Trở lại tên các loại hình nghệ thuật

Thứ Sáu, 19/05/2023, 15:12

Trong quá trình tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật - một công việc cao quý rất cần được thường xuyên đề cao, tôn vinh để khích lệ các chủ thể sáng tạo. Thế nhưng, trên thực tế có tình trạng, một số tác giả vì quá ham tìm những cách biểu hiện mới lạ mà trở nên cực đoan, dẫn đến việc tác phẩm đi quá xa đến mức không còn thuộc loại hình nào. Có lẽ rõ nhất là trong thơ.

Đã gọi là thơ thì không thể không thơ. Như thế nào là thơ? Xin được trở lại khái niệm này như một sự định nghĩa nôm na dễ hiểu (chứ không lý luận cao siêu gì). Thơ phải có hai yếu tố: Một là có vần điệu, hai là phải đẹp, lãng mạn, "hư" một chút chứ không nên quá "thực" (thơ mà). Ở yếu tố thứ nhất - vần điệu - thì dứt khoát thơ không chấp nhận bất vần. Không ít bài thơ chứa những khổ thơ đại loại:

Em đi
để lại trong anh một khoảng trống
không gì có thể lấp được
Dù có vô vàn niềm vui khác
Cũng không thể thay thế em

bai-tho-hay-cua-nha-tho-xuan-dieu-245409.jpg -0
Xuân Diệu - nhà thơ lớn luôn đề cao vần điệu và niêm luật trong thơ.

Đó là những câu thơ đăng trên một tờ báo gần đây. Tất cả những câu chữ trích dẫn trong bài viết này, vì để giữ thể diện cho tác giả và tờ báo, tôi xin miễn nói tên cụ thể. Mấy câu trên khác gì câu nói cửa miệng hàng ngày (khẩu ngữ)? Sao có thể được coi là thơ? Chưa kể ý tứ quá bình thường, nói điều ai cũng thấy, người ta vẫn nói từ lâu, tác giả chẳng có một chút tư duy, lao động gì. Và đây là một "tìm tòi" theo kiểu thơ leo thang cũng đã cũ rích:

mặt trời
      mọc
         rồi
           lặn
Em đến
      rồi
         đi
Để lại
     cho tôi
           cô đơn
               hẫng hụt…

Bất chấp vần điệu, cố ý "leo thang", chỉ tốn diện tích báo. Còn nội dung thì rất khiên cưỡng, vô nghĩa khi so sánh "em đến rồi đi" với "mặt trời mọc rồi lặn" ("mặt trời mọc rồi lặn" là chu kỳ thời gian tất yếu, còn "em đến rồi đi" có thể chẳng bao giờ gặp lại). Thậm chí, thơ lục bát cũng không có vần:

Ta đi giữa cánh đồng làng
Càng thêm gắn bó với quê hương mình.

Còn yếu tố thứ hai - thơ - nghĩa là phải đẹp, lãng mạn, "hư" - thì không ít người vi phạm. Yếu tố này - bản chất của thơ - không chấp nhận mọi sự phô diễn trần trụi, "nôm na mách qué", thô thiển, sa đà vào những cái vụn vặt, phản thẩm mĩ. Có một vài người nào đó đã say sưa khai thác phần bản năng (libido), phần "con", thể hiện sự khát thèm nhục dục xa với phần người, phần nhân văn cao cả chính là nằm trong khuynh hướng này. Họ đã ngộ nhận đó là tìm tòi, sáng tạo. Đáng tiếc, có một vài người được coi là "nhà thơ" đã hào hứng cổ suý. Thật không thể tưởng tượng những câu chữ sau đây lại được coi là thơ và đăng ở một tạp chí: "Đêm hoang/ lớp nhớp bùn đỏ/ nhờn như mỡ/ Dấp dính hồ/ Dấp dính keo/ Ngập môi mĩ nữ".

Tất nhiên, nói như trên không có nghĩa thơ chỉ đề cập đến cái hay, cái đẹp hoặc tô hồng cuộc sống. Song cần nhớ: Thơ cùng với nhạc là hai chủng loại miêu tả cuộc sống bằng phương thức biểu hiện chứ không phải là tự sự, nghĩa là: Nói đến tâm trạng, cảm xúc của chủ thể chứ không phải là kể chuyện trong đó có các sự kiện và nhân vật. Ngay cả thể loại truyện thơ tuy có yếu tố cốt truyện nhưng vẫn không thể thiếu việc biểu hiện tâm trạng, cảm xúc của người viết.

Âm nhạc đương nhiên là phải có nhạc điệu, hàm chứa các yếu tố: độ cao thấp của giai điệu, tiết tấu, cường độ, sắc thái âm thanh. Như vậy, âm nhạc phải vào con người qua tai chứ không phải là những tiếng ồn náo loạn, pha tạp, lại trông cậy nhiều ở các yếu tố ngoài âm nhạc: ánh sáng sân khấu, múa phụ họa như rất nhiều tiết mục hiện nay đang có xu hướng lấn lướt trên các sân khấu biểu diễn và các đài truyền hình. Những bài hát truyền thống trong quá khứ hay nhất khiến bất cứ ai cũng ưa thích là thứ âm nhạc để nghe, chứ không phải để xem như nhiều bài hát đang xuất hiện lan tràn. Cần nhớ rằng âm nhạc khác với âm thanh. Âm thanh là mọi tiếng động hỗn tạp, tự nhiên. Chỉ khi nào âm thanh được tổ chức theo những quy luật về tiết tấu, giai điệu mới được gọi là âm nhạc. Vậy thì nhiều bài hát hiện nay chỉ là những mớ âm thanh hỗn tạp chứ không thể gọi được là âm nhạc.

img_7568 (copy).jpg -1
Hòa nhạc thính phòng - một loại hình âm nhạc hội tụ yếu tố cảm xúc, giàu hình tượng nghệ thuật. Ảnh minh họa

Kịch là vở diễn trên sân khấu được tổ chức bởi những mâu thuẫn, xung đột của những nhân vật qua hệ thống hành động (gồm hành vi và lời nói). Khi mâu thuẫn được tập trung đến đỉnh điểm (thắt nút) thì dẫn tới phải "cởi nút" để giải quyết, kết thúc kịch. Bản thân từ kịch có nghĩa là kịch liệt, là căng thẳng. Không đạt được như vậy thì không thể là kịch. Nhưng không có nghĩa chỉ là mâu thuẫn giữa ta và địch, giữa thiện và ác, cái tốt và cái xấu, tích cực và tiêu cực mà có thể còn là mâu thuẫn trong bản thân các tình huống, trong nội tâm của con người. Vậy nên sẽ rất giỏi, cao tay nếu trong vở kịch toàn những nhân vật tốt, có tính cách cao đẹp mà người xem vẫn thấy rất "căng", phải hồi hộp theo dõi, ví như vở kịch nói "Nguồn sáng trong đời" của cố tác giả Lưu Quang Vũ là một ví dụ điển hình.

Dù có sáng tạo, cách tân thế nào chăng nữa cũng không thể chệch khỏi đặc thù đó của loại hình - điều khiến nó mang tên kịch. Nhưng đã không ít người quên mất cái tên loại hình nghệ thuật này để biến sân khấu thành nơi cho các nhân vật "đọc kịch bản" nhằm thuyết minh cho ý đồ tư tưởng định sẵn của tác giả. Có thể gọi đó như một thể "ký" của sân khấu, chỉ là việc diễn viên vào vai rồi lên sân khấu kể chuyện bằng đối thoại.

Trong nhiều Liên hoan sân khấu thử nghiệm do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, ghi nhận sự cố gắng tìm tòi để "thử" của rất nhiều đơn vị sân khấu cả nước. Nhưng nhiều vở đã không còn là kịch theo những quy chuẩn của loại hình như đã nói, bởi chỉ là mớ đối thoại rất bề bộn nhằm ẩn dụ những điều sâu xa nào đó mà tác giả muốn gửi đến khán giả.

"Sang sông" là một trường hợp tiêu biểu cho khuynh hướng này. Sao có thể gọi đó là kịch khi không hề có sự tập trung mâu thuẫn, xung đột dẫn đến cao trào của hệ thống nhân vật trong vở? Các nhân vật trên sân khấu thay nhau nói những lời đầy tính triết lý, ẩn dụ cho những tư tưởng, ý nghĩ đã định trước. Đã đành là thử nghiệm, song nên chăng là cho ra đời một loại hình khác gần với kịch chứ không phải là kịch. Việc vở này chỉ nhận được sự tán dương (nếu có) trong nội bộ những người làm nghề mà không được người xem bình thường hưởng ứng là điều rất đáng để các tác giả phải suy nghĩ.

Thực ra, mấy chục năm trước - những năm 1965 - 1966, Trần Vượng đã có ý thử nghiệm loại kịch thiên về hành động mà coi nhẹ xung đột qua vở "Bức tranh mùa gặt" (Đoàn Kịch nói Hà Nội dựng). Đó là một vở tốt, song chưa thể nói được là thành công. Vậy nên vẫn phải trở lại yêu cầu của loại hình này là phải có xung đột. Yếu tố này càng căng, càng mãnh liệt, kịch càng hấp dẫn.

Sang lĩnh vực điện ảnh. Không ít người làm phim quên yêu cầu đầu tiên của loại hình này là kể chuyện, miêu tả, phản ánh, biểu hiện bằng hình ảnh chuyển động là chính, chứ không phải là ở lời thoại (như sân khấu). Vậy nên đã có rất nhiều phim để nhân vật nói quá nhiều, gần như từ đầu đến cuối chỉ là liên tục đối thoại, còn hình ảnh rất ít tìm tòi, không có được những khuôn hình giàu biểu cảm, đặc sắc về ngôn ngữ điện ảnh.

Những phim nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới như "Ông già và biển cả", "Cuốn theo chiều gió", "Chiến hạm Pô-chen-kin", "Số phận một con người" …. đều không lạm dụng lời thoại mà chủ yếu vẫn là hình ảnh được tìm tòi rất công phu cộng với tài năng diễn xuất đặc biệt của diễn viên. Phim truyện của ta cũng có một số phim đạt được yêu cầu này và đó thực sự là những phim hay: "Bao giờ cho đến tháng 10", "Con chim vành khuyên", "Cánh đồng hoang", "Mùa ổi"…. Song, nhìn chung, nhiều phim Việt Nam vẫn sa đà vào đối thoại mà xao nhãng ngôn ngữ hình ảnh. Vậy thì sao còn gọi là điện ảnh?

Đó là mấy loại hình văn nghệ chính mà một số người sáng tác đã lãng quên đặc thù ngôn ngữ riêng làm nên bản chất qua cái tên của chủng loại. Thiết nghĩ, cần luôn trở lại những cái tên đó từ khi ra đời: Thơ, nhạc, kịch, điện ảnh… Rời xa, sẽ là sự lầm lạc khó được công chúng chấp nhận.

Nguyễn Đình San
.
.