Về miệt vườn có còn nghe đờn ca tài tử?

Chủ Nhật, 11/02/2024, 09:07

Dòng nhạc tài tử - ngoài việc sử dụng một số bài nhạc lễ - đã phát triển nhờ nguồn dân ca Nam bộ, từ một số bản nhạc cổ Huế và Trung bộ, và đặc biệt là sáng tác mới từ âm điệu dân ca... Các bài bản có cấu trúc tương đối hoàn chỉnh, có bản nhạc riêng cho từng nhạc cụ để khi hòa tấu thành một tổng thể mà vẫn thấy rõ sắc thái của từng nhạc cụ. Nội dung các bài bản thể hiện được tình cảm phong phú, đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người Nam bộ.

1. Lần đầu, khoảng năm 1978, tôi theo ba về quê ở Cù Lao Giêng- Chợ Mới - An Giang. Tính về, một người bạn của ba tôi giữ lại: "Mai nhà có đám giỗ, anh Bảy - NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch và cháu ở lại ăn bữa cơm, sẵn dịp khuya nay gầy độ đờn ca nghe chơi".

Từ chiều mấy dì mấy cô đã xúm xít dưới bếp chuẩn bị nổi lửa nấu các món cúng giỗ ngày mai. Các dì không quên làm mấy con vịt, đánh tiết canh, lòng xào khóm, nguyên con luộc rồi nấu cháo, thịt vịt chặt ăn với nước mắm gừng và gỏi bắp chuối rau răm. Món vịt này chủ yếu là dành cho đám đờn ca lai rai ba xị đế lấy hứng đờn ca sáng đêm nay.

Về miệt vườn có còn nghe đờn ca tài tử? -0
Đờn ca tài tử ngày càng trở nên bài bản hơn.

Khoảng 8, 9 giờ tối mấy bác mấy chú xách đờn tới, người này gọi người kia, tiếng dạo đờn kìm tẳng tẳng, đờn nhị ò e, rồi ai đó kêu thêm cô Tư dì Sáu đang ở dưới bếp. Một tiếng song lang vang lên báo hiệu cuộc đờn ca bắt đầu.

Bữa đó tôi được thỏa thuê đắm mình trong một cuộc đờn ca rất giản dị, hồn nhiên và đầy cảm xúc. Sau nhóm hòa tấu mở đầu, lần lượt người ca bản "điệu Bắc" trong sáng, vui vẻ, người ca "điệu Nam" nhẹ nhàng buồn mang mác, rồi một "điệu oán" trầm lắng có phần bi ai... Giọng nam giọng nữ nối nhau lúc khoan lúc nhặt vang xa hơn trong không gian tĩnh mịch về khuya. Cả một thời kỳ lịch sử ông cha vô Nam khai khẩn với bao khó nhọc khi đối diện với thiên nhiên hoang dã, bao nỗi niềm cô đơn khi nhớ về quê cha đất tổ... tất cả được tích tụ trong một không gian cộng cảm thiêng liêng mà người ca người đờn người nghe đồng cảm gắn kết với nhau qua từng làn điệu lời ca...

Đã từ lâu rồi, ở vùng quê Nam bộ hầu như không còn những cuộc đờn ca trong các đám giỗ quảy, đám cưới, hay cuộc tụ hợp ngẫu hứng của những người dân quê, không còn được nghe những giọng ca, tiếng đờn chân chất, hồn nhiên của những nghệ sĩ miệt vườn kể về cuộc sống, tình yêu, công chuyện làm ăn, những điều bình dị của chính họ nữa... 

2. Sau này tôi được nghe ba tôi giải thích, gọi là nhạc tài tử để phân biệt với nhạc lễ, nhạc hát bộ. Tài tử tức là không chuyên nghiệp, như chữ amateur của Pháp. Xưa những nhà nho am tường các môn cầm, kỳ, thi, họa được gọi là những người tài tử. Họ là nhân tố khởi đầu cho sự chuyển biến thay đổi về chất từ nhạc lễ sang nhạc tài tử.

Dàn nhạc lễ mang tính chất trang nghiêm không phù hợp với việc diễn tả tâm tư tình cảm của quần chúng. Muốn đi sâu phản ánh tâm tư tình cảm của nhân dân thì dàn nhạc phải bỏ bớt những nhạc cụ ồn ào, gợi không khí cúng tế như trống phách (bộ gõ), kèn sáo (bộ hơi); ngoài bộ kéo (hồ nhị) thì bổ sung thêm bộ khảy (đàn kìm, tranh, sến, tam…) để diễn tả tiếng lòng của con người qua từng phím tơ. Dàn nhạc tách ra qui mô nhỏ hơn, ít tốn kém, phù hợp với điều kiện kinh tế và trình diễn phân tán. Sinh hoạt này mất hẳn tính chất lễ bái mà đi vào cuộc sống đời thường: trình diễn trong những dịp cưới gả, giỗ chạp, tiệc tùng, tụ họp chơi bời lúc rảnh rỗi sau một ngày lao động vất vả. Do "chơi đàn cây" hòa tấu từng nhóm nhỏ hay độc tấu, nên kỹ thuật diễn tấu của người chơi ngày càng được trau chuốt và phát triển bằng những ngón, những kỹ xảo tinh tế.

Dòng nhạc tài tử - ngoài việc sử dụng một số bài nhạc lễ - đã phát triển nhờ nguồn dân ca Nam bộ, từ một số bản nhạc cổ Huế và Trung bộ, và đặc biệt là sáng tác mới từ âm điệu dân ca... Các bài bản có cấu trúc tương đối hoàn chỉnh, có bản nhạc riêng cho từng nhạc cụ để khi hòa tấu thành một tổng thể mà vẫn thấy rõ sắc thái của từng nhạc cụ. Nội dung các bài bản thể hiện được tình cảm phong phú, đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người Nam bộ.

Vào khoảng năm 1900, sinh hoạt này đã phổ biến khắp ấp, xã Nam bộ. Có thể lấy năm 1909 - năm xuất bản tập sách dạy đờn ca của Phụng Hoàng Sang (nhà in Đinh Thái Sơn) - làm năm đánh dấu mốc định hình của nhạc tài tử. Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, sinh hoạt này phát triển mạnh nhất, nguyên nhân là nền kinh tế được ổn định tạm thời. Nhiều ban nhạc, nhạc công và ca sĩ nổi tiếng đã xuất hiện. Trung tâm phát triển của phong trào nhạc tài tử là các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sài Gòn… là những tỉnh trù phú, nhiều lúa gạo, có đường giao thông thuận tiện kết nối với nhau và với cả Sài Gòn.

Đã hơn một thế kỷ hình thành và tồn tại, đờn ca tài tử Nam bộ đã có sự biến đổi trong hoàn cảnh xã hội mới, trong điều kiện kinh tế mới, trong sự biến động của đời sống cộng đồng. Tác động của đới sống xã hội vào sự tồn tại của di sản văn hóa buộc ta phải nhìn nhận để có thể có cách thức bảo tồn phù hợp và phát huy giá trị đúng cách, hiệu quả.

Về miệt vườn có còn nghe đờn ca tài tử? -1
Chủ yếu phục vụ du lịch, đờn ca tài tử đang vắng dần chất tài tử dân gian.

3. Năm nay vừa tròn 10 năm đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Từ 2013 đến nay đờn ca tài tử Nam bộ "sống lại" và phát triển rộng rãi, chủ yếu bằng hình thức các câu lạc bộ, không chỉ ở nông thôn mà ngay tại TP. Hồ Chí Minh, nhất là khi đờn ca tài tử trở thành một sản phẩm của du lịch. Việc ghi danh của UNESCO một mặt nhằm tôn vinh giá trị và cộng đồng chủ thể sáng tạo, lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể, nhưng mặt khác cũng là sự cảnh báo về hình thức tồn tại và biến đổi của những di sản này.

Đầu tiên, có thể nhận thấy không gian trình diễn của đờn ca tài tử ngày càng thu hẹp. Trước đây bất cứ một sinh hoạt, một sự kiện nào trong gia đình hay của làng xóm đều có thể trở thành không gian của đờn ca tài tử, thì nay đờn ca tài tử chủ yếu phục vụ cho hoạt động du lịch tại một vài điểm cố định. Thứ hai, đối tượng "phục vụ" của đờn ca tài tử chủ yếu là du khách mà không phải là người cùng làng xóm. Chủ thể của loại hình nghệ thuật này chỉ còn là một nhóm nhỏ trong cộng đồng: một số nghệ nhân có tuổi và ít hơn là một số người trẻ có năng khiếu, chịu theo nghề. Thứ ba, lý do để "tụ tập đờn ca" không còn tự nhiên vì nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mà vì mục đích kinh tế bên cạnh mục đích "bảo tồn" di sản văn hóa. Hoàn cảnh mới này cũng làm mất đi một phần sức sống của đờn ca tài tử bắt nguồn từ nhu cầu của cộng đồng.

Trong những cuộc đờn ca trước đây thường có người hứng lên "hát cương" một bản, nội dung kể lại một chuyện vui buồn hay chuyện vừa xảy ra bằng các bài bản phù hợp, mới hoàn toàn, ai nghe cũng ngạc nhiên và thích thú... Ca xong thì… quên. Khán giả đều mong đợi tiết mục này, vì bất ngờ, nội dung không ai biết trước và chỉ trình diễn một lần, nhưng đã góp phần quan trọng tạo nên linh hồn của cuộc đờn ca, bởi sự độc đáo. Không phải ai cũng có thể ngẫu hứng sáng tác như vậy. Tính chất tài tử còn là ở đó!

Sau này "hát cương" hầu như không còn. Một phần do quan niệm "đờn ca tài tử có tính chất hàn lâm" nên không khuyến khích tính ngẫu hứng dân gian, phần khác các nhóm đờn ca thường truyền dạy các bài bản... Đời thường giản dị, sự hồn nhiên chân chất của lời ăn tiếng nói Nam bộ cũng mất dần trong sinh hoạt và nội dung của đờn ca tài tử. Càng "chuyên nghiệp, hàn lâm" càng mất dần tính chất "tài tử" của dân gian.

Qua đó có thể thấy, bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử nói riêng đều cần được tiến hành từ hai phía. Về phía Nhà nước, cần có chính sách khả thi và nhanh chóng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với các nghệ nhân ca, nghệ nhân đờn vì hiện nay hầu như còn rất ít người tâm huyết với nghề và họ cũng đã nhiều tuổi. Đặc biệt những nghệ nhân còn giữ được sự chân chất của giọng ca ngón đờn, lưu giữ những bài bản phản ánh cuộc sống và con người Nam bộ... càng cần được chú ý chăm lo. Chính tính chất ấy là điều độc đáo làm lay động cảm xúc của du khách.

Về phía cộng đồng, cần đưa đờn ca tài tử vào một không gian trình diễn mới nhưng vẫn đáp ứng tính chất đa dạng, phong phú và độc đáo của nghệ thuật này. Một thiết chế công cộng là các ngôi đình ở làng, ở thành phố, hay các ngôi nhà cổ là di tích kiến trúc nghệ thuật đang được bảo tồn... đều có thể trở thành nơi trình diễn, sinh hoạt của các nhóm đờn ca tài tử. Sự kết hợp giữa di tích lịch sử như đình làng, nhà cổ và nghệ thuật truyền thống là đờn ca tài tử - cả hai đều là những đặc trưng của văn hóa Nam bộ - sẽ mang lại sức sống mới cho các loại hình di sản văn hóa này.

                                                                                            TP. Hồ Chí Minh, ngày 12/12/2023

TS Nguyễn Thị Hậu
.
.