Xin đừng tra tấn bằng thơ

Thứ Năm, 09/02/2023, 08:47

Sáng tác là một công việc không dễ, không phải ai cũng làm được. Đó là một thứ lao động cao quý, rất đáng được trân trọng, nếu tác phẩm tốt, có giá trị giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ. Vậy nên người sáng tác rất cần được quý hoá, tôn vinh. Song đó là việc của công chúng - đối tượng hưởng thụ sản phẩm văn nghệ đối với chủ thể sáng tạo. Còn với bản thân người sáng tác, có lẽ rất nên tự biết sản phẩm của mình như thế nào.

Không ít người làm thơ (trong đó có cả nhà thơ chuyên nghiệp đã có "nhãn mác" lẫn người viết nghiệp dư chưa có danh) có thói quen làm được bài thơ nào mới, bèn phô tô cop pi rất nhiều bản để phát tán khắp nơi, gặp ai cũng tặng, bất kể thơ mình ra sao, người ta có thích tiếp nhận hay không? Chưa dừng lại, họ còn bắt người khác phải nghe thơ của họ. Mà không phải chỉ đọc một hai bài, cao hứng, họ đọc luôn cả chục bài.

Xin đừng tra tấn bằng thơ -0
Thả thơ trong Ngày thơ.

Dẫu người Việt ta rất yêu thơ, ai cũng có ít nhiều dòng máu thơ ca trong người, nhưng thời buổi bây giờ, thời gian quý hơn vàng, làm sao người ta rảnh rỗi để thưởng thức thơ của các vị, nghe các vị "phun châu nhả ngọc"? Khổ nhất là hai đối tượng dễ bị các nhà sáng tác thơ "tra tấn' nhiều nhất: Một là phụ nữ và hai là các cán bộ biên tập văn nghệ ở các tòa báo, nhà xuất bản. Một người làm thơ nọ, đã có tới vài chục năm làm thơ, viết đến cả nhiều trăm bài nhưng tên tuổi vẫn còn lạ hoắc, nói năng láu táu, phong cách lăng xăng, cứ mỗi lần xuất hiện ở cơ quan là toàn bộ chị em phụ nữ phải "bèo dạt mây trôi", tìm mọi chỗ để tản cư, sơ tán. Cô thì vào toa lét, chị thì tót lên sân thượng nếu không kịp cửa đóng then cài. Túm được cô nào, anh ta tặng văn bản, miệng mở máy nhả thơ. Đối tượng nhấp nhổm, rồi ngáp dài, anh ta vẫn không tha.

Có những biên tập viên, rồi trên nữa là Trưởng ban, có khi cả Chánh, Phó Tổng biên tập cũng bị tra tấn như vậy. Công việc của họ luôn ngập đầu, thời gian đuổi sau lưng khiến họ không thể rảnh rang. Vậy mà luôn bị các "thi nhân" áp sát, săn đón để... tặng thơ, kèm nguyện vọng được đăng chùm nọ chùm kia, đăng bài giới thiệu tập thơ. Có khi họ mang quà cáp đến nhờ một vài tên tuổi, cây đa cây đề nào đó viết "lời bạt" trong tập, lời bình trên báo. Cũng có khi họ tự viết ca ngợi mình, rồi thuyết phục vị nào đó nổi tiếng ký tên. Nhiều vị vốn đại lượng, vị tha, hào phóng lời khen với bất cứ ai. Đương sự biếu thêm chiếc phong bì nữa thì càng tốt. Nếu không, họ cũng vẫn giúp. Các vị này đã có tên, tuổi, chẳng còn sống được bao nhiêu nên quan niệm mọi việc đều tào lao. Có khi tặc lưỡi với ý nghĩ: Mất gì của "bọ", khen hắn cũng không vì thế mà hắn tài ba hơn. Thơ hắn thế nào, thiên hạ đọc sẽ biết. Mình có khen lên chút ít thì ai cũng sẽ hiểu là động viên thôi!

Nhiều người dễ dàng thống nhất: Thơ hay là một chuyện, thơ được phổ nhạc lại là chuyện khác. Đương nhiên, bài thơ vốn đã hay mà vào tay nhạc sĩ có tài ắt sẽ thành bài hát  hay. Nhưng không hẳn cứ được phổ nhạc là thơ hay và ngược lại không thành bài hát là thơ dở. Bởi vì sự gặp gỡ giữa thơ và nhạc cũng giống như nam nữ gặp nhau. Phải có duyên với nhau mới nên chuyện trăm năm vợ chồng. Có thể bài thơ chưa phải đã hay, hoàn chỉnh nhưng được nhạc sĩ "rung động", thêm thắt hoặc cắt xén bớt lời lẽ rồi tìm giai điệu chuyển tải thành ca khúc hay. Ngược lại, có bài thơ hay nhưng không gặp được nhạc sĩ, cũng không thành được bài hát.

Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu là những nhà thơ lớn. Vậy mà thơ của họ đâu có được phổ nhạc nhiều. Trong khi đó, các nhà thơ như Xuân Sách, Tạ Hữu Yên, Hoài Vũ lại có nhiều bài trở thành bài hát. Vậy nên được ai đó phổ thơ thì xin đừng nghĩ rằng thơ mình hay hơn người. Có người chẳng ai thấy có thơ phú bao giờ. Vậy mà tự nhiên đi khoe vung khắp bàn dân thiên hạ rằng thơ của mình được một nhạc sĩ có danh phổ thơ. Ông ta đi đâu cũng mang theo cái đài nhỏ để cắm chiếc USB có bài hát rồi mở cho mọi người nghe, bất chấp người ta có sẵn sàng đón nhận hay không. Sự xuất hiện của ông ta với việc mở ca khúc đã làm phiền người khác vì bài hát thì nhạt phèo, lời thơ thì dở òm. Mọi người vẫn cứ nói chuyện. Ông ta vẫn cứ không tắt máy. "Nhà thơ" thì cố đấm ăn xôi bắt người khác nghe. Mọi người thì coi thường ra mặt vì không thèm nghe. Rõ là một không khí chẳng hay ho chút nào.

Chẳng những tra tấn bằng thơ, không ít vị còn "hành hạ" bằng truyện, bài báo. "Tôi mới viết được cái truyện này, độc đáo lắm, đọc các ông nghe". "Tớ vừa hoàn thành bài báo này, các cậu xem thế nào". Thế là họ đọc liền một mạch, chẳng cần nghĩ mọi người có nghe hay không. Tuy nhiên, lắm khi "khổ chủ" buộc phải bất lịch sự mà chìa tay ra bắt, rồi xin phép có cái hẹn phải đi để kẻ tra tấn mình đứng lên. "Khách quý" đi rồi, họ đóng cửa tiếp tục công việc, mà chẳng đi đâu hết!

Ai đẻ con ra cũng muốn có trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc nó chu đáo. Và dĩ nhiên là sẽ rất xót xa, khổ tâm nếu chúng bị bỏ rơi hoặc đối xử tàn tệ. Người viết lách cũng vậy thôi (gọi chung là viết lách dành cho những người hoặc sáng tác, hoặc viết phê bình, lý luận, viết báo). Vậy nên cần thông cảm, thậm chí là trân trọng những "bà mẹ" như thế. Nhưng nhiều người lo cho "con" quá sá, đến mức làm mệt người tiếp nhận chúng.

Có vị vừa gửi bài hôm trước, ngay hôm sau đã dăm lần bảy lượt a lô đến hỏi kết quả và giục đăng. Thấy chưa yên tâm, còn đến tận nơi "chăm sóc". Rồi khi biên tập viên nói đã chuyển bài lên nấc trên, họ tìm gặp hết mọi chức sắc trong tòa soạn, để hỏi cho ra "con mình" đang ở đâu, tình trạng ra sao, bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Bài không thể đăng, họ hoặc là ấm ức, bực mình, hoặc là kèo nhèo, thuyết phục, đẩy tòa soạn vào thế khó xử, nhất là đối tượng lại là những bậc cao niên, tên chưa có nhưng tuổi đã kếch sù. Có vị còn dọa nếu không đăng sẽ gửi thẳng Tổng biên tập.

Có lần, trên báo, tôi đã ngỏ lời tâm sự bằng một bài viết, muốn gửi đến mọi người một nguyện vọng: Xin chớ tặng tôi sách nếu tôi không có ý xin vì nhà quá chật, không có chỗ chứa và cũng không có thời gian đọc. Không nhận thì khiếm nhã mà nhận thì nếu bán cân cho "đồng nát", lương tâm sẽ cắn rứt vì không tôn trọng người tặng. Vậy mà sau đó, tôi vẫn cứ "bị" tặng. Có vị còn ngỏ lời đề nghị tôi đọc xong thì viết bài giới thiệu cuốn sách, thậm chí viết cả chân dung của vị. Ôi! Sao có thể lố như vậy? Vị tự đánh giá mình thế nào mà muốn tôi viết chân dung tụng ca?

Có vị quá yêu mình, còn săn đón, rủ rê, mời mọc ăn uống để chỉ cốt tôi viết bài về họ. Lại có vị được một người viết về cuốn sách mới ra đời của mình. Nhưng vì cuốn sách quá dở, không có gì đáng bàn nếu không nói là sòng phẳng thì phải chê thẳng thừng nên người viết đã "khen" rất chung chung, diễn đạt loanh quanh, né tránh việc bình luận thẳng vào cuốn sách. Điều này khiến vị không vừa lòng và vị đã phải thuê một người khác viết lại, tất nhiên là gửi đăng nơi khác. 

Nhiều người rất "sợ" thủ trưởng của mình có máu me thơ phú. Ngài chỉ yêu thơ và sáng tác thôi thì cũng thật đáng quý. Nhưng lại thích cho anh em trong cơ quan thưởng thức thơ mình thì quả là mọi người rất ngại vì ngài có thể đọc thơ bất cứ lúc nào, trong cuộc họp, phút giải lao, bữa ăn trưa… Mà nghe xong thì phải tán dương chứ không nói gì ngài không khoái, cho rằng mọi người không biết thưởng thức thơ.

Ai cũng yêu mình thôi (không tự yêu bản thân thì khó có thể yêu người khác). Đó là lẽ thường, chẳng có gì đáng nói. Nhưng yêu đến mức làm khổ người khác như nhiều văn nhân viết lách kể trên thì quả là hao tổn quá nhiều thời gian và sức khỏe của các đối tượng được họ chú ý săn đón. Sáng tác thì sẽ "hữu xạ tự nhiên hương". Chẳng có hương vị gì thì làm sao có chi để bay đi, lan tỏa cho thiên hạ biết!

Thường các "nhà" hay có thói quen "tra tấn" người khác thuộc típ người luôn thừa nhiệt huyết, thời gian, thiếu tài năng cũng như sự lịch lãm cần thiết. Đôi lời, nếu có ít nhiều quá thẳng thắn này mong gửi đến quý vị để xin được rút kinh nghiệm, bởi người viết cũng từng là nạn nhân "điêu linh" của những cuộc "tra tấn" như thế.

Nguyễn Đình San
.
.