Văn học chiến tranh cách mạng: Thiếu vắng những cây bút trẻ
Cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ (do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức) được phát động trong một thời gian khá dài nhưng số tác phẩm thu về rất khiêm tốn. Trong đó, tác phẩm của những cây bút trẻ trở thành của hiếm. Đây là thực trạng chung của văn học chiến tranh cách mạng.
Cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ diễn ra từ tháng 12/2021 và kéo dài đến tháng 12/2024. Cuộc vận động gồm nhiều thể loại như ký văn học, truyện ngắn, thơ, truyện dài, tiểu thuyết… Các tác phẩm có nội dung phản ánh sự mất mát, hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ; tôn vinh những tấm gương tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc cho công tác "Đền ơn đáp nghĩa", qua đó kêu gọi toàn xã hội cùng chung sức hỗ trợ, chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công…
Dù độ mở của đề tài khá rộng, thể loại cũng khá tự do nhưng số lượng tác phẩm dự thi rất khiêm tốn. Sau ba tháng phát động, số tác phẩm dự thi chỉ mới hơn 30 tác phẩm. Trong số đó, các cây bút trẻ tham dự rất ít nên ngay sau đó, Ban tổ chức phải chuyển hướng đặt hàng thêm ở các nhà văn, nhà báo tài năng; đồng thời tổ chức buổi tọa đàm "Viết về đề tài đền ơn đáp nghĩa" để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tìm hướng thu hút nhà văn trẻ.
Ngay cả cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 7 vừa mới khép lại mới đây, 12 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đều không hề có bóng dáng của đề tài chiến tranh cách mạng. Các tác phẩm tập trung vào hiện thực hôm nay với những góc nhìn trực diện và đầy chất suy tưởng của người viết trẻ. Họ viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người, của xã hội và của thời cuộc. Đề tài chiến tranh cách mạng chỉ xuất hiện vài lần ở các mùa giải trước với hai cuốn sách nổi bật là "Cửa sổ phía đông" của Nguyễn Kim Hòa và "Hạt hòa bình" của Minh Moon. Nếu "Cửa sổ phía đông" khai thác đề tài hậu chiến thì "Hạt hòa bình" là cuộc xuyên không về chiến tranh biên giới Tây Nam của một chàng trai trẻ hiện đại.
Trong các cuộc ra mắt sách rầm rộ của nhà văn trẻ, rất hiếm khi xuất hiện đề tài này. Nếu có, nó chỉ như chấm phá lẻ loi giữa vườn văn muôn hồng ngàn tía. Phải thừa nhận rằng những cây bút trẻ tài năng, xông xáo thử nghiệm mọi dạng đề tài. Họ viết về tình yêu, về đời sống của người trẻ hôm nay trên những nẻo đường khám phá, trên hành trình hoàn thiện chính mình. Ngòi bút của họ chạm đến những miền đất xa lạ khắp thế giới với dòng tư tưởng tiệm cận đến những điều tiến bộ, văn minh trong thế giới phẳng.
Với tư tưởng mở, họ không ngại ngần khai thác đủ mặt sáng tối của xã hội, của bản thể con người. Vài năm trở lại đây, văn trẻ đã và đang góp phần vực dậy nền văn hóa đọc một cách mạnh mẽ. Thời đại công nghiệp 4.0, thời đại của mạng xã hội với sự kết nối không giới hạn lên ngôi đã giúp họ có nhiều điều kiện thuận lợi để sáng tác và công bố tác phẩm đến đông đảo công chúng. Nhưng dường như người trẻ ngày nay có quá nhiều điều để họ quan tâm, khám phá.
Nếu ngược về quá khứ, điều họ chọn dấn thân lại là ẩn số lịch sử và thân phận con người dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Cổ thành rêu phong có vẻ hấp dẫn, lôi cuốn hơn "bom mìn, xe tăng" và thân phận người lính vốn lắm xù xì, khốc liệt? Có người cho rằng, lịch sử phong kiến ít nhiều khiến họ dễ bề tung tẩy sáng tạo hơn nếu chọn viết theo lối dã sử, xuyên không. Còn chọn đề tài chiến tranh cách mạng thì ngòi bút vẫn ít nhiều bị gò bó, nhất là viết người thật việc thật, bởi hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc vẫn chưa trôi quá xa thời đại ta sống.
Cây bút trẻ Phạm Bá Diệp thừa nhận, đề tài chiến tranh cách mạng là một thử thách lớn khiến người viết trẻ không mặn mà. Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng khá e dè khi đọc tác phẩm có bối cảnh chiến tranh do chính người trẻ viết. Họ cho rằng việc thiếu vốn sống, thiếu trải nghiệm khiến trang văn thiếu thuyết phục. Đó là điều mà cây bút 9X Huỳnh Trọng Khang gặp phải khi viết "Mộ phần tuổi trẻ" - cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Sài Gòn trước 1975.
Đến nay, đa phần tác phẩm viết về chiến tranh toàn thuộc bậc cha chú - những người đã từng là lính hoặc sống trong giai đoạn đất nước còn lửa đạn. Riêng những nhà thơ, nhà văn từng một thời trai trẻ xông pha trên chiến trường, họ mang nặng một khối nợ day dứt. Và họ viết như để trả nợ cho thanh xuân chính mình, cho thanh xuân của đồng đội. Bộ sách mới nhất viết về chiến tranh biên giới Tây Nam toàn quy tụ những bậc cha chú như bút ký "Mùa linh cảm", hồi ký "Mùa chinh chiến ấy" của nhà văn - nhà biên kịch Đoàn Tuấn, hồi ký "Rừng khộp mùa thay lá" của tác giả Nguyễn Vũ Điền và tiểu thuyết "Mùa xa nhà" của nhà văn Nguyễn Thành Nhân.
Mới đây, nhà văn - nhà biên kịch Đoàn Tuấn tiếp tục ra mắt tác phẩm "Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt" viết về những năm tháng chinh chiến giúp bạn Campuchia. Đây có thể coi là nén hương tri ân của những người bạn văn - cựu chiến binh chiến trường K dành tặng đồng đội. Nhà thơ cựu binh Lê Minh Quốc cho biết, đến nay, chiến tranh biên giới Tây Nam đã hơn 40 năm nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm tái hiện lại hình ảnh, tinh thần, tâm tư của người lính trong giai đoạn ấy.
Nỗi lo thiếu vắng thế hệ kế thừa là thực trạng của văn học chiến tranh cách mạng khi thế hệ tiền bối dần khuất núi. Là một người gắn bó với những câu chuyện về chiến tranh, về thân phận phụ nữ chìm nổi dưới lớp sóng thời cuộc, nhà văn Trầm Hương rất buồn khi nhận thấy thế hệ trẻ dần thờ ơ với đề tài này. Chị tâm niệm: "Là người cầm bút lớn lên sau chiến tranh, tôi cảm nhận sâu sắc sự giàu có từ tầng tầng lớp lớp trầm tích của lịch sử dân tộc. Máu và nước mắt của cha ông trong dựng và giữ nước để lại di sản lịch sử khổng lồ cho con cháu. Ẩn số những giọt nước mắt, những phận đời bé nhỏ đằng sau những cột mốc lịch sử là nguồn cảm hứng mạnh mẽ thôi thúc nhà văn cầm bút".
Chị tự hỏi phải chăng lớp người viết trẻ đang sống thờ ơ trên đống vàng của lịch sử dân tộc: "Không ít người viết trẻ lao vào chuyện ngôn tình, những câu chuyện giật gân của giới showbiz, những chán chường, vỡ mộng, những phá phách, lật đổ thần tượng, sám hối, những vọng tưởng, thiên di... và không ít tác giả trẻ thành công, có số ấn bản đáng mơ ước. Nhưng nếu văn học chỉ có thế thì người cầm bút thế hệ hôm nay còn mắc món nợ lớn với đồng bào. Hơn lúc nào hết, văn chương cần đồng hành với nhân dân, chạm đến trái tim con người từ những vấn đề cốt lõi của đời sống. Lịch sử bi tráng, đau thương với những số phận con người hy sinh, oan khuất, lặng lẽ đang chờ những ngòi bút dựng nên một tượng đài bằng chất liệu văn học".
Nhà văn, Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức Cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ cho rằng đề tài về chiến tranh, về người lính tưởng như cũ kỹ nhưng thực chất nó vẫn hiện diện và tiếp diễn trong từng thân phận hôm nay. Nhà văn phải dùng những mũi khoan bén bằng kim cương để khai thác tầng quặng lịch sử quý báu này của cha ông.
Muốn làm được điều đó, theo nhà văn Trầm Hương, những người cầm bút phải tự học hỏi, nâng mình lên bằng cách đọc, bằng những chuyến đi thực tế tìm chất liệu. Có khi phải dấn thân tìm hiểu hàng năm trời mới viết được một tác phẩm.
Còn với lo ngại về trang văn non nớt, nông nổi của người trẻ, nhà văn Nhật Phi nêu quan điểm: "Có người bảo: các bạn trẻ sống đi rồi hẵng viết, trải nghiệm đi rồi hẵng viết. Nghe vậy, tôi chỉ khẽ nhún vai. Những điều người ta nói không phải không có lý. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta cảm thấy cần viết thì hãy cầm bút lên và viết, thứ mà chúng ta cần có được là cảm hứng". Bên cạnh đó, điều nhà văn trẻ cần là sự bao dung của độc giả, sự dìu dắt của cây bút đàn anh để họ mạnh dạn viết và hoàn thiện ngòi bút.