Văn hóa dân gian được hồi sinh
Văn hóa dân gian, văn hóa bản địa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia. Ở Việt Nam, cũng đang có một thế hệ những nghệ sĩ, người thực hành quan tâm và phát triển văn hóa dân gian, để văn hóa dân gian được tái sinh trong một diện mạo mới.
Bài học từ Hàn Quốc
Tại hội thảo “Đối thoại với văn hóa dân gian” diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế thời trang tại Hà Nội, ông Song Honggyu (Ban Văn hóa- Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) đã chia sẻ nhiều câu chuyện thành công của Hàn Quốc trong việc phát triển văn hóa dân gian. Những người trẻ ở Hàn Quốc phát hiện ra văn hóa truyền thống trở thành một nguồn dữ liệu quan trọng trong sự phát triển.
“Quá trình công nghiệp hóa và sử dụng văn hóa dân gian Hàn Quốc đã tạo nên một chuỗi giá trị, trong đó văn hóa dân gian được tưởng thưởng trong ngành công nghiệp văn hóa”. Ông Song Honggyu khẳng định. Trong các video mà ông trình chiếu, có những sân khấu lộng lẫy tái hiện những huyền tích của dân gian, những người trẻ mặc hanbook chụp ảnh cạnh các di tích. Trong các bảo tàng, có những ngọn tháp cao, nhưng nó không chỉ đứng đó mà vào các ngày thứ 4, thứ 7, có nhiều trải nghiệm đặc biệt. Đó là vào buổi tối, ánh sáng được thắp lên và trình chiếu những hình ảnh sinh động về chuyện xưa. Với hình ảnh trên màn hình, người xem có thể tương tác bằng cách vuốt tay như một màn hình di động lớn.
Ông Song cũng nói về thành công của ban nhạc Kpop hàng đầu, BTS, về những trang phục truyền thống mà họ mặc trong các show diễn lớn trên toàn thế giới, về cách BTS mang văn hóa Hàn Quốc đi khắp năm châu bốn biển. Và hanbook, tự hào thay đã được đưa vào từ điển Oxford.
Hàn Quốc là một ví dụ điển hình cho sự thành công trên con đường khai thác văn hóa dân gian để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Và ngược lại, công nghiệp văn hóa cũng góp phần quảng bá văn hóa dân gian của đất nước đó ra thế giới. “Chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách kết hợp quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng về trang phục, ẩm thực Hàn Quốc, hỗ trợ tích cực cho các ban nhạc, tạo điều kiện để các ban nhạc có thể tham gia các sự kiện lớn. Họ cũng kết hợp sử dụng kỹ thuật tiên tiến với chất liệu để tạo ra sản phẩm văn hóa hấp dẫn với thị trường trong và ngoài nước”. Ông Song chia sẻ.
Soi chiếu về Việt Nam
Ở Việt Nam, nhiều năm qua, văn hóa dân gian cũng được tái sinh trong một diện mạo mới, tuy chưa quy mô, bài bản và có sức lan tỏa như Hàn Quốc. Điều đáng mừng là trong khảo sát gần đây của Đại học Việt Nhật, độ tuổi quan tâm đến văn hóa dân gian đang được trẻ hóa, 20-30 tuổi. Theo tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê (Đại học Việt Nhật), những sáng tạo trên nền văn hóa dân gian đang hiện hữu trong đời sống, trong đủ các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, thiết kế, đồ thủ công mỹ nghệ. Những năm gần đây, điện ảnh khai thác truyền thuyết, sử thi như “Tấm Cám - chuyện chưa kể”, “Trạng Quỳnh”... đạt doanh thu cao, được đông đảo khán giả ủng hộ.
“Song Lang”, “Đoạn trường vinh hoa”, nghi lễ hầu đồng Tứ phủ được phát triển từ văn hóa dân gian thu hút người xem. Chất liệu văn hóa dân gian cũng được sáng tạo đưa vào các xuất bản phẩm như “Lĩnh Nam chích quái” với minh họa của Tạ Huy Long, cuốn “Phê như con tê tê” của tác giả Thành Phong, đó là những thành công của văn hóa dân gian đương đại Việt Nam, thể hiện sự tái sinh truyền thống rất đa dạng.
“Ngoài ra, trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ là sự bung nở tái sinh truyền thống. Các hoạt động đồ thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, có sự tham gia của nghệ nhân, nhà thiết kế, kinh doanh và giới nghiên cứu. Du lịch văn hóa cộng đồng cũng nở rộ. Thời trang với những xu hướng chính trong khai thác văn hóa dân gian là sự bùng nổ của tái sinh truyền thống, được trân trọng, nâng niu, khai thác, họ cảm thấy đang sở hữu gia tài trước đây chưa thấy nó quan trọng, có nhiều hoạt động mới mẻ thể nghiệm, học hỏi kinh nghiệm quốc tế”. Tiến sĩ Lê khẳng định.
Đáng mừng là việc thực hành sáng tạo văn hóa dân gian chủ yếu là những người trẻ. Họ có ý thức trong việc lan tỏa văn hóa dân gian đương đại cho những người trẻ khác bằng công nghệ. Đinh Việt Phương dùng công nghệ 3D để quét, tạo trang web tương tác, in ra các bảo vật quốc gia. Nguyễn Quốc Hoàng Anh thực hiện dự án bảo tồn nghệ thuật dân tộc “Lên ngàn”. Đặng Văn Hậu phục hồi con giống bột truyền thống và đưa ra các cuộc trình diễn, hội chợ để tiếp cận giới trẻ. Anh đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm, nhận đưa khách du lịch trong và ngoài nước về làng tham quan cùng trải nghiệm nặn con giống... Nhóm SRiver của Trịnh Thu Trang lấy họa tiết của tranh dân gian đưa vào các bao bì, nhãn mác... để truyền thống vẫn được hiện hữu trong dòng chảy đương đại theo một cách khác.
Tuy nhiên, con đường tái sinh văn hóa dân gian đang đứng trước nhiều thách thức. Dù hoạt động thương mại của các sản phẩm văn hóa dân gian khá đa dạng nhưng thu nhập chưa cao, nguy cơ mai một nghề thủ công là có thật.
“Năng lực thiết kế chưa cao, các nghệ nhân cần đổi mới mẫu mã phù hợp với thời đại mới, tăng cường chuyển đổi số, marketing... nhiều sản phẩm có nhu cầu xã hội cao nhưng không sản xuất được hàng loạt. Thách thức kế tục truyền thống, chuyển từ văn hóa truyền thống sang sản xuất hàng loạt cần cơ sở hạ tầng, môi trường... sự cân bằng giữa các giá trị kinh tế và văn hóa cũng là vấn đề”. Tiến sĩ Thanh Lê khẳng định.
Ngoài ra, sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề. Những tranh cãi về tính chân thực, bản gốc và sở hữu trí tuệ tri thức dân gian của cá nhân hay cộng đồng đang chưa rạch ròi, dễ gây ra những tranh chấp.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) cho rằng: “Văn hóa dân gian, văn hóa bản địa là tài sản quý giá của từng quốc gia. Chúng ta mới chỉ le lói làm những việc mà thế giới đang làm.
Những gì trường tồn đều đi từ nền tảng văn hóa dân gian, trong âm nhạc, những sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên, Phó Đức Phương khai thác văn hóa dân gian đưa nó vào dòng chảy đương đại và họ đã thành công. Tuy nhiên, có một thách thức không nhỏ, đó là vấn đề chính sách. Chính sách nghệ nhân dân gian chẳng hạn, hiện nay chúng ta có hàng trăm nghệ nhân, hầu hết họ được Hội Văn hóa dân gian công nhận và được Hội đồng nhà nước đồng ý, nhưng chế độ với các nghệ nhân vẫn là vấn đề. Ngoài tỉnh Bắc Ninh có chế độ cho nghệ nhân thì các địa phương khác chưa hề có”.
Từ góc nhìn của một nhà kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tú (Đại học Việt Nhật) cho rằng chúng ta cần sự hỗ trợ của chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp trên con đường phát triển văn hóa dân gian. Hàn Quốc nếu không có những nhà quản lý, công nghiệp văn hóa thì không có một BTS ảnh hưởng thế giới.
Để bảo tồn văn hóa dân gian nói riêng và một nền công nghiệp văn hóa nói chung, phải tạo ra một chuỗi giá trị chứ không chỉ xuất phát từ nghệ nhân. Xuất phát đầu tiên là nghệ nhân/ nghệ sĩ/ người dân đến một doanh nghiệp, một nhóm khởi nghiệp đóng gói sản phẩm mang ra bán trên thị trường và tiến xa hơn là bán ra thế giới. “Với cách tiếp cận theo chuỗi giá trị thì việc bảo tồn văn hóa dân gian được nâng tầm thành ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo để các sản phẩm của chúng ta được đi ra thế giới, tôi tin một tương lai không xa, áo dài sẽ được đưa vào từ điển Oxford”.
Tiến sĩ Thanh Tú lạc quan. Bà đề xuất, để phát triển công nghiệp văn hóa phải từ nghệ nhân, nghệ sĩ và các nhà kinh tế để tạo ra các giá trị gia tăng chứ không chỉ bảo tồn, tận dụng tối đa thế mạnh của công nghệ. Và điều quan trọng nữa là từ giáo dục, phải có một chương trình giáo dục để ngay từ nhỏ các con được tiếp cận tò he, múa rối nước.... được sống với các giá trị văn hóa dân gian. Với những cách tiếp cận như thế, văn hóa dân gian sẽ phát triển bền vững hơn.