Văn trẻ 2024 - Khối rubic văn chương đa sắc diện
Văn trẻ 2024 (tạm tính những tác giả dưới 35 tuổi) là cuộc trình diện đầy sôi nổi của nhiều cây bút tài năng, nhiệt huyết, cá tính, đánh dấu những bước chuyển mình sáng tạo, mãnh liệt và ấn tượng.
Bên cạnh những tên tuổi đã định hình được phong cách rõ nét như Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Đức Anh, Hiền Trang, Khét, Phùng Thị Hương Ly, Phan Đức Lộc...; đã xuất hiện những người cầm bút mới hứa hẹn nhiều triển vọng như: Võ Đăng Khoa, Trần Việt Hoàng, Trang Thụy, Thiên Tâm, Giai Du, Giác, Bùi Bá Đông...
Hành trình trả nợ ân tình quê hương
Thơ dường như là thể loại vừa vặn nhất để chuyển tải chiều sâu tâm trạng. Sau khi đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, Khét chứng minh độ trường sức của mình bằng tập thơ “Nở thêm một cánh chuồn chuồn” (NXB Hội Nhà văn) tiếp nối mạch thơ da diết nỗi lòng về mảnh đất miền Tây quê hương anh. Hòa chung dòng cảm thức ấy, Phùng Thị Hương Ly cũng không giấu nổi sự thổn thức nhớ thương với vùng đất Đông Bắc nghèo khó mà chan chứa tình cảm gia đình trong “Dưới vòm hoa đại khải” (NXB Hội Nhà văn).

Bằng những rung động chênh vênh của tuổi trẻ, họ không ngừng truy vấn bản thân trước dòng đời xô bồ được - mất. Đáng chú ý là sự xuất hiện của Trần Việt Hoàng - cây bút sinh năm 2002 với “Ngày chưa sương vội” (NXB Hội Nhà văn). Anh bộc lộ nội lực mạnh mẽ với những bài thơ trau chuốt về ngôn từ, vững vàng về cấu tứ và giàu sức gợi hình, gợi cảm khi “đoái nhìn cố hương bằng ánh mắt/ nặng trĩu niềm thương”.
Trong “Nương mùa cố thổ” (NXB Hội Nhà văn), Bùi Bá Đông luôn tự thấy mình mắc nợ miền quê Đồng bằng Nam bộ đến mức “va vấp bóng mình trong ký ức lấm lem”. Với “Gốm lưu lạc” (NXB Hội Nhà văn), Vân Phi đang độc bước trên hành trình định nghĩa căn cước văn hóa trong mỗi con người, mỗi vùng đất mà hình tượng “bóng người chuốt gốm ngã theo những vòng xoay” đã gợi nhiều suy ngẫm về quá trình lưu giữ những nét đẹp truyền thống đang dần bị mai một.
Đại hội của những tiểu thuyết gia
2024 là một năm “được mùa” tiểu thuyết với hàng chục đầu sách đa dạng về đề tài, phong phú về bút pháp, mới mẻ về thể nghiệm, độc đáo về hình thức đã tạo nên hiệu ứng đáng kể. Huỳnh Trọng Khang được biết đến là một trong những người có “phẩm chất tiểu thuyết gia” nổi bật nhất trong thế hệ của anh. “Nơi không có tuyết” (NXB Trẻ) - một truyện dài vừa lấp lánh chất thơ, vừa thâm trầm triết lí là minh chứng xác đáng cho luận điểm đó.
Phạm Giai Quỳnh tiếp tục phát huy “chất quái” cũng như vốn kiến văn sâu rộng của mình trong tiểu thuyết “Thánh địa” (NXB Phụ nữ) - một thế giới tâm linh vẫn không ngừng vận hành trong cuộc lao đao tìm kiếm bản ngã linh hồn bị đánh cắp. Bằng lối hành văn hoa mĩ và bay bổng, “Quán bar trong bụng cá voi” (NXB Văn học) của Hiền Trang bày tỏ niềm ngưỡng mộ tối cao dành cho văn chương - “như đức tin, luôn luôn hoàn hảo”.
Khai thác nhuần nhuyễn màu sắc linh dị, Trường Lê đưa độc giả bước vào những trang văn ma mị, gay cấn đến ngộp thở và gióng lên những thông điệp về luật nhân quả ở đời (“Nghiệp chướng”, NXB Hội Nhà văn). Ở một phạm trù tương tự, Giai Du mạnh dạn mượn âm hưởng dân gian kết hợp lối viết phân mảnh để cất lên tiếng nói đương đại trong “Kiện trời” (NXB Hội Nhà văn) giúp ta nhận ra, có lẽ chấp nhận là cái kết của sự nổi loạn.
Nỗi cô đơn gặm nhấm trang văn
Chắc hẳn mỗi nhà văn đều hơn một lần tự hỏi: “Ta là ai giữa cuộc đời này?”. Phải chăng, đích đến cuối cùng của văn chương là cố gắng khám phá sâu nhất cái tôi của bản thân? Trên đường đời vội vã, kí ức chính là những dấu mốc để mỗi chúng ta định vị phương hướng. Các nhân vật được đặt tên bằng kí tự trong tập truyện bảng lảng màu hoài niệm “Trần gian ở lại” (NXB Hà Nội) của Giác có thể là bất kì ai trong chúng ta, vẫn đang bơ vơ, lạc lõng giữa vòng xuyến thanh xuân mà phân vân chưa biết nên chọn lặng lẽ ở lại vùng an toàn hay mạnh mẽ phá bỏ những giới hạn.
Nắm bắt nhanh nhạy những xu hướng văn chương mới, Yang Phan mở ra bối cảnh giả tưởng “Biến thể của cô đơn” (NXB Trẻ) khi con người bị chi phối bởi thời đại công nghệ cùng niềm trăn trở về phương cách duy trì nguyên bản đích thực của chính mình giữa dòng đời bất quy tắc. Rốt cục, công nghệ đang phục vụ con người hay con người đang vô tình hóa thành nô lệ của công nghệ?
Có chung giao điểm với Nguyễn Đinh Khoa và Yang Phan, Phát Dương vận dụng kĩ thuật hậu hiện đại để tạo ra các lát cắt sâu về đời sống vốn dĩ nhiều uể oải, ẩn ức, nhập nhằng, nơi mà khái niệm sống và tồn tại bị xóa nhòa ranh giới, con người biến thành những cỗ máy vô hồn, rỗng rễnh hay những con mọt tự gặm nhấm tinh thần qua “Hai người trong một ngăn tủ”, (NXB Trẻ). Điều đáng sợ nhất là khi bệnh vô cảm lên ngôi khiến những giá trị cốt lõi của tình người, tình đời bị phai nhạt.
Những vân chữ kì công, tinh xảo
Truyện ngắn vẫn là thể loại sở trường của đông đảo cây bút trẻ. Tạo được tiếng vang có các tập: “Lạc đà bay” (Võ Đăng Khoa, NXB Trẻ), “Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về” (Trang Thụy, NXB Hội Nhà văn), “Trăng tan đáy nước” (Hoàng Yến, NXB Hội Nhà văn), “Cơn mưa bên hồ nước bí mật” (Phạm Giai Quỳnh, NXB Văn học)...
Đề tài lịch sử vốn là mảnh đất bí ẩn thấp thoáng ẩn hiện trong lớp sương mù bảng lảng của thời gian một lần nữa thôi thúc Hoàng Yến “xuyên không” về quá khứ bằng tập truyện “Trăng tan đáy nước”. Với chất văn tinh xảo đẹp như “lên men vân gốm” và thấu suốt đau như “vạn kiếm xuyên tâm”, tác giả nỗ lực mở ra cái nhìn trắc ẩn về thiên tình sử bi thương của Mị Châu và Trọng Thủy, cùng các câu chuyện lớp lang về nhiều nhân vật nổi tiếng khác: Vua Lê Long Đĩnh, hoàng hậu Chiêu Thánh, công chúa An Tư, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn...

Trang Thụy viết đã lâu nhưng năm nay, sau nhiều đắn đo nghiêm ngắn, chị mới quyết định in cuốn sách đầu tay “Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về” tuyển chọn 11 truyện ngắn tinh tế, kĩ càng câu chữ, đậm đà bản sắc vùng cao, nơi mà tình yêu và thù hận, nổi loạn và cam chịu, hạnh phúc và đau khổ chen chúc nhau trong một khoảng không gian dường như bị giam cầm bởi mùa đông rét “đục răng, đục lợi”.
“Lạc đà bay” của Thiếu úy Công an Võ Đăng Khoa vừa trình làng đã tạo được sự chú ý của giới mộ điệu và truyền thông bởi những câu chuyện cô đọng, súc tích được gọt giũa gọn gàng, tỉ mỉ mà vẫn thuần mộc, tự nhiên, gợi suy tư đau đáu về môi trường sinh thái, về thân phận con người miền Tây sông nước và rộng hơn là về cách chúng ta đang đối xử với Trái đất này.
Từ hồn nhiên, trong trẻo đến gay cấn, li kì
Văn học thiếu nhi của các tác giả trẻ năm nay đã cầm cự được những chỗ đứng nhất định trước thị trường văn học dịch tưng bừng trăm hoa đua nở. “Bạn có thích làm mèo” (NXB Kim Đồng) của Đặng Thị Hoài Thư là câu chuyện về sự kết nối của cô bé Dương với con mèo nhỏ tên Cá Thu bằng những cảm xúc thân thiện, trong veo, ấm áp. “Gia đình trái cây” (NXB Kim Đồng) của Thiên Tâm ghi lại những câu chuyện vụn vặt thường ngày cô bé Chôm Chôm với những nét tính cách dễ thương, nhõng nhẽo cùng ông Dưa Hấu, bà Mận, bố Táo, mẹ Bơ và em Ổi vun đắp một mái ấm đầy ắp niềm vui.
Cao Nguyệt Nguyên giúp mỗi người đọc lật mở những trang kỉ niệm tuổi thơ trong cuốn sách “Lũ quỷ nhỏ xóm trọ Thành Công” (NXB Kim Đồng) với những đứa trẻ hồn nhiên, tinh nghịch trong khu trọ tạm bợ của những hộ thu nhập thấp ở Hà Nội. Vượt qua những thiếu thốn về vật chất, chúng lớn lên bên nhau bằng tình bạn quá đỗi chân thành.
Viết về lực lượng dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, trên nền thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, truyện dài “Mùa ban thay áo” (NXB Kim Đồng) của Phan Đức Lộc tựa như cuốn nhật kí của thôn nữ tên Hạt về quá trình quyết tâm vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù, sự hiểm trở của địa hình, sự khắc nghiệt của thời tiết để kịp thời tiếp vận lương thực cho tiền tuyến.
Gây ngạc nhiên hơn cả là sự trở lại ngoạn mục của cây bút trẻ xuất sắc Cao Việt Quỳnh với bộ tiểu thuyết đồ sộ 5 tập mang tựa đề “Lục địa Rồng” (NXB Kim Đồng) thể hiện trí tưởng tượng vượt bậc của cây bút 16 tuổi trong việc tạo ra một vũ trụ fantasy mới mẻ, hoành tráng, tương xứng hệ thống nhân vật phức tạp cùng diễn biến của những cuộc chiến vô cùng cam go, li kì, gay cấn.
Mỗi tác phẩm là một mảnh ghép trong khối rubic văn chương đa diện, đa sắc. Tất cả họ - những cây bút trẻ trong làng văn đương đại thực sự đã kế thừa di sản của thế hệ các nhà văn, nhà thơ tiền bối và không ngừng cập nhật kĩ thuật mới để dám cống hiến hết mình cho từng con chữ, mở ra những thế giới nghệ thuật đầy sinh khí - nơi cái đẹp được đặt lên vị trí tối cao nhằm phát huy hiệu lực chữa lành bao tổn thương thời đại!