Vbiz một năm ngoái lại

Chủ Nhật, 22/01/2023, 07:09

2022 là năm chờ đợi những hồi sinh sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch. Vbiz cũng được kỳ vọng sẽ lấy lại sức sống của mình...

V pop: Xu hướng “đi và nghe”

Những sân khấu nhỏ ngoài trời ở Đà Lạt như “Mây lang thang” hay “Lululola” bắt đầu trở thành tâm điểm của giới trẻ, bùng nổ từ khoảng giữa đến cuối năm 2021. Đến năm 2022, các sân khấu ngoài trời, lấy khung cảnh tự nhiên làm bối cảnh sân khấu, đã trở thành xu hướng chủ đạo cả nước với nhiều điểm diễn tương đồng. Hà Nội có; Quảng Ninh có; Đà Nẵng… có và hứa hẹn sẽ còn nhiều địa phương khác nữa cũng sẽ có. Đòi hỏi cơ bản là địa phương ấy có phải điểm đến của du khách hay không,giao thông từ các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tới những địa phương ấy có nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo cho những chuyến đi ngắn (2-3 ngày) hay không mà thôi. “Mây lang thang” có công như một lá cờ tiên phong. Thương hiệu “Mây lang thang” trở thành một “chuỗi” với các chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng chính là dấu hiệu kích thích để các nhà đầu tư khác nhảy vào thị trường sôi động này. Tuy nhiên, để không chỉ là một thứ xu hướng ngắn ngày, tự thân các sân khấu cũng như nghệ sĩ sẽ phải có các điều chỉnh tương xứng ở năm 2023 và lâu dài hơn.

chuogn.jpg -0
“Ca sĩ mặt nạ” là một chương trình thành công của năm 2022.

Được kích thích bởi các video ghi lại các buổi diễn khung cảnh đẹp như mộng ở Đà Lạt, nhu cầu dịch chuyển ấy đã kết hợp với nhu cầu nghe nhạc trở thành một xu thế tạm gọi là “Đi nghe nhạc tê tê” (tạm sử dụng thay cho từ “chill” thịnh hành). Chi phí cho một chuyến đi như vậy thật ra rất vừa túi tiền với những nhân viên văn phòng. Vé bình quân cho một show khoảng 300-800 ngàn. Cộng thêm giá vé xe đường dài, hoặc giá vé máy bay giá rẻ, chi phí lưu trú nhẹ nhàng kiểu homestay, một cặp đôi thanh niên có thể sẽ chỉ phải chi từ 2,5 triệu cho một chuyến từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt nghe nhạc theo lịch trình đêm thứ sáu lên xe và chiều chủ nhật đã về lại nhà. Chính vì sự hợp lý đó, cùng với nội dung âm nhạc tươi mới, hấp dẫn, phù hợp không gian, sức sống cho các sân khấu nhỏ đã hình thành.

Các nhà tổ chức nghiêm túc hơn đã tính đến việc tổ chức các concert chuyên nghiệp ở các điểm du lịch, thay đổi hẳn quan điểm chỉ ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mới có các chương trình hoành tráng. Concert “Hoa nắng tôi” của Gia Định Audio giới thiệu các nhạc phẩm của nhạc sĩ Đức Trí được tổ chức ở Làng Cù Lần - Đà Lạt, khán giả từ Bắc chí Nam đã mua vé từ rất sớm bất chấp địa điểm biểu diễn này cách rất xa trung tâm Đà Lạt. Và sau đó, nguyên bộ khung chương trình đã được các đơn vị khác, ở các địa điểm khác, đặt hàng. Hứa hẹn, đây sẽ là concert đầu tiên ở Vpop được lưu diễn đúng chuẩn quốc tế là “một lần tập dượt, du diễn cả năm”.

Bên cạnh cũng có những tín hiệu đáng lo. Tình trạng chú trọng kinh doanh đã khiến nhiều sân khấu sơ sài hơn trong khâu dàn dựng, biên tập, ca sĩ mang y nguyên chương trình đã diễn ở sân khấu này sang diễn ở một sân khấu kháckhiến cho nội dung bị bão hòa. Việc lạm dụng các kênh video mạng xã hội (để tăng cường doanh số) có thể khiếnkhán giả mau nhàm chán hơn, đặc biệt là khi số lượng ca khúc mới đang có vẻ khan hiếm.

Các nhà sản xuất nên bắt tay với các công ty lữ hành. Nếu làm được, du lịch cũng được hưởng lợi rất nhiều.

Điện ảnh: Một năm choáng váng

Hàng loạt phim ra rạp và thất bại, buộc phải rút khỏi thị trường quá sớm là một hiện tượng đáng báo động. Cặp phim đình đám nhất (nhờ rót tiền truyền thông khủng) là “Trịnh Công Sơn” và “Em và Trịnh” cũng không thể đạt doanh số xứng tầm với những gì được PR cũng như với những đầu tư.

Vì nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản vốn đã hiển lộ trong làng điện ảnh Việt suốt 20 năm qua: sự nông cạn và hời hợt của kịch bản. Với một nhân vật trung tâm đậm đầy tính ưu tư, đậm đầy triết tính như Trịnh Công Sơn; một bối cảnh lịch sử đậm đầy những suy tưởng với đa chiều tư tưởng không chỉ ở trong nước mà còn cả trong giới văn nghệ nước ngoài, đòi hỏi người viết kịch bản, người đạo diễn phải có đủ nội lực để thể hiện nó một cách mềm mại nhất. Song, cặp phim Trịnh đơn thuần chỉ là những thương mại hóa một chiều sâu nghệ thuật đến mức dễ dãi, thậm chí còn mắc khá nhiều lỗi nghiêm trọng khi làm phim tiểu sử. Vì thế, nó không đủ sức nặng để kéo đông hơn nữa khán giả đến rạp. Thành công lớn nhất nó mang lại chỉ là các tranh cãi ồn ào là “nhân vật ấy có đúng Trịnh Công Sơn hay không?” mà thôi. Kết quả, kỳ vọng được đặt vào ê kíp đạo diễn triệu đô (như cách giới làm phim vẫn gọi) chỉ còn là sản phẩm được tạo ra bởi ê kíp tiêu tốn hàng triệu đô mà thôi.

e-kip.jpg -0
Ê kíp thực hiện chương trình “Ca sĩ mặt nạ”.

Chí ít, cặp phim Trịnh còn sạch sẽ. Rất nhiều phim khác hời hợt, thậm chí không khác gì rác điện ảnh, đã đại bại. “Huyền sử vua Đinh” rút lui sau khi thu được 43 triệu tiền vé. Các phim khai thác đề tài zombie thì trở thành trò cười trên các diễn đàn. Nhiều phim được sản xuất còn cẩu thả hơn cả thời kỳ “mì ăn liền” thập niên 80 thế kỷ trước. Xu hướng làm webdrama hoặc series Youtube rồi cắt cúp, dựng lại tranh thủ tung ra rạp chiếm chủ đạo. Chính sự xem thường khán giả ấy đã khiến khán giả quay lưng và để lại hậu quả, hệ lụy rất khó lường.

TV Show: “Một đập ăn quan”

Không thể lấy bất kỳ cái tên nào để nói về ấn tượng TV Show 2022 ngoài “Ca sĩ mặt nạ”. Chiến thắng của nhân vật O Sen, một giảng viên thanh nhạc không hề nổi tiếng trên thị trường Vpop lại càng khẳng định hơn nữa sức hút của một show chủ yếu khai thác hai khía cạnh: Giọng hát hay và sự tò mò của khán giả về chủ nhân của chất giọng. Sự thành công của “Ca sĩ mặt nạ” có thể sẽ khiến chương trình này nhận được những giải thưởng sáng giá trong ngành truyền hình 2022 này.

Nhà sản xuất của “Ca sĩ mặt nạ” là công ty lão luyện Đông Tây Promotion thuộc tổ hợp Đất Việt VAC. Tổ hợp này từng thành công ầm ĩ với hai năm liền của “Rap Việt”. Và năm 2022 này, không có “Rap Việt” nữa mà thay vào đó là “Ca sĩ mặt nạ”. Điều đó đủ để chúng ta nhận định về cách làm TV Show hiện nay là “One hit Wonder” (thành công 1 lần rồi thôi) mà nôm na nói theo giọng dân gian chơi ô ăn quan là “Một đập ăn quan”.

“Ca sĩ mặt nạ” có tiếp tục ở 2023? Có thể lắm chứ, nhất là khi dư âm thành công của mùa 1 còn mạnh mẽ và dư địa (những người hát hay nhưng chưa nổi tiếng đủ để tạo bất ngờ) như O Sen vẫn còn kha khá. Tuy nhiên, xu hướng nhiều năm qua cho thấy rất rõ, các TV Show chỉ nóng được một thời gian và sau đỉnh điểm luôn là thoái trào. Cát Tiên Sa từng làm mưa làm gió sau khi truất ngôi Đất Việt sau cú ngã chủ quan để mất Vietnam Idol. Sau đó, cũng lại chính Đất Việt truất ngôi Cát Tiên Sa. Tất cả các cuộc chiến này đơn giản đều nằm ở cái gọi là “Một đập ăn quan”.

Bền bỉ nhất là Sao Mai của VTV thì lại khá yên lặng, dù chất lượng âm nhạc là khỏi chê. Cơ bản, con đường kiên định đi với thứ âm nhạc gần với kinh viện hơn là âm nhạc giải trí cùng với ngân sách truyền thông không mạnh như công ty bên ngoài đã khiến Sao Mai lép vế hoàn toàn.

Nhưng, thành công của các công ty tổ chức các chương trình như “Ca sĩ mặt nạ” cũng chỉ là ngắn hạn. Cơ bản, sự lệ thuộc vào nền tảng nước ngoài khiến tính tự lực không còn nữa và doanh thu mang lại cũng chính là thứ quyết định sức bền của chương trình. “Ca sĩ mặt nạ” hôm nay hay “Rap Việt” trước kia, doanh số mang lại cho VieOn và HTV2 không lớn như sự đình đám của nội dung trên truyền thông. Doanh số từ Youtube mới là một trong các doanh thu chủ đạo (cùng với tài trợ quảng cáo). Trong khi đó, thay vì nghiên cứu mô hình kinh doanh (business model) để nhằm giảm bớt lệ thuộc những kênh như Youtube, nhà đầu tư lại chỉ lo giành giật với đối thủ cạnh tranh là chính. Điều đó đã tạo ra một thị trường giải trí sôi động bên ngoài nhưng nghiệt ngã bên trong và hoàn toàn mang tính ngắn ngày.

Lời kết

Những gì đã diễn ra ở 2022, kỳ vọng cho 2023 chỉ là sự tiến lên chậm nhưng chắc của thị trường ngách âm nhạc (như đĩa than, các concert chất lượng cao, giá vé khủng, giới hạn khán giả hẹp và khắt khe) cùng mảng âm nhạc kinh điển mà sức sống của hai dàn nhạc giao hưởng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là minh chứng. Có thể, sự phân khúc sẽ mạnh mẽ hơn trong khán giả và dần hình thành một lớp khán giả cao cấp, tiêu thụ sản phẩm âm nhạc, giải trí cao cấp với thứ tất nhiên đi kèm: giá cả!

Hà Quang Minh
.
.