“Xăm tiếng Việt đi” giữ gìn vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt

Thứ Sáu, 05/11/2021, 10:02

Xăm hình đã xuất phát từ lâu đời trong lịch sử cổ đại và đến nay vẫn rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ. “Xăm tiếng Việt đi” là dự án được giới trẻ ủng hộ, điều này góp phần gìn giữ vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt.

Hiện nay, xăm hình nghệ thuật đã khá quen thuộc với mọi người trong xã hội. Cuộc sống hiện đại, con người xăm hình để làm đẹp hoặc lưu giữ những kỉ niệm. Tuy nhiên, cũng có những người trẻ tuổi chưa đủ độ chín chắn đã chọn những hình xăm không phù hợp với bản thân, đi kèm với các hành động thiếu văn hoá, điều này gây phản cảm đến những người xung quanh. Không những vậy, các “tay anh chị” chọn những hình xăm “lố” cùng với hành động bạo lực, khiếm nhã đã làm nhiều người hiểu sai về vẻ đẹp, ý nghĩa của hình xăm nghệ thuật.

Giới trẻ hiện đại ở Việt Nam đa số ưa chuộng xăm những dòng chữ tiếng nước ngoài, điều này có thể dẫn đến việc họ quên rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp và giàu hình ảnh, sắc thái. Dự án “Xăm tiếng Việt đi” đã được tạo ra nhằm khuyến khích mọi người chọn tiếng Việt khi xăm hình thay vì ngoại ngữ khác. Người Việt đưa chất liệu Việt vào những hình xăm cũng là một hình thức thể hiện niềm tự hào dân tộc.

anh nguyễn an - người sáng lập dự án xăm tiếng việt đi.jpg -0
Anh Nguyễn An - người sáng lập dự án “Xăm tiếng Việt đi”.

Lịch sử của hình xăm:

Tháng 9 năm 1991, các nhà khảo cổ học tìm thấy một “người băng” sở hữu hơn 60 hình xăm ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể tại vùng núi Tyrol gần biên giới nước Áo và Ý. Khí hậu lạnh giá và địa hình núi đá bao phủ chính là môi trường hoàn hảo để lưu giữ xác ướp cổ đại. Theo nhận định, “người băng” này sống vào khoảng 5.300 năm trước, lúc đó là thời đại Đồ đồng. Điều này cũng đặt ra dấu mốc lịch sử lâu đời của hình xăm trên cơ thể người. Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều xác ướp có hình xăm tại hơn 49 nơi khác nhau trên thế giới. Điều này minh chứng cho tập tục xăm hình trên cơ thể người đã có từ lâu đời và bắt nguồn lâu nhất tại: Alaska, Mông Cổ, Greenland, Ai Cập, Trung Quốc, Sudan, Nga và Philippines.

Ở Việt Nam, hình xăm cũng là một nét “bản sắc” từ lịch sử cổ đại. Tài liệu xưa ghi lại, người Việt cổ xăm hình ban đầu theo lệnh vua Hùng để chống lại thuỷ quái. Bởi người xưa tin rằng khi xăm hình dữ tợn lên cơ thể sẽ không bị thuồng luồng gây hại nữa. Thời nhà Trần, có luật lệ những người trong hoàng tộc, phục dịch cho triều đình buộc phải có hình xăm trên cơ thể. Năm 1285, các tướng sĩ quân đội dưới thời nhà Trần đều xăm hai chữ “Sát Thát” lên người nhằm nêu cao quyết tâm giết giặc Thát Đát (Mông Cổ) để bảo vệ nước nhà.

“Xăm tiếng Việt đi”

Việc xăm hình bây giờ đã trở thành một bộ môn nghệ thuật và đặc biệt phổ biến trong giới trẻ hiện đại. Các hình xăm được dùng để trang trí, lưu giữ những kỉ niệm đẹp của người xăm, tuy nhiên, giới trẻ thường lựa chọn xăm những dòng chữ ngoại quốc, khá ít bạn trẻ chọn xăm tiếng Việt. Việc xăm chữ ngoại quốc không đồng nghĩa với việc giới trẻ Việt hướng ngoại. Có rất hiều lí do giới trẻ ít chọn xăm tiếng Việt, có thể do họ sợ người khác đọc được nghĩa của hình xăm hoặc họ không tìm ra được nghĩa lột tả điều mình muốn lưu trữ bằng tiếng Việt… Hoặc đơn giản là vì chưa có ai mở ra xu hướng xăm chữ tiếng Việt. Và dự án “Xăm tiếng Việt đi” đã được ra đời – mở ra xu hướng lưu giữ kí ức bằng tiếng Việt.

Dự án này đang do Nguyễn An triển khai và trở thành xu hướng lan ra mạnh mẽ được giới trẻ Việt ủng hộ. “Xăm tiếng Việt đi” là dự án khuyến khích mọi người chọn chữ tiếng Việt để xăm, lưu giữ kỉ niệm. Dự án mang thông điệp truyền tải về tiếng Việt, để mọi người nhận ra rằng tiếng Việt rất hay. Nguyễn An – chủ dự án “Xăm tiếng Việt đi” sẽ “cóp nhặt” những câu chuyện thú vị, nhẹ nhàng mà có ý nghĩa từ những hình xăm tiếng Việt. Theo Nguyễn An, dự án này sẽ được hoàn thiện với 100 tác phẩm, gồm các câu chuyện phía sau những hình xăm tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của mình. 

screen shot 2021-11-05 at 10.06.25.jpg -0
Đằng sau các hình xăm tiếng Việt là những câu chuyện cảm động. Ảnh Tattconista.

Nguyễn An là một thợ xăm chuyên nghiệp đang sống và làm việc lại TP Hồ Chí Minh. Trước đó, anh là một hoạ sĩ vẽ tranh minh hoạ trong ngành quảng cáo, sau vài lần tiếp xúc với nghệ thuật xăm, Nguyễn An quyết định nghiêm túc theo nghề xăm chuyên nghiệp. Anh cùng những người đồng nghiệp của mình đã lên ý tưởng cho dự án “Xăm tiếng Việt đi” để tạo cảm giác kết nối, gần gũi và lưu giữ nét đẹp của tiếng Việt.

Nguyễn An chia sẻ: “Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ vô cùng đẹp và có chiều sâu, do đó mình mong rằng nhiều người có thể cảm nhận được điều này thông qua một chất liệu mới: hình xăm. Có khá nhiều bạn trẻ tâm sự với mình là họ lo ngại việc xăm bằng tiếng Việt vì sợ sến và ngại người thân đọc hiểu thông điệp đó. Thế nhưng, mình hi vọng mọi người có thể suy nghĩ khác đi một chút, bởi lẽ, nếu sử dụng câu từ hợp lí thì xăm tiếng Việt lên có thể là sự lựa chọn khá hoàn hảo”. Dự án “Xăm tiếng Việt đi” được lên ý tưởng trong khoảng thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Nguyễn An cho rằng việc xăm tiếng Việt cũng mang đến sự gắn kết, gần gũi giữa người Việt với người Việt.

Sau khi dự án “Xăm tiếng Việt đi” đi vào hoạt động, đã nhận được sự hưởng ứng từ các bạn trẻ. Các bài viết liên quan đến dự án “Xăm tiếng Việt đi” trên mạng xã hội Facebook cũng được nhiều người theo dõi và quan tâm. Khá nhiều bạn trẻ đã nói rằng bản thân đã thay đổi suy nghĩ xăm tiếng nước ngoài và chuyển sang hình xăm tiếng Việt. Nhiều người đã tìm đến Nguyễn An để xăm chữ tiếng Việt và kể cho anh nghe những ý nghĩa đằng sau dòng chữ tiếng Việt ấy.

“Con gai an com chua con” là dòng chữ được một bạn trẻ nhờ Nguyễn An xăm cho vào một năm trước. Nguyễn An kể lại rằng, khi tiệm đã đến giờ đóng cửa thì có một bạn gọi điện đến với lời đề nghị xăm dòng chữ “Con gai an com chua con”. Cô bạn này nói dòng chữ ấy là dòng tin nhắn của người ba đã mất của mình. Bạn ấy muốn xăm dòng tin nhắn tràn đầy tình yêu thương của ba mình lên tay để lưu giữ kỉ niệm, thể hiện sự gắn kết giữa hai ba con.

Nguyễn An chia sẻ rằng, câu chuyện đằng sau dòng chữ “Con gai an com chua con” của bạn trẻ đó đã là nguồn cảm hứng cho anh thực hiện dự án “Xăm tiếng Việt đi”. Nguyễn An cũng nói trong cuộc phỏng vấn: “Tiếng Việt có cái hay của tiếng Việt, nó gần gũi và đơn giản vì mình là người Việt Nam. Khi mình xăm một câu tiếng Việt thì sẽ đồng cảm được với đa số mọi người hơn là câu tiếng Anh. Mình được kết nối với mọi người, được lắng nghe và đồng điệu trong câu chuyện của mỗi bạn khi đến với mình”.

Việc xăm hình nghệ thuật đã không còn xa lạ với mọi người, đặc biệt là trong giới trẻ hiện đại. Chiến dịch “Xăm tiếng Việt đi” là một chiến dịch hay và ý nghĩa. Nhiều người đã chia sẻ những hình xăm bằng tiếng Việt của mình cùng những câu chuyện đằng sau đó. Một câu chuyện của một bạn gái 20 tuổi đã lấy đi nước mắt của nhiều người, bạn gái ấy muốn xăm dòng tin nhắn cuối cùng của người mẹ đã mất lên cánh tay của mình.

“Phỏng vấn đậu hay không bé?” là dòng tin nhắn cuối cùng của bạn ấy nhận được từ mẹ, bạn muốn xăm lên cánh tay để lưu giữ kỉ niệm, sự gắn kết giữa hai mẹ con. Những câu chữ tiếng Việt mang ý nghĩa rất riêng, thể hiện được tâm hồn của người xăm nói riêng và thể hiện được cái hồn của tiếng Việt cho người Việt Nam nói chung. Điều này còn góp phần cho việc bảo tồn, giữ gìn sự giàu đẹp của tiếng Việt trong cuộc sống hiện đại, khi con người chạy dồn theo xu hướng như hiện nay.

Người Việt đưa ngôn ngữ Việt vào những hình xăm để khi bạn bè quốc tế hỏi đến, chúng ta có thể tự hào giới thiệu ý nghĩa và câu chuyện của bản thân mình ở sau dòng chữ tiếng Việt được lưu giữ trên người. Chúng ta có thể tự hào vì dòng chữ ấy là của người Việt Nam chứ không phải là ngôn ngữ của quốc gia khác. Nghệ thuật xăm hình hiện nay khá phổ biến ở các quốc gia trên thế giới. Dự án “Xăm tiếng Việt đi” là một trong những hành động tự hào về tiếng mẹ đẻ, cũng là cách để đưa hình ảnh và văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Khánh Hà
.
.