Văn học sinh thái - địa hạt còn để ngỏ

Thứ Năm, 04/08/2022, 16:28

Không phải đợi đến khi rừng khô, suối cạn con người mới quan tâm tới vấn đề môi trường. Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường sinh thái, bảo vệ thiên nhiên đã trở thành vấn đề cấp thiết của toàn nhân loại. Cùng với tác phẩm văn chương sinh thái, các nhà văn đã và đang góp phần cảnh báo và thức tỉnh con người, nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp, giàu tính nhân văn. Nhưng để dòng văn học này phát huy được tối đa sứ mệnh thì không đơn giản.

Phóng viên Dương Hà có cuộc đối thoại với tiến sĩ, nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề này:

- Thưa nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang, thiên nhiên và môi trường sinh thái đang bị khai thác, hủy biệt một cách rất đáng sợ. Với quan sát của chị thì người cầm bút hiện nay đã và đang tiếp cận đề tài này ở góc độ như thế nào?

+ Nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang (NPBVH Hoàng Cẩm Giang): Khi xét đến một đề tài có tính nhạy cảm như đề tài môi trường sinh thái thì chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh chung của nền văn học nước nhà. Tôi nhận thấy người cầm bút hiện nay đang nối tiếp truyền thống, mạch chảy phản ánh về đề tài thiên nhiên, chứ không phải đến bây giờ khi có sự báo động về khủng hoảng môi trường toàn cầu thì các cây bút mới quan tâm.

Chúng ta có thể nhắc tới trường hợp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Giỏi, Vũ Hùng, các nhà văn thời kỳ đổi mới nổi bật lên là nhà văn Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban… đều quan tâm tới sự hiện diện của tự nhiên trong đời sống đương đại, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, cách mà con người đã khai thác và phục hồi thiên nhiên từ trong chiến tranh như thế nào.

Gần đây, tôi thấy các tác giả trẻ cũng bắt đầu quan tâm tới vấn đề toàn cầu, khủng hoảng môi sinh và môi trường đô thị, hoặc vấn đề môi trường ở các vùng bản địa miền núi, ví dụ như trong sáng tác của Trần Duy Phiên, A Sáng, Đỗ Bích Thúy, Lê Quang Trạng, Nguyễn Văn Học… Đó là các cây bút nhìn thiên nhiên như một thực thể biến động, nhìn thấy được tương lai cùng thảm họa môi sinh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

nhà phê bình văn học hoàng cẩm giang và phóng viên dương hà (1).jpg -0
Nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang và phóng viên Dương Hà.

- Độc giả gần đây khá quan tâm tới dòng văn học sinh thái, nhưng ít có tác phẩm đề cập. Còn nội dung thì các nhà văn chưa xem thiên nhiên là nhân vật trung tâm, quan trọng. Vậy theo chị thì các tác phẩm này còn thiếu yếu tố gì?

+ Từ điểm nhìn và quan sát của cá nhân tôi đối với một số sáng tác về chủ đề thiên nhiên môi trường ở nước ta hiện nay thì bên cạnh những ưu điểm, đó là người cầm bút còn khá trẻ đã bắt đầu quan ngại, lo lắng, đưa các vấn đề nóng về sinh thái vào tác phẩm như: Nguyễn Ngọc Tư, Thiên Sơn, Duy Phiên, Đặng Bá Tiến… Thì tôi thấy có một vài điểm còn thiếu trong sáng tác của họ.

Thứ nhất là vấn đề sinh thái về bản chất thì không bao giờ được tách khỏi các vấn đề của xã hội và văn hóa. Bởi vì những vấn đề về bất công sinh thái hay hủy hoại về môi sinh thì đều phải gắn với vấn đề con người nhận thức thế nào, con người tương tác với nhau như thế nào trong cách ứng xử với thiên nhiên.

Thứ hai là các tác phẩm văn chương nên quan tâm nhiều hơn cái gọi là đa dạng sinh thái. Nếu như chúng ta chỉ tập trung vào một, hai chủ đề, hay một đến hai loài động vật, một đến hai khu vực sinh thái thì chưa thể nói lên được sự đa dạng sinh thái và công bằng sinh thái giữa tất cả các loài, các chủng loài, giữa các khu vực sinh thái với nhau.

Thứ ba là nhà văn nên bổ sung thêm vấn đề về chiều sâu của sinh thái đô thị. Phần lớn tác phẩm đang quan tâm nhiều tới sinh thái ở vùng bản địa, vùng ngoại thành, hay các vùng nông thôn, trong khi đời sống đô thị hiện nay với mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa như vũ bão thì sự chịu đựng và biến đổi môi trường ở các khu vực này cũng đang rất trầm trọng.

- Vậy theo chị thì đặc trưng nổi bật của các tác phẩm văn học viết về đề tài môi trường là gì? Và nếu có điểm khác biệt với các đề tài khác thì đó là phần nội dung hay về hình thức nghệ thuật thưa chị?

+ Khi nói về đặc trưng của văn học phản ánh về môi trường thì chúng ta đang nói về một lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn rất lớn. Từ định nghĩa mà nhiều nhà xã hội học đều thừa nhận rằng các tác phẩm viết về môi trường đều là tác phẩm viết về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, cách mà mối quan hệ ấy tác động lại tới đời sống, văn hóa, xã hội và những khủng hoảng trong thực tế…

Cái liên quan tới nội dung hay nghệ thuật thì sẽ nằm ở chính điểm nhìn sinh thái khi người viết lựa chọn để hóa thân. Chúng ta đang sống trong thời đại con người là trung tâm. Con người luôn lấy điểm nhìn của mình để nhìn ra thế giới xung quanh. Nếu chúng ta lấy điểm nhìn từ các loài động thực vật, từ thiên nhiên để cất lên tiếng nói mà chưa bao giờ được cất lên, thì khi ấy nhà văn mới tạo ra tác phẩm văn học sinh thái theo đúng nghĩa.

Tại sao chúng ta lại cần các tác phẩm phản ánh về đề tài này? Là bởi chúng mang đến cho con người cụm từ gọi là "mỹ học sinh thái". Sẽ rất khác với các cụm từ là "báo chí về sinh thái" hay những nghiên cứu về sinh thái. Bởi khi chúng ta đọc một tác phẩm văn học người đọc sẽ xúc động trước vấn đề thiên nhiên, môi trường cảnh quan trong tác phẩm khiến chúng ta rung động, vẻ đẹp của ngôn từ cuốn độc giả vào, thì khi đó sẽ góp phần làm thay đổi ý thức, cảm nhận, tình cảm của con người về thế giới tự nhiên.

- Theo quan sát của chị thì còn mảng đề tài sinh thái nào mà người viết còn chưa khai thác?

+ Qua các tác giả trẻ tôi có dịp tiếp xúc và đọc tác phẩm của họ thì thấy rằng họ thường quan tâm tới đạo đức sinh thái. Đó là cách chúng ta ứng xử, cảm giác tội lỗi của con người khi tàn phá sinh vật, để cuối cùng phải nhận về hậu quả kinh khủng. Tôi nghĩ rằng còn thiếu một mảng chưa khai thác được sâu, đó chính là sinh thái đô thị, hệ quả của chủ nghĩa tiêu dùng. Song song với nền kinh thế thị trường, thì đó là cách con người tiêu thụ và khai thác thiên nhiên theo cách tận diệt. Đa phần tác phẩm của chúng ta phản ánh nhiều về thiên nhiên ở các vùng bản địa xa xôi hoặc các vùng nông thôn, còn sinh thái đô thị thì như còn thiếu vắng.

- Vậy theo nhà phê bình Hoàng Cẩm Giang thì các đơn vị liên quan cần có những động thái gì để khuyến khích các nhà văn và người cầm bút đi sâu khai thác mảng đề tài này?

+ Các cơ quan quản lý văn hóa trong khoảng thập niên gần đây đã quan tâm nhiều tới mảng đề tài này. Tôi cho rằng chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa rất quan trọng. Vì nó sẽ khuyến khích mở rộng môi trường viết để người cầm bút có thể tung tẩy trong việc khai thác các vấn đề môi sinh, xã hội, nhận thức và giáo dục.

Khi chúng ta tạo ra những hành lang pháp lý tốt, tạo ra môi trường văn hóa phù hợp để người nghiên cứu quan tâm tới sinh thái thì khi ấy mới có nhiều tác phẩm sinh thái có giá trị ra đời. Ngoài ra tôi cũng cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể mở các trại sáng tác, các hội thảo để giao lưu với các nhà văn, người nghiên cứu về sinh thái môi trường trên thế giới để nhìn nhận vấn đề như một đề tài chung của toàn cầu, của khu vực chứ không phải của riêng một quốc gia nào.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang đe dọa cuộc sống của nhân loại, khủng hoảng môi trường sinh thái cũng ngày càng nghiêm trọng, buộc con người phải suy nghĩ nghiêm túc về sự tồn vong của chính mình. Và văn học không nằm ngoài những trăn trở đó. Con người không thể đợi mẹ thiên nhiên nổi giận rồi mới hành động. Việc chúng ta lắng nghe thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên để ứng xử hài hòa với thiên nhiên sẽ là trách nhiệm và lương tri của từng người, từng lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có văn chương.

PV: Cảm ơn nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang về cuộc trò chuyện.

Dương Hà (thực hiện)
.
.