Đạo diễn Vạn Nguyễn: "Nhạc Trịnh là một di sản lớn..."
Khi anh đang tất bật chuẩn bị cho chương trình "Trịnh ca 2 - Diễm xưa" diễn ra vào tối 15-4 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội, phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu (CSTC) đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Vạn Nguyễn về mối duyên đưa anh đến với nhạc Trịnh và những ấp ủ của anh về dòng nhạc này.
- Thưa đạo diễn Vạn Nguyễn, anh có thể chia sẻ với độc giả của Chuyên đề CSTC về mối duyên đưa anh đến với nhạc Trịnh?
+ Phải nói mình quá yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Biết nghe nhạc Trịnh từ khi học cấp 2 bằng đài catsette bố mẹ mua. Sau này khi đi làm show, dù đã dựng nhiều đêm nhạc nhưng mong muốn làm về âm nhạc Trịnh Công Sơn thì cứ thôi thúc. Tuy vậy, để làm mà ra đúng được "màu sắc" của nhạc Trịnh thì khó vô cùng, vì âm nhạc của Anh nghe nhẹ như “gió thoảng mây bay” nhưng tinh thần triết học sâu sắc lắm. Năm 2016, trong một chuyến công tác vào Sài Gòn, mình đến viếng mộ nhạc sĩ.
Đạo diễn Vạn Nguyễn. |
Trước mộ phần anh, mình cũng chia sẻ thật tâm nguyện rằng: “Em chỉ là một người làm nghề thuần túy chưa có nhiều điều kiện, em ước sau này, 5 năm, 10 năm cũng được... nếu có duyên và có nghiệp thì xin cho em được làm một đêm nhạc của anh”. Sau đó, khi mình về Hà Nội, bỗng nhiên rất bất ngờ có đối tác đặt vấn đề với mình cùng làm show đêm nhạc Trịnh Công Sơn. Và trong suốt quá trình tổ chức show, cứ khi mình gặp khó khăn thì lại có người “gỡ”...
Hôm diễn thì buổi chiều mưa như trút, nhưng đến 6 giờ chiều thì tạnh hẳn. Sau khi chương trình kết thúc, khán giả vừa ra về được 10 phút thì sự cố kỹ thuật mất điện toàn khu vực Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô... Nghĩ lại vẫn thấy còn run vì những may mắn nhiệm mầu ấy. Cả ekip sau đó đã vào thắp hương nhạc sĩ, để cảm ơn và “báo cáo” về thành công của Concert "Trịnh Công Sơn - Lời huyền thoại".
Cuối năm ngoái cũng vậy, mình đến thăm mộ anh (gần như một thói quen mỗi khi vào Sài Gòn là mình tìm đến, nhưng lần này chỉ dám xin là khi nào có cơ hội thì lại làm thôi chứ không dám tham lam xin làm tiếp ngay (cười)... và ra về trong tâm thế vô cùng nhẹ nhõm)...
Nhưng ngay sau Tết, tình cờ một đối tác lại đặt vấn đề làm show nhạc Trịnh, và “Trịnh ca 2 – Diễm xưa” đã được hình thành như thế. Mình nghĩ đó thật sự là cái duyên, cái may mắn của mình vì được đốt cháy mình trong những chương trình mang đầy tâm huyết. Mình rất cảm ơn các đơn vị tài trợ, đã giúp mình có thể đầu tư hàng tỉ đồng cho mỗi chương trình, trong một thị trường gần như bão hòa về nhu cầu nghe nhạc trong vài năm gần đây...
- Trong lần đầu tiên thực hiện đêm nhạc Trịnh Công Sơn, điều gì khiến anh tự tin rằng chương trình của mình sẽ khác các chương trình được làm trước đó?
+ Một kịch bản văn học nghiêm túc, đầu tư kỹ lưỡng và một sân khấu bài bản, giàu hình tượng sẽ là điểm nhấn trong "Trịnh ca" của Vạn Nguyễn. Sau khi chương trình đầu tiên ra mắt, mình đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ góc độ chuyên môn của những đàn anh trong nghề và cả từ phía khán giả.
Kịch bản văn học của "Trịnh Ca - Lời huyền thoại" mình viết hoàn toàn bằng thơ. Chương trình được dẫn dắt bởi câu chuyện của chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Dao Ánh - nàng thơ, người mà Trịnh Công Sơn đã yêu, đã viết hàng trăm lá thư và rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng bắt nguồn từ người con gái này.
Dao Ánh được tái hiện qua diễn xuất của NSƯT Hoàng Lan, bạn thân của mình và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tái hiện qua diễn xuất của nghệ sĩ Dương Khánh (Đoàn Kịch nói Quân đội) - người có ngoại hình khá giống nhạc sĩ thời trẻ - Sự tái hiện này mang lại rất nhiều xúc cảm. Thậm chí, có người về đã nhắn cho mình rằng “gai người khi thấy hình ảnh Trịnh Công Sơn xuất hiện”...
Một sân khấu lạ khi lần đầu tiên ẩn dụ hình ảnh cố nhạc sĩ trong hình tượng một cây huyền thoại khổng lồ phủ kín sân khấu với chiều ngang 14m và cao 8m, một tác phẩm điêu khắc của nhóm họa sĩ Hà Nội thực hiện hoàn toàn bằng chất liệu composit kỳ công...
Điểm nhấn này đã đưa khán giả đến với những xúc cảm gần gũi và chân thực về tầm vóc của người nhạc sĩ đại tài nhưng rất bình dị trong lòng công chúng yêu nhạc !
- Thế còn điều gì đặc biệt anh gửi tới tín đồ của nhạc Trịnh ở chương trình lần này?
+ Như mình đã chia sẻ ở trên, đó là chữ “duyên” và cái duyên ấy đã đến với mình nằm ngoài mọi tính toán đoán bắt. Tâm nguyện và tình yêu với âm nhạc của Trịnh Công Sơn có lẽ là chiếc la bàn tự nhiên thức tỉnh để đưa mình đến với những con người cùng tình yêu ấy, cùng mong muốn ấy, để kết nối và chia sẻ và quyết tâm thực hiện.
Và tất nhiên khi đã làm thì không được lặp lại, mặc dù hình tượng ấy là bất biến, ca từ ấy là bất biến, và dòng nhạc ấy là bất biến, nhưng khi xây dựng thì phải xây nên những cái mới trong những cái đã thành biểu tượng.
Trong concert "Trịnh ca 2 - Diễm Xưa" này, chất liệu mình sử dụng lại không phải là kịch thơ như năm ngoái, tất cả những câu dẫn trong show lần này là những câu nói của chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những chia sẻ, xúc cảm, hoài niệm, chiêm nghiệm và dự cảm của mình về tình yêu, về cuộc đời và về thân phận...
Vợ chồng nghệ sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu sẽ góp mặt trong đêm nhạc Trịnh ca 2 - Diễm xưa |
Những lời tự sự của nhạc sĩ sẽ là mạch dẫn cho câu chuyện âm nhạc lần này để đưa khán giả đến gần nhất với tâm hồn nhạc của anh - người nhạc sĩ tài danh bậc nhất, một tâm hồn phiêu lãng nhưng sâu sắc nhân văn...
Và dĩ nhiên, một sân khấu hoàn toàn mới, hoàn toàn khác và nhiều bất ngờ được mang tên “Miền của Trịnh” sẽ là một điểm nhấn tiếp theo cho đêm nhạc này!
- Liveshow lần này có sự tham gia của nhiều ca sĩ tên tuổi như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Quang Dũng... Họ đều là những nghệ sĩ nổi tiếng "kỹ tính" trong công việc. Vì sao anh lại thuyết phục được họ tham gia chương trình khi anh là một đạo diễn trẻ?
+ Cũng rất may mắn là mọi người đều rất hết lòng với concept này, các danh ca đều dành những thời gian quí giá cho đêm diễn. Có nghệ sĩ bận rộn với nhiều lời mời biểu diễn cùng ngày 15-4 nhưng nói với mình rằng đã dành ưu tiên đặc biệt cho đêm nhạc Trịnh Công Sơn.
Danh ca Ý Lan thì từ chối show bên Nhật để bay về Việt Nam tham dự chương trình và ngay sau đó tiếp tục bay sang Mỹ mà không hề quản ngại. Mười lăm năm trong nghề tuy chưa phải là nhiều nhưng tôi may mắn là được các anh chị em nghệ sĩ luôn quí mến ủng hộ.
- Một số đạo diễn khi làm những chương trình nhạc Trịnh đều tuyên bố "không bàn đến lỗ - lãi", nhưng cuối cùng tính thương mại trong những chương trình ấy vẫn thể hiện khá rõ. Hình như anh cũng từng tuyên bố như thế với báo chí, làm thế nào để khán giả tin rằng chia sẻ của anh thật lòng?
+ Mình từng chia sẻ trước đây với báo chí, rằng yếu tố kinh tế quyết định không nhỏ tới mỗi chương trình. Đối với các show về Trịnh Công Sơn mình cho rằng ít nhiều cũng sẽ chịu tác động từ yếu tố kinh doanh dù góc độ này hay hướng nhìn khác.
Riêng với mình nói là không quan tâm tới lỗ lãi là không thực với lòng, vì trong thâm tâm mỗi người đều mong chương trình thành công và có lợi nhuận. Vấn đề lợi nhuận ở đây mang ý nghĩ của sự thắng lợi nói chung chứ không chỉ là kinh tế, nó góp phần khẳng định hướng đi là đúng đắn làm động lực để tiếp tục xây dựng các concept nối tiếp.
Tuy nhiên cái “dũng cảm” của những người làm show về Trịnh Công Sơn là ở chỗ khả năng thành công lớn về mặt doanh thu thường không cao. Lí do thì đơn giản là dòng nhạc này rất kén khách, không giống các dòng nhạc khác đang thịnh trên thị trường như bolero hay nhạc trẻ.
Tự bản thân mình mỗi khi bắt tay vào thực hiện chương trình luôn nhủ là hi vọng không lỗ, đủ sản xuất là được rồi, để vẫn đảm bảo được cát xê cho anh em trong ekip... Tất nhiên, trong trường hợp lỗ thì cũng vui vẻ mà cười thôi chứ biết sao được (cười)!
- Nhạc Trịnh vẫn luôn có một đời sống riêng trong dòng chảy của đời sống âm nhạc. Ngoài những chương trình đã và đang thực hiện, anh có mong muốn làm được điều gì thêm cho dòng nhạc này?
+ Chỉ mong sao đưa âm nhạc Trịnh Công Sơn đến gần hơn với tuổi trẻ, nhất là với sinh viên, những người sẽ là tương lai chuyên chở cho dòng nhạc tinh tế, sang trọng và đầy xúc cảm nhân văn này... Làm chương trình về âm nhạc Trịnh Công Sơn lạ ở chỗ, để ra chất một đêm nhạc thật sự thì vô cùng công phu và đầu tư cần cực kỳ kỹ lưỡng, nhưng để ra được tinh thần của nhạc Trịnh thì thậm chí chỉ cần 1 cây guitare ngay tại một góc sân trường...
Thế là đủ! Và người ta có thể say mê nghe, và quên đi bao nhiêu nặng nhọc của đời sống... Cá nhân mình muốn có những dự án phát triển âm nhạc trong sinh viên, đưa âm nhạc của Trịnh Công Sơn đến với họ. Vì như chúng ta đã biết, nhạc Trịnh là một di sản tinh tế và nhân văn, nên cần lắm những cầu nối di sản ấy với thế hệ tri thức trẻ của chúng ta hôm nay. Và khi có dịp, nhất định mình sẽ thực hiện!
- Xin trân trọng cảm ơn đạo diễn.