Tranh "triệu đô" giao dịch trên sàn đấu giá quốc tế: Vẫn là sức hút từ mỹ thuật Đông Dương

Thứ Năm, 30/12/2021, 14:47

Vừa qua, Viện Pháp tại Việt Nam đã công chiếu bộ phim tài liệu "Mai Thứ: Hành trình trở lại Mâcon của một nghệ sĩ đa tài" được thực hiện trong khuôn khổ triển lãm cá nhân của họa sĩ Mai Trung Thứ có tên "Mai Trung Thứ (1906-1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ". Bộ phim thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả Việt, đặc biệt là những người quan tâm đến hội họa, nhất là sau khi bức tranh "Chân dung cô Phương"của họa sĩ Mai Trung Thứ cán mốc 3,1 triệu USD và trở thành bức tranh đắt giá nhất của họa sĩ người Việt trên sàn đấu giá quốc tế...

Hiện tượng Mai Trung Thứ…

Triển lãm "Mai Trung Thứ (1906-1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ" được phối hợp tổ chức bởi bảo tàng Ursulines (Mâcon) và Bảo tàng Cernuschi. Diễn ra tại bảo tàng Ursulines, thành phố Mâcon (Pháp), triển lãm đã thu hút được hơn 10.000 lượt khách tham quan từ ngày mở cửa hôm 16-7. Chính vì sự quan tâm lớn này của công chúng, ban tổ chức đã quyết định kéo dài thời gian triển lãm thêm hai tháng: tới ngày 2/1/2022, thay vì 24/10/2021 như dự kiến ban đầu để công chúng có thêm thời gian đến chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa của một họa sĩ người Việt tài năng và thành công trên đất Pháp.

Các nhà đồng tổ chức triển lãm "Mai Trung Thứ (1906-1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ" là giám tuyển chuyên nghiệp của bảo tàng Cernuschi - bảo tàng thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia Pháp, chuyên trưng bày các hiện vật nghệ thuật châu Á - cùng sự giúp đỡ, tư vấn của bà Mai Lan Phương, con gái họa sĩ Mai Trung Thứ.

Tranh
Tác phẩm "Chân dung cô Phương" ("Portrait of Mademoislle Phuong") của họa sĩ Mai Trung Thứ được bán với mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD hồi tháng 4/2021.

Triển lãm đã trưng bày 140 bức họa gốc của họa sĩ, trong đó có nhiều bức chưa từng xuất hiện trước công chúng. Ngoài trưng bày tác phẩm, triển lãm còn có nhiều tài liệu, hình ảnh tái hiện hành trình nghệ thuật của người họa sĩ theo trình tự thời gian được chia làm 3 giai đoạn: Tuổi trẻ của Mai Trung Thứ ở Việt Nam (1906 - 1937); Những tháng ngày ở Mâcon - nơi tạo bước ngoặt trong phong cách của họa sĩ (1940 - 1942); Sự nghiệp hội họa tại Pháp (1938 - 1980). Một niềm vinh dự lớn hơn, triển lãm "Mai Trung Thứ (1906 - 1980), tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ" được quảng bá rộng rãi ở Pháp.

Bên cạnh đó, một triển lãm bên lề với các bức tranh bản in được dựng trước một trong những ga lớn nhất ở Paris - ga De Lyon - cũng thu hút được sự quan tâm của công chúng Paris. Điều này thêm một lần nữa khẳng định tên tuổi, vị thế, tài năng và sức ảnh hưởng của họa sĩ Mai Trung Thứ đối với nền hội họa Pháp và nền hội họa của cố hương Việt Nam.

Mai Trung Thứ là họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, được đánh giá là "một trong những họa sĩ đầu tiên đưa hội họa Việt Nam hội nhập với xu thế hiện đại". Các tác phẩm của ông được cho rằng "là một tổng hòa hoàn hảo giữa truyền thống phương Đông và truyền thống phương Tây". Phần lớn cuộc đời sáng tác của ông là khi ông sinh sống trên đất Pháp nhưng lại rất Việt Nam với màu sắc truyền thống xuyên suốt.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu và phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp, họa sĩ Mai Trung Thứ đã tạo ra một phong cách giao thoa, vừa phản ánh nguồn gốc, phong cách Á châu của mình vừa cuốn hút công chúng phương Tây.

Tác phẩm "Chân dung cô Phương" ("Portrait of Mademoislle Phuong") - từng được ví von là "nàng Mona Lisa của Việt Nam" -  một tác phẩm được họa sĩ vẽ năm 1930 khi ông đang là giáo viên ở Huế, đã được gõ búa với mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD (tương đương hơn 72,3 tỉ đồng) trong buổi đấu giá ở nhà đấu giá Sotheby's (Hong Kong) hồi tháng 4-2021, trở thành tác phẩm có giá bán công khai cao nhất của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm này từng được bày triển lãm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 trước khi sang Pháp dự triển lãm Quốc tế Thuộc địa tại Paris năm 1931.

Cùng với  các họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, họa sĩ Mai Trung Thứ được mệnh danh là một trong “tứ kiệt trời Âu” của hội họa Việt Nam và cũng là những tên tuổi họa sĩ Việt có tranh được giao dịch với giá cao nhất hiện nay trên các sàn đấu giá của quốc tế.

Còn nhiều nghi vấn

Tên tuổi các danh họa người Việt có tranh được giao dịch công khai đến nay vẫn là các họa sĩ nổi tiếng của thời kỳ họ theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài bộ "tứ kiệt" bao gồmVũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ và Mai Trung Thứ có giá bán tranh cao, một số danh họa khác của Việt Nam cũng đã có tranh được giao dịch ở mức "triệu đô" như Tô Ngọc Vân, Phạm Hậu và tiếp tục khẳng định thành tựu vượt bậc của một số họa sĩ trưởng thành từ Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Trước Mai Trung Thứ, năm 2019 bức tranh "Nude" của họa sĩ Lê Phổ đã được giao dịch trong phiên đấu giá "20th Century & Contemporary Art" của nhà đấu giá Christie's tại Hồng Kông với giá lên tới 1,4 triệu USD. Một số tác phẩm khác của họa sĩ Lê Phổ từng vượt qua mốc triệu đô, trong đó có bức "Family Life" (Đời sống gia đình) đã được bán với mức giá 1,2 triệu USD (năm 2017) và trong năm 2021, một bức tranh sơn dầu tự họa của họa sĩ Lê Phổ và bức "Thiếu nữ choàng khăn" đã được bán với giá lần lượt là 1,052 triệu USD và 1,112 triệu USD.

Ngoài Mai Trung Thứ và Lê Phổ, tên tuổi các họa sĩ người Việt có tranh được giao dịch vượt mốc "triệu đô" còn có họa sĩ Tô Ngọc Vân và Phạm Hậu - đều là 2 học trò xuất sắc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong đó tác phẩm "Vỡ mộng" của Tô Ngọc Vân được bán với giá 1,1 triệu USD; 2 tác phẩm của họa sĩ Phạm Hậu cán mốc 1 triệu USD là "Phong cảnh chùa Thầy" (giao dịch trong phiên đấu giá tháng 4-2021) và "Chín con cá chép trong hồ nước" (giao dịch trong phiên đấu giá tháng 2-2019).

Tranh
Tác phẩm "Family Life" (Đời sống gia đình) của họa sĩ Lê Phổ mặc dù đã được đấu giá thành công ở mức 1,2 triệu USD nhưng vẫn tồn tại nhiều nghi vấn.

Xung quanh các tác phẩm được trả giá rất cao trong các phiên đấu giá quốc tế liên quan đến các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương thời gian qua cũng có rất nhiều nghi vấn. Nạn tranh giả trà trộn cùng với câu hỏi nghi vấn có hay không sự câu kết để "thổi giá" tranh từ các nhà đầu tư và tổ chức đấu giá? Sức hút của các tên tuổi họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương đã khiến nhiều kẻ đầu cơ trục lợi, tổ chức làm, buôn bán tranh giả, tổ chức triển lãm trong nước để "hợp lý hóa hồ sơ" về các tác phẩm giả như vụ triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu". Đồng thời, thời gian các họa sĩ đã mất càng lâu thì càng khó kiểm chứng nên có người cho rằng đã hình thành một đường dây làm giả tranh của các họa sĩ thời “Mỹ thuật Đông Dương” có tính chất "xuyên quốc gia".

Đơn cử như, năm 2016 nhà đầu giá Christie's tại Hồng Kông đã bán bức "Thuyền trên sông Hương" của họa sĩ Tô Ngọc Vân với giá 57.000 USD và bức "Lady of Hue" của Lê Văn Đệ với mức giá 89.000 USD nhưng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn đang có 2 bức tranh giống hệt như vậy và đại diện bảo tàng khẳng định rằng có hồ sơ mua 2 tác phẩm của hai họa sĩ này. Vào tháng 9/2019, nhà đấu giá Sotheby's Hồng Kông cũng đã phải rút hai bức tranh có tên "Lá thư" của Tô Ngọc Vân và "Hai cô gái" của Trần Văn Cẩn ra khỏi phiên đấu giá vì bị cho là tranh giả. Ngay cả bức "Family Life" (Đời sống gia đình) của Lê Phổ mặc dù đã được đấu giá thành công ở mức 1,2 triệu USD thì vẫn đang tồn tại nhiều nghi vấn cho rằng đó là một bức... tranh giả.

Làm sao để có một thị trường "mỹ thuật sạch", minh bạch vẫn là câu hỏi đầy trăn trở của nhiều người, trong đó có công tác quản lý các tác phẩm quý hiếm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Một số họa sĩ là con của các danh họa nổi tiếng như Tô Ngọc Thành (con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân), Bùi Thanh Phương (con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái) đã nhiều lần khẳng định với truyền thông, một số tác phẩm của cha họ đã bị sao chép nhiều lần để đem bán trục lợi. Tuy nhiên, với việc tranh Việt được đánh giá cao trên các sàn đấu giá quốc tế cũng đem đến cho hội họa Việt Nam niềm hi vọng như tác phẩm “Gia đình ngư dân” của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914 - 2006) được bán với giá 4.685.000 HKD (13,8 tỉ đồng) hay tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài (sinh năm 1967) thường xuyên đạt mức giá cao chót vót trong các phiên đấu giá trong nước và quốc tế. Những điều này đã khiến nhiều họa sĩ đương đại quan tâm và đầu tư hơn cho công việc sáng tác của mình, mong muốn hướng đến một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp, bền vững.

Nguyệt Hà
.
.