Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn: Kết nối quá khứ với hiện tại
Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn là chương trình được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, luân phiên ở hai đầu Nam - Bắc. Triển lãm năm nay tổ chức ở Hà Nội, từ ngày 7/8 đến 7/9 nhằm kết nối và chia sẻ đời sống nghệ thuật ở hai miền của đất nước cũng như kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của điêu khắc. Điểm nhấn năm nay là cuộc đối thoại giữa cũ và mới trong nỗ lực xác định vị thế của điêu khắc hiện đại trong tiến trình chung của nền điêu khắc Việt Nam.
Quy tụ những tiếng nói mới trong điêu khắc đương đại
Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn 2024 hội tụ khối lượng đồ sộ gần 100 tác phẩm của 37 điêu khắc gia thuộc nhiều thế hệ, từ nhiều vùng miền trên cả nước, bao gồm những gương mặt quen thuộc và sự xuất hiện của những tên tuổi mới. Triển lãm góp thêm tiếng nói về một loại hình nghệ thuật chưa được công chúng Việt Nam quan tâm nhiều và chưa thực sự có thị trường ở Việt Nam.
Góp mặt trong Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn 2024 có các nghệ sĩ Đào Châu Hải và Lê Thị Hiền thuộc thế hệ tiên phong của điêu khắc hiện đại Việt Nam, cùng những tên tuổi như Đào Tân, Đinh Duy Tôn, Đỗ Hà Hoài, Hoàng Mai Thiệp, Hoàng Tường Minh, Huỳnh Bảo Trung, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Anh Vũ, Lê Hoàng Phi Hùng, Lê Lạng Lương, Lê Quý Đức, Lê Xuân Cang, Lương Trịnh, Nguyễn Duy Mạnh, Nguyễn Huy Tính, Nguyễn Kiến Thức, Nguyễn Nguyên Hà, Nguyễn Thế Trường, Nguyễn Thị Kim Liên, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Tuấn Hoàng, Nguyễn Vinh, Phạm Bảo Sơn, Phạm Đình Tiến, Phạm Đình Tuấn, Phạm Nguyễn Quốc Huy, Phạm Quang Ngọc, Phạm Thái Bình, Phạm Văn Tuấn, Thái Nhật Minh, Trần Đình Thắng, Trần Trọng Tri, Trần Việt Hưng và Vũ Tuấn Đạt.
Đó là những tiếng nói đặc sắc của các nghệ sĩ trẻ dựa trên nền văn hóa bản địa đặc sắc nơi họ sinh ra. Các nghệ sĩ điêu khắc đã tiếp nối và mở rộng khuynh hướng sáng tạo của mình. Điều thú vị là triển lãm lần này rất phong phú và đa dạng về chất liệu, trong đó bao gồm những chất liệu độc đáo như vật liệu tổng hợp, kim loại, đá, sợi, keo bọt nở, các vật dụng hằng ngày... Cảm hứng về đề tài cũng rất phong phú, từ những chủ đề tình yêu hay thiên nhiên, cho tới những nỗi niềm, chiêm nghiệm về cuộc sống, thời đại hoặc đôi khi là câu chuyện của từng cá nhân. Qua đó, triển lãm phản ánh phần nào những diễn biến đa dạng, đa chiều của điêu khắc Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt, năm nay, theo nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, thành viên ban tổ chức, chất lượng các tác phẩm nổi trội và đồng đều, có tác phẩm cao tới 3 m, có sắp đặt diện tích tối thiểu 8 m x 3 m, có tác phẩm nặng tới 200 kg. “Đó là những tác phẩm có công sức và tầm vóc vượt qua giới hạn của một triển lãm thông thường, ngay triển lãm điêu khắc toàn quốc cũng không có sự đồ sộ như vậy” - anh khẳng định.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Trường đến từ TP Hồ Chí Minh mang theo hai tác phẩm “Thiết Âm” và “Hệ thống mũi nhọn”. Anh chia sẻ, anh luôn tìm cách cô đọng những vấn đề mình nhìn thấy theo góc nhìn của mình và trình diễn ra công chúng. “Hai tác phẩm khi sáng tác rất khác biệt, đánh dấu hai chặng đường trải nghiệm nghệ thuật của bản thân, giống như hai giai đoạn của cuộc đời, tuổi trẻ có thể cầu kỳ, nhiều ước mơ và xù xì hơn nhưng đến một giai đoạn nào đó, con người lại cần sự đơn giản, tĩnh lặng”, anh chia sẻ. Nghệ sĩ Lê Thế Trường cũng khẳng định, điều quan trọng là mỗi người nghệ sĩ phải tìm cho mình một tiếng nói riêng, không bị trộn lẫn với đám đông, không giống bất kỳ ai trong quá khứ. Bởi, điều tối kỵ của nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng là sự lặp lại, giống nhau. Chất liệu, văn hóa truyền thống chỉ là nền tảng cho nghệ sĩ đi xa trên hành trình của mình.
Định vị nghệ thuật tạo hình đương đại
Sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu và văn hóa truyền thống là một hướng đi bền vững, độc đáo giúp người nghệ sĩ đi xa trên hành trình của mình. Trong điêu khắc, một loại hình nghệ thuật chưa được phổ cập như hội họa hay nhiếp ảnh, tiếng nói ấy càng bộc lộ rõ nét dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Đào Châu Hải, người sáng lập chuỗi Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn cho biết, quan điểm xuyên suốt của hoạt động này là phát triển ngôn ngữ và chất liệu điêu khắc đương đại tương quan với sự phát triển của công nghệ và đời sống xã hội. Gắn bó với điêu khắc thời gian dài, nghệ sĩ Đào Châu Hải nhận định, trong sự phát triển chung của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc đương đại Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào đời sống xã hội qua những công trình, tượng, tượng đài. Tuy nhiên, loại hình này chưa có chỗ đứng trên thị trường như hội họa, đồ họa.
Nhà nghiên cứu - phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông nhận định: “Sự phát triển trong hoạt động của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập tiên phong, những người kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc. Nhưng, trên hết, điểm nhấn sau một thập niên hoạt động chính là sự ghi nhận các cá nhân - những người vượt ra tên tuổi của nhóm, định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam”.
Theo nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, các nghệ sĩ điêu khắc ở hai miền Nam - Bắc có quan điểm nghệ thuật khác nhau, dựa trên tập quán văn hóa, địa lý của từng vùng. Các tác phẩm của họa sĩ miền Bắc thâm trầm, êm đềm hơn, câu chuyện thường ở đằng sau hình thể tác phẩm được hiện diện, bày tỏ. Các tác giả phía Nam thường kể câu chuyện trực tiếp, kèm theo đó là yếu tố của sự khuếch trương, bông lơn, hài hước. Hai màu sắc tương đối bổ trợ cho nhau để triển lãm đa dạng, phong phú hơn, thể hiện những cái nhìn mới mẻ, ấn tượng của điêu khắc Việt Nam đương đại.
Từ góc nhìn của một khách tham quan triển lãm, anh Trần Đức Dũng - sinh viên kiến trúc chia sẻ rằng, anh choáng ngợp trước không gian trưng bày của các nhà điêu khắc, bởi nó bộc lộ tinh thần và sự sáng tạo không giới hạn của người nghệ sĩ, một không gian mang linh hồn con người, bộc lộ bản năng vốn có của con người từ thuở sơ khai và điều đáng quý hơn là nó thấm đẫm tinh thần của cha ông từ xa xưa trong từng họa tiết.“Điều tôi mong muốn là làm thế nào để các tác phẩm này đến gần hơn với công chúng chứ không chỉ trưng bày tại các cuộc triển lãm” - Dũng chia sẻ.
Điêu khắc đương đại Việt Nam đang từng bước định vị mình trên bản đồ nghệ thuật với những tác phẩm ấn tượng. Thế nhưng, theo nghệ sĩ Phạm Đình Tiến, không gian trưng bày cho nghệ thuật điêu khắc tại Việt Nam hiện quá ít. Hiện nay có nhiều tác phẩm chất lượng, thấy rõ sự sáng tạo và thông điệp tích cực, song kích thước lớn, thiếu không gian phù hợp trưng bày nên khó lan tỏa rộng rãi đến công chúng. “Điều các nghệ sĩ mong mỏi là có nhiều không gian cho điêu khắc, đặc biệt là các không gian công cộng, không gian ngoài trời để sáng tạo được bung nở, đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn”, anh nhấn mạnh.
Cũng vì thiếu không gian trưng bày, nên điêu khắc có ít cơ hội tiếp cận với công chúng, đó cũng là một hạn chế để phát triển thị trường điêu khắc ở Việt Nam. Theo kiến trúc sư Hoàng Minh Tuệ, mỹ thuật cần được xem xét như một yếu tố gắn liền với kiến trúc, góp phần nâng tầm không gian sống. Vì vậy, trong các thiết kế, kiến trúc sư nên xem xét để đưa vào các tác phẩm điêu khắc phù hợp. Kiến trúc sư Hoàng Minh Tuệ cũng cho rằng, cần có thêm nhiều không gian trưng bày tác phẩm điêu khắc để hình thành khả năng cảm thụ nghệ thuật cho công chúng, từ đó, mỗi người sẽ thấy cần thiết trong việc sử dụng tác phẩm điêu khắc để làm đẹp, nâng tầm cảnh quan. Có như thế, thị trường điêu khắc mới phát triển, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới của các nghệ sĩ.