Xấu nết đổ hết cho... mèo
Mèo là con vật gần gũi với con người nên chúng xuất hiện rất nhiều trong văn học, nghệ thuật dân gian Việt Nam. Thế nhưng, ông cha ta thường hay lấy con mèo để châm biếm, đả kích thói hư tật xấu. Thành thử trong quan niệm dân gian, mèo trở thành nhân vật phản diện, điều đó liệu có oan uổng?
Là con giáp thứ tư trong mười hai con giáp, mèo là con vật nhỏ nhắn, dễ thương được con người thuần hóa để làm vật nuôi trong nhà. Với nền nông nghiệp lúa nước thường bị chuột phá hoại mùa màng, mèo trở thành con vật hữu ích, diệt trừ chuột bọ. Khi bắt chuột, sự tinh quái, khéo léo cũng như dữ tợn của mèo được thể hiện rõ, trái ngược hoàn toàn với vẻ nũng nịu, điệu đà thường ngày. Chính vì sự gần gũi với con người, các tập tính tốt xấu của mèo đều được ông cha ta đưa vào ca dao, tục ngữ để răn dạy sự đời.
Theo TS Đặng Quốc Minh Dương, có một điều phải thừa nhận rằng: mèo khá “mất điểm” trong văn hóa dân gian Việt Nam. Khảo sát sơ lược kho tàng tục ngữ, thành ngữ còn phổ biến đến tận ngày nay, dễ dàng nhận thấy điều này. “Số câu thành ngữ, tục ngữ có sự xuất hiện của mèo mang nghĩa tích cực không nhiều lắm. Tôi chỉ thấy bốn lần mèo có “phút huy hoàng”. Đó là khi cha ông mô tả cách ăn từ tốn của mèo và từ đó mượn câu nói “Ăn nhỏ nhẻ như mèo” để khuyên người phụ nữ về nết ăn. Ngoài câu thành ngữ trên, tôi còn thấy thêm hai câu nữa có ý nghĩa tích cực khi nói về mèo là “Có ăn nhạt mới thương tới mèo”. Câu này ngụ ý nói khi lâm cảnh khổ thì người ta mới biết thương người không may mắn bằng mình. Câu “Mèo con bắt chuột cống” chỉ người trẻ tuổi tài cao. Riêng câu “Rình như mèo rình chuột” để chỉ ý chí và sự kiên nhẫn, siêng năng khi thực hiện công việc của một ai đó nhưng cũng có nghĩa là chê bai ai đó tò mò, xăm soi chuyện người khác. Câu “Mèo già hóa cáo” ngụ ý nói người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ngoài ra, nó còn nghĩa là người mới đầu làm việc gì thì rụt rè nhút nhát, nhưng ở lâu năm thì tinh ma ranh mãnh. Hai câu này có nghĩa trung tính, ý nghĩa kép” - ông phân tích.
Ngoài bốn câu trên, hầu hết thành ngữ, tục ngữ đều nhìn mèo dưới góc độ tiêu cực, gắn với những gì xấu xa đáng phê phán. Chẳng hạn khi nói về trai gái lăng loàn, vụng trộm thì dân gian có câu “Mèo mả gà đồng”. Châm chích người bất tài vô dụng nhưng tự dưng được hưởng lợi lộc thì lại có câu “Mèo mù vớ được cá rán”. “Mỡ để miệng mèo” ám chỉ những kẻ bất lương, cái lợi đã đến tận miệng thì dễ gì bỏ qua. “Mèo khen mèo dài đuôi” nhằm mỉa mai kẻ có thói vỗ ngực tự đắc. Hay vì mê tín, người ta có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Giàu nghèo, vinh nhục ở đây không hẳn vì bản chất của mèo, của chó mà chỉ do tiếng kêu. Mèo hay kêu meo meo, nghe đồng âm với từ “nghèo nghèo”. Chó sủa “gâu gâu”, na ná từ “giàu giàu”. Thế là dân gian cứ thế gán cho con mèo số phận hẩm hiu. Ở bài đồng dao quen thuộc “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”, ngụ ý đá xoáy, mỉa mai mèo hiện rõ. Mèo bỗng hiện lên như một tên cậy quyền cậy thế nhưng đầy ngu ngốc, lắm điều.
Nhắc đến hình tượng mèo trong tranh dân gian, người ta nhớ ngay tới hai bức “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy”. Hai bức này xuất hiện ở cả dòng tranh Đông Hồ lẫn tranh Hàng Trống. Về hình thức, hai bức “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy” của hai dòng tranh này có bố cục, kết cấu tranh gần giống nhau, chỉ có cách tạo hình và vài chi tiết được thêm thắt như hình ảnh lá cờ và những con chữ đề trên tranh là khác.
Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm tranh dân gian nói chung có lẽ là bức “Đám cưới chuột”. Theo nhiều học giả nghiên cứu tranh dân gian Việt Nam, tác phẩm này vốn rập khuôn từ mẫu hình tranh Niên Họa Trung Quốc. Tuy nhiên ở đây không chỉ là một bức duy nhất mà có hàng trăm mẫu hình. Các bức tranh này thường gắn liền với phong tục năm mới của người Hoa. Chúng minh họa cho câu chuyện “chuột già gả con gái cho mèo”. Khi cả đoàn họ hàng nhà chuột thổi kèn đánh trống rước dâu đến nhà mèo, thì bị mèo đớp một miếng nuốt sạch cả bọn vào bụng.
Đám cưới chuột ngoài cốt truyện khác biệt, câu chuyện này còn được nhiều địa phương in khắc hay trổ giấy nên có nhiều dị bản phong phú. Có những bức tranh mô tả cảnh mèo chén sạch đàn chuột tan hoang ngay trong đám cưới. Tranh Niên Họa chú trọng đến ý nghĩa trừ tịch của đêm giao thừa, mèo chén sạch cả đàn chuột có ý nghĩa tiêu trừ những sự nhiễu nhương hoành hành của bọn chuột bọ để bước sang năm mới đón những điều tốt lành.
Trong tranh Đông Hồ và Hàng Trống, đám cưới chuột diễn ra tưng bừng. Cảnh trên là bốn con chuột đang “điếu đóm” con mèo những sản vật như chim, cá; cảnh dưới cô dâu ngồi kiệu, chú rể cưỡi ngựa cờ quạt tưng bừng. Như vậy nội dung tranh đã ít nhiều khác với tranh Niên Họa. Theo luận giải của các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng, chủ đề chính của bức tranh này chính là sự châm biếm. Mèo đại diện cho thế lực cường hào ác bá ở nông thôn, con chuột là dân nghèo bị áp bức, bóc lột. Để đám cưới được yên ổn, chuột phải hối lộ mèo. Bức tranh tuy mô tả quang cảnh đám cưới vui nhộn nhưng thực tế là sự phê phán thói đời và tầng lớp phong kiến xưa. Theo cách luận giải này, con mèo tiếp tục mang một gương mặt ác.
Nhiều năm nghiên cứu về dòng tranh dân gian ba miền, PGS.TS Trang Thanh Hiền cho rằng, nếu bỏ qua mọi ngữ nghĩa hiện đại mà người đời sau áp đặt lên bức tranh về tầng lớp quan lại tham ô nhũng nhiễu, thì ta có thể thấy hiện ra một câu chuyện khác. Một câu chuyện rất Tết. Đó là câu chuyện về sự no đủ, về sự đầm ấm hạnh phúc. Con mèo no đủ với cống lễ là cá, là chim và biết đâu lại là chính con chuột mang đồ đến biếu. Còn đám cưới tưng bừng phía dưới lại cho thấy sự hạnh phúc tràn trề.
Có thể thông qua hình ảnh con chuột, con mèo, dân gian muốn gửi gắm thông điệp về sự sinh diệt, tiêu trưởng của vũ trụ, về cái lẽ thường hằng của nhân sinh. Ở đó cũng thể hiện ra hàm nghĩa về sự cộng sinh hòa bình giữa muôn loài, dù là hai loài có mối thù truyền kiếp như mèo và chuột. Điều mà nếu chỉ nhìn tranh trên góc độ châm biếm sẽ không bao giờ nhận thấy. Nhìn ở góc độ này, mới thấy con mèo trong tranh Việt rất “dĩ hòa vi quý”, vui vẻ nhận hối lộ chứ không hung dữ, chực chờ tấn công đàn chuột như trong tranh Niên Họa. Đây là điều mà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế của làng tranh Đông Hồ đồng tình: “Treo tranh dịp đầu năm, người Việt không ưa chuộng tranh châm biếm. Họ mong mọi điều tốt đẹp, ấm no được gửi gắm vào con giáp trong năm”.
Bức “Chuột vinh quy” cũng có tạo hình na ná “Đám cưới chuột”. Nhưng ở bức “Chuột vinh quy” của dòng tranh Hàng Trống, người xưa đề cao sự mưu trí của cả mèo lẫn chuột. Chữ trên tranh cạnh con mèo là “Thử bối nghinh ngư “chí chí chí”/ Miêu nhi thủ lễ “mưu mưu mưu”. Nghĩa là: “Chuột già dâng cá chí chí chí/ Mèo con nhận lễ mưu mưu mưu”. Ở đây dân gian xưa dùng lối chơi chữ. “Chí” và “mưu” là từ tượng thanh tiếng kêu của chuột và mèo, nhưng đồng thời ghép lại thành ẩn dụ sự mưu trí.
Còn một tác phẩm của dòng tranh Đông Hồ mà ít người để ý đó là bức “Em bé ôm mèo”. Bức tranh này thuộc chủ đề tranh chúc tụng với các bức tranh: "Em bé ôm cóc" (Tranh nhân nghĩa), "Em bé ôm rùa" (Tranh lễ trí), "Em bé ôm vịt" (Tranh phú quý), "Em bé ôm gà" (Tranh vinh hoa)... Con mèo trong bức tranh được tôn vinh những đức tính tốt đẹp. Tranh hay treo vào dịp Tết với ý nghĩa cầu chúc cho người nhận được nhanh nhẹn, thông minh và mưu trí như mèo.
Nhịp sống hiện đại ngày nay, mèo không đơn thuần là con vật bắt chuột giúp người mà còn là thú cưng của gia đình bởi vẻ tinh nghịch, nũng nịu rất đáng yêu. Ai yêu mèo dễ dàng nhận thấy chúng không đáng bị người xưa gắn mác nhân vật phản diện. Giải oan cho mèo, TS Minh Dương cho rằng thực chất mèo đã và đang làm vật “hy sinh”, làm tấm bia để người xưa răn dạy thế hệ con cháu, cho họ thấy rõ lẽ sống ở đời để từ đó mà sống tốt đẹp hơn.