Ức chế vì nhạc chế
Mạng xã hội phát triển khiến số lượng bài hát chế nở rộ như nấm sau mưa. Gần như bài hát quen thuộc nào cũng bị chế lời mới. Bên cạnh những bài nhạc chế dí dỏm, hài hước sâu cay, không ít ca khúc cải biên có lời lẽ dung tục, phản cảm, xuyên tạc tác phẩm gốc.
Mới đây, hoa hậu Phương Lê khiến dư luận dậy sóng vì ngang nhiên chế câu đầu tiên của “Quốc ca” thành câu hát có nội dung bỡn cợt. Đáng nói, cô “vô tư” chế lời cợt nhả ngay trong buổi live-stream qua mạng xã hội với đông đảo khán giả. Bị chỉ trích, Phương Lê vội vàng lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân và nhất mực khẳng định mình không chế lời hay xúc phạm “Quốc ca”. Lời xin lỗi khiến công chúng càng phẫn nộ.
Tại buổi họp báo chiều ngày 22/8, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để mời bà Lê Thị Hậu Phương (tức hoa hậu Phương Lê) lên làm việc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, Điều 351 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định "Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca": Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Riêng trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính thì hiện nay chưa có quy định cụ thể để xử phạt các hành vi vi phạm có tính chất xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Đây là bài học đắt giá cho những người thích chế lời mà không biết đâu là lằn ranh đỏ. Bởi không phải ca khúc nào cũng có thể tùy tiện mang ra sửa lời, nhất là Quốc ca - biểu tượng thiêng liêng của đất nước. Trước hoa hậu Phương Lê, năm 2015, một công ty bất động sản cũng bị phạt rất nặng vì dám cải biên Quốc ca. Hàng trăm cán bộ, nhân viên công ty này vô tư hát vang bài nhạc chế ở khu du lịch đông người khiến người dân vô cùng bức xúc.
Nhạc chế là ca khúc mượn phần giai điệu của nhạc phẩm có sẵn, nhất là những bài quen thuộc để viết lời mới. Chủ nhân của nhạc chế đa phần là giới trẻ hay các danh hài. Nếu giới trẻ ưa gì đó mới mẻ, ngộ nghĩnh, hát cho vui mỗi khi tụ họp bạn bè thì các danh hài hay dùng nhạc chế trong tiểu phẩm để mang lại tiếng cười dí dỏm hoặc châm biếm sâu cay một vấn đề nào đó. Dễ nhận thấy loạt chương trình như “Táo quân - Gặp nhau cuối năm”, “Ơn giời cậu đây rồi”… thường xuyên dùng nhạc chế. Nổi bật nhất là bản chế “Đi học” phản ánh nạn bạo lực học đường và bệnh thành tích trong giáo dục: “Hôm qua em đến trường/ Bạn đánh em gần chết ơ.../ Bao nhiêu bạn quay phim/ Cả trường em biết hết/ Nhưng mà tôi nào biết/ Chúng đánh nhau ngoài đường/ Trường của tôi tiên tiến/ Ai cũng được giấy khen…”.
Sự phát triển của mạng xã hội như TikTok, YouTube khiến nhạc chế càng có đất tung hoành. Người thì để giải trí, chọc cười bạn bè, kẻ muốn khoe tài hay câu view… Sự buông lỏng kiểm duyệt của mạng xã hội khiến số ca khúc chế nhảm nhí, rác rưởi, thậm chí là độc hại, tục tĩu tràn lan, lấn át những bản nhạc chế mang tính chất tích cực. Những kênh như Vành Leg, Di Di, Hậu Hoàng… nổi lên nhờ chế lời ca khúc nổi tiếng. Song hầu hết nhạc phẩm đều thô thiển, đầy rẫy chuyện giường chiếu, chửi thề, tiếng lóng chợ búa…
Trong đó, đáng ngại nhất là ca khúc thiếu nhi bị “xào nấu”. Nếu trước đây bản chế “Kìa con bướm vàng” và “Chị ong nâu và em bé” khiến người nghe đỏ mặt tía tai vì từ ngữ thô tục thì nay, số bài nhạc chế thiếu nhi theo hướng độc hại được dịp tung hoành. Hè vừa qua, ca khúc “Em là mầm non của Đảng” rầm rộ trên TikTok dưới lời mới: “Em là búp măng non, em lớn lên trong bụi măng già/ Nghỉ hè em về quê chơi/ Măng già rất quý em, sống yên vui trong tình yêu thương/ Mỗi ngày măng non đều báo/ Em buồn em đốt đống rơm, cháy lan sang nhà cạnh bên…”.
Chị Kiều Như, ngụ ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho hay mới đầu nghe con gái hát “Đi học” chế lối Táo quân, chị cười rũ rượi và thấy kiểu chế này châm biếm khá thú vị. Nhưng về sau, nghe con hát: “Hôm qua em đốt nhà/ Mẹ đánh em gần chết/ Hôm nay mẹ lên nương/ Ở nhà em đốt tiếp/ Hương rừng thơm mùi khói/ Nước suối đen sì sì/Cả nhà em chết hết/ Em án tù chung thân/ Tù của em bé bé/ Nằm ở giữa rừng xanh/ Chú Công an tre trẻ/ Đập em rất dã man /Hương rừng tanh mùi máu/ Nước suối pha màu hồng/ Tù của em trên gác/ Xác em ở Tây Nguyên” thì chị giật mình khiếp đảm. Chẳng ngờ bài hát đầy chất thơ lại biến thành phiên bản đẫm máu như thế. Trẻ con hay tò mò, thích thú khi những ca khúc quen thuộc với mình bị chế lại lời. Những bài hát mang tính giáo dục cao bỗng trở lại trong phiên bản xàm xí, mang đến nhiều hệ lụy khôn lường. Nó ảnh hưởng đến tư duy, tâm hồn các em.
Ngoài những người vô danh muốn chế lời gây sốc để câu view thì không ít người nổi tiếng vẫn muốn đu theo xu hướng này. Điển hình như Lê Dương Bảo Lâm. Ồn ào nhất là vụ chế lời bài hát “Hãy sống cho tuổi trẻ” (nhạc ngoại, lời Việt: Cao Tùng Anh) khi anh tham gia chương trình “Sàn đấu ca từ”. Bài hát có đoạn: “Má Xeko thì nghèo. Má Chaien thì giàu, còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”. Nội dung bản nhạc không chỉ vô nghĩa, lố lăng mà còn phá nát nguyên tác bộ truyện tranh “Doraemon” nổi tiếng. Đáng nói, nếu anh chàng này chỉ chế rồi hát cho vui với bạn bè thì có lẽ mức độ của nó sẽ không đến nỗi tai hại. Đằng này anh ta phổ biến nhạc phẩm chế ở nhiều chương trình truyền hình khiến nó nhanh chóng nổi tiếng và được các bạn trẻ hưởng ứng rầm rộ.
Trước vấn nạn này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc: “Ngày xưa, những bài nhạc chế nội dung nhảm nhí chỉ xuất hiện trên miệng mấy em học sinh hoặc được diễn ở hội chợ. Nhưng bây giờ nó lên các gameshow truyền hình, thậm chí chương trình về âm nhạc, các sân khấu biểu diễn. Đối với tôi, đó là sự phỉ báng âm nhạc”. Anh khẳng định thời nào cũng có nhạc chế nhưng nó chỉ là thứ mua vui nhất thời, rồi sẽ bị lãng quên theo thời gian. Nhưng với những bản nhạc chế có lời lẽ phản cảm, độc hại được người nổi tiếng chế ra và xuất hiện công khai trên sóng truyền hình thì chắc chắn chúng có ảnh hưởng xấu đến tư duy, thẩm mỹ của khán giả.
Thuở sinh thời, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển khá dễ tính khi mọi người chế lời ca khúc của ông. Ông bảo nghe những bản nhạc chế của “Điệu buồn phương Nam”, “Thu, hát cho người”…, ông thấy rất thú vị, không ngờ đầu óc dân xứ mình tếu táo, sáng tạo đến thế. Tuy vậy ông cũng nhắn nhủ rằng “nhạc sĩ chế” nên quan tâm chọn cách chế cho thích hợp, chủ yếu để làm vui cho đời mà không tổn thương chính tác giả bản gốc và gây khó chịu cho người nghe.
Nhưng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì lại rất khó chịu khi nhìn đứa con tinh thần của mình dưới một lớp áo khác. Hồi nghe mấy đứa nhóc hát: “Thằng bé bán kem xách thùng ra đi/ Từ sáng đến trưa chưa được đồng nào/ Kem đây kem đây năm ngàn một cây/ Kem đây kem đây thà bán không cho…”, dù thấy hài hước nhưng ông không mấy hài lòng. Bởi bài hát “Đoàn giải phóng quân” mà ông gửi gắm bao tâm huyết, ngợi ca tinh thần hào hùng, hy sinh quên mình của quân giải phóng không thể bị bóp méo thành một bài hát bỡn cợt tầm thường như thế.
Về khía cạnh pháp lý, bất cứ ai muốn “xào nấu” lời mới cho bài hát có sẵn đều phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền thù lao, nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát đó. Thế nhưng theo thống kê của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hầu hết các bản nhạc chế đang tồn tại đều không xin phép tác giả và trốn tránh tiền tác quyền. Dù “cha đẻ” tác phẩm gốc nhiều lần lên tiếng nhưng việc xử lý số nhạc chế vi phạm bản quyền là điều không hề dễ dàng. Gỡ bản này thì bản khác lại xuất hiện.
Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chỉ còn cách tuyên truyền, kêu gọi công chúng ý thức bảo vệ tác phẩm gốc. Sự chung tay của công chúng là tia hy vọng khiến những bản nhạc chế dung tục, độc hại, vi phạm bản quyền không còn đất sống, tạo ra một thị trường âm nhạc văn minh, lành mạnh.