Xu hướng làm phim truyền hình về ngành, nghề: Muốn hay phải "thật"

Thứ Năm, 10/11/2022, 08:03

"Hành trình công lý" - bộ phim đang phát sóng trên "giờ vàng" VTV không chỉ được hy vọng là bộ phim hấp dẫn về ngành Kiểm sát nhân dân mà còn đánh dấu sự trở lại của mảng phim ngành nghề. Là mảnh đất chứa đựng nhiều tiềm năng, đã từng tạo xu hướng trước đó nhưng để cho ra đời những bộ phim về ngành nghề hay vẫn là chuyện không hề đơn giản.

"Hành trình công lý" là bộ phim thứ 2 (sau "Sinh tử") của đạo diễn Mai Hiền cùng khai thác công việc của những cán bộ Kiểm sát, đặc biệt là Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là bộ phim chuyển thể từ kịch bản phim của Mỹ có tên "Good Wife", xoay quanh câu chuyện của nhân vật Phương (Hồng Diễm thủ vai) quyết tâm quay trở lại với chính mình sau cú sốc lớn của cuộc đời là bị chồng phản bội. Từ một người nội trợ hơn chục năm, Phương trở lại với công việc luật sư - đúng chuyên ngành mà mình được đào tạo, tìm lại được giá trị bản thân. Ngoài ra, với vai trò luật sư, cô cũng minh oan được cho chồng.

Xu hướng làm phim truyền hình về ngành, nghề: Muốn hay phải
Hình ảnh Kiểm sát viên trong phim “Hành trình công lý”.

Được biết, nhóm biên kịch đã có tới 2 năm để chuẩn bị cho kịch bản này từ việc trao đổi kỹ với chuyên gia kịch bản của đơn vị giữ bản quyền gốc bộ phim đến việc tư vấn nghề nghiệp chuyên sâu từ các luật sư, chuyên gia của Viện kiểm sát nhân dân tối cao với mong muốn những vụ án phản ánh trong phim đúng với chuyên môn ngành nghề nhưng vẫn thực tế, gần gũi với khán giả.

Theo đạo diễn Mai Hiền, trong "Hành trình công lý" anh muốn mang tới cho khán giả hình ảnh người cán bộ kiểm sát không chỉ ở khía cạnh công việc mà còn trong đời sống, trong sự đấu tranh tâm lý khi người thân, đồng nghiệp của mình là người gây án hoặc liên quan đến vụ án đó. Từ đó, làm rõ những khó khăn, vất vả trong công việc cũng như những trăn trở của cán bộ kiểm sát trên hành trình thực hiện công lý. Bộ phim có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Như Quỳnh, diễn viên Hồng Diễm, Việt Anh, Thu Quỳnh, Doãn Quốc Đam, Hà Việt Dũng, Quốc Huy…

Như vậy có thể nói "Hành trình công lý" còn đánh dấu sự trở lại của mảng phim về ngành, nghề sau một loạt những phim có đề tài gia đình, tâm lý xã hội… Không khó để nhận thấy, mảng phim về ngành, nghề vẫn luôn là mảnh đất chứa đựng nhiều hấp dẫn với các nhà làm phim. Bởi phim về ngành, nghề chưa khi nào hết tính thời sự. Cùng với sự phát triển của xã hội, các ngành, nghề cũng có sự thay đổi theo tình hình mới.

Thời gian vừa qua, một số lĩnh vực ngành, nghề đã được các nhà làm phim tập trung khai thác như Công an, báo chí, ngành y, dược, kiểm lâm… Gần đây, một số phim đã đi vào những nghề nghiệp có tính đương đại như giới showbiz, buôn bán online… Trong số đó, có lẽ công việc của các chiến sĩ Công an được khai thác nhiều hơn cả. Với một phạm vi rộng như tội phạm hình sự, ma túy, buôn người, công nghệ thông tin… hình ảnh người Công an là vỉa quặng màu mỡ để các nhà làm phim thỏa sức khai thác. Hơn nữa, đặc thù công việc là điều tra những vụ án nên có khả năng trở thành những kịch bản hấp dẫn. Đã có hàng nghìn tập phim về Công an với sêri phim "Cảnh sát hình sự" và những bộ phim đơn lẻ khác.

Bên cạnh Công an, nghề báo cũng là công việc thu hút các nhà làm phim. Không kể tới lượng nhân vật là nhà báo trong các phim khá nhiều thì những bộ phim chuyên biệt về nghề báo cũng từng là những bộ phim ấn tượng với khán giả như: "Nghề báo", "Đèn vàng", "Phóng viên thử việc", "Đàn trời", "Tin vào điều không thể", "Nguyệt thực", "Những nhân viên gương mẫu"…

Xu hướng làm phim truyền hình về ngành, nghề: Muốn hay phải
Một cảnh trong phim “Blouse trắng”.

Dù là một "nghề khó" nhưng nghề y cũng là một lĩnh vực khiến nhiều nhà làm phim đi sâu tìm hiểu. Có thể kể tới "Lời thề Hyppocrate" (đạo diễn Phạm Thanh Phong), "Blouse trắng" (đạo diễn Mỹ Hà), "Gia tài bác sĩ" (đạo diễn Nguyễn Cao Minh), "Ký ức mong manh" (đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo), "Thẩm mĩ viện", "Anh em nhà bác sĩ", "Lời thề danh dự", "Chân trời trắng"… Thế giới showbiz với những nghề như người mẫu, ca sĩ, diễn viên… cũng đã là một điểm hấp dẫn các nhà làm phim.

Đặc biệt thời gian gần đây, khi lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với việc nảy sinh nhiều vấn đề, chứa đựng nhiều góc khuất có thể khai thác. Những bộ phim như "Những cô gái chân dài", "Người mẫu"… Ngoài ra, một số bộ phim đã khai thác những nghề nghiệp đặc biệt như "Lập trình cho trái tim" về công nghệ thông tin, "Lửa ấm" về các chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, "Bếp trưởng tới" là phim về công việc của những đầu bếp, "Bánh mì ông Màu", "Vua bánh mì" tập trung vào khai thác quá trình làm ra chiếc bánh thơm ngon, nhiều gia vị trở thành một món ăn đường phố nổi tiếng trên thế giới…

So với những bộ phim khai thác đề tài tâm lý xã hội, hôn nhân gia đình thì phim về ngành nghề khó khăn hơn ngay từ khâu viết kịch bản tới khi thực hiện. Bởi ngoài câu chuyện về tính cách, số phận nhân vật thì kịch bản phải làm nổi bật lên được những đặc thù chính mà nghề nghiệp khai thác trong phim. Những yêu cầu về mặt chuyên môn sẽ phải cao hơn để có thể nhận được sự đồng cảm của những người làm nghề đó.

Chính vì thế, ngoài việc phải chọn biên kịch là người trong ngành hoặc am hiểu về nghề thì trong quá trình làm phim, những bộ phim này luôn có một ê kíp cố vấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Phim về ngành nghề có một điểm thú vị là ngoài câu chuyện phim với những nhân vật, số phận đời thường, phim còn cung cấp thêm cho khán giả những thông tin về nghề nghiệp đó, những góc khuất phía sau mà không phải ai cũng biết.

Các nhà làm phim đều đồng tình với quan điểm, làm phim mảng này khó mà thu hút được khán giả hay không vẫn là chuyện khác. Ở bộ phim về đề tài tình yêu - hôn nhân, một tình huống trong phim có thể là hoàn cảnh mà rất nhiều người từng gặp phải nên rất dễ đồng cảm nhưng những rắc rối chuyên môn của mỗi ngành thì không phổ biến, thậm chí xa lạ với người xem. Thế nên, nếu không khéo, những vấn đề được đề cập sẽ không trúng với sự hứng thú, quan tâm của người xem. Sự chân thực, gần gũi là yêu cầu quan trọng đối với những bộ phim đi theo xu hướng này.

Có điều, vẫn còn ít phim làm người xem thỏa mãn khi lột tả được chân thực khía cạnh chuyên môn của ngành nghề đó. Đa phần phim truyền hình Việt mới chỉ khắc họa bề mặt của công việc nên người xem mới chỉ có được hình dung về nghề đó thông qua bối cảnh, phục trang chứ chưa đạt tới sự thấu hiểu. Ngay cả với những người làm ở lĩnh vực ấy, bản thân họ khi xem phim đều cảm nhận chưa thấy mình trong đó.

Có ý kiến cho rằng, dù đã phát sóng hơn 10 tập nhưng "Hành trình công lý" vẫn chưa giúp người xem hình dung được cụ thể công việc của các Kiểm sát viên. Trước đó, dù là bộ phim hiếm hoi phản ánh chân thực sự vất vả, nguy hiểm trong công việc của các chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy nhưng "Lửa ấm" có những hạn sạn không đáng có về kiến thức về lây nhiễm HIV. Ví dụ như phim có cảnh một chiến sĩ PCCC bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện, sau đó bác sĩ thông báo chiến sĩ ấy bị phơi nhiễm HIV. Hay chi tiết nữ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân đã bị phơi nhiễm HIV phải cách ly 2 ngày để phòng chống lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng cũng là sự sai lệch chuyên môn. Có nhiều phim, trong đó nhân vật phóng viên mới chỉ được đạo diễn chăm chút vẻ bề ngoài theo một mô típ quen thuộc như luôn lăm lăm máy ảnh, máy ghi âm hay sổ ghi chép. Hoặc đôi khi, việc phóng viên tác nghiệp trên phim ngô nghê thiếu thực tế khó chấp nhận.

Tương tự như vậy, phim về Công an cũng là mảng phim hấp dẫn, thu hút khán giả nhưng cũng dễ mắc phải những sai sót nếu tác giả kịch bản, đạo diễn không đào sâu tìm tòi hoặc thiếu ê kíp tư vấn chuyên môn vững vàng. Đã từng có một số bộ phim xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhưng nhận được những phản hồi từ những khán giả trong nghề là tác phong chưa chính xác hoặc "đánh án" lơ ngơ, thiếu thực tế. Lời thoại của các nhân vật theo đó cũng cứng nhắc, khác xa với đời sống.

Rõ ràng, những bộ phim như vậy mới chỉ phản ánh bề mặt của nghề nghiệp, dừng lại ở việc đưa ra bối cảnh, phục trang chứ chưa khai thác đúng bản chất của nghề nghiệp. Để có được những bộ phim ngành nghề hay, những người làm phim phải có sự dấn thân thật sự, phải hiểu nghề một cách sâu sắc để có thể lồng ghép vào cùng với câu chuyện phim một cách tự nhiên, thuần thục nhất.

Khánh Thảo
.
.