Trường ca "Lũ" của Lữ Mai: Lan tỏa thông điệp nhân văn vì cộng đồng

Chủ Nhật, 22/12/2024, 15:23

Vừa qua, tác giả Lữ Mai và Công ty cổ phần Sách điện tử WAKA đã phối hợp ra mắt trường ca "Lũ" phiên bản sách điện tử và dự án mang tên "Trường ca "Lũ" - đồng hành cùng trẻ em vùng cao đến trường".

Đây là một dự án đặc biệt được thực hiện với mong muốn chia sẻ yêu thương, tạo nguồn động lực để động viên, hỗ trợ trẻ em vùng cao kiên trì học tập sau những tổn thất nặng nề do thiên tai gây ra, đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp hướng tới cộng đồng.

Trường ca "Lũ" của nhà thơ Lữ Mai là ấn phẩm được phát hành dưới hai hình thức: sách điện tử (Ebook, Audiobook, Videobook) và sách giấy truyền thống. Lần đầu tiên ở Việt Nam một tác phẩm thơ đã bắt kịp xu hướng công nghệ thông qua việc xuất bản sách điện tử trước và sách in truyền thống sau.

1.jpg -0
Nhà thơ Lữ Mai chụp ảnh lưu niệm với đại diện một số nhà tài trợ cho dự án "Trường ca “Lũ” - đồng hành cùng trẻ em vùng cao đến trường".

Điều đặc biệt là, trường ca "Lũ" được minh họa bởi họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (sinh năm 2012), người dân tộc Tày, sống ở Lạng Sơn. Họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang từng có nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm và từng đoạt giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm 2023.

Hoàng Nhật Quang và nhà thơ Lữ Mai gặp nhau tại lễ trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn khi cả hai tác giả đều đoạt giải tại cuộc thi này đã tạo ra một cơ duyên tốt đẹp để hai cô cháu đồng hành với nhau trong trường ca "Lũ" hướng tới các bạn nhỏ vùng cao.

Bộ tranh "Mẹ Thiên nhiên" của Hoàng Nhật Quang được AI sử dụng để thiết kế bìa cho trường ca "Lũ" và minh họa trong sách. Gia đình họa sĩ nhí đã ủng hộ toàn bộ minh họa, không nhận kinh phí với mong muốn đồng hành cùng dự án "Trường ca "Lũ" - đồng hành cùng trẻ em vùng cao đến trường".

Theo tâm sự của nhà thơ Lữ Mai, xuất phát từ trăn trở trước những mất mát của đồng bào vùng cao sau bão lũ, tác giả Lữ Mai đã viết nên trường ca "Lũ" với nỗi suy tư, khắc khoải, mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhất là với trẻ em. Tác phẩm lấy hình tượng trung tâm là linh hồn một em bé xấu số đã rời bỏ cõi đời, nhưng ở một thế giới khác, em được mẹ thiên nhiên che chở và có hành trình quay ngược thời gian, kể về những câu chuyện mà em đã trải qua.

Tác phẩm vừa phản ánh sự khốc liệt của thiên tai, nhưng lại thắp lên niềm hy vọng về tinh thần sẻ chia, đoàn kết, yêu thương giữa con người với con người, thể hiện vẻ đẹp văn hóa vùng miền của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đó còn là tiếng nói tố cáo nạn phá rừng, làm tổn hại hệ sinh thái từ một bộ phận con người thực dụng, vì lợi ích mà hành động bất chấp, làm tổn hại đến thiên nhiên. Những vần thơ đầy day dứt của nhà thơ Lữ Mai, cũng đồng thời là ước mơ về một cuộc sống bình yên cho mọi bản làng, cho mỗi cuộc đời:

"...tiếng con thơ tìm mẹ
mặt trời cúi đầu
vết máu chưa khô
người lấm lem dựng nền nhà mới
người cứu người
hạt giống giữa đồng hoang
qua lũ dữ bền gan đứng dậy
hát bài ca từ bùn
bản mình lại bài ca nương rẫy
từng nhánh cây thân thuộc tảo tần
suối róc rách như chưa từng uất hận
núi trở mình nghe hơi thở rừng sâu...".

Trong số hơn 20 tác phẩm mà Lữ Mai đã xuất bản đa dạng về thể loại như: thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút..., chị đã có 3 trường ca gây chú ý và đều là những trường ca gắn với các hoạt động hướng tới cộng đồng. Đó là: "Ngang qua bình minh" (NXB Văn học, 2020); "Chư Tan Kra mây trắng" (NXB Hội Nhà văn, 2021); "Hồi sinh" (NXB Hội Nhà văn, 2022).

Trong đó, bộ sách "Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi" phát hành ủng hộ cán bộ, chiến sĩ và hậu phương người lính hải quân; trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" phát hành ủng hộ kinh phí cho các cựu chiến binh trở về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội; trường ca "Hồi sinh" phát hành ủng hộ trẻ em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau đại dịch COVID-19.

2.jpg -1
Bìa cuốn trường ca "Lũ" với tranh minh họa của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang.

Chia sẻ những cảm xúc mạnh mẽ đã khiến chị viết nên trường ca này, nhà thơ Lữ Mai cho biết: Năm 2024 là một năm đầy biến động, miền Bắc nước ta đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ thiên tai. Là một người mẹ và từng có tuổi thơ cùng gia đình vượt qua những trận lũ ở quê nhà, tôi thực sự ám ảnh trước sự mất mát, trước cái chết của những đứa trẻ. Nhưng, sâu xa, cũng là trách nhiệm của một người cầm bút trước những số phận, trước cộng đồng để có thể chia sẻ phần nào nỗi mất mát đau thương ấy.

Do công việc làm báo, tôi đã có cơ hội đi đến nhiều vùng miền của đất nước và biết rằng, sau thiên tai, có rất nhiều trẻ em đã không còn được đến trường nữa. Vì thế, thông qua việc phát hành trường ca "Lũ" và dự án "Trường ca "Lũ" - đồng hành cùng trẻ em vùng cao đến trường", tôi mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình giúp những đứa trẻ vùng cao vốn nhiều thiệt thòi có thể tiếp tục được đến trường và thực hiện những ước mơ của mình..." .

Tại buổi lễ công bố dự án, bà Phùng Thị Như Quỳnh - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử Waka chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, WAKA đã có nhiều hoạt động cộng đồng, nỗ lực chuyển đổi số trong ngành xuất bản tại Việt Nam và đến nay đưa thành công hơn 20.000 ấn bản lưu hành, được độc giả đón nhận. Hy vọng dự án "Trường ca "Lũ" - đồng hành cùng trẻ em vùng cao đến trường" lần này sẽ nhận được sự quan tâm của độc giả trên khắp mọi miền Tổ quốc, đem tới cho các em nhỏ vùng cao một năm mới, một hành trình mới đầy niềm vui và hy vọng.

Thật hạnh phúc khi chỉ sau 3 ngày phát động, đã nhận được số tiền gần 50 triệu đồng từ các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm... ủng hộ cho dự án ý nghĩa này. Bên cạnh đó, NXB Hội Nhà văn Việt Nam - đối tác chiến lược của WAKA khi biết tới ý nghĩa thiết thực của dự án, cũng đã ủng hộ toàn bộ kinh phí giấy phép xuất bản cho trường ca "Lũ" ở cả phiên bản sách điện tử và sách in...".

Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ (Đài Tiếng nói Việt Nam):

Với trường ca "Lũ" lần này, Lữ Mai đã có một trình hiện độc đáo qua cách thể hiện hình tượng thơ, mượn lời linh hồn của một đứa trẻ đã mất vì lũ cuốn để giãi bày dòng tâm tưởng của mình. 9 chương trong trường ca đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc: yêu thương, da diết, trăn trở, xa xót, phẫn nộ, day dứt nhưng rồi khép lại là lòng bao dung đầy nhân ái với cuộc đời.

Trường ca "Lũ" gửi đến độc giả những thông điệp kép: con người cần sống hài hòa nhân ái với thế giới tự nhiên, mỗi chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, dành cho các em sự yêu thương và che chở. Các trường ca đã công bố của Lữ Mai cũng như trường ca "Lũ" lần này cũng đánh thức trách nhiệm công dân trong trái tim mỗi người trẻ tuổi. Tình yêu thương không chỉ nói bằng lời mà cần những hành động cụ thể trong từng phút, từng ngày. Khép lại trường ca "Lũ", mỗi người đọc sẽ có những khoảng lặng trong lòng mình để suy nghĩ về đời sống và mỗi kiếp người.

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung (Tạp chí Văn nghệ quân đội)

Đẹp và buồn, thăm thẳm và dữ dội, trường ca "Lũ" của nhà thơ Lữ Mai là một bức tranh hiện thực huyền ảo đầy gợi mở nhưng cũng vô cùng chân thực. Bức tranh miền núi với vẻ đẹp đằm sâu của văn hóa, phong tục, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người được nhà thơ khắc họa qua những câu thơ giàu thi ảnh. Nổi bật và ấn tượng, cũng là điều làm nên ám ảnh cho tác phẩm chính sự hồn nhiên trong trẻo của trẻ thơ. Không gian tác phẩm dần được mở ra từ những vẻ đẹp tưởng như bất biến ấy...

Trường ca "Lũ" của nhà thơ Lữ Mai ra đời không chỉ góp phần xoa dịu những mất mát đau thương do mưa lũ gây ra bằng sự đồng cảm sẻ chia sâu sắc, mà chị còn đào sâu truy nguyên thiên tai bằng sự quyết liệt và trực diện nhất. Giấc mơ của đứa trẻ mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ nhưng giấc mơ đó không bị chôn vùi mà sẽ nảy nở lên niềm hy vọng về một thế giới không có chặt phá rừng, không có tàn sát thiên nhiên, không có thiên tai lũ lụt để không có sự chia lìa cắt ruột và những giấc mơ của trẻ em vì thiên tai mà dang dở...

Nguyệt Hà
.
.