Truyện cực ngắn - Một thể loại văn học cần phát triển
Truyện cực ngắn (novelless) hay còn gọi là truyện mi-ni là loại truyện ngắn rất ngắn, có dung lượng tối đa chỉ 300 âm tiết. Ngoài việc thu nhỏ về lượng chữ nghĩa, còn không thể mở rộng về thời gian, không gian.
Cũng không thể phân tích, mổ xẻ tâm lý nhân vật, càng không có dịp để tác giả nhập vào nhân vật mà bình luận, phát biểu chính kiến gì. Tất cả ý nghĩa, giá trị của truyện chỉ trông cậy vào cốt truyện và những tình tiết đắt giá mà thôi.
Vậy nên hơn ở đâu hết, thể loại này cần sự dồn nén đến mức tối đa những tình tiết gói đựng trong một lượng từ ngữ hạn chế nhất và gửi thông điệp đến người đọc thật nhanh. Vì thế mà truyện càng ngắn càng hay, càng thể hiện tài năng của người viết. Cũng giống như ca khúc vậy. Càng ngắn mà vẫn hay quả là cực khó, đòi hỏi người sáng tác phải có tài. Nghe hầu hết ca khúc nước ngoài, nhất là của Nga, ta thấy đều rất ngắn, phần nhiều ở thể một đoạn. Nhưng những tác phẩm ngắn ở bất cứ thể loại nào cũng đều bình đẳng với những tác phẩm dài nếu cùng hay, có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ như nhau. Thậm chí là hơn vì viết ngắn mà hay là rất khó.
Bài thơ “Nhớ” của Phạm Tiến Duật chỉ có 5 câu nhưng chắc chắn là hay hơn nhiều bài thơ khác của ông: “Cái vết thương xoàng mà đi viện/ Hàng còn chờ đó tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng/ Nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”. Bài thơ ngắn tôi dẫn ở trên hẳn là khiến người đọc thấy thú vị chẳng kém bất cứ một bài thơ dài hay nào.
Truyện cực ngắn dứt khoát phải có chuyện, tức là người đọc xong dễ dàng kể lại cho người khác, trong khi truyện ngắn bình thường có khi không thể kể dễ dàng vì khi ấy không có cốt truyện mà chỉ có nhân vật, sự việc. Tất nhiên, cốt truyện phải độc đáo, phải hay chứ không thể tầm thường sẽ khiến người đọc không hào hứng.
Tôi rất thích truyện “Tin nhắn” của Hoàng Nhật Tuyên có nội dung như sau: “Trong một hội thảo tổ chức tại một tỉnh ở miền Trung, tất cả các khách dự đều nhiều tuổi, duy có một cặp nam nữ còn trẻ. Cô gái xinh đẹp. Chàng trai cũng có ngoại hình rất đàn ông. Họ nhanh chóng trở nên quen biết. Lúc nào họ cũng ngồi gần nhau, nhất là buổi đi tham quan các danh thắng. Họ trao cho nhau số điện thoại và chàng trai hứa hẹn sẽ nối tiếp mối quan hệ để dẫn tới hôn nhân. Theo thời gian, tình cảm của họ trở nên mặn nồng. Cô gái khấp khởi chờ ngày chàng trai chính thức đính hôn. Thế rồi một ngày kia, cô gái thấy điện thoại của mình đổ chuông tin nhắn. Mở ra, cô đọc được dòng chữ: “Bọn chúng mày cứ nhậu đi. Hôm nay tao phải đưa vợ đi đẻ”.
Truyện kết thúc ở đó, không viết gì thêm. Trên là tôi kể lại sau khi chỉ đọc một lần. Nguyên văn truyện của tác giả không dài hơn đoạn tôi kể trên là bao. Có lẽ chỉ nhiều hơn mấy chục chữ (âm tiết). Hẳn là bạn đọc biết rõ tác giả muốn nói điều gì.
Hoàng Nhật Tuyên còn có một truyện hay khác, cũng rất ngắn: Truyện “Tế nhị”: “Một lần tác giả đi tàu Thống nhất, giường nằm. Trong khoang tàu có 3 người phụ nữ nữa. Hai cô gái là bạn của nhau và một người đàn bà ngoại quốc đã đứng tuổi. Hai cô thì huyên thuyên mọi chuyện. Người nữ nước ngoài thì đọc báo. Hai cô gái Việt nghĩ bà kia không biết tiếng Việt nên bình luận về bà. Nào là nữ Tây lúc trẻ thì xinh nhưng khi có tuổi thì ai cũng xấu điên, nào là người thì xồ xề như lợn ỉ, người thì thân gầy xác ve không nhìn được. Sau một hồi nói xấu người Tây kia, hai cô cũng chợp mắt ngủ. Đến lúc tàu đến ga cuối cùng, thấy hai cô vẫn còn ngủ, bà Tây kia lay cô dạy: “Dậy các cô ơi! Đến ga cuối cùng rồi”. Lúc này các cô mới tá hỏa vì thấy bà ta nói tiếng Việt rất sõi”.
Truyện có tên “Tu hú” của Trần Hoàng Trúc sau đây cũng thật thú vị. Do truyện rất ngắn nên tôi xin đưa nguyên văn vì kể lại không khéo có khi dài hơn bản thân truyện:
“Nửa đêm, con trai anh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Anh lao vào bệnh viện. Bác sĩ giục hiến máu nhưng anh không cùng nhóm với con.
Chị đến sau, nghiệt ngã thay cũng khác nhóm máu. Bác sĩ cau mày: Vậy là sao, mẹ không cùng thì bố phải cùng chứ?
Chị quýnh quáng gọi điện. Anh choáng váng thấy sếp chị vào, cuống cuồng cho máu đứa con trai anh hết mực thương yêu.
Tháng sau, anh chị ly hôn.
Đứa con trai òa khóc”.
Quả là hiếm có truyện ngắn hơn. Truyện gieo vào người đọc cảm giác đời quá trớ trêu, cay đắng. Chưa đến 100 âm tiết mà truyện cứ ám ảnh, khiến người đọc thấy day dứt hoài.
Truyện cực ngắn có tính kịch trong diễn biến cốt truyện, tức là phải chứa đựng yếu tố bất ngờ khi giải quyết mâu thuẫn để kết thúc câu chuyện. Trong kịch, ta vẫn gọi là “cởi nút”. Phải đọc đến cuối truyện, mới thấy được vấn đề. Làm sao phải để cho người đọc không thể đoán biết được kết cục cuối cùng của truyện là thế nào. Chứ đọc ngay từ đầu, đã biết truyện muốn nói gì thì người viết không thành công, truyện sẽ nhạt, không hấp dẫn.
Ở truyện “Tin nhắn” tôi đã kể, phải đến phút chót, khi cô gái đọc cái tin nhắn người đàn ông gửi nhầm cho mình, vấn đề mới được rõ. Cũng như vậy, truyện “Tu hú”, chỉ đến khi người đàn ông xa lạ vào cho máu đứa con của cặp vợ chồng kia, mọi việc mới được hạ hồi. Và tư tưởng của truyện được bật ra từ đó. Hoặc như truyện “Tin nhắn”, cái kết thật đột ngột, người đọc không thể hình dung. Nhưng hoàn toàn hợp lý, logic. Cái hay của truyện cực ngắn chính là ở chỗ đó.
Tôi nhớ hồi còn đi học phổ thông, vì yêu thích môn văn nên chịu khó đọc truyện nước ngoài và đọc được một truyện rất ngắn có tên “Vết sẹo” của một nhà văn Ba Lan. Truyện nói về sau đại chiến thế giới lần thứ 2 (1939-1945), đã trở lại cuộc sống hòa bình, có một nhóm các em nhỏ chơi trò bắn nhau như trong phim. Tất nhiên là súng giả. Chúng phân công đứa bắn, đứa bị bắn. Sau khi nghe tiếng nổ, đứa đóng vai nạn nhân phải gục ngã sao cho giống hệt như trên phim.
Những người lớn xem chúng chơi thì lấy làm thích thú. Nhưng tác giả thì thấy tim mình đau nhói. Thấy rõ tư tưởng của tác giả là chống chiến tranh bởi đã để lại một vết sẹo không bao giờ có thể mất, làm xấu xí hình hài con người. Hậu quả của mọi cuộc chiến tranh chính là vết sẹo đó. Một truyện tưởng như rất bình thường chẳng có gì đặc biệt mà có tư tưởng vô cùng sâu sắc. Viết được như vậy quả là rất khó.
Cũng từ khi còn học cấp 2 những năm 60-61 của thế kỷ trước, tôi đọc được cuốn sách “Phương pháp viết mẩu chuyện” của Bùi Hiển (1919-2009). Ông là nhà văn chuyên viết và thành công ở thể truyện ngắn với tác phẩm nổi tiếng “Nằm vạ” ra đời năm 1941 khi mới 22 tuổi. Những truyện ngắn mà ngắn, có dung lượng chữ nghĩa ít, ông gọi là mẩu chuyện. Có lẽ đây là tiền thân của truyện cực ngắn ra đời sau này. Loại truyện còn ngắn hơn mẩu chuyện - từ dùng của Bùi Hiển.
Trong cuốn sách này, ông đề cao vai trò của mẩu chuyện và cho rằng nhà văn nào thành công ở thể loại này sẽ không thua kém tài năng của bất cứ một nhà tiểu thuyết nào. Nhưng đáng tiếc, ở nước ta cho đến hôm nay ít có nhà văn nào chuyên viết truyện cực ngắn hay ít nhất là để nhiều công sức sáng tác thể loại này. Có một nguyên nhân của điều này là truyện cực ngắn chưa được thật coi trọng ở nước ta, chưa có một vị trí xứng đáng như các thể loại khác (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết...). Các nhà văn nước ta không mấy để ý đến việc sáng tác thể loại này. Phải chăng là không dễ viết hoặc viết được nhưng khó hay, không dễ khiến người đọc thích thú? Có thể còn một nguyên nhân nữa là viết ra tác phẩm nhưng không biết giới thiệu ở đâu ngoài việc đưa lên trang cá nhân mà việc này dẫu sao cũng rất hạn chế số lượng người đọc.
Một sự thực nữa là trong khi truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, ký vẫn luôn có những cuộc thi ở khắp nơi thì từ trước tới nay chưa từng có việc này đối với thể loại truyện cực ngắn. Rõ là thêm một minh chứng cho việc thể loại này bị coi thường nếu không nói là bị gạch bỏ trong đời sống văn chương.
Ngày nay, khi thời gian của con người trở nên eo hẹp thì khuynh hướng phổ biến là ngại đọc những gì dài, mất nhiều thời gian. Vậy nên truyện cực ngắn sẽ càng trở nên phù hợp với sở thích của công chúng hôm nay.
Thú vị, khả năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ không thua kém mọi thể loại khác, lại dễ đọc, không mất thời gian (vì ngắn), đăng báo không tốn diện tích giấy, nếu xuất bản cũng gọn nhẹ. Vậy hà cớ gì không chú trọng phát triển thể loại này, ít nhất là bình đẳng với mọi thể loại văn học khác? Mong rằng thể loại này sớm có được vị trí xứng đáng để công chúng có thêm một món ăn tinh thần bổ ích.