Trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021: Chờ đợi những trang viết nhân văn

Thứ Sáu, 18/02/2022, 14:28

Sáng 14-2-2022, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng năm 2021 và kết nạp hội viên mới cho 34 tác giả. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, từ năm nay, lễ Trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và kết nạp hội viên mới sẽ được tổ chức vào dịp rằm tháng giêng hàng năm. Sự thay đổi này nhằm tạo ra không khí mới mẻ, tươi vui, khí thế, nguồn lực mới và điều này cũng như một sự khích lệ, động viên, chờ đợi những trang viết nhân văn sẽ ra đời...

Có thể nói, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam cho đến nay vẫn là giải thưởng được người viết cũng như độc giả chờ đợi, bởi vì đó là sự tổng kết, đánh giá cho thành tựu sáng tạo của các nhà văn ở mọi lứa tuổi. Năm 2021 vừa qua, tổng số các tác phẩm mà Hội Nhà Văn Việt Nam nhận được đề cử xét giải thưởng văn học là 216 tác phẩm, trong đó có 70 tác phẩm văn xuôi, 91 tác phẩm thơ, 20 tác phẩm văn học dịch, 19 tác phẩm văn học thiếu nhi và 16 tác phẩm thuộc thể loại lý luận phê bình. Hội đồng sơ khảo đã đề cử lên Hội đồng chung khảo các tác phẩm ưu tú để bàn luận, đánh giá và bỏ phiếu.

Chung cuộc, các tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn năm nay gồm có: Ở thể loại văn xuôi: Tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng" của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Về lý luận phê bình: "Văn bản và sự bất ổn của chữ" của Trương Đăng Dung. Về văn học dịch: Tác phẩm hồi ký "Châu Phi nghìn trùng" (Isak Dinesen - dịch giả Hàn Thế Giang). Văn học thiếu nhi: "Mùa tiểu học cuối cùng" của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa và không có giải thưởng ở hạng mục thơ. Ngoài ra, năm nay Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao giải "Nhà văn nữ ấn tượng" cho 2 nhà văn là Mai Hường và Huệ Triệu (làm việc và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh).

Trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021: Chờ đợi những trang viết nhân văn -0
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (bìa trái) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho các tác giả.

Lý giải về việc tại sao ở hạng mục giải thưởng thơ năm nay lại để trống, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Ở thể loại thơ, có 3 tập thơ vào chung khảo đó là: "Xứ, rung một ngọn mây" của tác giả Trần Lê Khánh, "Hoa linh thảo" của Nguyễn Linh Khiếu và "Ghi chú sau mây" của Hữu Thỉnh. Nhưng đến phút cuối, nhà thơ Hữu Thỉnh lại đề nghị xin rút khỏi giải thưởng, còn lại 2 tác phẩm thì qua vòng bỏ phiếu lại không có tác phẩm nào đạt số phiếu quá bán. Cuối cùng, Ban Chấp hành đã thống nhất đề cử tập thơ "Xứ, rung một ngọn mây" của tác giả Trần Lê Khánh là tác phẩm có số phiếu cao nhất của Hội đồng thơ và cả Ban Chấp hành cho giải thưởng của Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và tác phẩm đã được trao giải thưởng xuất sắc…".

Đối với văn xuôi, có 2 tác phẩm được đề cử lên Hội đồng chung khảo là tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng" của nhà văn Nguyễn Bình Phương và tập truyện ngắn "Nhà thánh" của Vũ Thanh Lịch. Tác phẩm "Một ví dụ xoàng" đạt số phiếu tuyệt đối cả ở Hội đồng văn xuôi và Hội đồng chung khảo (là các thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam) để đoạt giải.

Về thể loại văn học thiếu nhi, sau hơn 10 năm vắng bóng trong hệ thống giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, ở lần trở lại này, Hội nhà văn Việt Nam đã trao vinh dự này cho nhà văn Lê Văn Nghĩa với tác phẩm "Mùa tiểu học cuối cùng". Rất tiếc, nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa qua đời hồi cuối tháng 7-2021 do bạo bệnh, nên giải thưởng này sẽ được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trao tới tận tay gia đình trong chuyến công tác tới đây của ông vào TP. Hồ Chí Minh.

Còn ở hạng mục văn học dịch, đã có 3 tác phẩm lọt vào chung khảo đó là: "Ngày tàn để lại" (Kazuo Ishiguro - dịch giả An Lý), "Mông Cổ bí sử" do Ngô Trần Trung Nghĩa dịch và "Châu Phi nghìn trùng" (Isak Dinesen - dịch giả Hàn Thế Giang). Trong đó, "Châu Phi nghìn trùng" là cuốn hồi ký đặc sắc mà tác giả của nó đã 2 lần được đề cử giải Nobel Văn học vào năm 1954 và 1957. Bản dịch của dịch giả Hàn Thế Giang được đánh giá là đã chuyển ngữ rất thành công tác phẩm này khi chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ văn chương chau chuốt, tinh tế. Đây là một trong những tác phẩm dịch mà không nhìn thấy sự vấp váp của ngôn tự và người đọc có thể cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ tương xứng với vẻ đẹp mà nó diễn tả.

Tại buổi lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 và kết nạp hội viên mới cho 34 tân hội viên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng các đại biểu, các nhà văn, nhà thơ có mặt đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ 35 nhà văn Việt Nam đã ra đi trong hơn 1 năm qua. Ông cũng vui mừng chia sẻ: "Sau khi phát động cuộc thi viết cho thiếu nhi, NXB Hội Nhà văn đã chuẩn bị in lứa sách đầu tiên để đem sách đến tận tay cho thiếu thi các vùng miền khó khăn như miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long bằng nguồn kinh phí được xã hội hóa. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục chờ đợi những trang viết nhân văn cất tiếng!".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Mỗi tác phẩm của Nguyễn Bình Phương là một sáng tạo độc đáo

Trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021: Chờ đợi những trang viết nhân văn -0

"Một ví dụ xoàng" có tính khái quát rất cao một thực trạng không thể chối bỏ của xã hội chúng ta. Từ vụ án người buôn 4 cân chè mà mất 2 mạng người từng rúng động đất Thái Nguyên thời bao cấp, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã dựng lại cả một thời đói khổ, vô lý, ấu trĩ, khốn đốn, nghiệt ngã, cái ác đã lên ngôi. Đặc biệt, qua nhân vật chính, tác phẩm đã khai thác sâu sắc về thân phận của một con người. Ở anh ta đã tập hợp đủ các tính cách: trí thức có, giang hồ, anh hùng hảo hán có, tình yêu đích thực có, sấp ngửa với cơm áo gạo tiền… và cuối cùng phải cay đắng chấp nhận cái chết vì một lý do vớ vẩn không thể chấp nhận được ở bất kỳ thời đại nào.

Cả tiểu thuyết chỉ có mấy nhân vật, nhưng tác giả đã tạo dựng từng nhân vật một cách độc đáo. Tiểu thuyết dựng lên một không gian mà cái ác bao trùm khiến người đọc bị cuốn theo mê trận, đau đớn, xót xa và bừng tỉnh. Cuộc truy tìm đến tận cùng nguyên nhân của một cái chết, cái kết của một vụ án là cuộc truy tìm thời cuộc. Cái chết của một con người cho dù con người thế nào cũng không thể là một ví dụ xoàng. Vụ án hình sự có thể chỉ kết thúc trong một phiên tòa, nhưng vụ án lương tâm vẫn tiếp tục mở ra ngày ngày để phán xử sự vô cảm và giá lạnh của con người trước sinh mệnh của con người đang có nguy cơ mỗi lúc một lan rộng.

"Một ví dụ xoàng" là một bản luận tội một thứ tội ác không có bản án. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Bình Phương là một sáng tạo mới mẻ, độc đáo và hiện đại. Nguyễn Bình Phương đã dựng lên một giọng điệu riêng biệt của tiểu thuyết đương đại Việt Nam qua từng tác phẩm cho tới "Một ví dụ xoàng".

Nhà thơ Trương Đăng Dung: "Lý luận văn học với tôi như một diễn ngôn khác"

Trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021: Chờ đợi những trang viết nhân văn -0

Có thể nói, giải thưởng này là sự ghi nhận, động viên của giới nghiên cứu và sáng tác cho những nỗ lực của tôi trên hành trình học tập, nghiên cứu và sáng tác văn học nhiều năm qua. Cách đây hơn 10 năm, trong lời cảm ơn Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải thưởng cho tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng" của tôi, tôi có nói: "Thơ là sự diễn đạt các trạng thái tồn tại người một cách tự nguyện", thì hôm nay tôi xin phép được nói thêm rằng: "Lý luận văn học là sự khám phá cái đặc trưng bản thể của văn bản văn học một cách khoa học".

Đối với tôi, hai lĩnh vực nghiên cứu lý luận văn học và sáng tác thơ không có gì mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau bằng sự khác biệt để ngỏ của mỗi lĩnh vực. Lý luận phê bình diễn giải cái thế giới nghệ thuật của nhà thơ qua văn bản văn học, còn nhà thơ thì khám phá thế giới bên ngoài thông qua thế giới bên trong của chính mình. Tôi cần đến thơ như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được "cái tôi bất an" trước thế giới. Và tôi cần đến lý luận văn học như một diễn ngôn khác có thể khám phá những "bất ổn học thuật" trước cái đối tượng phức tạp mang tên tác phẩm văn học - điều mà trong thơ tôi không thực hiện được.

Nguyệt Hà
.
.