Văn học thiếu nhi: Những tín hiệu lạc quan
Mỗi mùa hè đến, mối quan tâm hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh là lựa chọn những cuốn sách hữu ích cho con đọc trong thời gian không phải tới trường. Bởi thế, văn học dành cho thiếu nhi vẫn có chỗ đứng và được độc giả nhí tìm kiếm. Vài năm trở lại đây, cùng với sự xuất hiện của một số cuộc thi viết dành cho thiếu nhi, đã xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan về tác giả và tác phẩm, khắc phục sự “đứt gãy” về lực lượng viết cho thiếu nhi mà trước đó đã từng có lời… cảnh báo!
Có hay không sự “đứt gãy thế hệ” viết cho thiếu nhi?
Cuộc giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi có chủ đề “Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ” do NXB Kim Đồng tổ chức hôm 3/6 tại Hà Nội vừa qua được rất đông đảo nhà văn, nhà thơ cũng như các độc giả nhí quan tâm. Một câu hỏi được đặt ra trong buổi giao lưu đó là, có hay không sự đứt gãy giữa các thế hệ viết cho thiếu nhi lại một lần nữa được đặt ra.
Sau những thế hệ nhà văn đạt nhiều thành tựu viết cho thiếu nhi như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh, Phong Thu, Định Hải… thì văn học thiếu nhi có khoảng trống nào cần bù lấp? Đây thực sự là điều rất đáng để suy nghĩ mà trong khuôn khổ một cuộc tọa đàm không thể trả lời ngay được.
Tuy nhiên, bằng quan sát trên thị trường xuất bản, có thể thấy thời nào cũng có những nhà văn, nhà thơ, tác giả viết sách cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi. Và đối với một số nhà văn, nhà thơ, việc viết cho thiếu nhi như là một nhu cầu tự thân. Nhiều nhà văn trở thành tác giả viết cho thiếu nhi khi họ làm cha mẹ, làm ông bà với những sáng tác như món quà tặng cho con hay cháu mình. Sau những cái tên đình đám, thì những thế hệ sau này, người ít người nhiều đã làm phong phú thêm cho mảng văn học cho thiếu nhi.
Có thể kể tới những tên tuổi như các nhà văn: Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Phương Liên, Nguyễn Nhật Ánh, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Quang Thiều, Cao Xuân Sơn… Trẻ hơn có thể kể tới Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Võ Diệu Thanh, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng, Văn Thành Lê… và gần đây là một số cây bút mới xuất hiện: Trương Huỳnh Như Trân, Quyên Gavoye… đã đem đến một không khí sáng tác tươi mới, sôi động cho thị trường văn học dành cho thiếu nhi. Dấu ấn của mỗi tác giả để lại trong địa hạt sách thiếu nhi, đương nhiên có sự dày mỏng, cách tiếp cận khác nhau. Có người một tập sách, có người viết hàng chục tập sách, thậm chí có người chỉ một bài thơ, nhưng đó là một sự tiếp nối đáng trân trọng và cần được khích lệ.
Nhà văn Trần Đức Tiến - tác giả nổi tiếng với nhiều tập truyện dành cho thiếu nhi mới đây đã bộc bạch trên trang Facebook cá nhân của mình rằng: “Viết cho trẻ con mà trẻ con thích đọc, người lớn cũng thích đọc thì quá tuyệt, nói làm gì. Nhưng thiên tài làm được điều đó, cỡ như Andersen, xưa nay rất hiếm. Một số tác phẩm của ông thực sự là những sinh thể, chúng sống trong tâm trí người đọc, quẫy cựa, biến đổi theo thời gian, mỗi tuổi lại có thể mang đến cho chúng ta một ý nghĩa mới, sâu sắc hơn. Nhiều nhà văn viết cho trẻ con chỉ có trẻ con thích. Lại cũng có nhiều nhà văn viết cho trẻ con nhưng chỉ người lớn thấy thú vị. Theo mình, một nhà văn viết cho trẻ cần phải hiểu rõ: cái thích của chúng khác với cái thích của người lớn. Có những thứ chúng thích, người lớn dửng dưng. Và ngược lại. Cho nên, đã gọi là viết cho trẻ, thì quan trọng trước hết là trẻ phải thích. Hay ho giời bể gì không biết, nhưng chúng vừa đọc vừa ngáp là vứt. Mục đích tối thượng là viết ra cho chúng đọc. Chúng không đọc thì nói làm gì...”.
Song, cũng phải công bằng mà nói rằng, đời sống bây giờ đã có nhiều biến đổi, trẻ em bây giờ có nhiều hiểu biết về thế giới hơn nhờ Internet, đòi hỏi cũng cao hơn, vì thế những sáng tác văn học cho thiếu nhi, về thiếu nhi ở khắp các độ tuổi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chưa cập nhật với nhu cầu của con trẻ. Bên cạnh đó, số lượng tác phẩm văn học do các nhà văn trong nước viết cho thiếu nhi thật sự xuất sắc chưa nhiều. Vì thế, trong nhiều năm qua, số tác phẩm văn học dịch của nước ngoài nhiều khi vẫn chiếm tỉ lệ “áp đảo”.
Những tín hiệu lạc quan
Trở lại với Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 vừa được Báo Thể thao Văn hóa tổ chức trao giải thưởng tại Hà Nội hôm 31/5 vừa qua, có thể cảm nhận rất rõ những tín hiệu lạc quan đối với văn học thiếu nhi. Từ 89 tác phẩm dự thi, sau 2 vòng chấm chọn Hội đồng Giám khảo chọn ra 5 tác phẩm trao giải “Khát vọng Dế Mèn” (Cricket Desire) gồm có: “Biệt đội thám tử và Emma thảm họa” (2 truyện dài của Quyên Gavoye, NXB Kim Đồng); “Cơ Bản là Cơ Bản” (truyện dài, Phạm Huy Thông, NXB Kim Đồng); “Đu đưa trên ngọn cây bàng” (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy); Bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi); “Chiếc dép thất lạc” (sách tranh; Tác giả: Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), người dịch: Kim Ngọc - NXB Kim Đồng.
Nói về giải thưởng Dế Mèn năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo - đưa ra một sự liên hệ thú vị với thế hệ thiếu nhi thời ông: “Trẻ em hiện giờ rất giỏi, có những em như một thiên tài. Về âm nhạc có những giọng ca nhí hát hay vô cùng, kéo nhị rất giỏi, biểu diễn hấp dẫn lắm. Có những em tính nhẩm giỏi không khác gì máy tính. Thế nhưng văn chương thì... Như thời chúng tôi có cả dàn “nhà thơ nhí”, nhưng hiện giờ không có. Nay xuất hiện những em bé viết văn, đó là điều rất đáng khuyến khích, bởi có các em tham gia thì chúng ta có nền văn học đương đại, có những tác giả trong tương lai!”.
Nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa không phải không có lý, tuy nhiên, cũng chưa hoàn toàn chính xác. Thực tế đang cho thấy, vẫn đang có những bạn nhỏ có năng khiếu văn chương và đã xuất bản được nhiều đầu sách khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông. Đó là những cái tên như Cao Khải An, Nguyễn Hạnh Phương, Nguyễn Khang Thịnh, Cao Việt Quỳnh, Minh Anh, Nguyễn Bình...
Nhà báo Nguyễn Thanh Bình - thành viên Ban sơ khảo giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn chia sẻ: “Có dịp tiếp cận với những bản thảo gửi tới tham dự Giải thưởng Dế Mèn hàng năm, tôi khá bất ngờ về sức sáng tạo của nhiều em nhỏ. Các em không chỉ viết thơ, viết truyện mà còn sáng tác những tiểu thuyết giả tưởng dày hàng trăm trang, ở đó, mở ra những câu chuyện mà nhiều người lớn “không thể ngờ”. Nhiều em vừa viết, vừa tự dịch ra tiếng Anh; lại có em viết trực tiếp bằng tiếng Anh rồi dịch ngược ra tiếng Việt.
Từ những bản thảo gửi đến như thế, năm 2020, cậu bé 11 tuổi Cao Khải An đã được phát hiện, trao giải “Khát vọng Dế Mèn” với bản thảo tập truyện “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” được các em nhỏ, thậm chí là cả người lớn thích thú.
Tương tự, ở mùa giải Dế Mèn 2022, chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi), vừa học hết lớp 4 trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội), đã chinh phục hoàn toàn các thành viên giám khảo từ vòng sơ khảo tới vòng chung khảo. Thậm chí, 4 truyện ngắn vỏn vẹn chưa tới 4.000 chữ của An Băng đã trội vượt so với nhiều tác giả đã tạo được tên tuổi trên văn đàn cùng gửi tác phẩm tham gia hay có tác phẩm được xét giải trong dịp này.
Hay mới đây, cô bé Đặng Hà Linh (12 tuổi), học sinh một trường tại Hà Nội, đã viết trực tiếp bằng tiếng Anh cuốn tiểu thuyết đầu tay “The Strongest Magic of All” (tạm dịch: Lựa chọn giữa hai thế giới). Điều gây bất ngờ là, tác phẩm này đã được một nhà xuất bản tại Canada ấn hành với cả bản sách in và bản điện tử, phát hành toàn cầu. Đây là những tín hiệu vô cùng đáng mừng cho văn học thiếu nhi, đặc biệt là do chính các em thiếu nhi viết về thế giới của chính mình, xung quanh mình..”.
Có thể thấy, những cây bút tài năng mới chớm nở như Cao Khải An, Nguyễn Vũ An Băng hay trước đó là Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An, Nguyễn Bình… đều cho ta thấy những tín hiệu văn chương rất lạc quan và đầy hy vọng. Nhưng hãy cứ để cho các em sống hồn nhiên theo đúng lứa tuổi và lựa chọn con đường của riêng mình. Không quá kỳ vọng cũng là cách để không tạo áp lực cho các em, để các em đến với văn chương, viết và ở lại hay không một cách tự nhiên nhất.