Để hạn chế những thảm kịch từ “giặc lửa”

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức…( bài 1)

Thứ Sáu, 11/07/2025, 06:22

23 năm kể từ sau khi xảy ra vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế ITC (TP Hồ Chí Minh) khiến 60 người tử vong, cả nước xảy ra thêm hàng loạt vụ cháy gây thiệt hại nặng về người như vụ cháy chung cư Carina vào ngày 23/3/2018, 13 người chết; vụ cháy quán karaoke An Phú vào ngày 6/9/2022 làm chết 32 người, vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội làm 56 người thiệt mạng… và gần đây nhất là vụ cháy ở trong cư xá Độc Lập phường Phú Thọ Hòa (TP Hồ Chí Minh) làm 8 người thiệt mạng. Trước đó, những ngày cuối năm 2024 và đầu năm 2025, TP Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra một số vụ cháy nghiêm trọng: Vụ cháy nhà 4 tầng ở quận Tân Bình (cũ) khiến 2 người chết và nhiều người bị thương; vụ cháy nhà 5 tầng ở khu nhà trọ tại TP Thủ Đức (cũ) khiến 2 vợ chồng tử vong… Thảm họa từ cháy nổ là hết sức nghiêm trọng, do vậy việc phòng ngừa với “giặc lửa” là hết sức quan trọng, không cho phép ai có thể lơ là…

“Nước xa không cứu được lửa gần”

Từ thực tiễn cho thấy, các vụ cháy lớn gây thiệt hại về người hầu hết xảy ra ở các khu đô thị. Nơi có những căn nhà cao tầng, những khu dân cư với đường nhỏ hẹp, nhà như hộp diêm, không có lối thoát hiểm thứ 2. Còn những vụ cháy lớn ở các nhà xưởng, công ty trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hầu hết chỉ thiệt hại về tài sản vì những nơi này thông thoáng, nhiều lối thoát hiểm, mọi người dễ dàng thoát ra ngoài.

Mặt khác, đường sá được quy hoạch đúng chuẩn, xe chữa cháy cũng dễ dàng tiếp cận hiện trường để khống chế đám cháy, ngăn ngừa cháy lan, giảm tối đa thiệt hại. Vùng đất công nghiệp Bình Dương (nay thuộc TP Hồ Chí Minh) cũng từng ghi nhận xảy ra khá nhiều vụ cháy nhưng chưa có thiệt hại về người và cũng không cháy lan sang những khu vực lân cận.

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức…( bài 1) -0
Hai căn nhà bị cháy ở cư xá Đô Thành.

Cũng từ thực tiễn đã chứng minh mọi đám cháy lớn đều bắt nguồn từ những tia lửa nhỏ. 5 phút đầu kể từ thời điểm đám cháy phát sinh là thời gian vàng, có ý nghĩa quyết định về khả năng phát triển của đám cháy cũng như mức độ thiệt hại do cháy gây ra.

Mà “nước xa không cứu được lửa gần”, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) dù có nhanh đến đâu thì cũng phải mất thời gian nhất định để di chuyển phương tiện chữa cháy đến hiện trường. Đó là chưa kể sự trở ngại do tình hình giao thông, vị trí đám cháy, điều kiện tiếp cận…Thế cho nên lực lượng chữa cháy tại chỗ là những người có khả năng xử lý tốt hơn đối với tất cả các đám cháy xảy ra trong thời điểm “vàng”.

Do vậy, dập lửa theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) là mô hình mà Bộ Công an quyết tâm thực hiện bằng được. Trong đó, yêu cầu đặt ra là tất cả các địa phương phải hoàn thành xây dựng Tổ liên gia an toàn PCCC; mỗi hộ gia đình, cơ sở phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, CNCH và trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy…

Hiệu quả từ lực lượng chữa cháy tại chỗ thể hiện rõ nét nhất là vụ cháy tại tầng 6 của chung cư Bcons Suối Tiên nằm trên địa bàn TP Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương cũ. Khi đó, lửa bất ngờ bốc cháy tại khu vực lan can của căn hộ A.06.05-Block A. Khi hệ thống báo cháy hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ đã thông tin với nhau bằng bộ đàm và ngay lập tức tiếp cận căn hộ nhưng lúc này cửa bị khóa, không có người bên trong.

Không chần chừ, 5 thành viên của Đội PCCC và cán bộ Ban quản lý chung cư đã dùng búa, xà beng, kìm cộng lực,... để phá khoá cửa; sử dụng 4 bình chữa cháy xách tay được trang bị tại cơ sở để chữa cháy và đã nhanh chóng dập tắt được đám cháy. Qua đó xác định nơi phát sinh ra cháy là cục nóng của máy lạnh căn hộ nói trên.

Tính ra, tổng thời gian từ khi phát hiện cháy đến khi dập tắt là khoảng 7 phút. Trước đây, tại siêu thị ở chung cư này cũng xảy ra cháy nhưng chỉ mới manh nha đã được lực lượng chữa cháy tại chỗ dập tắt. Theo thống kê, hàng năm ở khu vực tỉnh Bình Dương cũ có hơn 62% số vụ cháy được lực lượng PCCC tại chỗ và quần chúng nhân dân dập tắt kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, để ứng phó hiệu quả với cháy nổ chung cư, nhà cao tầng thì ban quản lý của các tòa nhà đều ký hợp đồng với đơn vị có chuyên môn để thực hiện định kỳ việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị hư hỏng của hệ thống PCCC theo quy định; lên phương án tự diễn tập PCCC và CNCH với sự tham gia của toàn thể cư dân; tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức, ý thức PCCC với toàn bộ cư dân, khách thuê, cán bộ, nhân viên… sống và làm việc tại chung cư, nhà cao tầng.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát PCCC khu vực để thực hiện đúng, đủ các quy định về PCCC hiện hành…Từ đó, cư dân sẽ có ý thức tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn cháy, nổ và cấp báo ngay với Ban quản lý khi phát hiện ra nguy cơ mất an toàn về PCCC để xử lý kịp thời…

Lơ là, bất cẩn là tự hại mình

Nguyên nhân các vụ cháy lớn trong những năm vừa qua đều bắt nguồn từ yếu tố con người. Đó là sự bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày, sự lơ là trong phòng cháy, chữa cháy và sự buông lỏng trong quản lý nhà nước về xây dựng, về thực hiện đúng quy chuẩn về PCCC theo quy định hiện hành.

Trước khi sáp nhập, trong năm 2024 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 410 vụ cháy, làm chết 16 người, 19 người bị thương, gây thiệt hại ước tính gần 12 tỷ đồng. Thống kê còn cho thấy, đối tượng xảy ra cháy chủ yếu là nhà ở riêng lẻ (chiếm 207/410 vụ, tỷ lệ 50,5%); nguyên nhân gây cháy phổ biến nhất là do sự cố hệ thống thiết bị điện chiếm 285/349 vụ, tỷ lệ 81,7%; kế đến là do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt…

Do vậy, để hạn chế các vụ cháy thì ý thức của con người là quyết định tất cả. Tuy nhiên, có nơi, có chỗ, chính quyền địa phương nói chung và cơ quan quản lý nhà nước về PCCC nói riêng còn chủ quan, lơ là; tuyên truyền chưa thiết thực, chưa đi vào chiều sâu để ý thức của người dân trở thành thói quen. Còn đối với người dân, cũng không ít người lơ là trong việc phòng ngừa cháy nổ.

Nhiều hộ gia đình câu móc, đấu nối điện một cách tùy tiện; luồn dây điện qua mái lá, mái tôn; sử dụng quá nhiều thiết bị điện có công suất lớn chung một công tắc; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp, xe máy điện qua đêm; không khóa hệ thống gas khi không sử dụng; vẫn thắp nhang trong khi không có người ở nhà; không trang bị bình chữa cháy… nên khi cháy xảy ra thường có thói quen xịt nước vào nguồn lửa nhưng hoàn toàn không có tác dụng dẫn đến đám cháy bùng phát.

Một thực tế khác lý giải vì sao hậu quả từ các vụ cháy gây ra thảm khốc đến như vậy đó là do thực trạng xây dựng trái phép, sai phép, cơi nới thêm tầng, xây bít lối thoát hiểm… xảy ra rất nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Do “tấc đất tấc vàng” nên rất nhiều người dân đã tận dụng tối đa khoảng trống, khoảng không để làm nhà ở. Để chống trộm, họ bao bọc căn nhà bằng hàng rào sắt để rồi khi cháy đã không còn lối thoát nào…

Tại TP Hồ Chí Minh rất nhiều con hẻm ở khắp các địa bàn nhà ở rất nhỏ hẹp, ngoài cửa chính ra thì không còn bất kỳ lối thoát hiểm nào. Đã vậy, đường hẻm chỉ đủ cho xe gắn máy đi nên xe chữa cháy chuyên dụng không thể nào tiếp tận, nếu triển khai nối ống đến tận nơi thì cũng mất thời gian khá lâu mới có thể khống chế đám cháy.

Do vậy, mong mỏi nhất của những người làm công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH là mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng cháy (trang bị cho gia đình mình tối thiểu 1 bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ như kìm cộng lực, xà beng, búa và mở lối thoát hiểm thứ 2); cần chỉ dẫn cho người thân, bạn bè kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm mà mình tiếp thu được thông qua tuyên truyền của cơ quan Công an bằng nhiều hình thức để cùng nhau ngăn chặn thảm kịch có thể xảy ra… 

Cẩm nang PCCC và thoát nạn trong gia đình

- Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không nên sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm.

- Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà cần kiểm tra nơi đun nấu, thắp hương thờ cúng và tắt các thiết bị không cần thiết.

- Lựa chọn dây dẫn, thiết bị điện chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.

- Trang bị bình chữa cháy, thiết bị báo cháy, cảnh báo rò rỉ khí gas; mặt nạ phòng độc, thang dây, dụng cụ phá dỡ, bộ dây hạ chậm.

- Không nên lắp đặt “chuồng cọp”, trường hợp cần thiết nên bố trí ô cửa…

Mã Hải
.
.