Trong nếp nhà nghệ thuật
Có một dạo vì công việc, tôi rất hay đến nhà của u Đỗ Phương Thảo, mẹ của nghệ sĩ, hoạ sĩ Lê Thiết Cương ở địa chỉ nổi tiếng không kém chủ nhân đó chính là Gallery 39A Lý Quốc Sư. Không chỉ riêng tôi mà giới văn nghệ, báo chí đều xem đây là một địa chỉ đỏ của các sinh hoạt văn hóa, văn học nghệ thuật rất ý nghĩa.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã từng biến ngôi nhà đẹp của anh thành một nơi bảo trợ cho các hoạ sĩ trẻ bầy tranh, tượng, ra mắt sách trong các hoạt động triển lãm nghệ thuật đầu tay của họ. Đây cũng gần như một salon nghệ thuật uy tín để cho các nghệ sĩ đến đàm đạo, và là nơi mở rộng cửa cho các bạn trẻ đến học tập, trải nghiệm trên con đường đi tìm bản thể chính mình.
Phía sau những thành công lấp lánh mang tên "Lê Thiết Cương" thì tôi đặc biệt chú ý đến một người phụ nữ trầm lặng trong căn nhà đẹp này. Bà chính là mẹ của anh. Ít ai biết rằng, Lê Thiết Cương có một người mẹ cũng là nghệ sĩ, và bà có một cuộc đời, một số phận, một tính cách khá đặc biệt. Bà chính là nữ quay phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, và sau này còn là biên kịch, đạo diễn của Hãng Phim truyện 1 Việt Nam.
Tiếp xúc với bà, tôi nhận ra ở bà những tố chất của một người phụ nữ có đời sống thuộc về phố cổ Hà Nội. Ở bà toát lên một tinh thần sống can trường và mạnh mẽ, một người phụ nữ bản lĩnh, biết cân bằng chuẩn xác trước mọi sóng gió cuộc đời. Trong bà cũng đậm chất nghệ sĩ. Mặc dù về hưu đã lâu, năm này bà ở tuổi 84, tuổi xưa nay hiếm đối với một đời người. Nhưng ai tiếp xúc gặp gỡ bà đều cảm nhận được niềm vui sống, những hạnh phúc bé mọn của bà khi được cống hiến cho đời, cho bạn bè, cho con trai, và giờ là còn cho các cháu nữa.
Đồng hành phía sau con trai trong mọi hoạt động nghệ thuật, hỗ trợ hết mình cho con những công việc bếp núc nhất, đời thường nhất. Nhưng, dấu ấn của bà Đỗ Phương Thảo trong các sự kiện nghệ thuật của Lê Thiết Cương đều để lại những dư vị đầm ấm, ngọt lành qua những món ngon phố cổ, những món ẩm thực đặc sệt thương hiệu "Bếp ấm của mẹ".
Bà Thảo còn được biết đến như là nghệ nhân ẩm thực phố cổ Hà Nội với các loại bánh truyền thống đậm đà hương vị Việt xưa. Món ngon qua bàn tay chế biến của bà, cộng hưởng với tình yêu bếp, niềm đam mê bếp bà chắt chiu, nên trong căn bếp ấm 39A Lý Quốc Sư, bà đã cống hiến hết mức để có thể mang được trọn vẹn hương vị phố cổ Hà Nội đến với những sự kiện nghệ thuật của con trai bà. Có nhiều cách để bày tỏ tình yêu với nghệ thuật. Với bà Đỗ Phương Thảo, làm bánh, nấu món ngon, để cho tất cả những khách quý của con trai mình khi đến Gallery nghệ thuật 39A Lý Quốc Sư được thưởng thức món ngon từ bếp ấm của bà. Đó chính là sự cộng hưởng tuyệt vời.
Yêu và thương con, tận tuỵ bên con ngay cả khi con trai đã lớn, đã vượt khỏi vòng tay ấp iu của mẹ, đã là một cái cây vững chải trưởng thành, và nổi tiếng, thì bà vẫn là người mẹ âm thầm nép nương bên cái bóng của con để nối dài thêm những yêu thương, để sống những năm tháng đời mình sao cho thật ý nghĩa. Trong nếp nhà nghệ thuật ấy, bà vẫn cần mẫn sáng tạo, tiếp tục viết, cống hiến không ngơi nghỉ. Trong những năm tháng vừa qua, bà đã xuất bản 3 đầu sách, đó là tiểu thuyết "Mẹ và con"- Nhà xuất bản Hà Nội năm 1988, tái bản Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2010; tự truyện "Bếp ấm của mẹ", Nhà xuất bản Trẻ năm 2017 và mới đây nhất, năm 2022 bà tiếp tục ra mắt tập truyện phim gồm 2 truyện phim "Tản mạn những mảnh đời" và "Duyên kiếp nhà thơ" khi tuổi đời đã bước qua ngưỡng 83.
Cảm động với những nỗ lực sáng tạo và cống hiến của bà ở tuổi xưa nay hiếm, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha sau khi đọc xong tập truyện phim đã có những nhận xét sâu sắc: "Truyện phim "Tản mạn những mảnh đời", là lời cảnh báo về sự băng hoại xã hội, xuống cấp đạo đức, tan nát gia phong bởi sự hoành hành của ma tuý, thảm hoạ của "cái chết trắng", bà đã tạo ra một giọng truyện phim đầy trắc ẩn của riêng mình. Nó ôm chứa trong đó những xô dạt của thời hôm nay. Cái động của sự quậy cựa thóat khỏi đói nghèo, trong cái tĩnh rạn nứt dần của tảng băng chìm gia phong, kỷ cương gia đình và xã hội. Đau xót đến nghẹn ngào mà không cách gì kìm giữ nổi. Những mảnh đời ghép thành một bức tranh ôm chứa bao số phận nổi chìm. Còn ở chuyện phim "Duyên kiếp nhà thơ" mang chứa trong nó tràn trề những suy tư nội tâm, trăn trở về mối lương duyên trắc trở của thi nhân Đặng Trần Côn với nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm, một trắc trở đã tạo ra kiệt tác "Chinh phụ ngâm".
Được biết cả 2 truyện phim này bà Đỗ Phương Thảo đều hoàn thành ở hai trại viết của Hội Điện ảnh Hà Nội. Điều đó càng minh chứng một cách sâu sắc lòng nhiệt huyết và ham muốn được viết được sáng tạo của bà dù tuổi đã cao. Bà viết là để nuôi dưỡng tâm hồn, để chữa lành những vết thương đời sống nhiều ẩn khuất của số phận. Và cũng để tuổi già của bà trở nên ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, đáng sống hơn, thay vì ngồi bó gối than thở với những viên thuốc đầy tay, với một tinh thần hờn trách cả thế giới như lẽ thường của những người già cả ở tuổi như bà….
Viết với bà cũng là cách để bà tồn tại, để bà nối dài sự sống của mình đến với thế giới này một cách thật đẹp đẽ và có ý nghĩa. Bà mong mỏi bằng cách nào để những sáng tạo của mình được hiển diện trong công chúng, dù chưa phải là màn ảnh thì cũng là trên trang sách. Đó là lý do tập sách truyện phim "Tản mạn những mảnh đời" có mặt trên kệ sách của nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Điều tuyệt vời và hạnh phúc hơn là cháu nội đích tôn của bà, con trai lớn của hoạ sĩ Lê Thiết Cương - cháu Lê Nguyên Nhật là người đã thiết kế và digital cho tập sách của bà nội thay bố mình như trước đây. Đây cũng là một cách cháu tri ân bà, và là quả ngọt tuổi già của bà khi trong ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư đã nối dài thêm một thế hệ thứ 3 tìm đến với nghệ thuật. Dù hành trình nghệ thuật ở thế hệ thứ 3 này là tình cờ, hay khát vọng sâu thẳm, thì phía trước hãy còn chông gai, nhiều thử thách mà chỉ có duy nhất số phận mới có thể sắp đặt được.
Chúc mừng nếp nhà nghệ thuật 39A Lý Quốc Sư.
Chúc mừng những quả ngọt sau cùng rồi cũng sẽ chín và thơm trên tay bà, nữ quay phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam.
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ 8/1964, Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại các tỉnh miền Bắc nhất là các khu công nghiệp và các thành phố lớn. Lũ trẻ con ở Hà Nội đều bắt buộc phải đi sơ tán. Bố mẹ đưa anh em tôi về quê ở với ông bà. Ở vào thời chiến tranh, sống chết cận kề, đạn bom uỳnh oàng, ăn còn chả đủ thì quà bánh là "cổ tích". Nhưng mỗi lần mẹ về thăm thì bao giờ cũng có quà. Mẹ là quà, mẹ là bánh quế. Vì quà của mẹ luôn là bánh quế mẹ tự làm. Hồi ấy không đủ gạo nên tiêu chuẩn lương thực thường là nửa gạo và nửa bột mỳ, bột mỳ luộc ăn thay cơm, bột mỳ rất sẵn. Nguyên liệu chính của bánh quế là bột mỳ, đường mật mía và bột quế. Toàn những thứ sẵn, rẻ. Giản dị vậy nhưng ngon tuyệt. Chắc hẳn mẹ phải mất vài ngày để chuẩn bị cho một lần về nơi sơ tán thăm anh em tôi. Nào mắm muối, nào gạo dầu và ngày ngày vẫn đi làm, tối về pha bột nướng bánh quế.
Ngày hôm nay, không chỉ anh em tôi và mọi người mà ngay cả mẹ, mẹ cũng không thể tưởng tượng nổi hành trình từ Thái Nguyên nơi mẹ công tác về nơi anh em tôi sơ tán hơn trăm cây số. Làm sao mẹ và cả túi bánh quế mỏng mảnh ấy có thể vượt qua từng ấy cây số, từng ấy lần báo động, quăng xe đạp ở vệ đường, nhẩy xuống hầm trú ẩn, rồi còi báo yên, đi tiếp, rồi lại báo động, cứ thế… đông hè, mưa nắng.
Mẹ kể: 5h chiều thứ 7 đi làm về, ra ga Lưu Xá, Thái Nguyên lên tàu hỏa chuyến 7h tối, đến ga Hàng Cỏ lúc 10h, về nhà ngủ để hôm sau, trước 6h sáng đạp xe về quê. Sở dĩ phải đi sớm vì máy bay Mỹ thường ném bom khu công nghiệp cao su, xà phòng, thuốc lá ở ngay cửa ô Hà Nội. Mẹ về, chơi với anh em tôi được mấy tiếng rồi lại vội vàng đạp xe ra Hà Nội cho kịp chuyến tàu 9h đêm lên Thái Nguyên để sáng hôm sau còn đi làm. Hai anh em cũng chả được ôm mẹ một đêm.
Mỗi lần thăm đều chớp nhoáng sau một hành trình dài hết tàu lại xe, hết bom lại đạn. Chúng tôi chưa kịp hết nhớ mẹ đã lại nhớ. Chỉ còn gói bánh quế ăn dè, chỉ còn những vụn bánh quế giấu dưới gối, nhưng vẫn thơm vì bánh quế là mẹ, mùi bánh quế là mùi mẹ.
Hôm nay, mẹ dậy sớm, pha bột, chuẩn bị làm mẻ bánh quế: có đường trắng, có bơ, có trứng gà (chứ không như hồi xưa nữa) và đương nhiên phải có bột quế. Ngồi trước đĩa bánh quế vừa ra khỏi khuôn, còn nóng, thơm lừng mà chả hiểu sao vẫn nhớ mùi bánh quế của 50 năm trước. Làm sao mẹ cũng như bao bà mẹ khác có thể đi qua được "chặng đường" đằng đẵng ấy, đi qua đạn bom ấy, cuộc chiến ấy, nước mắt mồ hôi ấy, thiếu thốn, đói nghèo và gian nan cực khổ ấy?
Hôm nay tôi tổ chức buổi ra mắt sách cho một bạn văn. Như mọi bận, mẹ luôn làm bánh, thường là bánh quế tặng tôi và bạn bè văn nghệ của tôi. Em tôi kể: Lúc đứng trên sân khấu cảm ơn mẹ, em thấy hình như anh khóc. Tôi bảo: "Cũng có thể và nếu đúng thì một trong những giọt nước mắt ấy đã đọng lại từ hơn 50 năm trước giờ mới ứa ra em ạ".
Giả sử trái tim tôi có một ngăn kéo để lưu giữ lại những kỷ niệm của tuổi ấu thơ thì thể nào trong đó cũng phải có vài ba vụn bánh quế mẹ làm. (Lê Thiết Cương)