Vũ Thái Bình - Một chặng đường theo dó
Hơn 20 năm gắn bó với giấy dó Việt Nam, họa sĩ Vũ Thái Bình miệt mài biến tranh vẽ trên giấy dó trở thành các tác phẩm nghệ thuật hội họa đích thực. Triển lãm cá nhân "Sắc Dó 4" (từ 18 đến 22/10) là một dấu ấn đậm nét trên hành trình sáng tạo đầy cống hiến đó.
"Dó Việt đâu còn là Dó của ngày hôm qua. Vũ Thái Bình vật vã hay lặng thinh, ngọn bút vẫn mượt mềm muôn nét lạ". Lời ngỏ dành tặng của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam như thoảng gió se tháng 10, nhẹ gợi mở cánh cửa bước vào "Sắc Dó 4", triển lãm cá nhân tranh màu nước trên giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này.
Trong không gian kinh viện và trang trọng của hội họa Việt Nam, hơn 20 tác phẩm khổ lớn đến rất lớn, để người xem một lần nữa "thấm và loang" cùng màu nước trên giấy dó, thứ giấy thủ công "đặc sản" của Việt Nam. Cái sự "thấm và loang" của "Sắc Dó 4" có khác những lần trước đó là "Nhuần nhị", chữ mà họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện Ảnh đã dành cho hội họa của học trò cũ, họa sĩ Vũ Thái Bình.
Để đạt được sự "Nhuần nhị" này là một hành trình nhiều năm. Vũ Thái Bình không giấu chuyện đã có những thời điểm "rung rinh", đôi chút hoang mang trước đường đi của Dó. Đã từng trải nghiệm một hình thái khác của Dó, đời sống hơn, thị trường hơn nhưng rồi nhận ra đó không phải là chính mình. Giấy dó trước nay vẫn mặc nhiên gắn với "nghệ nhân thủ công", "tranh trên giấy dó" cũng thế, hay bị vô tình gắn với tranh trang trí/ tranh dân gian/ đồ họa, gọi tắt là mỹ nghệ. Đó là loại nghệ thuật được tạo ra để phục vụ một mục đích hữu dụng nào đó hoặc để giải trí hay tiêu khiển. Đó là vấn đề thuộc thị hiếu và lịch sử. Cũng vì thế mà việc biến tranh trên giấy dó thành nghệ thuật của thị giác, được tạo ra chủ yếu nhằm mục đích thẩm mĩ và trí tuệ, được đánh giá bởi vẻ đẹp và ý nghĩa là một việc không hề đơn giản.
Họa sĩ Vũ Thái Bình là một trong số ít người bền bỉ đi cùng Dó. Và ở mỗi triển lãm cá nhân, giới chuyên môn luôn tìm thấy ở anh cái mới, sự vượt lên chính mình. Còn nhớ, ở triển lãm "Sắc Dó 1" (năm 2016), Vũ Thái Bình trình bày những ghi chép, ký họa màu nước trên giấy dó khổ nhỏ. Màu nước với kỹ thuật "wet-on-wet" (Quết một lớp nước mỏng lên trên mặt giấy rồi dùng màu ướt tô lên, tạo hiệu ứng loang màu) trên giấy dó đã tạo ra nhiều sắc mới làm ngỡ ngàng và thích thú với không ít người xem.
Những tác phẩm của anh ở thời kỳ này chủ yếu là khổ nhỏ, xinh xắn, vừa mắt. "Sắc Dó 2" (năm 2018) là ấn tượng những mảng màu đơn sắc cùng "khám phá" và "thoả hiệp" của Vũ Thái Bình với độ loang kỳ ảo trên giấy dó có mức dày - mỏng (hay còn gọi là bóc giấy) khác nhau cùng độ khó bội phần của khổ lớn. "Sắc Dó 3" (năm 2021) lấp lánh sự soi rọi và phản chiếu của chất liệu và kỹ thuật đương đại vào tranh giấy dó dân gian bằng sự kết hợp của màu nước và màu điệp. "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".
Tính từ năm 2003, bắt đầu "bén duyên" cùng giấy dó, họa sĩ Vũ Thái Bình đã có 13 năm tìm tòi để có được "Sắc Dó" đầu tiên (năm 2016). Mười ba năm "luyện đan" chinh phục chất liệu đỏng đảnh bậc nhất mới cho ra triển lãm đầu tiên, đủ để thấy sự kiên nhẫn và bình trí trong hành trình sáng tạo ở người họa sĩ bé nhỏ này. Trải qua từng "Sắc Dó", Vũ Thái Bình luôn bền bỉ và an nhiên với Dó hay đơn giản là để "Dó" cuốn đi? Thật khó có câu trả lời chính xác. Bởi có khi là sự chế ngự, kiên định của một người hiểu mình, hiểu Dó.
Nhưng cũng nhiều lúc, sự kỳ diệu của chất liệu và sự thăng hoa của cảm xúc kéo nét cọ bay lên. "Sắc" nghĩa là "hòa sắc". Trong hội họa, hòa sắc bộc lộ rõ ràng kỹ thuật (technique) của một họa sĩ. Xem "Biển Đồng Châu", "Mây phủ hoàng hôn", "Trước gió", "Mùa nước đổ" hay "Mùa nước đổ Nà Bai" … gợi nhớ lời danh họa Salvador Dali: "Hòa sắc của một họa sĩ giỏi được dựa hoàn toàn trên cách sử dụng các sắc độ ấm và lạnh một cách nhịp nhàng và êm ái. Hãy hiểu rằng người ta biết ngay bạn có phải là một đại cao thủ về hoà sắc hay không, và đó chính là cách chắc chắn nhất để biết, qua việc cho bạn vẽ một bức tranh chỉ với đen và trắng, trong một màu, được gọi là vẽ đơn sắc".
Thật vậy, "Sắc" còn có nghĩa là "Sắc độ" tức độ sáng, tối, trung gian và phản quang. Các bức "Mùa cây thay lá" 1, 2 và 3 rất kiệm màu nhưng sự chuyển đổi khéo léo độ đậm nhạt khiến người xem vẫn dễ dàng nhận biết được các ảo giác về hình khối, chất khô của thân gỗ, rêu mốc của mái ngói, độ sâu của không gian …
Tiêu điểm trong bức tranh (focal point) được tạo ra nhờ sự tương phản của độ đậm nhạt với vùng sáng nhất (ánh nắng) trên một nền tối rộng bao quanh (những cành cây) thú vị thay chính là màu giấy dó. Rất nhiều trong các bức tranh Vũ Thái Bình vẽ theo thủ pháp rất riêng này. Tưởng như "buông", như không vẽ hết … nhưng kỳ thực là dành phần cho dó khoe sắc. Các bức tranh "Ký ức của tôi", "Nơi tôi qua", "Cửa điện" lại khiến người xem dễ tin rằng giấy dó Việt Nam là một "tác phẩm" theo nghĩa cảm xúc. Đó là bởi những nét - hình - bố cục - ánh sáng … những biểu hiện thuộc về người vẽ có đấy mà không có. Cùng bởi cấu trúc hỗn mang của sợi giấy, nước loang bung tỏa và chính cái cốt màu vàng nâu của giấy dó, nâu tím của cafe, nâu đỏ của sỏi son dường như đã hiện lên tự nhiên. Vẽ chỉ là phương tiện để mô phỏng những biểu cảm chân thực, giản dị của thiên nhiên mà thôi.
"Sắc" và "Dó", họa sĩ và chất liệu trong "Sắc Dó 4" đã diễn tả các chuyển động biểu cảm của tự nhiên và đối tượng được họa sĩ chọn như thể chúng hiện ra trước hết trong mắt người xem. "Đâu là hình và hồn cụ bà trong bình vôi. Nắng ngày đông nếu có buồn thì miếng trầu cay vẫn thắm. Mặc cây thay lá đang đợi gọi theo mùa. Lời mẹ hát ru con khó cũ. Cơn giông đến, cơn giông đi, biển không dọa được những người đàn bà một đời cặm cụi. Sóng cứ xô bờ cát. Không cần biết là ai đang đẩy sóng về khơi xa để cánh đồng trời thả mây đón sóng. Cũng lạ. Sao lại là những chuông gió bình vôi. Nức nở duyên phận của Cụ tôi, Bà tôi, Mẹ tôi lay động lá vườn nhà. Để mùa nép mùa không dám khác"… Đó là cuộc "chuyện trò" mà họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi lại từ triển lãm của "Sắc Dó" lần này của họa sĩ Vũ Thái Bình.
"Lần nào đến cũng mang theo khác biệt" - đó là cảm nhận của không ít người xem qua mỗi "Sắc Dó" của Vũ Thái Bình. Mỗi người lại xem với một cảm xúc khác nhau. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông: "Trên dưới 20 năm vẽ giấy dó, Vũ Thái Bình có thể làm chủ các "sắc nắng" trên mỗi loại mỏng/ dày, vàng/ trắng, đậm/ nhạt của giấy, từ bóc một (loại dó mỏng nhất) cho tới bóc mười (dày nhất) anh đều biết cách để nền giấy tự cất tiếng nói, mộc mạc mà lao xao tỉ mỉ, mộc mà tĩnh lặng, đằm thắm".
Từ dó Việt, nhìn sang đất nước mặt trời mọc. Nhật Bản cũng có nhiều loại giấy được làm thủ công theo phương pháp truyền thống của các nghệ nhân. Năm 2014, truyền thống làm giấy washi đặc biệt ở thành phố Mino đã được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể". Giấy sekishubanshi (thành phố Hamada) và hosokawa (thành phố Ogawa) cũng được công nhận danh hiệu này. Theo UNESCO "Những người sống trong cộng đồng này tự hào về truyền thống làm washi của họ và coi đó là biểu tượng của bản sắc văn hóa quê hương".
Ông Akahane Seiji, một người Nhật, sau khi xem "Sắc Dó 4" đã trực tiếp sưu tầm để dành tặng Vũ Thái Bình những tập giấy washi tốt nhất. Bác sĩ Sonja Annelies Fischer - Một người bạn của nhiều họa sĩ đương đại Việt Nam, nhà sưu tập và tổ chức triển lãm quốc tế tại Đức khi xem các tác phẩm trong "Sắc Dó 4" đã thốt lên: "It is unrepeatable unique, you know. Same like his adorsome artwork with the Lady" … (Nó thật độc đáo và không thể lặp lại, bạn biết đấy. Nó giống như tình yêu dành cho một quý cô). Có lẽ, với riêng Vũ Thái Bình, 20 năm là chưa đủ. Con đường sáng tạo còn trải dài phía trước. Từ "thấm và loang" theo Dó, Vũ Thái Bình mượn Dó mà tô đẹp sắc quê hương. Giống như nhắn nhủ của Chủ tịch Hội Mỹ thuật dành cho anh: "Đĩa màu xin thiên nhiên, bút vội vàng sợ nhạt. Vũ Thái Bình mượn Dó thả tình chi?…"