Vang mãi những bài ca cách mạng
Cùng với những trang sử hào hùng của dân tộc, có biết bao tác phẩm âm nhạc đã ra đời và trở thành những “bài ca đi cùng năm tháng”. Các ca khúc cách mạng ca ngợi đất nước, quê hương, tôn vinh lãnh tụ kính yêu cùng tinh thần dựng xây và bảo vệ Tổ quốc... vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống âm nhạc hôm nay và mai sau.
Những giai điệu tự hào
Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, dòng nhạc cách mạng đã thực sự là một “kho vàng ròng” để lại cho đời biết bao ca khúc “sống mãi với thời gian”. Những bài ca ra đời cùng với những dấu mốc lịch sử, phản ánh sâu sắc thành tựu của cách mạng Việt Nam cũng như vẻ đẹp tâm hồn, cảm xúc của người Việt. Và, như thế, thông qua ca khúc, các nhạc sĩ đã trở thành những người chép sử bằng âm nhạc.

Từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi Đảng lãnh đạo phong trào yêu nước cũng là thời điểm hàng loạt ca khúc cách mạng ra đời. Tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đã đi vào những lời ca, giai điệu hào hùng như “Cùng nhau đi hùng binh” (Đinh Nhu), “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)... Rồi, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ của dân tộc, âm nhạc không chỉ là “món ăn tinh thần” của khán giả cả nước, của lớp lớp những đoàn quân ra trận mà còn là một mũi nhọn xung kích vô cùng hiệu quả trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Đặc biệt, những năm từ 1954 đến 1975, với thành quả của một thế hệ nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ đã mang đến cho lịch sử âm nhạc Việt Nam khối lượng tác giả - tác phẩm khổng lồ. Nhiều tác phẩm đỉnh cao, gắn liền với tên tuổi các nhạc sĩ như Huy Du, Trọng Loan, Hoàng Hiệp, Hoàng Hà, Vũ Trọng Hối, Nguyễn Đức Toàn, Xuân Giao, Văn Ký, Trần Chung, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Tuyên, Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng, Thuận Yến, Phạm Minh Tuấn...
Sau ngày đất nước thống nhất, âm hưởng trong những ca khúc cách mạng là khúc ca khải hoàn cùng dân tộc tiếp tục sự nghiệp xây dựng con người mới, xã hội mới. Những bài ca về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, về cuộc sống lao động và cống hiến đầy tự hào của con người Việt Nam tiếp tục vang vọng.
Giới chuyên môn khẳng định, âm nhạc cách mạng đã khắc họa trọn vẹn quá trình đấu tranh, dựng xây đất nước của dân tộc. Bên cạnh những ca khúc thể hiện khí thế chiến đấu với tinh thần lạc quan chiến thắng là nhiều ca khúc giàu chất trữ tình mang âm hưởng dân gian với nhiều đề tài khác nhau. Là nhạc sĩ quân đội có tới hơn 20 ca khúc thành công về đề tài cách mạng, trong đó, nhiều tác phẩm không chỉ liên tục vang lên ở các sân khấu lớn mà còn nhận được các giải thưởng quan trọng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng... tiêu biểu như “Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh”, “Có Đảng sáng soi vững bước ta đi”, “Việt Nam ngày nắng mới”...
Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn cho rằng, âm nhạc cách mạng giữ vai trò vô cùng đặc biệt và thiêng liêng trong đời sống âm nhạc, đây không chỉ là “mảnh đất” giàu cảm xúc, gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là nơi thể hiện sâu sắc nhất lý tưởng, tình cảm yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Vì thế, với anh, sáng tác về đề tài này không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là niềm vinh dự, là cách để góp phần giữ gìn, truyền lửa cho các thế hệ sau. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng tâm huyết, trách nhiệm và cảm xúc chân thật từ người trong cuộc nên có sức sống bền lâu và lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một lát cắt lịch sử được kể bằng âm nhạc, hy vọng góp phần giữ gìn ký ức hào hùng của dân tộc và hun đúc tinh thần yêu nước trong lòng mỗi người Việt Nam.
Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc
Đời sống âm nhạc đã chứng minh, mạch nguồn cảm xúc với mảng đề tài quê hương đất nước và chiến tranh cách mạng chưa bao giờ vơi cạn trong tâm hồn của các nhạc sĩ. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một cuộc thi sáng tác ca khúc có quy mô lớn đã được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động từ tháng 6/2024 với chủ đề: “Bài ca thống nhất”.

Như nhấn mạnh của Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thông qua việc sáng tác, quảng bá tác phẩm âm nhạc chủ đề “Bài ca thống nhất”, khẳng định giá trị hiện thực và tinh thần của đất nước thống nhất, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, càng thêm tin tưởng sâu sắc vào đường lối cách mạng Việt Nam; tôn vinh những đóng góp to lớn của các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu đẹp, văn minh.
Cuộc vận động đã nhận được sự hào hứng tham gia của nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp và các tác giả không chuyên. Có lẽ, bởi đây chính là cơ hội để các nhạc sĩ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình trên bước đường đồng hành cùng dân tộc, đưa các tác phẩm âm nhạc lan tỏa sâu rộng vào đời sống. Chung cuộc, Giải Nhì (không có Giải Nhất) thuộc về 2 tác phẩm “Tình yêu nước Việt tôi” (Lê Đăng Việt) và “Bài ca non sông thống nhất” (Văn Thành Nho).
Ngoài ra, Hội Nhạc sĩ Việt Nam còn tổ chức cuộc thi hát online với cùng chủ đề trên nền tảng mạng xã hội TikTok. Cuộc thi kéo dài 6 tháng với gần 1.000 thí sinh tham gia casting, gần 200 phiên thi live, 20 phiên thi tuần, 2 đêm bán kết. Trung bình có 1.500 đến 2.000 lượt khán giả xem trực tiếp, đồng thời mỗi phiên đã giúp cho cuộc thi đạt hơn 300 triệu lượt tiếp cận trên nền tảng TikTok, tỷ lệ khán giả trẻ đạt gần 70%...
Như vậy, có thể thấy, những ca khúc đầy ắp niềm tự hào, sự tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc vẫn được các nhạc sĩ trẻ mang đến cho công chúng với những lời ca, giai điệu mới mẻ. Tinh thần ấy còn được bộc lộ rõ nét trong những thời điểm như khi Biển Đông “dậy sóng” hay đất nước oằn mình trong đại dịch COVID-19... những ca khúc hay, có sức lay động lòng người lại được ra đời, mang đến sự động viên tinh thần mạnh mẽ.
Thời gian gần đây, đời sống âm nhạc Việt ghi dấu nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ 8X, 9X mạnh dạn tiếp nối dòng cảm hứng tự hào ấy bằng những ca khúc có chủ đề về Đảng, về cách mạng. Có thể kể tới những ca sĩ, nhạc sĩ như Đức Tân, Tạ Duy Tuấn, Tạ Quang Thắng, Hoàng Hồng Ngọc, Vũ Huyền Ngọc... với nhiều ca khúc không chỉ cho thấy góc nhìn mới mẻ, tư duy âm nhạc văn minh, hiện đại của thế hệ sáng tác trẻ mà thực sự chinh phục được công chúng nhiều lứa tuổi. Thậm chí, có tác phẩm tạo được “cơn sốt” trên các nền tảng mạng xã hội.
Chia sẻ “bí quyết” để tạo nên những ca khúc về đề tài cách mạng vừa giữ được chiều sâu giá trị truyền thống - lịch sử, vừa hấp dẫn khán giả trẻ, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn tâm sự: “Tôi thường vận dụng một số bí quyết nho nhỏ như tạo góc nhìn cá nhân gần gũi, tập trung khai thác những chi tiết giản dị đời thường với ngôn ngữ, ca từ trẻ trung, hình ảnh văn học mang tính hình tượng và thời đại. Pha trộn chất liệu dân gian (hò, lý, vọng cổ) với beat điện tử, guitar rock hoặc rap để tạo nên một không gian âm nhạc vừa quen thuộc, vừa mới mẻ.
Tôi nhận thấy, khoảng 70% khán giả trẻ nhớ bài hát qua giai điệu và phần điệp khúc “dễ hát theo”. Tôi thường đặt một đoạn điệp khúc ngắn, lặp đi lặp lại vừa đủ viral trên mạng xã hội, đồng thời giữ chủ ý bằng tiết tấu biến hóa qua từng khổ. Khi ca khúc phát hành, tôi luôn đầu tư MV hoặc lyric video có hình ảnh drone quay thực cảnh... để minh họa câu chuyện”.
Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn cũng cho rằng, không có công thức “tỷ lệ vàng” cố định cho một tác phẩm thành công, nhưng chìa khóa nằm ở việc kể câu chuyện có thật bằng ngôn ngữ và chất liệu âm nhạc của thời đại, đồng thời sử dụng công cụ truyền thông số để đưa bài hát đến gần với người trẻ. Khi họ thấy mình trong đó, cảm nhận được hơi thở lịch sử qua những lời ca - giai điệu được “điều chỉnh” cho phù hợp thì tác phẩm sẽ vừa giữ được giá trị truyền thống, vừa trở thành nhạc điệu của hiện tại.
Rõ ràng, ca khúc cách mạng ngày nay đã không còn đóng khung trong những bài ca chiến đấu mà mở rộng ra ở nhiều góc nhìn, sự đa chiều trong cảm nhận các vấn đề của đời sống. Nhưng, tựu trung lại, đó đều là dòng nhạc mang tiếng nói của cảm xúc và tâm hồn dân tộc, khẳng định những giá trị đẹp đẽ và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho công chúng trong thời đại mới.