Văn học cho thiếu nhi năm 2025: Hiệu ứng tích cực từ các cuộc thi
Khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường sách văn học dành cho thiếu nhi đánh dấu nhiều khởi sắc đáng kể với số lượng tác phẩm mới được xuất bản nở rộ. Có thể nói, từ hiệu ứng tích cực của các cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, đã góp phần khiến số lượng người quan tâm, sáng tác cho thiếu nhi cũng tăng lên đáng kể, có được những tín hiệu tích cực...
Ấn tượng “Giải thưởng Văn học Kim Đồng”
Giữa tháng 6 vừa qua, NXB Kim Đồng đã tổ chức lễ tổng kết “Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025” và trao giải “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” lần thứ nhất. Theo thông tin từ ban tổ chức, sau 2 năm kể từ khi phát động, từ hơn 600 tác phẩm đã nhận được từ khắp mọi miền đất nước và cả từ người Việt sống ở hải ngoại, “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” lần thứ nhất đã tìm ra 11 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Hội đồng Chung khảo gồm các nhà văn, nhà thơ uy tín như Trần Đức Tiến, Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Nguyễn Thụy Anh đã có sự đồng thuận cao trong việc lựa chọn các tác phẩm xứng đáng để trao các giải thưởng, bao gồm: Giải Nhất trị giá 100 triệu đồng đã được trao cho truyện dài “Nên làm gì khi trời nổi gió” của tác giả Giai Du; 2 Giải Nhì (mỗi giải trị giá 60 triệu đồng) được trao cho “Chuyện ở làng Mênh Mông” (truyện dài) của tác giả Nguyễn Thị Như Hiền và “Người đàn ông có chiếc xe tải màu hồng” (truyện dài) của tác giả Giáp Thị Thùy Dương; 3 Giải Ba (mỗi giải trị giá 30 triệu đồng) được trao cho “Xa ngoài kia cánh đồng” (truyện dài) của tác giả Cao Nguyệt Nguyên, “Thế giới đảo ngược” (thơ) của tác giả Nguyễn Quỳnh Mai, “Rừng cây tùng” (truyện dài) của tác giả Phạm Thu Hà.
Ngoài ra, còn có 5 Giải Tư thuộc về 5 truyện dài: “Bà phù thủy đi mua ve chai” của tác giả Phát Dương, “Làng ta có một anh hùng” của nhà văn Nguyễn Quang Lập, “Con sư tử trong lâu đài quỷ dữ” của tác giả Quyên Gavoye, “Cuốn cổ thư của một mẫu thần” của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, “Ngày nay có một ông trời” của tác giả Lạc An.
Ông Bùi Tuấn Nghĩa - Giám đốc NXB Kim Đồng chia sẻ: “Để có được điều này, NXB Kim Đồng luôn đồng hành với những nỗ lực sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ, các tác giả thông qua các cuộc vận động sáng tác. Từ đây, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi giá trị đã ra đời, được khẳng định qua thời gian, ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Nhiều tác giả trẻ, tác giả mới được phát hiện qua các cuộc thi, từng bước định hình được tên tuổi trong đời sống văn học. Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025 gắn với “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” lần thứ nhất chính là tiếp nối dòng chảy và sứ mệnh này... Trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của ngành xuất bản và công nghiệp văn hóa, chúng tôi tin rằng đầu tư cho văn học dành cho thanh thiếu nhi chính là đầu tư cho tương lai đất nước”.
Sau khi NXB Kim Đồng công bố thành lập “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” và phát động “Cuộc vận động sáng tác 2023-2025” vào tháng 5/2023, trong 2 năm qua, đơn vị này đã phối hợp với các hội văn học - nghệ thuật các tỉnh tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, giao lưu, đối thoại, tọa đàm... với các tác giả, giữa các tác giả và bạn đọc trên khắp đất nước như Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Buôn Mê Thuột, TP Hồ Chí Minh, An Giang...
Nhờ thế, “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” đã thu hút, truyền cảm hứng sáng tác văn học thiếu nhi đến với nhiều nhóm tác giả: tác giả trẻ nhất sinh năm 2016 (9 tuổi) và tác giả lớn tuổi nhất sinh năm 1932 (93 tuổi).
Trong thời gian diễn ra Cuộc vận động sáng tác 2023-2025, hơn 40 tác phẩm tham dự giải đã được lựa chọn xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc thiếu nhi cả nước như: “Bạn có thích làm mèo?” (Hoài Thư), “Cánh diều hình nốt nhạc” (Niê Thanh Mai), “Hạt bắp vỗ tay” (Nguyễn Thánh Ngã), “Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh” (Lê Đức Dương), “Bầy cừu bay ngang thành phố” (Huỳnh Trọng Khang), “Đừng mở cửa cho người lạ” (Phạm Thị Hường), “Trái tim của đảo” (Hồ Huy Sơn)...
Lan tỏa giá trị của văn học thiếu nhi
Trong 2 năm qua, kể từ khi phát động Cuộc vận động sáng tác 2025-2027 và Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất, nhiều hoạt động giao lưu đọc sách giữa tác giả và độc giả nhằm lan tỏa những tác phẩm văn học thiếu nhi tham dự giải thưởng như: Đọc sách “Tớ tên là Hy Vọng” cùng nhà văn Y Ban; Giao lưu cùng nhà văn Phong Điệp với “Nhẩy lên và hét”; Khám phá kì nghỉ hè lịch sử “Đại náo nhà ông ngoại” với nhà văn Nguyễn Xuân Thủy; Đọc sách “Cậu bé Bi Đất - Bụng tròn chứa đầy niềm tin” với tác giả Bôn Đông Huân; Đọc sách “Nết Na và Cù Nhây” với tác giả Yên Khương và “Cuốn cổ thư của một mẫu thần” với tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy...
Trước “Giải thưởng Văn học Kim Đồng”, Hội Nhà văn Việt Nam phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi kéo dài trong 5 năm (2021-2025). Tổng kết đợt 1 (giai đoạn 2021-2023), từ 246 tác phẩm tham dự (trong đó ở thể loại thơ có 102 tác phẩm, ở thể loại văn xuôi có 144 tác phẩm), đã có 16 tác phẩm (bao gồm cả dạng bản thảo và sách đã xuất bản theo thời hạn quy định của ban tổ chức) đã được trao giải.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn đã luôn có giải thưởng dành cho hạng mục dành cho văn học thiếu nhi để tôn vinh tác phẩm và người sáng tác mảng văn học dành cho thiếu nhi. Năm 2024, Giải thưởng Văn học Thiếu nhi được trao cho tác phẩm “Chiếc xe buýt bay” của hai tác giả Võ Thị Mai Chi và Huỳnh Bá Long.

Cũng là một giải thưởng nghệ thuật hướng đến “cho thiếu nhi, vì thiếu nhi”, Giải thưởng Dế Mèn cũng góp phần quan trọng vào việc tạo ra một không khí sáng tác văn học sôi động dành cho thiếu nhi. Đến nay, giải thưởng đã bước qua mùa giải thứ 6 và đã có sự định hình khá vững chắc, có sự lan tỏa và dấu ấn rõ nét trong lòng công chúng.
Mùa giải thứ 6-2025 đã xem xét, thẩm định 97 tác phẩm thiếu nhi tiêu biểu được sáng tác, hoàn thiện trong khoảng thời gian năm 2024-2025. Nhìn vào các tác phẩm được trao giải và tặng thưởng của Giải thưởng Dế Mèn năm nay, có thể thấy rõ rằng, văn học vẫn là lĩnh vực chiếm ưu thế đặc biệt trong các loại hình sáng tác nghệ thuật dành cho thiếu nhi (chiếm 8/10 hạng mục).
Năm nay, chủ nhân của giải Hiệp sĩ Dế Mèn là nhạc sĩ Phạm Tuyên vì đã cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho thiếu nhi với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian, trong đó có cuốn “Về quê - Khúc đồng dao của bé” (đồng tác giả Phạm Hồng Tuyến) lọt vào chung khảo. Như vậy, trải qua 6 mùa giải, lần đầu tiên giải Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho một nhạc sĩ. Trước đó, đã có 3 giải Hiệp sĩ Dế Mèn lần lượt được trao cho các nhà văn: Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023), Lý Lan (2024) vì những cống hiến to lớn của họ cho văn học thiếu nhi.
Nhà văn Trần Đức Tiến - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” lần thứ nhất:
“Khép lại cuộc vận động sáng tác cho “Giải thưởng Văn học Kim Đồng” lần thứ nhất, điều đầu tiên chúng tôi ghi nhận là sự nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo người viết cho thiếu nhi. Nhìn vào đội ngũ tác giả và số lượng hơn 600 tác phẩm tham dự giải, khó có thể nhận định một cách chủ quan, hời hợt theo thói quen của một số người bị hạn chế khả năng cập nhật tình hình sáng tác: văn học thiếu nhi của chúng ta “ngủ quên”, tác phẩm viết cho các em còn thưa vắng và non yếu...
Đánh giá sự phát triển của một nền văn học thiếu nhi, trước hết, không thể bỏ qua đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm. Người viết nhiều, tác phẩm nhiều chính là cái “nền” đủ rộng, đủ vững cho những sáng tác chất lượng cao có cơ hội xuất hiện. Thiếu cái “nền” đó, văn học thiếu nhi dễ rơi vào tình trạng nghèo nàn, mờ nhạt, dựa dẫm vào sự “ăn may”...
Mục tiêu chính của bất kì cuộc thi hay vận động sáng tác nào cũng là có được những tác phẩm xuất sắc, phát hiện những tác giả tài năng. Viết hay, người tài mà trẻ thì càng đáng mừng. Họ là tương lai của nền văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng...”.