Vì sao người trẻ viết văn?
Vì sao người trẻ viết văn? Đây là câu hỏi đang được đặt ra và cũng sẽ được làm rõ hơn trong Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, diễn ra tại Đà Nẵng. Nhiều người viết xác định văn chương chỉ là một cuộc chơi, một số khác lấy văn chương để giãi bày cảm xúc cá nhân. Song cũng không ít cây bút coi đó là nhu cầu tự thân và là cách để thể hiện trách nhiệm công dân.
Háo hức và kỳ vọng
Các tác giả trẻ những năm qua nỗ lực sáng tạo, tác phẩm được in ấn trên các báo, tạp chí, được xuất bản thành sách đang rất háo hức được tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10. Ở đó họ sẽ được gặp mặt những bạn viết mà nhiều năm qua chỉ được “gặp” trên mạng xã hội, được chia sẻ, lắng nghe và chắc chắn có người cũng được tiếp thêm năng lượng sáng tạo.
Tác giả Ny An (Quảng Nam) chia sẻ: “Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 là cơ hội để những cây bút trẻ như chúng em được giao lưu, gặp gỡ nhau. Và đặc biệt hơn là được tiếp xúc và học hỏi các thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để khẳng định một chút tên tuổi của bản thân trên văn đàn, vì như em được biết, không phải tác giả trẻ nào cũng được tham dự, mà phải qua những vòng giới thiệu, bỏ phiếu lựa chọn gắt gao. Tuy nhiên, theo em, không được tham dự Hội nghị không có nghĩa là bạn viết kém hơn những người khác. Văn chương là chặng đường dài, ai kiên trì đi đến cùng thì mới gặt hái được quả ngọt. Không phải chỉ vì một Hội nghị mà đánh giá được khả năng của chúng ta sau này. Mỗi người đều phải cố gắng đọc nhiều, trải nghiệm nhiều, nuôi dưỡng cảm xúc và rèn giũa từng ngày”.
Chung tâm sự ấy, tác giả Trần Thái Hưng (Hải Phòng) bày tỏ: “Cuộc đời của người viết luôn có những dấu mốc. Từ cuốn sách đầu tay, tôi nghĩ đơn giản in để làm kỉ niệm. Còn với kì Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 này sẽ là một dấu mốc đặc biệt, dấu mốc chứng tỏ tôi đã chính thức bước vào một chặng mới, duyên nợ hơn với văn chương. Hành trình còn rất dài với những người trẻ như chúng tôi, tất nhiên, sẽ có nhiều khó khăn, nhưng cũng có cả những điều thú vị đang ở phía trước”.
Tác giả trẻ Nguyên Như, tên thật là Lê Ngọc Dũng là người gốc Thanh Hóa (sinh sống tại Tây Nguyên) cũng háo hức được dự Hội nghị. Anh đã viết tham luận gửi đến Ban Tổ chức, nhưng vì trùng lịch với Trại sáng tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội, nên anh lựa chọn đi trại viết. Nguyên Như mong rằng sau Hội nghị, tất cả người viết trẻ dù tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 hay không, hãy thắp sáng con đường văn chương của mình bằng sự nỗ lực, cố gắng, không ngừng dấn thân để đạt được những thành tựu tốt nhất.
Viết văn là nhu cầu tự thân
Hầu hết tất cả những người sáng tác văn chương đều thấy việc “đánh vật” với con chữ rất nhọc nhằn, tốn thời gian mà chẳng mang lại nhiều lợi nhuận. Thậm chí có trường hợp không những không có lợi nhuận, mà còn phải bỏ tiền in sách để tặng bạn bè. Rất nhiều nhà văn viết như một nhu cầu tự thân, như một ý thức văn chương chứ không hề nghĩ đến những đồng nhuận bút. Trước câu hỏi vì sao người trẻ viết văn, nhà văn Nhật Phi (Hà Nội) trả lời: “Văn chương là trò chơi tự thân của người viết”. Sinh sống và làm việc tại An Giang, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng đã gặt hái được nhiều giải thưởng văn chương. Anh cho rằng: Viết văn để góp phần làm đẹp cuộc sống”.
Nhà văn trẻ Đức Anh (hiện làm truyền thông về sách tại Hà Nội) cho hay: “Viết lách sẽ là một con đường khả dĩ để hiểu được một thế giới đang ngày càng lạ lùng hơn.Ngày nay, tôi được nghe nhiều bạn đọc nói rằng họ không hiểu nổi con mình, họ không thể nắm bắt kịp một thời đại mà có thể kiếm hàng ngàn đô la dễ dàng qua những phép tính nhị phân trên màn hình. Tiêu chuẩn đạo đức của ngày trước đang dần thay đổi, tiêu chuẩn đạo đức mới của cuộc sống ngày nay đang dần hình thành. Thật ra thì thời đại nào cũng như vậy. Nhưng ta cần văn chương dành riêng cho thời đại này”.
Đức Anh cho rằng, văn chương Việt Nam đang có những sự nhúc nhích, tất nhiên đâu đó chúng ta vẫn nghe thấy rằng chưa có tác phẩm thật sự chất lượng. Tuy nhiên, ngày nay văn chương không hẳn sẽ là một cho tất cả, mà từng tác phẩm sẽ đáp ứng từng nhu cầu: Sự đọc và viết giờ đây sẽ là sự cùng tư duy.
Chỉ mới đặt chân đến địa hạt văn chương chừng 6 năm trở lại đây, nhưng tác giả Tống Phước Bảo (TP Hồ Chí Minh) đã gặt hái được nhiều giải thưởng văn chương. Bảo tâm sự: “Tôi viết văn vì thích, sau thành đam mê và giờ như duyên cũng có thể là nghiệp. Năm lớp 6 trong lần thi học kì 1, tôi được điểm 10 môn Văn. Lần đầu tiên tôi biết mình thích môn này nhất trong các môn. Khi đã viết nhiều tác phẩm đăng báo, rồi ra sách và may mắn có vài giải thưởng từ văn chương thì tôi nghĩ nó như cái nghiệp. Rút hết lòng mình vào văn chương. Cũng như kiếp tằm nhả tơ. Viết không vì lý do gì hết. Viết vì lòng mình thôi thúc muốn giãi bày một điều gì đó thông qua tác phẩm”.
Cần chia sẻ và “hội nhập”
Nhiều bậc nhà văn đi trước cho rằng, một số bạn viết trẻ xa lánh thực tế, viết về đề tài cá nhân, chuyện yêu đương tầm phào. Nhiều người cho rằng, người viết trẻ nên “hội nhập”, không thể thờ ơ với cuộc sống. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng chia sẻ: Rất nhiều nhà văn đã can đảm đấu tranh chống lại những cái ác trong đời sống này, nhưng không ít người đã không lấy cho mình đôi cánh tự do ấy để bay lên trên bầu trời đẹp đẽ của sự sáng tạo, mà họ tự cho mình đôi chân tùy tiện sa lầy vào những cái ích kỷ, cá nhân. Câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” không chỉ đặt ra trong hội nghị mà đó chính là trách nhiệm của nhà văn với con người và cộng đồng mỗi khi cầm bút viết. Câu hỏi đó phải được đặt ra ngày ngày như một thái độ sống và sáng tạo của nhà văn.
Nhà văn Nguyệt Chu đến từ Sơn Tây (Hà Nội), tác giả được mời dự Hội nghị lần này, chia sẻ: “Khi đã xác định viết là một công việc nghiêm túc, bản thân mỗi người viết nên thay đổi tư duy, linh hoạt trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình. Chúng ta cần tìm tòi, thể nghiệm, linh hoạt trong sáng tác để có các tác phẩm được báo chí và các đơn vị xuất bản sử dụng. Hãy thẳng thắn với nhau là văn chương cũng là một thứ hàng hóa đi, có cung có cầu. Đừng chỉ gán cho văn chương những thiên chức, sứ mệnh cao cả cứu rỗi thế gian, mà trước hết, góp phần làm đẹp cuộc sống, làm đẹp con người hôm nay là tốt lắm rồi. Hiện nay, kinh tế suy giảm nên việc phát hành sách gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các bạn trẻ có thể tìm đến nhiều hình thức xuất bản, ngoài sách giấy là sách điện tử. Ngoài việc kí hợp đồng với các nhà xuất bản hoặc công ty sách thì có thể tự xuất bản và phát hành, tăng truyền thông, quảng bá trên các trang mạng xã hội. Thời đại công nghệ 4.0 vừa là khó khăn, thách thức với văn chương nhưng cũng là thuận lợi cho các bạn trẻ trong việc tăng kết nối, tương tác để giới thiệu tác phẩm của mình”.
Rõ ràng, văn chương cần sự dấn thân nghiêm túc, bền bỉ và ngày nay chỉ người bền bỉ với văn chương mới được văn chương “đáp lại”. Xã hội đang có rất nhiều biến động mà người viết trẻ không thể đứng ngoài cuộc, không thể tạo dựng cuộc chơi rẽ ngang. Văn chương hiện đại là một nền văn chương có bộ phận người đọc làm nên sự sống còn của một tác phẩm. Nên đã viết là phải công bố, là phải mang tác phẩm của mình ra cho thiên hạ soi xét, là dám đối mặt với tất cả khen chê. Chỉ khi đó ta mới có thể lớn, có thể “dậy thì thành công”. Còn nếu cứ viết chỉ để viết, không có kế hoạch, mục đích, chiến lược thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ tiến xa.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tâm sự: Để kịp động viên những người trẻ, rất cần có chương trình hành động dành riêng cho người viết trẻ. Cần triển khai nhiều cuộc thi viết, trại sáng tác kết hợp đi thực tế, tổ chức tọa đàm về việc xây dựng, phát triển đề tài. Các ngành chức năng, hội nghề nghiệp cần phối hợp với các nhà xuất bản phát triển hình thức hỗ trợ các tác giả trẻ, nhất là việc in ấn, quảng bá tác phẩm. Mong rằng, Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 không chỉ là một cuộc “điểm danh”, mà sẽ mang lại nhiều giá trị cho người viết văn trẻ cả nước.