Xu hướng phát triển bền vững của thời trang Việt: Hòa nhịp dòng chảy thời trang thế giới
Không chỉ là những bộ sưu tập đầy dấu ấn sáng tạo, mãn nhãn khán giả và cập nhật xu hướng thế giới, thời trang Việt Nam đang dần tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững với việc tôn vinh nguồn nguyên liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường. Thông điệp này thể hiện khá rõ ở những bộ sưu tập của các nhà thiết kế trong các sự kiện thời trang lớn diễn ra gần đây...
Không phải ngẫu nhiên mà "Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam 2023" (Vietnam International Fashion Week), vừa diễn ra vào trung tuần tháng 11 tại Hà Nội lại mang chủ đề "Shaping the future - Kiến tạo tương lai" nhằm tôn vinh nguồn nguyên liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường.
Tham dự Tuần lễ thời trang này là 16 nhà thiết kế (NTK) tên tuổi trong nước và quốc tế: Vũ Việt Hà, Cao Minh Tiến, Hoàng Quyên, Phan Đăng Hoàng, Nguyễn Thành Danh, Thảo Nguyễn, Phạm Trần Thu Hằng, Henry Kof, Xuan Thu Nguyen, Ivan Trần, Lê Minh Ngọc, thương hiệu thời trang Jang Hana, Adrian Anh Tuấn và thương hiệu thời trang LeisureProject (Thái Lan), Priyo Oktaviano (Indonesia).
Là một sân chơi đẳng cấp, có tầm ảnh hưởng lớn trong nước cũng như khu vực nhưng Tuần lễ thời trang Thu Đông năm nay có sự tham gia lần đầu tiên của các NTK trẻ đầy tiềm năng như Phan Đăng Hoàng, Phạm Trần Thu Hằng, Nguyễn Thành Danh… với những thiết kế hiện đại, trẻ trung đa chiều. Trong đó, NTK Nguyễn Thanh Danh là quán quân lĩnh vực thiết kế thời trang Fashion Desigh Icon của chương trình thực tế FashUP 2022. Hay, NTK Phan Đăng Hoàng đã gây ấn tượng mạnh tại Tuần lễ thời trang Milan (Ý) với bộ sưu tập (BST) lấy cảm hứng từ những làng nghề thủ công lâu đời ở Việt Nam.
Sau 15 năm ra mắt khán giả, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá là đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 4 châu Á. Qua từng mùa tổ chức, chương trình đang nỗ lực truyền tải thông điệp về phát triển thời trang bền vững tới các NTK, người tiêu dùng và khán giả.
Mở màn cho Tuần lễ thời trang Thu Đông năm nay là BST đến từ NTK Vũ Việt Hà với BST "Sóng tơ" với chất liệu lụa tơ tằm. Thông qua BST mang tên "Một chiếc áo mới", NTK Cao Minh Tiến lại kể câu chuyện về thổ cẩm, truyền tải vẻ đẹp và những giá trị chất liệu dân gian một cách vô cùng mới mẻ. Các thiết kế của Phan Hoàng Đăng dựa trên những chuyển biến hình khối trong các tác phẩm của bà Điềm Phùng Thị. Sự kết hợp giữa một loạt kỹ thuật phức tạp trên nền các chất liệu đương đại như lụa, nhung, da… đã chinh phục được những khán giả yêu thời trang khó tính nhất.
Trước đó, vào tháng 7, Tuần lễ thời trang Xuân Hè với sự tham gia của 18 NTK cũng đã đi theo xu hướng này. Tiêu biểu như BST "Hoa trên sóng nước" của NTK Lê Thanh Hòa được BTC lựa chọn mở màn đều được sản xuất từ các chất liệu thân thiện môi trường như lục Mã Châu, organza, taffeta, sợi cọ raffia…
Nhiều năm trở lại đây, xu hướng thời trang bền vững hướng tới việc sử dụng những nguyên liệu tự nhiên được các NTK nổi tiếng trong và ngoài nước hướng đến. Là ngành công nghiệp quan trọng với đời sống con người, có sự phát triển rực rỡ và thay đổi nhanh chóng nhưng thời trang cũng chính là lĩnh vực có mức độ sử dụng và gây ô nhiễm nước ngọt cao nhất. Ô nhiễm nước ngọt xuất phát từ việc nhuộm và xử lý dệt may cũng là nguyên nhân đáng kể gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đang cấp thiết trên toàn cầu. Theo số liệu của Liên hiệp quốc, ngành thời trang tiêu thụ nhiều tài nguyên nước đứng thứ 2 so với các ngành khác, tạo ra 10% lượng khí thải carbon và gần 20% lượng nước thải toàn cầu. Ước tính 85% hàng dệt may trên thế giới kết thúc tại bãi rác. Loại rác thải này rất khó hoặc không thể phân hủy.
Trước thực tế đó, trên thế giới, thời trang bền vững được quan tâm và có được thành tựu nổi bật bằng sự ra đời của giải thưởng The CNMI Sustainable Fashion Awards (Giải thưởng thời trang bền vững) là kết hợp giữa Tuần lễ thời trang Milan (Ý) và dự án Ethical Fashion Initiative của Liên Hợp quốc. Tại tọa đàm "Thời trang bền vững - Nên bắt đầu từ đâu?" do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức cho biết đã có 20% vật liệu và hoạt động của các nhà máy dệt may được cải tiến nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường từ hoạt động dệt và nhuộm. Liên minh châu Âu đã công bố chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may với nhiều chỉ tiêu cho thời trang châu lục, áp dụng cho cả nhập khẩu nguyên liệu may mặc từ các quốc gia khác vào châu Âu.
Thời gian qua, tại Việt Nam, thời trang bền vững cũng đã có được những thành tựu nhất định, mang đến niềm vui cho những người yêu thời trang và quan tâm đến vấn đề môi trường. Minh chứng đầu tiên là ngày càng có nhiều BST được thiết kế từ các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Tại Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2022, khá nhiều BST mang thông điệp ý nghĩa và giàu giá trị nhân văn bằng việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như tái chế từ sợi hoa sen, vỏ hàu, bã cà phê, sợi sen được pha trộn với chất liệu nhựa… nhưng vẫn đậm sắc màu thời trang và công dụng ưu việt.
Mới đây, hãng thời trang La Phạm đã vinh dự góp mặt trong chương trình thời trang bền vững lớn nhất tại Thụy Sỹ - UN - DRESS. Tại khuôn khổ "Tuần lễ thời trang New York", hai NTK là Huỳnh Hải Long và Đặng Thế Huy đã trình diễn BST "Hồi sinh" với việc sử dụng các chất liệu tái sinh thân thiện với môi trường. Tháng 9/2023, tại "Tuần lễ thời trang London" Faslink và Tsafari đã mang những sản phẩm thời trang xanh với thiết kế độc đáo giới thiệu tại sự kiện và thu hút sự quan tâm của giới yêu thời trang thế giới. Đó là BST dùng nguyên liệu từ vải sợi len với thành phần collagen giúp dưỡng ẩm da và tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng.
Ngoài những doanh nghiệp lớn như May Việt Tiến, May 10, Bảo Minh, Thành Công… thì đã có những doanh nghiệp vừa như Faslink, Tsafari, Vita jean… theo xu hướng thời trang xanh. Chất liệu sản phẩm đa dạng từ chai nhựa, bã cà phê, vải sợi len, vải sợi bạc hà, vỏ hàu… Về mặt nguyên liệu, ngoài những chất liệu truyền thống như tơ tằm, tơ chuối, mới đây công ty ECOSOL ra mắt sản phẩm chủ lực là vải từ sợi dứa. Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu với Pinatex - đơn vị sản xuất da từ sợi dứa lớn nhất trên thế giới.
Thời trang bền vững còn được thể hiện thông qua việc áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) ở lĩnh vực này. Thay vì phải tốn một lượng lớn sản phẩm cho việc mặc thử của khách hàng thì công nghệ có thể giúp khách hàng trải nghiệm công việc này mà không cần phải có sản phẩm thật. Việc này không chỉ giúp các nhãn hàng tiết kiệm chi phí mà còn gần như không tạo ra chất thải ra môi trường.
Tuy nhiên, sử dụng thời trang xanh vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Là đất nước đang phát triển nên "thời trang nhanh" vẫn được đa phần người dân sử dụng. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng công tác quảng bá về thời trang xanh, thời trang bền vững cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa. Một trong những vấn đề tồn tại ở xu hướng thời trang bền vững đó là giá thành cao, màu sắc không bắt mắt, đa dạng và không phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại. Còn với các NTK, việc sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường là thách thức không nhỏ vì đòi hỏi sự cầu kỳ trong sử dụng, bảo quản. Chất liệu này khô cứng hoặc mềm mại tự nhiên nên phải tính toán rất kỹ để khắc phục hạn chế như dễ rạn, rách, ít co giãn… Giá thành lại cao nên không dễ chinh phục khán giả bình dân.
Có thể nói, thời trang là một trong những lĩnh vực sôi động bậc nhất hiện nay. Sự phát triển của mạng xã hội, sự gia nhập của hàng loạt thương hiệu quốc tế vào Việt Nam đã khiến người tiêu dùng có thể cập nhật xu hướng thời trang quốc tế một cách nhanh chóng nhất. Vì vậy, các NTK phải không ngừng sáng tạo để khẳng định và đứng vững trong sự phát triển như vũ bão của thời trang. Trong đó, việc tôn vinh bản sắc đi liền với phát triển bền vững là điều quan trọng.
Như chia sẻ của bà Trang Lê, Chủ tịch Hiệp hội các NTK thời trang Đông Nam Á (CAFD) kiêm chủ tịch Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam "mong muốn lan tỏa tinh thần phát triển thời trang bền vững. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là tương lai của thời trang Việt Nam". Ưu tiên sử dụng chất liệu tự nhiên là điều tất yếu bởi không chỉ hòa nhịp với dòng chảy của thời trang thế giới mà còn nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.