Trào lưu đưa phim truyền hình kinh điển màn ảnh rộng

Chủ Nhật, 10/03/2024, 08:26

Phim truyền hình "Kính vạn hoa" đình đám một thời sắp được tái ngộ khán giả dưới phiên bản điện ảnh. Đây là một trong loạt dự án chuyển thể phim truyền hình Việt Nam kinh điển lên màn ảnh rộng sau bước đi dò đường của "Đất rừng phương Nam". Dù còn nhiều tranh cãi nhưng hiện tượng này đang trở thành "mốt" của làng Nghệ thuật thứ bảy.

Phim điện ảnh "Kính vạn hoa" được nhà sản xuất Galaxy giao phó cho đạo diễn Võ Thanh Hòa. Dự kiến phim sẽ được khởi chiếu cuối năm nay. Hiện dự án đang trong quá trình tuyển chọn diễn viên cho bộ ba vai chính Quý Ròm, Hạnh và Tiểu Long. Cách đây 20 năm, bản truyền hình do đạo diễn Nguyễn Minh Chung, Đỗ Phú Hải chuyển thể từ bộ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gây ấn tượng mạnh với công chúng bấy giờ. Ký ức về phim "Kính vạn hoa" gắn với kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp của khán giả nhiều thế hệ.

Trào lưu đưa phim truyền hình kinh điển màn ảnh rộng -0
Poster phim điện ảnh “Kính vạn hoa” bị khán giả chê cẩu thả.

Bộ ba diễn viên gồm Ngọc Trai (vai Quý Ròm), Anh Đào (vai Hạnh) và Vũ Long (vai Tiểu Long) cũng thành danh từ bộ phim học trò nổi tiếng này. Thậm chí diễn viên Ngọc Trai "chết tên" với Quý Ròm và mãi không vượt qua được cái bóng vai diễn dù sau này anh tham gia khá nhiều bộ phim khác. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết, đọc bộ truyện và xem bản truyền hình, anh luôn ao ước mang câu chuyện học trò tinh nghịch này ra rạp theo cách riêng của mình. "Tôi từng làm nhiều phim nhưng chưa có dự án chuyển thể nào. Tôi sẽ thực hiện bộ phim trên tinh thần độc lập, mang hơi thở thời đại hơn so với truyện gốc".

Ngoài "Kính vạn hoa", sắp tới phòng vé sẽ gặp lại loạt "người quen" gây thương nhớ một thời. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết  đang bắt đầu triển khai làm mới phim truyền hình "Số đỏ" và "Thằng Bờm". "Điện ảnh Việt Nam thiếu vắng hẳn phim trào phúng, dòng phim mà tôi rất yêu thích. Những vấn đề nhức nhối mà hai phim truyền hình này châm biếm, đả kích luôn phù hợp với mọi thời đại bởi nó rất thời sự. Do đó tôi muốn đưa nó lên màn ảnh rộng, khai thác lại với góc nhìn của con người ngày hôm nay. Chắc chắn sẽ rất thú vị" - anh chia sẻ. Riêng nhà sản xuất CGV lại chọn "Người đẹp Tây Đô" (đạo diễn Lê Cung Bắc, lên sóng truyền hình năm 1996) gắn liền với tên tuổi diễn viên Việt Trinh để phóng tác bản điện ảnh mang tên "Người đẹp Tây Đô - Chuyện đời chưa kể". Cuộc đời làm dâu đẫm nước mắt của nàng Bạch Cúc sẽ được khai thác sâu hơn ở bản điện ảnh. Tương tự "Kính vạn hoa", dự án cũng đang trong quá trình tuyển chọn diễn viên cho những vai nặng ký.

Phát súng tiên phong cho trào lưu remake (làm lại) phim truyền hình cũ ăn khách phải kể đến "Đất rừng phương Nam" - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Phim tái dựng hành trình đi tìm cha của cậu bé An như phim truyền hình "Đất phương Nam" nhưng bản điện ảnh lại chú trọng dệt nên bản anh hùng ca bất khuất của dân tộc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Nhìn vào hành trình gian nan của bộ phim này mới thấy việc remake phim truyền hình Việt Nam kinh điển là thử thách vô cùng cam go. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, làm lại tác phẩm kinh điển giúp bản mới thu hút sự chú ý ban đầu của khán giả, dễ gọi vốn đầu tư. Nhưng cái bóng quá lớn của bản gốc sẽ là trở ngại vô cùng khó khăn cho nhà sản xuất khi cái mới liên tục bị so sánh với cái cũ.

Ngay khi ý tưởng bản điện ảnh "Đất rừng phương Nam" ra mắt, đông đảo công chúng đều bày tỏ nghi ngại về những vai diễn đã đóng đinh trong lòng người hâm mộ. Đó là An, bác Ba Phi, Võ Tòng, Cò, Tư Mắm… Đến khi dàn nhân vật chính lộ diện, cuộc khẩu chiến càng căng thẳng khi khán giả liên tục đặt Trấn Thành, Mai Tài Phến, bé Hạo Khang… lên bàn cân với những diễn viên cũ như Mạc Can, Lê Quang, Hùng Thuận… Ngày công chiếu là lúc sóng gió ập đến. Dư luận phản ứng gay gắt khi nội dung phim nâng cao vai trò của Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn, khác xa với nguyên tác. Tranh cãi ầm ĩ đến mức buộc Cục Điện ảnh phải yêu cầu đoàn phim thay đổi tên của các tổ chức này thì mạng xã hội mới tạm lắng sóng.

Trào lưu đưa phim truyền hình kinh điển màn ảnh rộng -1
Phim truyền hình “Người đẹp Tây Đô” sắp tái ngộ khán giả trên màn ảnh rộng.

Cú vấp của "Đất rừng phương Nam" khiến công chúng ngày càng khắt khe và e dè hơn trước dự án remake phim Việt ăn khách. Với dự án "Người đẹp Tây Đô" hay "Kính vạn hoa", họ không ngừng đặt câu hỏi: ai là người đủ sức vượt qua cái bóng của Việt Trinh, Ngọc Trai, Anh Đào…? Chính ekip bản điện ảnh "Người đẹp Tây Đô" cũng đau đầu tìm người có thể làm sống lại một nàng Bạch Cúc xinh đẹp, thông minh mà kiên cường trên màn ảnh rộng. Dễ hiểu khi đã hơn hai năm từ lúc công bố dự án, ekip vẫn chưa thể tìm được nữ diễn viên có đủ tố chất như Việt Trinh năm nào. Hay như "Kính vạn hoa" vừa tung poster đã bị chê cười vì tạo hình vụng về, tựa như nhờ kỹ thuật AI vẽ hộ. Sự cẩu thả này khiến công chúng đặt dấu hỏi nghi ngờ về chất lượng bộ phim. "Poster là cái khiến khán giả chú ý ngay từ đầu mà còn dùng AI thì nội dung phim còn hy vọng gì nữa" - một khán giả ngao ngán.

Cốt truyện vốn đã được khán giả thuộc nằm lòng sẽ giữ nguyên hay biến tấu ra sao trong vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ trên màn bạc cũng là hằng số buộc đoàn phim giải mã. Nếu giữ nguyên như bản cũ, đương nhiên khán giả sẽ kêu là bắt chước, ăn theo chứ chẳng có gì mới mẻ để xem. Nhưng biến tấu, sáng tạo ra sao để thu hút, không quá đà đến nỗi bị lên án như phim "Đất rừng phương Nam" cũng là điều khó. Khi biết "Kính vạn hoa" sắp có bản điện ảnh, khán giả Nguyễn Vân Dung góp ý: "Tôi nghĩ nội dung cần hư cấu thêm sao cho hấp dẫn gay cấn kiểu phiêu lưu mạo hiểm, chứ hiền lành quá như bản gốc thì khó thu hút giới trẻ hiện giờ". Với khán giả khó tính, dù có sáng tạo, thêm thắt thế nào, họ vẫn cho rằng, việc chuyển thể phim màn ảnh nhỏ sang màn ảnh rộng đang chứng tỏ nhà sản xuất cạn kiệt ý tưởng.

Phản bác lại điều này, nghệ sĩ Trấn Thành cho rằng tại sao các nước, nhất là nước láng giềng Trung Quốc hằng năm cứ làm đi làm lại phim "Tây du ký", "Thần điêu đại hiệp", "Thiên long bát bộ"… mà khán giả của họ vẫn sẵn lòng chào đón? Tất nhiên có phim dở, có phim hay nhưng mỗi phim sẽ mang lại một góc nhìn và trải nghiệm điện ảnh khác nhau cho khán giả. Riêng nước ta thì việc remake này còn rất mới mẻ nên khán giả có thể chưa quen. Theo thuật ngữ chuyên môn, mục đích của remake là cải thiện chất lượng hoặc thay đổi cách thể hiện của phiên bản cũ cho hợp với văn hóa, thị trường hay xu hướng thời đại. Do vậy mỗi thời, mỗi nhà làm phim đều có quyền tùy ý khai thác lại theo góc nhìn của mình. Đó vừa là cách tôn vinh, vừa làm sống lại tác phẩm vang bóng một thời trong phiên bản mới, hợp với thời đại bây giờ cho khán giả thưởng thức. 

Đồng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, cha đẻ của bản truyền hình "Đất phương Nam", cho hay phim truyền hình và phim điện ảnh là hai thể loại khác nhau. Do vậy hình thức thể hiện ở bản truyền hình sẽ rất khác khi đưa lên màn bạc. Không chỉ cảnh quay, góc máy mà cả diễn xuất của diễn viên cũng phải mới mẻ, khác biệt với bản cũ. Theo ông, khán giả nên xóa bỏ bớt định kiến và cởi mở hơn với dòng phim điện ảnh làm sống lại tác phẩm truyền hình kinh điển. Ai hoài niệm quá khứ cứ thoải mái xem bản cũ. Ai yêu sự đổi mới, phá cách hơn thì xem bản mới. Không ai cấm cản ai. Điều tiên quyết là anh phải làm hay, cuốn hút chứ đừng là cái bóng nhạt nhòa, ăn theo bản cũ. 

Thận trọng hơn, biên kịch Kay Nguyễn cho rằng lần đầu đưa phiên bản truyền hình lên màn ảnh rộng, đạo diễn cần cho khán giả sống lại ký ức quen thuộc một thời. Sự sáng tạo, mới mẻ của bản điện ảnh chỉ nên làm khán giả ngỡ ngàng ở dàn diễn viên, hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo hiện đại, mãn nhãn mà chỉ trên màn ảnh rộng mới có. Ở những phiên bản sau, nhà làm phim có thể mạnh tay thêm thắt để khán giả làm quen và chấp nhận.

Mai Quỳnh Nga
.
.