Chuyện biệt động thành Nha Trang chấn động một thời

Ký ức của các cựu biệt động Nha Trang về trận đánh ở 36 Duy Tân năm 1967 (Kỳ 2)

Chủ Nhật, 28/04/2024, 08:39

“Ngày 3/8/1967, đánh CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) diệt trên 200 tên. Thị ủy Nha Trang đánh giá thắng lợi này rất cao. Những người tham gia trận đánh như Hoài Phong, Lê Thị Mai, Trần Kim Hùng, Bùi Chạn, Trần Thanh Châu (tức Mỹ) đã được tặng tưởng Huân chương chiến công”. Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 - 1975, trang 205 viết ngắn gọn như vậy.

Còn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, tại trang 481 lại ghi đơn giản hơn: “Riêng trận đánh CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) trên đường Duy Tân (đường Trần Phú) vào tối Chủ nhật 3-8-1967 ta đã diệt và làm bị thương hàng trăm tên”.

Tuy nhiên, khi được trực tiếp nghe các cựu chiến binh (CCB) biệt động Nha Trang kể thì chúng tôi lại thấy trận đánh vang dội hơn nhiều, xứng đáng để nhân dân Nha Trang ghi nhớ và tự hào. Đặc biệt họ đang khát vọng được xây ở đây một tưởng đài chiến thắng.

Ký ức của các cựu biệt động Nha Trang  về trận đánh ở 36 Duy Tân năm 1967 (Kỳ 2) -0
Từ phải qua trái, các cựu biệt động thành: ông Huỳnh Văn Khoa, Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh, ông Võ Đình Thu và ông Bùi Chạn.

CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) tại 36 Duy Tân (nay là khách sạn số 36 đường Trần Phú, TP Nha Trang, thuộc Học viện Lục quân Đà Lạt, Bộ Quốc phòng). Năm 1967 là năm quân Mỹ và chư hầu vào Miền Nam đông. Sau những ngày tháng gây chiến ở các chiến trường, các sỹ quan Mỹ và chư hầu, cùng quân đội Việt Nam cộng hòa được về đây an dưỡng để tiếp tục trở lại chiến trường. Cứ tối thứ 5 và Chủ nhật họ tụ tập tại đây khoảng vài ba trăm, thậm chí có lúc lên 500 người.

Sau khi sơ bộ nắm tình hình, Đội biệt động TX.Nha Trang có “căn cứ” tại Trường Âu Cơ trên đường Nguyễn Trãi, được giao nhiệm vụ tổ chức điều nghiên, vạch phương án và chuẩn bị trận đánh.

Ông Hoài Phong (Huỳnh Văn Khoa) Thị ủy viên, được giao nhiệm vụ chỉ đạo trận này kể lại: Công tác chuẩn bị được thực hiện rất kỹ. Từ việc điều nghiên, phân công người, chuẩn bị vũ khí, lên phương án... Ông Bùi Chạn kể: Đánh mục tiêu này ông được giao làm Tổ trưởng, 2 tổ viên là Trần Ngọc Mỹ và Võ Thứ. Chính trị viên Huỳnh Văn Khoa là người chỉ huy vòng ngoài. Ngoài ra còn có chị Lê Thị Ngọc Mai và Loan những nữ biệt động xinh đẹp, sau cũng tham gia với vai trò “mỹ nhân kế”.

Lúc đầu Tổ chiến đấu đưa ra phương án “mỹ nhân kế”, sử dụng nữ biệt động mang mìn vào đánh trực tiếp như biệt động Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi thảo luận thấy cách đánh đó không ổn, mức độ sát thương thấp, anh em lại chuyển sang phương án vượt qua nhà ông Võ Đình Dung, một tay thầu khoán cầu đường giàu có ở nhà 34 liền kề câu lạc bộ. Nghiên cứu nhà ông Dung và sinh hoạt của các gia đình công nhân cầu đường ở phía sau, thấy thường vào buổi tối có nhiều người tò mò đến gần bờ rào xem sĩ quan Mỹ nhảy đầm, khi mìn nổ khó tránh khỏi thương vong nên các biệt động quyết định chọn đêm cuối tuần khi ông Dung cho số anh em công nhân đi xem xi-nê ngoài rạp chiếu bóng và gia đình ông cũng đi ăn buổi tối, ở nhà chỉ còn 2 người giúp việc, sẽ thực hiện trận đánh. Trước đó, trận đánh dự kiến được thực hiện vào tối thứ 5, nhưng tối hôm đó, sau khi mìn đã được đặt xong, các chiến sỹ biệt động đã rút ra ngoài, chờ tin thắng trận thì gặp sự cố. Một nhóm gồm 6, 7 em nhỏ, tò mò trèo lên bức tường nhà ông Dung xem bọn sỹ quan Mỹ nhảy đầm. Nếu đế mìn nổ thì các cháu này sẽ chết.

Hồi ức Hoài Phong viết: “Trong tình thế cấp bách đó, chúng tôi hội ý nhanh rồi quyết định lấy mìn ra, ngừng trận đánh. Khi đó, tôi (Phong), Chạn và Châu tìm cách lách vào, tiếp cận chỗ mấy quả mìn, thì Loan, một nữ chiến sỹ biệt động khác cũng đã kịp thời lấy mìn bỏ vào túi xách. Khi mìn được lấy ra, chúng tôi lại nhanh chóng tháo kíp nổ. Tất cả đã được thực hiện một cách nhanh chóng, an toàn và tuyệt đối bí mật. Bọn địch không biết gì”.

Trận đánh được lùi lại 3 ngày từ thứ 5, sang Chủ nhật. Hôm đó khoảng 19h30’, Bùi Chạn và anh Thanh Châu, bằng chiến thuật đặc công “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” nhẹ nhàng đột nhập qua tường rào nhà ông Dung. Ở ngoài, Huỳnh Văn Khoa và Võ Thứ lần lượt chuyển 3 quả mìn định hướng, mỗi quả nặng 15kg, được nhồi thuốc C4, có nhiều mảnh chai, sắt vụn trộn vào để tăng độ sát thương, do anh em trong đội chế tạo tại “căn cứ lõm” Trường Âu Cơ, được chuyển qua bờ rào. Bùi Chạn và Trần Ngọc Mỹ cài vào vị trí đã tính trước.

Trong lúc công việc cài mìn đang được tính từng giây thì Lê Thị Ngọc Mai trong bộ quần áo cũn cỡn, môi son má phấn loè loẹt, nước hoa sực nức cứ cợt nhả với đám lính gác làm cho bọn chúng như bị hút hồn không nghĩ gì đến nhiệm vụ. Công việc trót lọt, các chiến sĩ biệt động mỗi người rút lui một hướng. Riêng Đội trưởng Bùi Chạn đã về Bệnh viện tỉnh, được ông Trần Long, Trưởng khoa Nội thương, là cơ sở của ta hoá trang thành y tá, đưa lên xe cứu thương trở lại CLB N.O.C để nắm tình hình. Ông Chạn nhớ lại: Quang cảnh thật kinh khủng, sĩ quan Mỹ ngụy chết đè lên nhau, số sống sót ôm đầu máu chạy nháo nhác.

Trận đánh thắng lợi lớn, gây chấn động chẳng những ở Nha Trang mà còn Sài Gòn và Lầu Năm Góc. Đài Giải phóng, đài BBC và Hoa Kỳ đều đưa tin và xác nhận con số thương vong tới 219 tên từ Trung úy đến Trung tá. Đội biệt động TP Nha Trang được Chính phủ Cách mạng lâm thời tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Đội trưởng Bùi Chạn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2 và chiến sĩ Thanh Châu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3.

Trận đánh đã đi qua gần 60 năm. Giờ đây phần lớn số anh chị em biệt động thành phố đã về thế giới vĩnh hằng. Số còn lại thì cũng đã ngoài 80. Nhân dịp TP Nha Trang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập, các CCB biệt động Nha Trang tìm đến một vị tướng là ông Lê Ngọc Sanh. Mặc dù thời điểm đó tướng Sanh ở chiến trường khác, còn nay đã nghỉ hưu, nhưng với uy tín của ông, các CCB biệt động Nha Trang hy vọng nhờ ông tác động đến cấp thẩm quyền kiến nghị một số nội dung. Một là: Cho ghi chép lại đầy đủ hơn các chiến công của lực lượng biệt động TP Nha Trang trong kháng chiến chống Mỹ. Hai là: Nếu có thể cho dựng một Tượng đài chiến thắng ở khu vực Khách sạn 36 hoặc trên công viên bờ biển khu vực đối diện để lịch sử không lãng quên và các thế hệ sau tiếp tục nâng cao tinh thần yêu nước.

 Nguyện vọng của các cựu biệt động là chính đáng và việc có một Tượng đài chiến thắng dựng lên ở bờ biển Nha Trang khu vực này có lẽ cũng là khát vọng của nhân dân TP Nha Trang.

Nguyễn Xuân Đương
.
.