tự nhiên như đất, nước, gió được “nhựa hóa”, trở thành cánh đồng ống hút, đại dương nylon…

Các tác phẩm được đặt cạnh nhau tạo thành một thế giới nhựa nghệ thuật đầy màu sắc, nhưng gợi nhắc đến thế giới thực tại ngập tràn rác thải nhựa ở khắp mọi nơi: Trong thiên nhiên, trong cuộc sống thường nhật, trong sự sống của mọi loài sinh vật, thậm chí trong cơ thể con người.

Nghệ thuật sẽ góp phần thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường

Thông qua hàng chục nghìn vật liệu nhựa đã qua sử dụng, được thu gom và đóng góp từ khắp mọi nơi, triển lãm mở ra những góc nhìn không giới hạn về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người và giữa con người với chính bản thân mình. Ở đó, nhựa là một hiện hữu không thể chối bỏ.

Bên cạnh 4 tác phẩm từ các nghệ sĩ, “Hành tinh nhựa” còn mang đến hai tác phẩm của các nghệ sĩ nhí. “Vùng an toàn và Hộp bí mật” qua góc nhìn của các bạn nhỏ tạo nên những liên tưởng phong phú về thế giới xung quanh, khiến người lớn giật mình, suy ngẫm.

Ngoài ra, tháng 8-2019, tại Trung tâm Văn hóa Pháp cũng diễn ra triển lãm “Xả rác ít thôi” với tác phẩm “Con sóng rác” được kết thành một tấm thảm lớn trên trần phòng triển lãm khiến nhiều người giật mình. Đây là một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Pháp với mục đích làm thay đổi nhận thức của mọi người về môi trường sống, rác thải nhựa.

“Phơi hải sản trên đống rác” - ảnh của Nguyễn Việt Hùng.

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, năm 2019, Leekima Hùng để lại dấu ấn đậm nét bởi hành trình “Cứu biển” của anh. Mới đây, nhân kỷ niệm 10 năm của hành trình anh dấn thân đi xuyên Việt để ghi lại những hiện trạng của biển, anh ra mắt cuốn sách “Du ký xanh”.

Triển lãm “Cứu biển” với hàng trăm bức ảnh được chọn trong 3000 bức ảnh của anh về những vùng biển Việt Nam ngập tràn rác thải nhựa  đã gây rung động dư luận. Đây là triển lãm đầu tiên khởi động cho dự án “Save  our Sea” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng.

Anh chia sẻ: "Tôi mong câu chuyện của mình được lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng, nhằm góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức và thúc đẩy những hành động tích cực của mỗi cá nhân, cũng như góp tiếng nói của một công dân tới các cơ quan quản lý, ban hành chính sách trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, cứu đại dương...".

Với thông điệp "Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi", thông qua các bức ảnh, tôi muốn kêu gọi sự chung tay hành động của cả cộng đồng, của các ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa".

Có thể nói, năm 2019 là năm nở rộ của nghệ thuật sinh thái. Lý giải vấn đề này, các nghệ sĩ cho rằng, chưa bao giờ vấn đề môi trường sống lại nóng như hiện nay. Việt Nam cũng là một tâm điểm về môi trường. Mỗi năm, trên toàn cầu có tới 8-12 triệu tấn nhựa rò rỉ ra biển và phải mất 400-1000 năm để chất thải nhựa phân hủy hoàn toàn.

Các chiến dịch sống xanh, vì môi trường, dọn rác ở biển được tổ chức rầm rộ. Những đổi  thay, biến dạng của môi trường sống đã tác động đến người nghệ sĩ. Nghệ thuật với những sắc màu mới mẻ, đa dạng, không chỉ là chốn nương náu của cái tôi và truyền tải cái đẹp, nó còn là một phương tiện để nghệ sĩ gửi gắm thông điệp tới cộng đồng và tác động đến xã hội.

Trong xu thế phát triển của đời sống, nghệ sĩ sinh thái không giới hạn mình trong những ước lệ, lối mòn về đề tài, thủ pháp… như những thế hệ đi trước. Họ mang đến những tiếng nói mới mẻ, kết nối bằng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau như sắp đặt, video art, trình diễn, tạo ra những tiếng nói mạnh mẽ, thẳng thắn về môi trường, xã hội.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng mong muốn sẽ mang triển lãm của mình đến các tỉnh, thành để gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, nâng cao ý thức về môi trường sống. “Nhiếp ảnh hay các phương tiện nghệ thuật đương đại có khả năng truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến người xem bởi tính chân thực và thông tin chứa đựng trong đó.

Chắc chắn, hiệu quả tác động của nó đến xã hội tốt hơn nhiều những bài giảng, lời tuyên truyền vì nó là những bằng chứng chân thực, cụ thể.” Nguyễn Việt Hùng khẳng định. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, nghệ thuật sinh thái ở Việt Nam cần sự vào cuộc của nhiều nghệ sĩ hơn nữa, cần các dự án lớn để góp phần thay đổi nhận thức của mọi người.

Lan Tường
.
.