Về tác giả màn trống hội “Vang mãi ngàn năm”

Thứ Bảy, 18/03/2023, 22:15

Có mặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia hôm 6/3 (ngày Bộ Công an tổ chức trọng thể kỷ niệm 75 năm “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”), tôi được hòa mình vào dòng người thưởng thức màn trống hội “Vang mãi ngàn năm” do 700 thành viên trong Đoàn Nghệ thuật Trống hội (Học viện Cảnh sát nhân dân) biểu diễn.

Điều làm tôi bất ngờ, thú vị hơn nữa là người sáng tác, chỉ huy và dàn dựng lại chính là người mà tôi quen biết từ lâu. Anh là Trung tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Hải Nam (Đội trưởng Đội Nhạc, Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng).

1. Trung tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Hải Nam trong cảm nhận của tôi là người hiền lành, hòa nhã và khá kiệm lời, có lẽ mọi thanh âm anh đều muốn dành cho âm nhạc, cho những sáng tạo của nghệ thuật trống.

Anh sinh năm 1980 tại thành phố Vinh (Nghệ An) trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, khi có cha từng công tác ở Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An), có anh trai là Đại tá, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Chủ nhiệm khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Truyền thống quê hương và gia đình đã là điểm tựa thôi thúc anh đến với nghệ thuật bằng tình yêu cháy bỏng, bằng khát khao sáng tạo bất tận.

hải nam 1..jpg -0
Trung tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Hải Nam.

Ở tuổi 43, Hải Nam đã gặt hái được một số thành tích trong bộ môn trống, như: Huy chương vàng Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2017 với độc tấu bộ gõ “Nhịp sống biên cương”; Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, với độc tấu bộ gõ “Biên cương hội tụ”; Huy chương Vàng Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2014, với tốp tấu “Hướng về biển”; Huy chương Bạc cùng đội nhạc tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2018, với tiết mục hòa tấu “Sức sống biên cương”…

Dù mới sáng tác nhưng anh đã giành được một số giải thưởng, như: Giải C Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021 với ca khúc “Lá chắn thép nơi biên cương”, Giải Khuyến khích Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2022 với ca khúc “Về xứ Nghệ yêu thương”.

2. Năm 2020, khi Đoàn Nghệ thuật Trống hội thành lập đã được giao nhiệm vụ biểu diễn chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 - 2025. NSƯT Hải Nam và NSƯT Thành Nam được mời tham gia viết bài, huấn luyện và chỉ huy biểu diễn màn trống hội “Linh thiêng hội tụ”.

Sau màn ra mắt hoành tráng, ấn tượng và tạo được tiếng vang lớn cũng như hiệu ứng tốt nên Hải Nam cùng NSƯT Thành Nam, NSƯT Huỳnh Tú được mời tham gia làm tiết mục mở màn chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng tỏa sáng” chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (biểu diễn tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình). Tại sự kiện quan trọng này, các nghệ sĩ đã tham gia sáng tác, dàn dựng, chỉ huy màn trống hội “Hào khí non sông”.

Với kinh nghiệm dồi dào, trong năm 2023 này, Hải Nam đã tham gia sáng tác, dàn dựng, chỉ huy độc lập màn trống hội “Vang mãi ngàn năm”. Ngoài biểu diễn tại sự kiện chào mừng 75 năm “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, màn trống hội “Vang mãi ngàn năm” còn được biểu diễn ở các sự kiện quan trọng khác, như tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trong chương trình nghệ thuật “75 năm Công an nhân dân khắc ghi lời Bác”…

Chia sẻ ý nghĩa của màn trống hội này, nghệ sĩ Hải Nam cho biết: “Với truyền thống vẻ vang của cha anh đi trước, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND hôm nay tiếp tục giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ. Những phẩm chất tốt đẹp của người CAND đã, đang và sẽ mãi được Tổ quốc, nhân dân khắc ghi và lưu truyền. Đó chính là mạch nguồn cảm hứng, ý đồ nghệ thuật của tôi trong màn trống hội đặc biệt này”.

Nghệ sĩ Hải Nam chia sẻ, ngay từ những ngày đầu Đoàn Nghệ thuật Trống hội thành lập và bắt đầu luyện tập, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo thăm hỏi, động viên.

“Đồng chí Bộ trưởng đã có những buổi đến dự, kiểm tra tiến độ luyện tập của Đoàn. Sau những chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ lớn của Nhà nước hay của Bộ Công an, Bộ trưởng cũng có những lời khen và tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích, đóng góp lớn vào thành công chung của chương trình. Cá nhân tôi cũng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an năm 2021 về những đóng góp cho Đoàn Nghệ thuật Trống hội biểu diễn thành công trong chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vừa qua, trong chương trình kỷ niệm 75 năm “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm đã đích thân đến kiểm tra công tác luyện tập và chuẩn bị của các bộ phận, có dự duyệt, chỉ đạo và nhận xét về màn trống hội. Bộ trưởng cũng đã trao đổi trực tiếp với các đồng chí trong Học viện Cảnh sát nhân dân và tôi với những ý kiến chỉ đạo sâu sát về nghệ thuật”, nghệ sĩ Hải Nam cho biết.

hải nam 2.jpg -0
Đoàn Nghệ thuật Trống hội biểu diễn màn trống hội “Vang mãi ngàn năm” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

3. Kể từ khi Đoàn Nghệ thuật Trống hội được thành lập, cá nhân nghệ sĩ Hải Nam đã có nhiều đất diễn hơn. Anh chia sẻ, trước đây ở nước ta có trống hội nhưng chỉ là những tốp nhỏ, lẻ chưa có Đoàn. Bởi thế khi có chương trình gì lớn (nhưng cũng ít chương trình lớn có trống hội vì không đủ người và không tập trung, các đơn vị nghệ thuật thì lại có lịch riêng nên khó tập trung diễn viên) thì phải huy động diễn viên của các Nhà hát, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tập trung lại tập và diễn xong thì tự giải tán.

Là người đồng hành cùng Đoàn Nghệ thuật Trống hội trong suốt 3 năm qua, nghệ sĩ Hải Nam nhận xét, các thành viên trong Đoàn đều là học viên học hệ chính quy của Học viện Cảnh sát nhân dân, chưa ai đánh trống bao giờ nên những ngày đầu dạy rất vất vả. Với số lượng lớn mà vừa đứng nói, thị phạm… rất là mệt. Ban ngày các em học theo chương trình của Học viện nên chỉ tranh thủ tập buổi tối và ngày nghỉ. Thời gian đầu chưa có trống để tập nên mỗi em một đôi dùi ngồi và đánh xuống sân bê tông (tưởng tượng là trống, âm thanh của sân thì đánh chỗ nào cũng kêu lách cách như nhau nhưng khi lên đánh trống thật thì âm thanh có tùng, cắc, rụp rõ ràng nên hơi bỡ ngỡ).

“Đầu tiên tất cả các em đều tập trống, trong quá trình tập em nào tốt, khá thì tôi chọn dần ra. Những em nào còn đuối và không theo kịp thì chuyển sang luyện tập các mảng khác dễ hơn như múa cờ, múa rồng và thậm chí là làm công tác hậu cần”, nghệ sĩ Hải Nam chia sẻ.

Theo đánh giá của anh, hiện nay, các học viên trong Đoàn Nghệ thuật Trống hội đều có kỹ năng và khả năng tốt, kể cả là bộ phận nào thì ai cũng thuộc bài trống. Những ngày đầu bỡ ngỡ và vất vả, nhưng rồi khi quen thì các em cũng rất hào hứng và trống hội đã trở thành “đặc sản”, “thương hiệu” của Học viện Cảnh sát nhân dân. Nói đến trống hội là phải nhắc đến Học viện Cảnh sát nhân dân và ngược lại. Như Bộ trưởng Tô Lâm từng chia sẻ, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ là Cảnh sát thì khi ra trường về địa phương hay các đơn vị công tác các em chính là hạt nhân văn nghệ có thể truyền tải và phát huy được những kinh nghiệm và kỹ năng mình có được qua thời gian tham gia Đoàn.

Trống vẫn là bộ môn mới với nhiều người, nó vẫn mang tính trừu tượng và khó cảm nhận hơn so với loại hình nghệ thuật khác. Đây là điều mà nghệ sĩ Hải Nam luôn trăn trở. Anh bảo, để nghe và hiểu về khí nhạc cần rất nhiều thời gian và công sức, như từ vấn đề văn hóa, lịch sử, diễn giải, trình độ biểu diễn và truyền tải của người nghệ sĩ, cảm thụ, cảm nhận và tư duy của người nghe… Tuy nhiên, với những gì đã đạt được, nghệ sĩ mang quân hàm xanh Hải Nam đang tràn đầy niềm hứng khởi với những sáng tạo trong thời gian tới. 

Ngô Khiêm
.
.