Xuất khẩu kịch bản Việt: Tại sao không?

Thứ Bảy, 30/12/2023, 07:49

Trong không khí tương đối ảm đạm của điện ảnh Việt 2023 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế dẫn tới khán giả cũng hạn chế lại các tiêu thụ xa xỉ, việc "Kẻ ăn hồn" đã cán mốc doanh thu 55 tỷ sau 9 ngày ra rạp có thể được xem là một tín hiệu lạc quan.

Và đáng khen ngợi hơn nữa, "Kẻ ăn hồn" cũng sắp được chiếu tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ khi dự án "song sinh kịch bản" với bản điện ảnh này là serie "Tết ở làng địa ngục" đã liên tục lọt top được nhiều người xem nhất trên Netflix.

Xuất khẩu kịch bản Việt: Tại sao không? -0
"Kẻ ăn hồn" đã cán mốc doanh thu 55 tỷ sau 9 ngày ra rạp.

Phải thừa nhận, làm phim kinh dị ở Việt Nam không hề dễ hút khách chút nào khi khán giả Việt đã quá quen với các phim bom tấn cùng thể loại của điện ảnh Âu, Mỹ. Chính vì thế, khi xem một sản phẩm điện ảnh kinh dị của Việt Nam, sẽ không ít người mang định kiến so sánh mà chủ yếu đánh giá thấp khả năng làm phim của người Việt. "Kẻ ăn hồn" đã vượt thoát được các phép so sánh khá bất công ấy nhờ vào một kịch bản cực tốt, có cốt truyện cuốn hút và sự kỹ lưỡng trong khâu đạo diễn, đặc biệt là các chi tiết văn hóa, dân gian. Chính sự kỹ lưỡng, không chấp nhận cẩu thả, không thỏa hiệp để có thể mắc lỗi nhỏ này đã khiến "Kẻ ăn hồn" hấp dẫn người xem mà không cần viện dẫn tới các yếu tố mang tính hù dọa giật gân. Có thể nói, "Kẻ ăn hồn" xứng đáng là một bộ phim đủ để được xem là tiêu chuẩn cho điện ảnh kinh dị Việt Nam vốn dĩ vẫn còn khá non nớt.

Nhưng điều đáng quan tâm chính là việc "Kẻ ăn hồn" đã thu hút được rất nhiều sự chú ý từ các nhà nhập khẩu phim nước ngoài. Ở bộ phim này nói riêng, và cả ở serie "Tết ở làng địa ngục" nói chung, các yếu tố bản sắc và bản địa rất rõ nét nhưng ngôn ngữ điện ảnh lại mang tính phổ cập đủ để được tiếp nhận ở bất kỳ nền văn hóa nào. Chính yếu tố này là thứ tiên quyết khiến nhiều bộ phim trên thế giới đã được mua lại kịch bản để làm bản phái sinh ở một nền điện ảnh khác, mà ví dụ gần đây nhất chính là "Tiệc trăng máu" mới được phái sinh ở Việt Nam từ bản gốc của Ý cách đây vài năm. Và khi "Tết ở làng địa ngục"/ "Kẻ ăn hồn" có được đặc tính đáng giá ấy, chúng ta cũng có thể đặt ra câu hỏi "Liệu có nên nghĩ tới việc xuất khẩu kịch bản Việt ra thế giới hay không?".

Với những kịch bản như "Kẻ ăn hồn" của biên kịch Thảo Trang, nhiều người trong giới điện ảnh cho rằng khả năng xuất khẩu ra nước ngoài để làm bản phái sinh là có. Nếu phim tạo được dấu ấn lớn, tạo được tiếng vang ở 13 quốc gia và vùng lãnh thổ mà nó được trình chiếu, việc kịch bản được hỏi mua để làm phái sinh hoàn toàn có thể xảy ra.

Thực chất, ở Việt Nam, những biên kịch trẻ và giỏi không hiếm. Cái đáng ngại chính là áp lực từ khâu sản xuất nhiều khi không cho họ đủ thời gian để tập trung cho các ý tưởng của mình được phát triển đủ độ chín. Số lượng phim sản xuất hàng năm luôn lớn hơn so với số lượng biên kịch giỏi. Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất chủ yếu tập trung theo đuổi các xu hướng thời đại nên ưa lựa chọn những kịch bản dễ dãi hơn là những kịch bản sâu sắc, khó có khả năng tạo ra doanh thu lớn.

Nhập khẩu kịch bản nước ngoài để làm phái sinh thì dễ nhưng việc đó không giúp điện ảnh Việt phát triển. Khuyến khích các kịch bản được đầu tư tâm huyết, chất xám, kể cả khi kịch bản ấy chưa cho thấy khả năng tạo doanh thu lớn mới là việc cần làm bởi nó tạo động lực cho lực lượng biên kịch. Chỉ khi lực lượng biên kịch nhận thấy sản phẩm, tác phẩm của mình được đánh giá đúng, được trân trọng, điện ảnh Việt may ra mới có thể vươn tầm quốc tế. Cơ bản, dù sao phim cũng chỉ là một cách kể chuyện mà thôi. Và để kể chuyện, câu chuyện phải là yếu tố quan trọng nhất.

Văn Đoàn
.
.