32 học sinh nghi uống nhầm thuốc diệt chuột, 1 trẻ co giật, 2 trẻ tổn thương não
Theo lời kể của các học sinh, có 7 cháu uống ống chất lỏng màu đỏ nghi thuốc diệt chuột, mỗi cháu uống từ 1/3 đến 1 ống, có triệu chứng đau đầu, nôn, chóng mặt và đây là các cháu có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc nặng. Các học sinh còn lại uống từ 1-3 giọt.
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chiều tối 22/1, Trung tâm Nhi Khoa và Trung tâm Chống độc của bệnh viện tiếp nhận 32 bệnh nhi, hầu hết là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trường Tiểu học Phú Lâm, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, do nghi ngờ uống nhầm thuốc diệt chuột.
Qua mô tả hình dáng ống siro các học sinh uống có đặc điểm giống hóa chất diệt chuột Trung Quốc phổ biến với hoạt chất là fluoroacetate.
Theo các học sinh, sáng 21/1, có một bạn ra khỏi khuôn viên nhà trường sang đồi chè sát cạnh trường để chơi và tìm thấy một túi có chứa rất nhiều ống nhựa màu đỏ bên trong, có cả ống màu xanh, học sinh này lấy một ống mang về trường và rủ một trẻ uống ngay từ cuối buổi sáng.
Sau đó, các học sinh khác cũng sang đồi chè và lấy các ống này về trường. Một cháu khác kể buổi chiều có nhặt được một túi chứa nhiều ống màu hồng từ bụi cây bên trong cổng trường và lấy uống. Các học sinh chia nhau uống ở thời điểm phần lớn trong buổi chiều cùng ngày.
“Ngay khi tiếp nhận các bệnh nhi, Trung tâm Nhi khoa đã khẩn trương huy động nhân lực bác sĩ, điều dưỡng và phối hợp cùng Trung tâm Chống độc, đánh giá, phân loại bệnh nhi, đồng thời xin chỉ đạo thành lập hội đồng khoa học hội chẩn toàn bệnh viện”, TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa cho biết.
Các bệnh nhi đồng loạt được khám, đánh giá, xét nghiệm, kiểm tra, bao gồm các chỉ số đánh giá về tổn thương do ngộ độc, độc chất trong nước tiểu, chụp cộng hưởng từ với các cháu có chỉ định, siêu âm tim…theo phác đồ.
Kết quả, 1 cháu có co giật ngay tại bệnh viện; 2 cháu có tổn thương não trên phim cộng hưởng từ; một số cháu có dấu hiệu ảnh hưởng chức năng tim. Tất cả các cháu đang tỉnh táo, vẫn chơi và đều đang được theo dõi sát cũng như điều trị theo phác đồ. Các bác sĩ liên tục rà soát để không bỏ sót các nguyên nhân do chất độc khác. Tiên lượng phải tùy thuộc diễn biến tiếp theo, ít nhất phải sau vài ngày đầu mới rõ.
Theo đánh giá của TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, đây là vụ ngộ độc hóa chất diệt chuột fluoroacetate/fluoroacetamide.
Fluoroacetate/fluoroacetamide là hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường ở các dạng ống nước nhỏ bằng nhựa hoặc thủy tinh chứa dung dịch màu hồng, dung dịch không màu, màu nâu, hoặc gói hạt gạo hồng, tất cả không có nhãn mác hoặc có thì hoàn toàn là chữ Trung Quốc.
Đây là loại hóa chất diệt chuột có độc tính cực cao với thần kinh, gây co giật, hôn mê, tổn thương não nặng, tổn thương tim, viêm cơ tim cấp, suy tim cấp, loạn nhịp tim, sốc tim, cùng với biểu hiện đặc trưng là hạ can xi. Trường hợp ngộ độc nặng có thể tổn thương và suy đa tạng.
Hóa chất này là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc thuốc diệt chuột của những năm 1990 và đầu những năm 2000, tỷ lệ tử vong rất cao và đã bị cấm ở Việt Nam nhiều năm, đã quay trở lại vài năm nay dưới dạng bán rong, bán trên mạng, thậm chí có thể bán chui một số nơi.
Ngoài 32 học sinh điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, còn có 5 học sinh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (đã có kết quả xét nghiệm nước tiểu dương tính với hóa chất diệt chuột fluoroacetate từ Viện Pháp Y quốc gia).
Trung tâm Chống độc phối hợp cùng Trung tâm Nhi khoa đã hướng dẫn đại diện nhà trường liên hệ với các trường học bên cạnh cùng rà soát nguy cơ còn sót các ống hóa chất diệt chuột hoặc tất cả các hóa chất khác ở trong khuôn viên nhà trường, tìm tất cả các cháu đã uống các loại ống chất lỏng trên hoặc bất kỳ hóa chất nào khác nghi ngờ và đề nghị nhập viện ngay tại địa phương trước.
Đồng thời thông báo cơ quan điều tra, chính quyền để tìm nguyên nhân, nguồn gốc, đảm bảo không bỏ sót các chất độc khác và không bỏ sót các cháu khác bị ngộ độc.
“Vụ việc này nhắc nhở các nhà trường phải liên tục chủ động đảm bảo an toàn trường học trước nguy cơ các hóa chất có thể tồn tại trong trường, các hóa chất bảo vệ thực vật từ đồng ruộng xung quanh, ma túy, thuốc lá mới, các cây có độc...Chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng, đã có một vụ việc nhiều học sinh ăn hóa chất diệt chuột tại một trường mầm non ở Lai Châu vì tưởng nhầm là kẹo”. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.