Tết chu đáo dành cho người lầm lỗi
- Mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện cho người phạm tội sửa chữa lỗi lầm, sớm hoàn lương
- Chuyện thức tỉnh mầm thiện trong người lỗi lầm
- Bước qua lầm lỗi, làm giàu trên mảnh đất quê hương
Mặc dù rất bận rộn với việc phục vụ công tác kiểm tra và xét duyện hồ sơ cho những phạm nhân có trong danh sách đề nghị giảm án đợt Tết Nguyên đán của tổ công tác Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc nhưng dành thời gian trò chuyện với chúng tôi Trung tá Lê Thị Huyền, Đội trưởng Đội giáo dục-hồ sơ của trại vẫn rất vui vẻ.
Chị Huyền cho biết, năm nay Trại giam Vĩnh Quang có 28 trường hợp được tha tù trước thời hạn có điều kiện, là một trong những trại giam có số phạm nhân được tha tù trong diện này nhiều nhất trên toàn quốc.
Theo Trung tá Huyền, những lần trước, trại chỉ có 1 đến 2 trường hợp đủ điều kiện nhưng năm nay do phiếu đề nghị gửi về Cục và các địa phương được phản hồi nhanh chóng nên “không chỉ 28 gia đình có người nhà trở về ăn Tết mà chúng tôi cũng cảm thấy vui lây”, như lời Đội trưởng Đội giáo dục - hồ sơ này tâm sự.
Phạm nhân Trại giam Vĩnh Quang trang trí khu giam giữ để đón Tết. |
“Cứ nghĩ đến việc Tết này được đón Tết cùng gia đình, sum họp với người thân là trong lòng tôi lại chộn rộn niềm vui”, anh Dương nở nụ cười rạng rỡ. Người đàn ông này lý giải rằng, từ lúc bị bắt giam đến lúc có án, anh ta đón 2 cái Tết trong trại tạm giam, tận mắt chứng kiến cảnh phân trại rực rỡ pano khẩu hiệu, cờ hoa và rất nhiều chậu cảnh đều do các phạm nhân tự tay cắt dán, vẽ và trồng cấy, chăm sóc thì cũng thấy phấn khởi.
Anh Dương bảo, ngày mới vào trại cải tạo đã vô cùng ngạc nhiên vì không ngờ trại cải tạo lại khang trang và qui củ đến vậy, dịp gần Tết giờ càng đủ sắc màu như thế này. “Ngày 1/9/2019, tôi về Trại giam Vĩnh Quang cải tạo lao động ở đội trực sinh của phân trại trung tâm, đến dịp 30/4/2020 thì có tên trong danh sách đề nghị xét giảm án và được giảm 10 tháng”, Bùi Quang Dương kể.
Người đàn ông này kể rằng có 3 người con và tất cả đều có việc làm ổn định và lập gia đình riêng. Hiện anh Dương đã có 5 cháu nội đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Thế nên việc Dương trở về và có ý định tìm một việc gì đó để làm có thực hiện hay không cũng không quan trọng lắm, bởi nếu chỉ bằng lòng với cuộc sống hiện tại thì cũng đã bình lặng và yên ả rồi.
Phạm Quang Dương cho biết, ngoài án tù ra còn có hình phạt bổ sung thì cũng đã thực hiện xong từ lúc hầu tòa rồi nên không cảm thấy bị áp lực gì cả. “Khi được cán bộ cho phép gọi điện về nhà thông báo sẽ được tha tù có điều kiện trước thời hạn, gia đình tôi xúc động, ai cũng khóc. Nghĩ đến lúc về, tôi hồi hộp lắm”, anh Dương bộc bạch.
Ngoài 28 trường hợp phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện, dịp Tết Nguyên đán này, trại giam Vĩnh Quang có 1.200 phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị xét giảm án trong đó có 13 trường hợp đang thi hành bản án chung thân được xét đề nghị xuống án có thời hạn. Hai phạm nhân được khen thưởng vì có thành tích cứu giúp người gặp nạn là phạm nhân Ngô Đình La, SN 1991, ở Đạo Đức, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và phạm nhân Phùng Trung Kiên, SN 1999, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Nói về kế hoạch chuẩn bị cho phạm nhân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, trại đã lập kế hoạch tổ chức cho phạm nhân vui chơi giải trí và thực hiện chế độ chính sách với những nội dung như: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và tặng quà cho những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có gia đình thăm nuôi hoặc những phạm nhân thường xuyên ốm đau kéo dài, đang điều trị tại bệnh xá, bệnh viện.
Thông qua các cuộc thi viết báo tường, sân khấu hóa những mẩu chuyện về pháp luật, văn hóa xã hội, đạo đức lối sống, thi bày mâm ngũ quả,… để tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng chống dịch COVID-19.
Công tác tổ chức cho phạm nhân thăm gặp gia đình gia đình trong dịp Tết cần đảm bảo thực hiện đúng Thông tư 14 của Bộ Công an, đảm bảo an toàn trại giam trong mọi tình huống.
Ở phân trại số 4 của Trại giam Vĩnh Quang – nơi giam giữ, cải tạo các phạm nhân người nước ngoài, Thượng tá Tạ Văn Lương, Phó Giám thị cho biết, theo quy định, các phạm nhân người nước ngoài cũng được chế độ Tết như các phạm nhân khác. Dù ở nước họ không đón Tết cổ truyền như ở Việt Nam nhưng mỗi khi Tết đến, họ rất vui và háo hức đón giao thừa, bởi họ hiểu, mỗi năm qua đi, ngày trở về càng ngắn hơn. Chính vì vậy, khi cán bộ vào chúc Tết, họ đều cảm ơn rất chân thành.
Là người đã đón cái Tết thứ 10 ở Trại giam, phạm nhân Khăm Phi, SN 1989, ở Hủa Phăn, Lào, khá hiểu về phong tục Việt Nam. Khăm Phi có thời gian sống ở giáp biên giới, gia đình buôn bán vật liệu xây dựng nên nói tiếng Việt khá sõi. Anh ta cho biết, phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý, bị Công an tỉnh Sơn La bắt ngày 24/8/2011, bị kết án 20 năm tù.
“Vì nhà xa nên trước đây bố và chú thi thoảng sang thăm tôi nhưng năm nay COVID không đi được thành ra cũng không có quà già. Nhưng tôi ở đây được các cán bộ quan tâm, chế độ cấp đầy đủ. Ăn uống theo chế độ mới bữa nào cũng có cá hoặc thịt nên chúng tôi vui lắm. Tết còn được cấp giò, bánh chưng, mứt nữa. Ở bên Lào không có như thế đâu. Tết chủ yếu là té nước cho vui thôi. Tết của Lào chúng tôi cũng được cán bộ tạo điều kiện cho tổ chức, té nước, vui chơi với nhau. Tôi thấy nhà nước Việt Nam đối xử rất nhân đạo”- Khăm Phi nói và đề nghị được hát bài “Đảng đã cho ta một mùa xuân”.
Khăm Phi cho biết, anh ta được tham gia đội văn nghệ với tiết mục Hà Nội – Viêng Chăn trong cuộc thi Tiếng hát tình đời do Trại vừa tổ chức. “Tôi ở đây, được học rất nhiều bài hát mà trước kia tôi chưa từng biết. Cán bộ còn dạy tôi lao động, quan tâm chăm sóc tôi mỗi khi ốm đau. Sau này, khi được về, tôi sẽ không bao giờ quên nơi này. Bởi từ Trại giam Vĩnh Quang, tôi đã biết sống tốt, biết lao động để vươn lên”.
Phạm nhân Ben, SN 1976, người Nigeria, bị án chung thân vì tội mua bán trái phép chất ma tuy,á khá thông minh, dí dỏm khi nói chuyện với chúng tôi. Ben cho biết, anh ta từng học đại học, biết nhiều ngoại ngữ nên sang Việt Nam để buôn bán, xuất khẩu cafe, quần áo từ năm 2008. Ben lấy vợ người Việt Nam, đi dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ.
“Vì tôi nhận vận chuyển hàng hoá nên người ta đưa ma tuý vào. Sau khi bị bắt, vợ ly hôn, tôi buồn và tiêu cực lắm. Nhưng các cán bộ đã động viên tôi. Dần dần, tôi lấy lại tinh thần. Tôi cải tạo khá nên hi vọng sẽ được đặc xá. Nếu được đặc xá, tôi sẽ ở lại Việt Nam, bởi đây là quê hương thứ 2 của tôi. Tôi thấy yêu Việt Nam như quê hương của mình” – Ben cho biết.
Được biết, anh ta cũng trong đội văn nghệ, hát được rất nhiều bài hát về Đảng, Bác Hồ và quê hương Việt Nam. Ben cho biết, anh ta thích nhất là hát Quốc ca, dù lúc đầu chưa hiểu nghĩa nhưng thấy giai điệu hay, hào hùng nên cố ghi nhớ và học thuộc, sau đó nhờ cán bộ giảng giải ý nghĩa.
“Giờ thì tôi hát Quốc ca Việt Nam tốt lắm rồi, hiểu cả ý nghĩa về ước vọng của cả dân tộc Việt Nam đã đổ máu tô thắm màu cờ để giành độc lập tự do. “Cán bộ giải thích kỹ lắm nên tôi hiểu, thấy hay và hát rất dõng dạc trong mỗi sáng thứ 2 chào Cờ. Tôi phạm tội trên đất Việt Nam nên phải trả giá, nhưng đất nước, con người Việt Nam đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Nếu ở nước tôi thì phạm nhân không được chăm sóc tốt như ở đây” – Ben cho biết.
Thêm một mùa xuân mới nữa lại về, với những CBCS đang công tác tại Trại giam Vĩnh Quang lại thêm một năm vất vả, gian nan với những thử thách mới, song các anh, các chị luôn tin những việc làm của mình sẽ khiến cho mầm thiện được đâm chồi.