Vì một nền "điện ảnh xanh"
Không hẹn mà gặp, thời gian gần đây, một loạt hoạt động điện ảnh ý nghĩa về đề tài thiên nhiên, môi trường đã được tổ chức tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của điện ảnh, chủ đề bảo vệ môi trường ngày càng được các tổ chức, các nhà làm phim chú trọng, hướng đến nền “điện ảnh xanh” với công nghiệp sản xuất phim bền vững.
Một trong những sự kiện điện ảnh thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng cũng như giới làm phim là Liên hoan phim (LHP) về Thiên nhiên đầu tiên tại Việt Nam (Its Time To Act - A Nature film Festival in Vietnam) diễn ra từ ngày 23/ 9 đến ngày 7/10 do Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam điều phối với sự tham gia của 14 quốc gia châu Âu, châu Mỹ - La tinh, Canada và Việt Nam.
Ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều tổ chức, như “Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã” (WildAct Vietnam), Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và 9 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam. Đây còn là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ khí hậu 2022” của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tham gia LHP là 17 bộ phim bao gồm phim điện ảnh, phim tài liệu và phim ngắn.
Các buổi chiếu phim miễn phí theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại một số địa điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điện ảnh Việt góp mặt tại LHP với 2 phim tài liệu là “Ô nhiễm trắng” (đạo diễn Dương Văn Huy, Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương) và phim ngắn “Một giải pháp chống xói lở bờ biển” (Bám rễ) của Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam.
“Ô nhiễm trắng” là tiếng chuông báo động về thực trạng rác thải ở Việt Nam từ thói quen sử dụng quá nhiều túi nilon, đồ nhựa trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Với những phân tích của các nhà khoa học, bộ phim cung cấp cái nhìn sâu hơn về tác hại của việc sử dụng lạm dụng nilon đối với môi trường. Từ thực trạng đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính phủ, các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp đã và đang thực hiện quyết tâm kiểm soát “ô nhiễm trắng” với mong muốn đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xanh, sạch đẹp.
Bộ phim ngắn “Một giải pháp chống xói lở bờ biển” là bộ phim đoạt giải Nhất tại cuộc thi phim ngắn “Màn ảnh Xanh” với chủ đề “Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững” vừa qua. Bộ phim kể câu chuyện chân thực về những người phụ nữ ở một làng nhỏ ven biển thuộc huyện Thái Thụy,Thái Bình hàng chục năm lặng lẽ trồng cây ở vùng ven biển để chống xâm nhập mặn. Công việc vất vả thầm lặng của họ đã mang lại 6 vạn hecta rừng phòng hộ cho địa phương.
Cũng vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua, hai bộ phim tài liệu nằm trong “Dự án sản xuất phim tài liệu sinh thái 2021- 2022” do Viện Goethe phối hợp với “Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển” (CCD) và “Trung tâm Bảo tồn động vật hoãng dã nước Việt” (FOUR PAWS Việt) tổ chức đã được ra mắt. Hai bộ phim là “Bình yên, về nào!” và “Hành trình tới Xuân Liên” là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa CCD, FOUR PAWS Việt cùng các nhà làm phim Việt Nam tại các vùng dự án quan trọng của hai tổ chức.
“Bình yên, về nào!” mang đến những thước phim chân thực về nỗi đau của những chú gấu từng là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, hành trình phục hồi của chúng tại cơ sở bảo tồn cùng những chia sẻ của những người chăm sóc gấu. “Hành trình tới Xuân Liên” cung cấp đến cho khán giả những giá trị của thiên nhiên và nỗ lực của con người trong việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển ở Xuân Liên (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) nơi có sự đa dạng sinh học và cuộc sống mang bản sắc văn hóa người dân tộc Thái.
Mặc dù điện ảnh Việt còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển những người làm nghệ thuật thứ 7 đã luôn quan tâm tới vấn đề môi trường. Bên cạnh những bộ phim truyện, phim tài liệu phản ánh đời sống tâm lý, số phận con người thì vấn nạn môi trường trở thành một đề tài quan trọng trong nhiều tác phẩm điện ảnh Việt thời gian gần đây.
Nhận thức được tầm quan trọng của Điện ảnh trong việc bảo vệ môi trường, cuối tháng 8 vừa qua Lễ trao giải cuộc thi phim ngắn “Màn ảnh Xanh” cũng đã được tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Ninh. Đây là hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch màn ảnh xanh Việt Nam: Đường đến phát triển bền vững” do Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Netflix phát động từ tháng 1 - 2022.
Theo ban tổ chức, sau 8 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được nhiều ý tưởng từ những người làm phim trẻ với đa dạng đề tài: phim hoạt hình, phim tài liệu, phim truyện điện ảnh… Các tác giả và nhóm tác giả đa phần có tuổi đời còn rất trẻ, nhiều bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường những đã có những ý tưởng, quan điểm sâu sắc về các vấn nạn môi trường. Các dự án đều xoay quanh các góc nhìn khác nhau về môi trường và bảo vệ môi trường, được các tác giả tiếp cận một cách chân thực, độc đáo. Những câu chuyện bình dị đã được các tác giả chuyển tải thành nguồn cảm hứng trong cuộc sống hoặc vấn đề thời sự mạnh mẽ về tác động của con người tới môi trường.
Với nguồn xã hội hóa, 13 dự án vào chung kết được hỗ trợ kinh phí tối đa là 20 triệu đồng để thực hiện ý tưởng của mình. Sáu bộ phim được trao giải trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba. Giải nhất được trao cho bộ phim “Bám rễ” (đạo diễn Mai Đình Khôi), giải Nhì thuộc về bộ phim “Kỳ nghỉ hè ý nghĩa” (đạo diễn Trịnh Lâm Tùng), 2 giải ba thuộc về “Vượt thành Axima” (đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Minh Khuê cùng nhóm Sở thú và Xin chào), “Tôi là chai nhựa” (đạo diễn Nguyễn Đức Cảnh).
Một trong những hoạt động ý nghĩa cho thấy những người làm điện ảnh Việt quan tâm tới bảo vệ môi trường từ khá sớm đó là “Liên hoan phim môi trường Toàn quốc.” Đây là giải thưởng được tổ chức định kỳ 3 năm/lần (bắt đầu từ năm 1998) nhằm nâng cao vai trò của điện ảnh, truyền hình trong tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường. Qua 7 lần tổ chức, LHP đã nhận được gần một nghìn tác phẩm ở nhiều thể loại, nhiều chủ đề khác nhau. Theo Ban tổ chức, ở mỗi giai đoạn, các vấn đề về môi trường đã được nhìn nhận và đánh giá ở góc độ khác nhau.
Có thể nói, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu. Điện ảnh có khả năng truyền cảm hứng cho hàng triệu người thông qua câu chuyện được kể hấp dẫn bằng hình ảnh. Chính vì thế, với vai trò là một lĩnh vực nghệ thuật vị nhân sinh, điện ảnh không thể đứng ngoài cuộc.
Thực tế, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, tác động nâng cao ý thức con người trong việc bảo vệ môi trường. Những hoạt động thiết thực cụ thể và ý nghĩa trên đã đồng hành cùng cộng đồng trong nước và quốc tế góp phần bảo vệ môi trường trái đất. Giá trị to lớn của những LHP, các cuộc thi là truyền cảm hứng, tạo nên một sân chơi chuyên nghiệp các nhà làm phim ở mọi lứa tuổi. Từ những sự kiện điện ảnh có chủ đề bảo vệ môi trường, không chỉ là việc truyền cảm hứng cho mọi người mà bản thân những người làm điện ảnh phải có hành động thiết thực góp phần hướng tới cơ chế sản xuất phim bền vững như tiết kiệm năng lượng, xả rác ít, không làm hư hại môi trường…
Sản xuất phim bền vững không phải là những gì quá to tát mà bắt đầu từ việc đơn giản như một đoàn làm phim trong quá trình sản xuất không gây ô nhiễm hay tác động xấu tới môi trường. Sau khi đoàn làm phim rời đi, bối cảnh phim không là “một bãi chiến trường hoang vu” mà có khi trở thành địa điểm du lịch, tham quan thú vị như phim trường bộ phim “bom tấn” “Kong - Island” (Đảo đầu lâu) tại Ninh Bình hay “Chuyện của Pao” ở Hà Giang…
Nói về vai trò của điện ảnh đối với việc bảo vệ môi trường, Tiến sĩ Trang Nguyễn, nhà sáng lập WildAct Vietnam cho rằng “Phim tài liệu có thể sẽ là công cụ ngày càng quan trọng trong việc thu hút cộng đồng đóng góp cho những nỗ lực bảo tồn, khi mà trải nghiệm ngoài thiên nhiên ngày càng trở nên hiếm hoi trong đời sống con người. Khoa học đã chỉ ra rằng phim tài liệu về thiên nhiên có thể khiến người xem đồng cảm hơn với những loài xuất hiện trong phim, nâng cao quyền công dân về môi trường, tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức bảo tồn và tạo ra thái độ tích cực cũng như các chuẩn mực xã hội giúp hỗ trợ cho các thay đổi về chính sách. Đây sẽ là cơ hội để người dân Việt Nam kết nối cùng nhau hành động vì môi trường”.