Truyện tranh "made in Việt Nam": Thị trường tiềm năng chưa được khơi mở?

Thứ Năm, 09/12/2021, 10:09

Cuối tháng 11 vừa qua, hội thảo chuyên đề "Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh (AGVC) tại Việt Nam - Sự kết hợp quan điểm giữa Pháp và Đức" đã được Viện Pháp tại Hà Nội (L'Espace) và Viện Goeth tại Hà Nội phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều tác giả, diễn giả uy tín trong và ngoài nước. Hội thảo được kỳ vọng sẽ đem đến một động lực mới cho các tác giả đang theo đuổi dòng truyện tranh tại Việt Nam và có "tính chất khơi mở" cho một thị trường trong nước đầy tiềm năng.

Thiết lập "Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh"

Ở Việt Nam, "Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh" là một khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều người. Có thể thấy, ngày nay truyện tranh là một hình thức biểu đạt nghệ thuật quan trọng ở châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thị trường xuất bản truyện tranh trên thế giới đã và đang phát triển không ngừng trong gần 100 năm qua và độc giả có thể tìm cho mình một tác giả, một bộ sách đáp ứng thị hiếu riêng.

Đây cũng là một yếu tố quan trọng mang đến cho các nhà sản xuất - sáng tạo nguồn cảm hứng, sự tương tác hai chiều với các phương tiện truyền thông khác: nhiều bộ phim điện ảnh, phim truyền hình, video games, tiểu thuyết chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các nhân vật, các câu chuyện trong truyện tranh. Người ta gọi đó "Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh".

1.jpg -0
Các sản phẩm ốp lưng điện thoại in hình nhân vật trong truyện tranh "Long thần tướng".

Tham gia hội thảo chuyên đề "Hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh (AGVC) tại Việt Nam - Sự kết hợp quan điểm giữa Pháp và Đức", các diễn giả Việt Nam tham gia có họa sỹ Nguyễn Thành Phong và nhà nghiên cứu Nguyễn Khánh Dương là hai tác giả truyện tranh thuộc nhóm Phong Dương Comics; Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS); Thạc sĩ Đặng Cao Cường - Trưởng Ban biên tập sách Comic của NXB Kim Đồng - người phụ trách nhiều dự án Manga Comic đình đám, với kinh nghiệm dày dặn trong xuất bản, phát hành và tổ chức các sự kiện về truyện tranh cho độc giả tại Việt Nam...

Các diễn giả nước ngoài gồm có: ông Dennis Schoubye - Giám đốc Gamecity Hamburg - đơn vị hỗ trợ, kết nối và làm cho hệ sinh thái trò chơi đa dạng ở Hamburg có thể được phổ biến; Giáo sư ngành Hoạt hình thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore - ông Hannes Rall - người đạo diễn thành công của các phim ngắn hoạt hình được sản xuất độc lập; ông Jakub Dvorsky - người sáng lập, nhà thiết kế trò chơi và giám đốc sáng tạo tại Amanita Design - studio phát triển trò chơi độc lập có trụ sở tại Cộng hoà Séc được thành lập vào năm 2003...

Theo chia sẻ của Nguyễn Khánh Dương - đồng tác giả, nhà sản xuất bộ truyện tranh đang được dư luận đánh giá cao trong thời gian gần đây là "Long thần tướng" cho biết: "Bên cạnh xuất bản sách, nhóm còn làm poster, tượng nhân vật trong truyện, quà tặng, mỗi tập truyện có một món quà riêng, hình ảnh của truyện đi vào một số sản phẩm như sổ, quần áo, ốp điện thoại... Năm 2020, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã mua bản quyền chuyển thể tác phẩm. Khi bán bản quyền chuyển thể điện ảnh, Phong Dương Comics giữ lại bản quyền truyền hình. Hiện nhóm đang thử nghiệm tự làm hoạt hình cho tác phẩm...".

Ông Đặng Cao Cường - Trưởng ban biên tập Comic NXB Kim Đồng chia sẻ: "Phát triển hệ sinh thái cho công nghiệp hình ảnh tại Việt Nam là xu hướng tất yếu. Sự phát triển của các nền tảng thông tin giúp độc giả tiếp cận được nhiều sản phẩm và hình thức phái sinh từ truyện tranh như ngoại truyện, phim hoạt hình, trò chơi… Nhiều tác phẩm gốc có thành tích cao nhờ phát triển hệ sinh thái, trong đó có một số thương hiệu truyện tranh đã thành công mà NXB Kim Đồng giữ bản quyền phát hành truyện tiếng Việt và hợp tác khai thác sản phẩm trong hệ sinh thái như: "7 viên ngọc rồng", "Thám tử lừng danh Conan", "Doraemon", "Thanh gươm diệt quỷ"… Trong số thương hiệu truyện tranh thành công của Nhà xuất bản Kim Đồng có một tác phẩm thuần Việt là "Dế mèn phiêu lưu ký". Từ tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài, họa sĩ Tạ Huy Long chuyển thể thành truyện tranh và đang được xây dựng kịch bản phim hoạt hình...".

Khơi mở thị trường tiềm năng

Theo quan sát của phóng viên, truyện tranh thực sự xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng những năm 1990, với sự xuất hiện của các bộ truyện tranh đến từ nước ngoài như "Đô-rê-mon", "Tây du ký"... Truyện tranh "made in Việt Nam" bắt đầu được độc giả nhí biết đến qua bộ truyện "Cô Tiên xanh" (1991 - NXB Tổng hợp Đồng Nai) với 140 tập, "Dũng sĩ Hesman" của họa sĩ Hùng Lân (NXB Mỹ thuật) với độ dài 154 tập... Sau này, họa sĩ Hùng Lân còn sáng tác nhiều bộ truyện tranh dài tập như "Siêu nhân Việt Nam" (54 tập), "Cổ tích Việt Nam" (28 tập), "Gương sáng tuổi xanh" (24 tập)..., song bộ "Dũng sĩ Hesman" vẫn giữ kỷ lục về độ dài trong nhiều năm cho đến khi bộ "Thần đồng đất Việt " của họa sĩ Lê Linh ra đời. Nhưng nếu tính về số lượng phát hành mỗi tập có lẽ chưa bộ truyện tranh nào của Việt Nam vượt qua được "Dũng sĩ Hesman": lên tới 160 ngàn bản/ tập/ tuần.

untitled-1.jpg -1
Truyện tranh mà trẻ em Việt Nam đang đọc có tới 90% đến từ nước ngoài.

Ngoài ra, theo một con số thống kê, các tác phẩm của tác giả Kim Khánh với các bộ truyện tranh "Cô Tiên xanh", "Trạng Quỳnh" và "Cậu bé rồng" đã có tổng số lượng phát hành vô cùng lớn: trên 30 triệu bản. Từ sau 2010 trở lại đây, có nhiều tác giả trẻ tham gia vào trào lưu sáng tác truyện tranh và nhận được nhiều ý kiến khen chê như các tác phẩm: "Đời cơ bản là buồn cười" của Lê Bích, "Thỏ bảy màu: Timeline của tui có gì" của Hoàng Thái Ngọc, Pikalong của Thăng Fly, "Bad Luck" của Châu Chặt Chém, "Học sinh chân kinh" và "Lớp học mật ngữ" của Hoàng Anh Tuấn...

Hiện nay, trong "cộng đồng truyện tranh Việt" đã có sự hình thành một đội ngũ những người trẻ theo đuổi việc sáng tác truyện tranh và những hội nhóm, cộng đồng người đọc khá đông đảo. Tuy nhiên, cũng theo ông Đặng Cao Cường - Trưởng ban biên tập Comic NXB Kim Đồng thông tin thì đơn vị này thực hiện xuất bản và phát hành nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng nhưng truyện tranh Việt chỉ chiếm 10%, truyện tranh Nhật chiếm 70%, 20% còn lại là truyện từ một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc. Ông Cường cũng nhận định rằng: "Có được thành công như truyện tranh "Long thần tướng" ở Việt Nam là không nhiều!".

Có thể thấy, với một thị trường truyện tranh đang "nhập siêu" thế này, đây chính là cơ hội lớn dành cho các tác giả, nhà sản xuất phát huy sự sáng tạo, khai thác và bắt nhịp với trào lưu truyện tranh của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để khơi dậy sức sáng tạo và chinh phục độc giả trong nước ngay tại thị trường tiềm năng sân nhà hiện vẫn đang là một câu hỏi chưa có đáp án. Có thể nói, truyện tranh đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đang có một sức hấp dẫn tương đối ổn định đối với thành phần độc giả mê truyện tranh trong nước. Đây chính là "cửa ải", là trở ngại lớn nhất mà các tác giả Việt phải vượt qua bằng tài năng của mình.

Hiện nay, "Long thần tướng" là bộ truyện tranh "made in Việt Nam" đang được đánh giá là thành công bậc nhất, nhưng việc sản xuất với tiến độ quá chậm chạp và thời gian cách quãng giữa các tập quá dài đã khiến không ít độc giả nản lòng. Bắt đầu đi có tác phẩm được xuất bản từ năm 2004 trên một số ấn phẩm, nhưng phải đến tận năm 2014, nhóm Phong Dương Comics mới khởi động lại dự án "Long thần tướng" qua hình thức "gây quỹ cộng đồng". Với cách thức này, từ đó đến nay nhóm mới cho ra đời được 4 tập, hiện đang ở công đoạn hoàn thiện tập 5 nhưng đã ghi dấu ấn bằng việc được trao một số giải thưởng quốc tế, được mua bản quyền xuất bản ở nước ngoài và bản quyền sản xuất phim điện ảnh.

Tại fanpage Phong Dương Comics, nhóm tác giả đã chia sẻ: "Làm truyện tranh ở Việt Nam không phải là dễ dàng. Làm truyện tranh theo cách làm của chúng tôi, càng không dễ dàng hơn. Sự ủng hộ của các bạn độc giả Phong Dương Comics khiến chúng tôi vô cùng cảm kích. Người đọc "Long thần tướng" từ những người bạn theo dõi các tác phẩm đời đầu 16 năm trước, cho đến những bạn mới lần đầu tiên biết đến "Long thần tướng" và gắn bó với tác phẩm này mới đây là nguồn động lực lớn, nếu không muốn là nguồn động lực duy nhất của chúng tôi để dồn hết tâm huyết cho dự án này. Một lần nữa, cảm ơn tất cả độc giả của chúng tôi vì đã kiên nhẫn chờ đợi. Chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành nhất, vì các bạn đã phải chờ tập 5 này quá lâu rồi...".

Nguyệt Hà
.
.