Vẫn tin ngày mai bình yên

Thứ Năm, 09/09/2021, 13:48

Bộ phim “Ngày mai bình yên” được làm trong giai đoạn giãn cách xã hội và phản ánh trực tiếp đời sống giãn cách xã hội, chứng tỏ nỗ lực của giới nghệ sĩ trước cuộc chiến chống COVID-19. Khác với bộ phim “Những ngày không quên” năm ngoái chỉ đề cập đến sự bỡ ngỡ lẫn sự dao động của mọi người về virus corona, bộ phim “Ngày mai bình yên” là một thái độ chung sống với hệ lụy COVID-19 và quyết tâm đẩy lùi COVID-19.

Bộ phim “Ngày mai bình yên” do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện khá gấp rút, từ lên ý tưởng, triển khai kịch bản, tuyển chọn diễn viên, cho đến ghi hình, dàn dựng đều chạy đua với thời gian để kịp phát sóng. Những người sản xuất “Ngày mai bình yên” chia sẻ rằng, giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp đã nhận được lệnh làm phim tương đối gấp, với thông điệp muốn hướng tới là cách mọi người chia sẻ với nhau cùng đồng lòng đối diện khó khăn trong dịch bệnh như thế nào. Do vậy, làm phim cũng là cách đóng góp của các nghệ sĩ nhằm mang lại niềm vui giúp khán giả có tinh thần hơn để chống dịch.

NSND Trung Hiếu sau nhiều năm vắng bóng trên truyền hình, đã được mời vào vai chính - ông Pháp trong bộ phim “Ngày mai bình yên”. Đã từng đảm nhận nhiều vai chính, nhưng với bộ phim “Ngày mai bình yên” thì Trung Hiếu có cảm giác khác hẳn: “Làm phim này trong giai đoạn rất căng thẳng, khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm để tuyên truyền cho nhân dân về chống dịch COVID-19. Chúng tôi phải quyết tâm khắc phục tất cả những cái khó khăn ấy. Anh em đoàn phim phải bảo ban nhau cố gắng lúc quay phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, xịt khuẩn, đảm bảo 5K, rất khó khăn nhưng anh em phải bảo nhau hoàn thành tốt bộ phim này. Bộ phim ra đời để ủng hộ công tác phòng, chống COVID-19”.

Vẫn tin ngày mai bình yên -1
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu trong bộ phim “Ngày mai bình yên”.

Trung Hiếu thừa nhận bộ phim “Ngày mai bình yên” chắc chắn không thể chỉn chu như những bộ phim thực hiện trong điều kiện thuận lợi. Thế nhưng anh vẫn tin tưởng khán giả ít nhiều hài lòng với sự cố gắng của ê-kip làm phim.

“Ngày mai bình yên” xoay quanh câu chuyện nhà ông Phát - chủ một công ty xây dựng, trong thời gian cả gia đình phải hạn chế ra đường để phòng, chống COVID-19. Từ khi ở nhà gần như cả ngày với vợ con, ông Phát mới nhận thấy nhiều điều rắc rối xảy ra vì gia đình khá đông thành viên thuộc nhiều thế hệ. Việc Trà - cô con gái lớn mất việc ở công ty du lịch, trong khi Mai Khôi - đứa út ở độ tuổi mới lớn phải ở nhà học trực tuyến cũng khiến gia đình gặp nhiều xáo trộn. Mọi thứ rắc rối hơn khi bố và em trai ông Phát từ quê lên và bị mắc kẹt lại bởi quy định giãn cách xã hội. Vừa đau đầu với chuyện nhà, vừa phải căng mình duy trì hoạt động của công ty để trả lương cho nhân viên, ông Phát muốn khủng hoảng tinh thần. Thế nhưng, ông Phát và những người xung quanh dần dần tìm được cách sống chung với bất tiện trong cao điểm chống dịch.

NSND Trung Hiếu sinh năm 1973 tại Thái Bình. Là con trai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Pháo, nên từ nhỏ Trung Hiếu đã được theo cha đi gặp những nhân vật lỗi lạc trong đời sống văn hóa như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Võ An Ninh… Lớn lên, Trung Hiếu không theo nghề của cha, mà thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm 1993, khi Trung Hiếu đang là sinh viên năm cuối thì Nhà hát Hà Nội có đợt tuyển dụng diễn viên. Trung Hiếu rụt rè ứng thí vì quá hâm mộ những tên tuổi lừng lẫy ở đơn vị nghệ thuật này như Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Trịnh Mai, Trần Đức, Minh Hòa…

Bước chân vào Nhà hát Kịch Hà Nội, Trung Hiếu cùng thuộc thế hệ của Thu Hà, Công Lý, Thúy Hà… Ký ức của Trung Hiếu vẫn nguyên vẹn về thời khắc ấy: “Hồi đó, tôi không hề thấy áp lực mà thật sự rất tự hào vì mình chưa tốt nghiệp nhưng đã được làm việc tại Nhà hát Kịch của Thủ đô - một môi trường lớn đến như vậy và được diễn cùng các anh, các chị toàn các ngôi sao”. Sự tiếp nối của nghề, Trung Hiếu lần lượt đảm nhận vai chính trong các vở kịch chủ lực của Nhà hát Kịch Hà Nội như nhân vật Chính trong vở kịch “Tôi và chúng ta”, nhân vật Thiêm trong vở kịch “Ngôi sao lạc trời”, nhân vật Tống Thoại trongvở kịch “Cát bụi”, nhân vật Tình trong vở kịch “Xuân tím”,nhân vật Năm Sài Gòn trongvở kịch “Bỉ vỏ”… Những Huy chương Vàng giành được qua các kỳ Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc giúp Trung Hiếu được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) khi còn rất trẻ, và được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 43.

Một trong những ưu điểm của diễn viên kịch như Trung Hiếu chính là giọng nói. Khi phim truyền hình và điện ảnh chưa có công nghệ thu âm trực tiếp, thì nghề lồng tiếng cũng hái ra tiền. Những năm tháng thanh xuân của Trung Hiếu cũng kiếm được thu nhập kha khá từ nghề lồng tiếng. Vì hay lui tới các đoàn làm phim để lồng tiếng, Trung Hiếu cũng được mời thử vai và có cơ hội lấn sân sang màn ảnh. Tính đến nay, Trung Hiếu đã có không ít vai diễn trên phim được khán giả nhớ đến, như vai Hàn trong bộ phim “Một giờ làm quan”, vai anh gù trong bộ phim “Ngõ lỗ thủng”, vai Khang trong bộ phim “Đường đời”, vai Lân trong bộ phim “Mưa bóng mây”…

Vẫn tin ngày mai bình yên -1
Một cảnh trong phim “Ngày mai bình yên”.

Khác với những vai chính diện trên sân khấu kịch, Trung Hiếu có duyên với những vai có chút hài hước trên phim truyền hình. Lối diễn tự nhiên pha chút tếu táo của Trung Hiếu là một nét đặc trưng cho phong cách diễn viên kịch đóng phim. Trung Hiếu thổ lộ: “Công việc mà không có đam mê thì không thành công được. Không đam mê, không say đắm, không hết mình thì khó làm nghề lắm. Tôi thì luôn phải sàng lọc, chọn những nhân vật có màu sắc, có tính cách. Tùy từng năm, tôi lại bén duyên với những dạng vai khác nhau”.

NSND Trung Hiếu là người có vợ muộn so với bạn bè trong giới show biz. Năm ngoái, ở tuổi 47, Trung Hiếu mới kết hôn với người đẹp quê Sơn La trẻ hơn mình đến 19 tuổi. Trung Hiếu khẳng định việc lấy vợ muộn không phải do kén cá chọn canh: “Phải chăng, tôi trao quá nhiều cái duyên của mình cho nghệ thuật, cho công việc thành ra chuyện tình cảm bớt duyên hơn hoặc không còn duyên nữa. Truyền thông thường xuyên hỏi tôi về chuyện riêng tư, chuyện tại sao tôi chưa lấy vợ. Tôi biết đó là tình cảm mà mọi người dành cho mình nhưng hôn nhân không phải muốn là được, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi luôn tìm thấy cái hay trong cuộc sống của mình. Tôi tin vào số phận theo triết thuyết của tôn giáo, học được rất nhiều, trong đó có việc sống lạc quan và không đổ lỗi cho bất cứ điều gì. Thật may, cuối cùng duyên cũng đến!”.

Cưới vợ muộn, lại cưới vợ trẻ, cuộc sống của NSND Trung Hiếu có gì thay đổi không? Anh bộc bạch: “Nhờ có vợ mà tôi bớt nhậu nhẹt và tụ tập hơn. Mọi ngày, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác… rủ thì không tìm được lí do nào mà từ chối cả. Bây giờ có vợ rồi thì cũng có lí do chính đáng để anh em "tha" cho. Nhờ thế mà tôi cũng bớt được những cuộc chén chú, chén anh đến tận đêm. Trước khi về sống với nhau, chúng tôi cũng đã phải thống nhất quan điểm rõ ràng. Tất nhiên, tôi bây giờ vẫn tự do nhưng trong khuôn khổ của người đã có gia đình. Vợ tôi thì vừa mới bảo vệ xong luận văn Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, cô ấy tự nguyện ở nhà để chăm sóc và vun vén gia đình”.

Hiện tại, NSND Trung Hiếu đảm nhận cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Ngoài vấn đề cơm áo gạo tiền cho nhân viên, NSND Trung Hiếu cũng ưu tư về sự co cụm của sân khấu kịch trong thời đại công nghệ nghe nhìn: “Có những lúc tôi thấy buồn cho bản thân, buồn cho sân khấu kịch. Nhiều vở kịch diễn xong không thấy khán giả đâu, có những đêm diễn viên ở trên sân khấu nhiều hơn cả khán giả ngồi phía dưới. Dù khán giả chỉ có 5-7 người xem, nhưng anh em vẫn diễn say mê”.

Gia Quan
.
.