Văn học Việt Nam ở hải ngoại: Những "đại sứ" quảng bá văn hóa Việt

Thứ Năm, 15/05/2025, 13:43

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 6 triệu người gốc Việt định cư, lập nghiệp, sinh sống lâu dài ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trải qua những biến động của lịch sử, kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Theo đó, cũng hình thành một dòng chảy văn học, nghệ thuật ở hải ngoại với những đặc tính riêng, góp phần tạo nên một bức tranh tổng thể nhiều sắc màu của nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Ghi nhận những đóng góp của văn học hải ngoại

Ngày 28/4/2025, hội thảo quốc tế với chủ đề “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)” đã được Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó trực tiếp ở hội trường tại Hà Nội và trực tuyến với các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua đường truyền internet với các công cụ, phương thức phù hợp.

1.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai (thứ hai, từ phải sang) trong buổi giao lưu với độc giả tại Đại học Columbia (Mỹ).

Theo quan sát của phóng viên, có lẽ đây là một hội thảo quy mô và có tính chuyên sâu đầu tiên về dòng văn học, nghệ thuật ở hải ngoại được tổ chức. Với khá nhiều vấn đề được đặt ra, hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài trong diễn trình phát triển văn học, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ văn nghệ sĩ, đi sâu vào từng loại hình văn học, nghệ thuật; phân tích hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả, hạn chế, bất cập và lý do của hạn chế, bất cập này.

Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như với lãnh đạo của nước sở tại để có thể khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.

Có thể thấy, từ sau 1945 đến 1954, số người Việt Nam sinh sống và hoạt động văn học, nghệ thuật ở nước ngoài dần tăng, chủ yếu qua con đường du học, công cán dài ngày hoặc định cư ở nước ngoài, tiêu biểu như: Điềm Phùng Thị (là nha sĩ, sang Pháp năm 1948; năm 1959 bắt đầu đến với nghệ thuật điêu khắc; năm 1966 có triển lãm đầu tiên tại Paris); Đặng Tiến (sang Thụy Sĩ từ 1966; từ 1968 ở Đại học Paris 7, giảng dạy về văn học Việt Nam); Phạm Công Thiện (rời Việt Nam từ sau 1970; sống ở Đức, Pháp và từ 1983 định cư ở Los Angeles)...

Sau năm 1975, do biến động về lịch sử, sự chuyển dịch của người Việt Nam ra nước ngoài, người Việt ở nước ngoài về Việt Nam tăng lên nhiều, tập trung ở Mỹ, Pháp, Đức, Bulgaria, Canada, Australia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Có thể thấy, trong hành trình 50 năm qua, đã hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ ở hải ngoại khá đông đảo, có sự kết nối với nhau và có những hoạt động tích cực, trong đó tập trung nhất ở lĩnh vực văn học với những tên tuổi như Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Khuê, Lý Lan, Linda Lê, Nguyên Sa, Nguyễn Thụy Vũ, Nguyễn Bá Chung, Hoàng Khởi Phong, Ocean Vương, Nguyễn Huy Hoàng, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Phan Quế Mai, Thuận, Kiệt Tấn, Trương Anh Tú, Hiệu Constant, Quỳnh Iris de Prelle, Viet Thanh Nguyen, Đỗ Quyên, Lê Minh Hà, Trần Trọng Vũ, Mai Ninh... Bên cạnh đó là một số nhà lý luận - phê bình - dịch thuật như Đặng Tiến, Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Vy Khanh, Hoàng Ngọc Tuấn, Đoàn Cầm Thi, Trương Hồng Quang...

Với những tác phẩm của mình, họ đã giới thiệu đến thế giới về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, đồng thời họ cũng là những “sứ giả văn hóa” khi giới thiệu đến Việt Nam những tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu của thế giới qua các bản dịch tiếng Việt của mình.

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: “Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, hoạt động giao lưu, quảng bá, hợp tác giữa các hội, các đơn vị văn học, nghệ thuật ở Việt Nam với các tổ chức, cá nhân là văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường, mang lại kết quả rất đáng ghi nhận.

Họ về nước tham gia các cuộc giao lưu, trò chuyện, hội nghị, hội thảo văn nghệ; họ có những cách cảm, cách nghĩ, giọng điệu, cách thức trong sáng tạo, nghiên cứu và tác phẩm của họ được công chúng trong và ngoài nước đón nhận. Không ít văn nghệ sĩ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như GS. Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhiều người khác...

Song, bên cạnh những nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận đã nêu, quá trình hướng về đất nước, về cội nguồn, những gắng gỏi để hòa giải, hòa hợp, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, trong một bộ phận văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn có một số rào cản, trở ngại, trong đó có khoảng cách về tâm lý, do mặc cảm, do những khác biệt về quan điểm đã có từ rất lâu...”.

Tiếp tục hành trình tìm kiếm “căn tính” người Việt

Có thể thấy, sống ở nước ngoài, không ít văn nghệ sĩ người Việt Nam coi sáng tác văn nghệ như một nhu cầu giải tỏa cảm xúc cá nhân. Nhiều nhà văn vẫn gắn bó sâu sắc với nguồn cội, với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt với những trăn trở về thân phận dân tộc và con người trong sự biến động của đời sống đương đại. Cho đến nay, ngoài thế hệ những người sáng tác khi rời Việt Nam ở tuổi thanh, thiếu niên hoặc trưởng thành, đã xuất hiện thế hệ những nhà văn mang dòng máu Việt, sinh ra, lớn lên ở nước ngoài nhưng vẫn có những sáng tác hướng về nguồn cội.

2.jpg -1
Nhà văn Thuận (thứ hai từ trái qua) giao lưu với độc giả người Việt trong một buổi ra mắt tác phẩm mới tại Pháp.

Nhận định về một trường hợp tiêu biểu trong dòng chảy văn học di dân là Ocean Vuong, người đã rời Việt Nam khi mới 2 tuổi, hấp thụ nền giáo dục và trưởng thành trên đất Mỹ với tác phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, ThS Nguyễn Thị Kim Nhạn cho rằng: “Là nhà văn thuộc thế hệ 1.5, Ocean Vuong không chỉ có ưu tư thuộc thế hệ mình, mà từ hoàn cảnh xuất thân đặc biệt, nhà văn chịu ảnh hưởng của cái nhìn mang tính nữ, “cái nhìn của người chứng kiến”. Do vậy, tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là câu chuyện của chủ thể Mỹ gốc Việt băn khoăn và tìm kiếm “căn cước” - ở đó, chiến tranh được nhìn qua lăng kính của ký ức chấn thương là tâm điểm của “căn cước cộng đồng”. Đề cập từ góc độ các nạn nhân, những người chứng kiến và chịu tổn thương từ chiến tranh, tiểu thuyết là tiếng nói được cất lên từ bên trong cộng đồng, cất lên từ chính các nạn nhân của cuộc chiến - nơi sự dính líu của người Mỹ không chỉ trong quá khứ mà còn có vị trí thống soát trong tình thế hiện tại...”.

Những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa, không ít người chọn cho mình 2 quốc tịch và có 2-3 chốn đi về. Họ sáng tạo văn học, nghệ thuật; nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch thuật văn học, nghệ thuật bằng tiếng Việt hoặc các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga và bản ngữ nơi họ sinh sống. Công chúng của họ cũng không bó hẹp trong cộng đồng người Việt mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu với các nhà văn tên tuổi và từng giành những giải thưởng quốc tế như Linda Lê, Viet Thanh Nguyen, Thuận, Nguyễn Phan Quế Mai, Ocean Vuong...

Những tác phẩm của họ không chỉ góp phần làm cho thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; làm cho bức tranh văn học Việt thêm đa diện, đa sắc; mà còn góp phần “định vị” văn học của người Việt Nam trong môi trường đọc quốc tế. Ở góc độ này, có thể nhắc đến một tên tuổi khá đặc biệt đó là Thuận.

Theo đánh giá TS. văn học Đỗ Hải Ninh: “Thuận là một trong số những nhà văn tiêu biểu của tiểu thuyết sau 2000, không chỉ bởi số lượng tác phẩm đáng nể (chỉ trong vòng hơn 15 năm đã đều đặn cho ra mắt người đọc 8 cuốn tiểu thuyết), mà bởi tiểu thuyết của chị luôn mang chứa những vấn đề có ý nghĩa thời đại với những hình thức thể hiện khác biệt và ấn tượng. Là một tác giả sống ở hải ngoại, Thuận hướng ngòi bút tới những thân phận di dân và gắn với đó là mối quan tâm tới đô thị và môi trường sinh thái. Với sức sáng tạo dồi dào, luôn tìm tòi thể nghiệm trong hình thức tiểu thuyết, Thuận đã góp phần làm mới tư duy thể loại tiểu thuyết Việt Nam sau 2000”.

Nguyệt Hà
.
.