Về chất thơ siêu thực và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Thứ Năm, 20/02/2025, 12:19

Ngày 15/2, NXB Hội Nhà văn đã tổ chức ra mắt tập trường ca "Lò mổ" và trưng bày bộ tranh "Nguyện cầu" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với sự tham dự của nhiều nhà thơ, nhà văn.

Trong một lần nói chuyện với nhau về thi ca đương đại, tôi ví Nguyễn Quang Thiều như một con lạc-đà-thơ lực lưỡng, đang cõng một cơn khát thơ trên lưng, đi qua bóng đêm của một cơn khát lớn hơn có tên là sa-mạc-thơ. Anh vui vẻ cười lớn và đồng ý.

Biết nhau đã nhiều năm, tuy ít khi gặp gỡ, nhưng mỗi lần ngồi trò chuyện với Nguyễn Quang Thiều về thi ca, tôi vẫn có một cảm giác lạ, phải chăng con người thơ trước mặt đang tích tụ trong mình một năng - lượng - nhân - điện - sáng - tạo khá lớn. Nó có thể truyền dẫn, tỏa sóng sang bạn thơ (người đối thoại) một khát khao đổi mới thi ca và nó đánh thức trong ta một tiềm thức hoặc một cái gì đấy đang ngủ quên.

Về chất thơ siêu thực và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại buổi lễ ra mắt sách trường ca "Lò mổ" và trưng bày bộ tranh "Nguyện cầu".

Có cảm tưởng, khi đọc thơ, Thiều giống như một nhà truyền giáo, đang oằn lưng gánh trên vai mình cái ách nặng nhọc và vinh quang của một nền tôn-giáo-thi-ca. Bộ ria rậm rạp và ánh nhìn nóng rực, chất chứa. Lúc ấy, những câu thơ chuyển động trong con người anh, luôn tỏa ra một khát khao sáng tạo không bờ bến để vượt qua bóng tối, cái bóng tối hữu hình và vô hình đang định nuốt chửng những câu thơ siêu thực của anh.

Những hình tượng huyền ảo tạo nên thế giới kỳ bí

Ngay từ trước khi trường ca "Lò mổ" được ấn hành, tôi đã nhận ra Nguyễn Quang Thiều là một trong những nhà thơ Việt Nam đương đại có phong cách sáng tác độc đáo, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa siêu thực. Thơ ông giàu hình ảnh phi lý, mộng mị, nhiều tầng nghĩa, kết hợp giữa hiện thực và huyền ảo, tạo nên một thế giới vừa quen thuộc vừa bí ẩn. Người đọc có thể nhận biết những đặc trưng siêu thực trong thơ Nguyễn Quang Thiều qua 18 chương của "Lò mổ" với các đặc tính tiêu biểu dưới đây.

Về chất thơ siêu thực và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều -0

Trong tập thơ này, Nguyễn Quang Thiều thường sử dụng những hình ảnh không theo quy luật logic, để tạo ra các chiều không gian mộng mị với các hình ảnh phi lý, kỳ ảo đậm chất siêu thực. Ví dụ, ở chương 1 "Có phải chúng ta tội lỗi", Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên các hình ảnh chỉ ông mới tạo sinh được: "Những ngày thu cuối cùng bò qua cửa sổ. Ngôn ngữ quá suy đồi và đang chết quanh nàng. Tính từ cô tịch và cách biệt. Nàng đã đọc những câu thơ. Đêm qua họ ngủ trong nghĩa địa. Bánh xe tang lăn trên con đường đọng nước. Chàng đang mất hết khả năng chung sống với những tính từ. Chàng phải ra đi. Thế giới của cô đơn. Ngày ấy nàng khóc".

Trong đoạn thơ này, nhà thơ đã phá vỡ logic thông thường để tạo nên một không gian thơ với những liên tưởng phi lý và bất ngờ khi nhận biết: "Ngôn ngữ quá suy đồi và đang chết, trong lúc tính từ cô tịch và cách biệt khi cả chàng và nàng ngủ trong nghĩa địa và mất hết khả năng chung sống với những tính từ khi bánh xe tang lăn trên con đường tiểu tự sự buồn bã". Nhà thơ lúc đó đã thực sự chìm đắm trong không gian huyễn hoặc của siêu thực để mở ra một cách cửa khác đi vào thế giới ngôn ngữ thơ của riêng ông.

Trong giấc mơ của tiềm thức và siêu thực với trường ca "Lò mổ", thơ Nguyễn Quang Thiều có nhiều yếu tố của những giấc mơ kinh hãi nơi ranh giới giữa thực và ảo bị xóa nhòa khi những ám ảnh nặng nề về các con bò bị giết trong "Lò mổ" đã tra vấn nhà thơ, tra vấn người đồ tể và tra vấn cả gã chủ "Lò mổ". Nhà thơ từng chia sẻ: "Và trong cơn ác mộng của mình, tôi lại bước vào Lò mổ một lần nữa. Lần này tôi nhìn thấy những con bò xếp hàng, trò chuyện và bước tới để nhận cái chết. Tôi nghe thấy tiếng những con bò rống vang khi bị chọc tiết, tôi nhìn thấy máu chảy xối xả, tôi nghe tiếng bầy ruồi đồng ca, tôi nhìn thấy linh hồn những con bò bay qua ô cửa sổ Lò mổ về phía cánh đồng trên cao. Có gì đó đau đớn, bi thương, kỳ vĩ xuất hiện. Rồi tôi nhận ra đó là thi ca".

Về chất thơ siêu thực và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều -0

Vậy là, nhà thơ, trong cơn ác mộng dữ dội đã kể lại bằng ngôn ngữ thi ca câu chuyện về những gì đã chứng kiến trong đời sống, trong những đêm mộng mị và trong cả cơn bệnh tật tinh thần lúc nào đó của ông và đấy chính là thủ pháp đặc trưng nhất của thơ siêu thực khi giấc mơ về những con bò bị sát hại trong "Lò mổ" cứ được lặp đi lặp lại đầy ám ảnh, tạo cảm giác vô tận và phi lý trong chuỗi đối thoại trằn trọc, xa xót của chàng (người tập làm đồ tể) và nàng là người yêu của anh ta.

Liên văn bản từ siêu thực đến hậu hiện đại

Có thể nói, trong không gian thơ siêu thực thì hiện thực thường bị biến dạng. Trong nhiều chương của trường ca "Lò mổ", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không mô tả thế giới theo cách thông thường, mà biến đổi nó thành một không gian kỳ dị. Điều này có thể thấy rõ trong chương 3 “Bầy ruồi” với 15 trang thơ chỉ trình bày một chữ “Ruồi” theo kiểu thơ thị giác, thơ hình họa.

Ở chương 6 “Đôi mắt thiên thần”, ông viết như mê dụ: "Ở đó còn một chiếc cầu bắc qua con sông mệt mỏi già nua như bóng một con sông đã chết/ Có đêm chàng đi đến gần sáng vẫn không qua được chiếc cầu/ Bởi ở đó có một thiên thần giả dạng một kẻ hành khất nhưng chàng chưa bao giờ nhận ra/ Nhiều lúc chàng nghe thấy giọng của thiên thần vang lên trong một ai đó đi trên hè đường /Chàng quay lại nhưng chỉ thấy người đàn bà bán bánh mì tội nghiệp/ Người đàn bà nhìn chàng mỉm cười làm chàng hoang mang và hồi hộp".

Trong đoạn thơ này, có con sông mệt mỏi, già nua như bóng một con sông đã chết/ có một thiên thần giả dạng một kẻ hành khất, đấy chính là sự biến dạng của hiện thực, khiến người đọc cảm thấyvừa gần gũi, vừa xa lạ, đúng với tinh thần siêu thực.

Về chất thơ siêu thực và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều -1
Bìa cuốn "Lò mổ" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Một đặc tính nữa của thơ siêu thực là sự kết hợp bất ngờ giữa những hình ảnh không liên quan. Một thủ pháp quan trọng của siêu thực là ghép những hình ảnh tưởng chừng không liên quan lại với nhau. Và, Nguyễn Quang Thiều trong đoạn kết của chương 18 đã liên tưởng: "Tự do, Thượng đế ban cho đồng loại của chàng ở khắp nơi/ Như người làm ra nước cho những con cá/ Làm ra bầu trời cho những cánh chim/ Làm ra lời cho những đôi môi/ Làm ra tình yêu cho người đàn ông và đàn bà/ Một ngọn cỏ tự do làm thành thảo nguyên/ Một cái cây tự do làm thành cánh rừng/ Một con cá tự do làm thành biển cả/ Một con chim tự do làm thành bầu trời/ Một con người tự do làm thành vũ trụ". Những hình ảnh của đoạn thơ này được nối kết bằng những liên tưởng bất ngờ và phi lý nhưng lại tạo hiệu ứng tinh tế đầy ám ảnh.

Trong trường ca "Lò mổ", Nguyễn Quang Thiều thường làm cho không gian bị xáo trộn, giống như trong một giấc mơ và thời gian bị kéo dài vô tận hoặc đột ngột biến mất như trong đoạn thơ sau: "Nếu máu con chảy trong bóng tối/ Mẹ sẽ nhìn thấy những vì sao/ Nếu máu con chảy trên những cánh đồng/ Mẹ sẽ nhìn thấy những mùa màng/ Nếu máu con chảy trên ngọn đồi/ Mẹ sẽ nghe thấy bài ca/ Và nơi đó có những con người được sinh ra/ Từ một cái chết lớn". Tất cả những hình tượng trên được hòa trộn vào nhau một cách phi thực, tạo nên cảm giác huyền ảo đầy chất siêu thực.

Nguyễn Quang Thiều là một trong những nhà thơ hiện đại Việt Nam mang đậm phong cách siêu thực. Thơ ông không mô tả thế giới theo cách thông thường mà biến đổi, nhào nặn lại nó, sử dụng những hình ảnh phi lý, mộng mị, khiến người đọc cảm nhận được một thế giới vừa kỳ bí, vừa xa lạ, vừa đẹp đẽ, vừa ám ảnh. Nguyễn Quang Thiều là một trong những nhà thơ đương đại tiêu biểu của Việt Nam, với phong cách độc đáo kết hợp giữa siêu thực, tượng trưng và hậu hiện đại. Nếu giai đoạn đầu, thơ ông mang đậm màu sắc siêu thực, thì về sau, nhiều tác phẩm của ông, nhất là trong trường ca "Lò mổ" có xu hướng hậu hiện đại, thể hiện qua những đặc điểm như phân mảnh, liên văn bản, giải thiêng, và phá vỡ cấu trúc truyền thống.

Về chất thơ siêu thực và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều -0

Dưới đây là những đặc tính hậu hiện đại nổi bật trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Về tính phân mảnh và phi tuyến tính: Thơ hậu hiện đại không có kết cấu rõ ràng, không đi theo trật tự tuyến tính truyền thống. Nguyễn Quang Thiều thường kết hợp nhiều hình ảnh, sự kiện rời rạc trong cùng một bài thơ mà không có sự gắn kết logic rõ ràng. Về tính giải thiêng và phản tư duy truyền thống, thơ hậu hiện đại không đề cao những giá trị truyền thống, mà thường xuyên hoài nghi, chất vấn và thậm chí “giải thiêng” chúng. Nguyễn Quang Thiều không viết về quê hương theo kiểu lãng mạn truyền thống, mà nhìn nó dưới lăng kính tàn lụi, biến dạng, kỳ dị.

Về tính liên văn bản, thơ hậu hiện đại thường vay mượn, trích dẫn hoặc tái tạo những hình ảnh, câu chuyện từ nhiều nguồn khác nhau. Nguyễn Quang Thiều có nhiều bài thơ gợi nhắc đến Kinh Thánh, văn hóa dân gian, thần thoại... nhưng theo cách biến đổi hoàn toàn mới. Có thể nói, thơ Nguyễn Quang Thiều vừa mang tính siêu thực, vừa có nhiều yếu tố hậu hiện đại, giúp mở rộng biên độ sáng tạo của thơ Việt Nam đương đại.

Nguyễn Việt Chiến
.
.