Gameshow hẹn hò: Nhiều, nhảm, nhạt!

Thứ Hai, 19/03/2018, 08:03
Sau thành công của “Bạn muốn hẹn hò”, với sự dẫn dắt duyên dáng của Quyền Linh và Cát Tường, hàng loạt gameshow hẹn hò xuất hiện liên tục trên truyền hình, chiếm sóng những khung giờ vàng. Tuy nhiên, trái với mong đợi của khán giả, những gameshow thiếu sự chân thực, mang tính sắp đặt, câu khách khiến khán giả lắc đầu ngán ngẩm.

Nhất là khi đến với chương trình hầu hết là những “mỹ nam”, “mỹ nữ” đang hoạt động nghệ thuật thì khán giả càng nghi ngờ đó chỉ là một chiêu trò câu khách chứ không phải người chơi đến với chương trình để tìm thấy một tình yêu thực sự.

Trải qua hơn 300 tập phát sóng, không thể phủ nhận sức hút của “Bạn muốn hẹn hò” khi đánh trúng tâm lý khán giả, tạo cơ hội cho những người đang cô đơn trên hành trình tìm kiếm “một nửa” còn lại của cuộc đời mình. Sau gần 4 năm lên sóng chương trình đã làm mai thành công cho hơn 450 cặp đôi, trong đó 33 cặp đã thành hôn. 

“Giai điệu chung đôi” khiến người xem thấy giả tạo.

“Love Bus” cũng ghi nhận 96 lời tỏ tình, 54 cặp đôi kết nối thành công và hiện đã có 2 cặp làm đám cưới, 1 cặp làm đám hỏi. Những kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời, trong tình yêu, những tiếng cười, những giọt nước mắt đau đớn, hạnh phúc của người chơi mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau. 

Vì người chơi là những con người bình thường, có những câu chuyện tình yêu khá thật, khá thú vị nên khán giả nhìn thấy ở đó là sự chân thành, gần gũi, không suy diễn. Sức hút của “Bạn muốn hẹn hò” cũng từ những điều bình thường, đơn giản đó mà ra.

Tiếp nối sự thành công của “Bạn muốn hẹn hò”, một loạt chương trình hẹn hò ra đời, liên tục chiếm sóng trong "khung giờ vàng" trên truyền hình như “Vì yêu mà đến”, “Khúc hát se duyên”, “Lựa chọn của trái tim”, “Quý cô hoàn hảo”, “Giai điệu chung đôi”... 

Tuy nhiên, trái với mong đợi, một mô típ quen thuộc của hẹn hò được dựng lên giữa những người chơi vốn khá nổi tiếng trong showbiz Việt, chứ không đơn thuần là cuộc chơi, cuộc tìm kiếm, chinh phục tình yêu của những con người bình thường trong phiên bản gốc từ nước ngoài, cùng với những ứng xử kì cục, thiếu tôn trọng lẫn nhau, thậm chí là thiếu văn hóa của người chơi khiến các gameshow hẹn hò dần trở nên nhàm chán.

Thiên Kì, cô gái gây bão trong “Quý cô hoàn hảo”.

Lấy format từ chương trình “Phi thường hoàn mỹ” của Trung Quốc, chương trình “Vì yêu mà đến” nhận không ít “gạch đá” từ khán giả khi có nhiều tình tiết không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Để có được tình yêu của mình, các nhân vật nữ phải dùng đủ “thủ đoạn”, tìm mọi cách để chèo kéo, thuyết phục nhân vật nam chấp nhận hẹn hò cùng mình. 

Quan niệm “cọc đi tìm trâu” không có gì đáng chê trách, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay, tuy nhiên cách ứng xử thiếu tiết chế, thậm chí là trẻ con, nhưng lại được tung hê trên sóng truyền hình quốc gia vô tình làm xấu đi hình ảnh người chơi và khiến chương trình “mất điểm” trong mắt người xem.

Bên cạnh đó, trong “Vì yêu mà đến”, chính dàn khách mời quá nổi bật, ngoại hình bắt mắt và có tiếng trong làng giải trí làm cho khán giả nghi ngờ độ chân thực của những cuộc hẹn. Khán giả có quyền nghi vấn, các "mỹ nam", "mỹ nữ" tham gia chương trình có thật sự để hẹn hò, hay đó chỉ là cái cớ để họ hâm nóng thêm tên tuổi của mình và quảng bá hình ảnh của mình đến gần với khán giả hơn với mục đích phục vụ con đường phát triển nghệ thuật của mình sau này không hơn không kém.

Chương trình “Lựa chọn của trái tim” tiếp tục có sự xuất hiện của Trịnh Xuân Nhản, nam diễn viên từng tham gia “Vì yêu mà đến”. Chưa bàn đến yếu tố "quen mặt", sự cố chọn nhầm người khiến Trịnh Xuân Nhản gặp nhiều rắc rối. 

Chương trình gặp nhiều chỉ trích vì đi ngược lại thông điệp tình yêu, để nhan sắc chi phối chuyện tình cảm. Khán giả như được xem "cuộc phán xử tình yêu", khách mời cầm trịch phán xét chuyện tình yêu và lựa ra cho mình người được cho là hoàn hảo nhất.

Thêm một chương trình gây nhiều tranh cãi nhất là “Quý cô hoàn hảo”. Để thêm yếu tố kịch tính, chương trình đưa nhân vật "mẹ chồng" vào để làm khó nàng dâu tương lai. Kèm theo đó là những màn tranh cãi nảy lửa trên sóng truyền hình về quan điểm hôn nhân - gia đình. Màn đối đáp xéo xắt của thí sinh Thiên Kỳ với "mẹ chồng" giả trong gameshow “Quý cô hoàn hảo” ở tập thứ 25 khiến nhiều khán giả "sốc" toàn tập.

Trong chương trình, Thiên Kỳ được đặt ra thử thách khi phải chọn ra người mà cô không thích nhất trong số ba quý bà có thể trở thành mẹ chồng của cô trong tương lai. Không ngần ngại, Thiên Kỳ lựa chọn quý bà số ba vì cho rằng bà là người cứng nhắc, khó tính, không dễ dàng với con dâu.

Cô nàng còn nói thêm rằng, bề ngoài của quý bà thứ ba từ đôi mắt, cặp chân mày cho đến tổng thể khuôn mặt đều không thích hợp để làm mẹ chồng của mình. “Với đôi mắt hình viên đạn chĩa thẳng vào em, cô nhất định sẽ là người rất khắt khe, xét nét từng li từng tí với con dâu”, Thiên Kỳ thẳng thắn nhận xét.

Không chỉ dừng lại ở đó, cô sinh viên năm 2 Trường Sân khấu Điện ảnh còn tiếp tục gây “sóng gió” với màn tranh cãi cùng mẹ chồng khi yêu cầu người chồng phải về ở rể để chăm sóc cho ba mẹ mình chứ không muốn về làm dâu.

Quyền Linh và Cát Tường rất thành công với “Bạn muốn hẹn hò”.

Video clip về Thiên Kì được chia sẻ trên mạng với tốc độ chóng mặt. Đành rằng, Thiên Kỳ đang diễn theo format của chương trình, thế nhưng việc diễn quá lố khiến cho cô bị đánh giá là vô học, thiếu lịch sự, nhất là khi chương trình được phát sóng trên truyền hình quốc gia. Và người xem cũng tò mò đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của gameshow này được phát sóng để làm gì hay mục đích chỉ là chiêu trò thu hút lợi nhuận mà bất chấp tất cả. 

"Khúc hát se duyên” được phát sóng vào "khung giờ vàng" với nội dung na ná các chương trình hẹn hò khác. Người chơi tiếp tục là đối tượng cho cô gái lựa chọn thông qua những bài hát và trò chơi "không hiểu đặt ra để làm gì", có tác dụng cho việc hẹn hò sau này hay không?

Tương tự, “Lựa chọn của trái tim” ngoài việc hóa trang cho các cặp đôi thật xấu xí để họ đi tìm sự đồng điệu về tâm hồn thì cách các cô gái nhận xét đối tượng chẳng khác gì như đang chọn một món đồ, hoặc như những kẻ soi mói, mong tìm ra khuyết điểm của người khác để nêu lý do không phù hợp. 

Điều này khiến nhiều người chơi trở nên cực vô duyên. Có những chàng trai bị hết cô gái này đến cô gái khác cho ra rìa, lại tiếp tục… đi tìm kiếm một nửa khác, tiếp tục ngồi trên “ghế nóng” chê bai, bình phẩm cùng lúc 3 cô gái. Và có những lúc, người chơi bị trang điểm thành Thị Nở, Chí Phèo hay các quái vật kinh dị, giọng nói biến dạng, méo mó, biểu cảm xấu xí thấy sợ.

"Giai điệu chung đôi", "Khúc hát se duyên" tìm người tri kỷ qua giọng hát cũng rơi vào cảnh tương tự, khi khai thác cảnh các cặp đôi giận dỗi, hiểu lầm hoặc những biểu cảm khó hiểu. Đã qua 8 năm phát sóng, "Love bus - Hành trình kết nối những trái tim" cũng nhạt dần và không ít người chơi đã tự động bỏ cuộc. 

Những màn tỏ tình sống sượng, sến sẩm đã khiến nhiều khán giả cho rằng đó là một dạng hài nhảm lên ngôi truyền hình. Thậm chí, có thí sinh vừa tham gia “Vì yêu mà đến” lại tiếp tục nhảy sang “Lựa chọn của trái tim”, rồi lại bộc lộ những tính xấu cùng suy nghĩ thiển cận của mình về bạn gái.

Thế nhưng, bất cần chương trình hay hay dở, phản cảm hay ít mang tính giáo dục, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục nhập khẩu các phiên bản mới cho các gam show hẹn hò như: "Yêu là chọn", "Yêu là cưới", "Ngôi nhà chung", "Ẩm thực kỳ duyên", "Chàng trai độc thân"...

Tình yêu luôn là điều cao quý, thiêng liêng, có thể đến với bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tình yêu đến một cách bất ngờ, tự nhiên chân thật mới là một tình yêu đẹp. Nếu đem tình yêu lên sân khấu, lên truyền hình để thể hiện, thì đó không phải là tình yêu, mà là một sự sắp đặt và dàn dựng. 

Khán giả tự hỏi, người chơi tự nguyện đăng ký tham gia chương trình, tự nguyện đi tìm tình yêu trên sóng truyền hình thì đó có thực sự là đi tìm tình yêu đích thực của đời mình, hay cuối cùng chỉ là chiêu trò để lăng xê chính mình và câu khách, câu lợi nhuận cho nhà đài.

Mai Ngọc
.
.