Tranh kính dân gian Nam bộ: Tiếp bước trăm năm

Thứ Sáu, 18/08/2023, 20:33

Tranh kính có tuổi đời khá trẻ so với các dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng dưới cơn lốc đô thị hóa, dòng tranh từng rất thịnh hành ở Nam bộ này cũng rơi vào mai một. Để tranh hồi sinh trong nhịp sống hiện đại là thách thức không nhỏ, đòi hỏi hành trình tiếp nối đầy sáng tạo của người trẻ.

Triển lãm "Tranh kính dân gian Việt Nam" và buổi ra mắt bộ sách cùng tên tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7 thu hút rất đông khách đến thưởng lãm. Đây là triển lãm hiếm hoi về tranh kính bởi loại tranh này rất dễ vỡ, khó vận chuyển đi xa nên ít nhà sưu tập ưa chuộng. Khí hậu Việt Nam lại nóng ẩm nên điều kiện bảo quản loại tranh này không được lâu dài. Các công trình nghiên cứu về tranh kính còn khá rời rạc, ít ỏi. Những yếu tố đó cộng với tính độc đáo và sự mai một của dòng tranh dân gian từng rất gần gũi với người dân Nam bộ khiến số khách đến dự triển lãm tăng đột biến.

Tranh kính dân gian Nam bộ: Tiếp bước trăm năm -0
Triển lãm “Tranh kính dân gian Việt Nam” thu hút sự chú ý của người yêu nghệ thuật.

Theo các tài liệu nghiên cứu, nghệ thuật vẽ tranh trên kính xuất hiện ở Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19 trong cung đình nhà Nguyễn. Các tác phẩm đầu tiên do vua Thiệu Trị đặt thợ Trung Quốc vẽ về hai mươi cảnh đẹp xứ Huế cùng các bài thơ vịnh của nhà vua. Từ đây, người ta sử dụng thuật ngữ "tranh gương cung đình Huế" để chỉ những tác phẩm tranh kính trong hoàng cung và giới quý tộc Huế.

Dòng tranh kính Nam bộ xuất hiện muộn hơn, khoảng đầu thế kỷ 20 khi cùng cộng đồng Hoa Kiều Quảng Đông, Minh Hương đặt chân vào miền Nam. Dù có chung chất liệu là vẽ tranh trên kính nhưng chủ đề, đề tài, thẩm mỹ của tranh kính Nam bộ hoàn toàn khác với tranh gương cung đình Huế. Nó gần gũi với đời sống dân gian, nhất là nhu cầu tín ngưỡng. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi phân tích, sở dĩ hơn 100 năm qua, người miền Nam không gọi là tranh kính mà gọi là tranh kiếng vì húy kỵ nguyên danh Nguyễn Hữu Kính của võ tướng Nguyễn Hữu Cảnh. Ông là vị đại thần có công lớn trong việc mở mang bờ cõi phương Nam.

Chợ Lớn - Sài Gòn là nơi tranh kính Nam bộ cắm rễ và phát tiết rực rỡ. Cộng đồng người Hoa ở đây đã đưa tranh kính phổ biến trong đời sống thường nhật của người dân bản xứ dù mới đầu các tác phẩm tranh kính dùng để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của dân nhập cư. Dần dần người Việt cũng theo vào làm thợ rồi học được nghề. Các tác phẩm tranh kính sau này khai thác thêm nhiều đề tài phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Việt. Từ Chợ Lớn, nghề tranh kiếng phát triển thịnh đạt với nhiều phong cách riêng biệt ở Lái Thiêu (Bình Dương), Gò Công, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), Bà Vệ/ Chợ Mới (An Giang)… Khoảng năm 1940-1950, dòng tranh này có mặt khắp Nam Kỳ lục tỉnh và nhiều vùng miền cả nước.

Họa sĩ, PGS.TS Trang Thanh Hiền cho biết: "Cũng giống như các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình, tranh kính Nam bộ có đến bốn chủ đề gồm: Tranh tôn giáo, thờ cúng, bùa chú chấn trạch; Tranh chúc tụng cầu phúc; Tranh cảnh vật; Tranh tích truyện. Trong bốn chủ đề này thì tranh tôn giáo thờ cúng, bùa chú chấn trạch được phát triển mạnh nhất. Tranh tích truyện có phần hiếm hơn. Nó thường phục vụ cho nhu cầu sản xuất lắp đặt gương kính vào các loại tủ, giường hay trang trí cho các xe bán mì, hủ tiếu của người Hoa". Theo đó, tranh tôn giáo thờ cúng nổi trội với chủ đề Phật giáo, tranh độ mạng, thờ tổ tiên bằng tranh sơn thủy, tranh chữ… Sự thịnh hành của tranh kính đã giúp nó trở thành dòng tranh trang trí chủ đạo cho các đình chùa, đền miếu, thậm chí cả nhà thờ ở miền Nam.

Nét đặc sắc của tranh kính Nam bộ chính là việc thực hiện từng bức bằng cách vẽ tay chứ không in ấn theo khuôn có sẵn như các dòng tranh mộc bản dân gian khác. Thế nên người vẽ có thể tự do thay đổi màu sắc của tranh cũng như không chỉ tô mảng phẳng đơn thuần. Do ra đời khá muộn nên ngoài chịu ảnh hưởng từ tranh dân gian của người Hoa, dòng tranh này còn tiếp nhận thẩm mỹ nghệ thuật hiện đại. Trên các bức tranh chúc phúc hay tranh sơn thủy, các nghệ nhân đã thể hiện theo luật thấu thị, không gian được diễn tả cận viễn gần xa. Nền trời mây, cây lá được thể hiện theo kiểu đậm nhạt, chấm nét linh hoạt. Kỹ thuật vẽ tranh cũng có nhiều khác biệt và phức tạp khi nghệ nhân, họa sĩ phải vẽ ngược vào mặt sau tấm kính. Để tranh kính thêm hút mắt, lấp lánh, nhiều kỹ thuật mới được sáng tạo như khắc nét tráng thủy, cẩn ốc xà cừ, nhũ bạc…

Hơn 70 bộ sưu tập trưng bày ở triển lãm "Tranh kính dân gian Việt Nam" chỉ là một dòng chảy nhỏ của loại tranh độc đáo này. Các tác phẩm sáng tác từ năm 1920 với nhiều đề tài như tôn giáo, thờ cúng, trấn trạch, trang trí... Tác phẩm xưa nhất là bức Quan Âm Bồ Tát ra đời khoảng năm 1920. Không gian thu hút đông đảo khách ngoại quốc lẫn người trẻ là bàn thờ gia tiên đặt ngay giữa phòng trưng bày. Các bức tranh kính thờ cửu huyền thất tổ được bày biện trang trọng cùng câu đối, hoành phi, lư hương, bình hoa… giúp khách tham quan hiểu rõ vai trò của tranh kính trong không gian thiêng liêng của người Nam bộ xưa.

Các tác phẩm xuất hiện tại triển lãm thuộc bộ sưu tập của tám nhà sưu tầm tư nhân. Trong số đó, có không ít gương mặt có tuổi đời khá trẻ. Đó là Nguyễn Đức Huy, 25 tuổi. Từ một cậu bé không hề biết gì về tranh kính, Huy dần dành tình yêu sâu sắc cho dòng tranh này kể từ khi có dịp gặp gỡ nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cách đây 10 năm. Ấn tượng ban đầu thôi thúc anh tìm hiểu và sưu tập tranh. Riêng Trần Xuân Duy (29 tuổi) là thế hệ kế nghiệp nghề truyền thống từ người cha - nghệ nhân Trần Văn Nhanh. Ông Nhanh có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm tranh kính ở Cần Đước, Long An. Dù cha mẹ không đốc thúc nhưng vì đam mê và xót xa với nghề gia truyền dần phôi phai giữa thời cuộc, Duy nguyện tiếp nối cái nghề của cha ông mình.

Tranh kính dân gian Nam bộ: Tiếp bước trăm năm -1
Bộ trang phục “Kính Kính” lấy cảm hứng từ tranh kính được người đẹp Đặng Thanh Ngân trình diễn tại cuộc thi “Hoa hậu Siêu quốc gia 2023”.

Ông Nhanh kể rằng, những năm thuộc thập niên 90 thế kỷ 20, tranh kính vẫn được người dân ưa chuộng. Cứ dịp Tết lại có những chiếc ghe chở đầy tranh kính đi bán, xuôi về khắp mọi nẻo vì nhà nào cũng muốn thay mới cho bàn thờ gia tiên và trang trí nhà cửa. Ông và gia đình làm không ngơi tay mà vẫn không kịp cho thương buôn đến lấy hàng. Ngày nay, các xưởng làm tranh kính vẫn còn tồn tại nhưng ít nhiều đã phôi phai dấu xưa, nghệ nhân dần bỏ nghề vì ngày càng thưa thớt đơn hàng. Hình thức sản phẩm cũng thay đổi nhiều với cách sản xuất bằng máy móc hiện đại chứ ít thực hiện thủ công. Đi thực tế, PGS.TS Trang Thanh Hiền nhận thấy nhiều cơ sở sản xuất tranh kính không chỉ in lưới nét mà còn in lưới màu khiến bức tranh bị rập khuôn. Dù việc sản xuất công nghiệp làm giảm giá thành nhưng nó góp phần làm mai một nghề tranh kính xưa. 

Nếu Nguyễn Đức Huy, Trần Xuân Duy cố gắng gìn giữ nghề cha ông thì nhà thiết kế Khoa Lỗ đưa tranh kính đến đông đảo bạn bè quốc tế bằng bộ trang phục lấy cảm hứng từ dòng tranh này. Bộ xiêm y mang tên "Kính Kính" của Khoa Lỗ được người đẹp Đặng Thanh Ngân diện ở vòng thi trang phục dân tộc tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2023. Những họa tiết, mảng màu đậm chất dân gian của tranh kính đã giúp cô chinh phục bạn bè quốc tế. 

Triển lãm "Tranh kính dân gian Việt Nam" và bộ trang phục của Khoa Lỗ là một trong số những nỗ lực hiếm hoi để đưa tranh kính trở lại nhịp sống hiện đại. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa hy vọng thông qua triển lãm, tranh kính được đưa về đúng giá trị của nó trong sự phát triển của văn hóa dân tộc. "Chúng tôi mong rằng, thông qua triển lãm này, các công ty, doanh nghiệp, giới sáng tác… để tâm tới việc ứng dụng họa tiết tranh dân gian vào đời sống hiện đại. Sự kiện cũng trao đi tình yêu nghệ thuật đến với thế hệ trẻ, để họ có thể trở thành nghệ nhân hoặc nhà sưu tầm trong tương lai giúp tranh kính dân gian có sức sống mới, bền bỉ hơn, thấm nhuần hơn. Từ đó chúng ta có thể tự hào chung tay cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản của cha ông" - chị bày tỏ.

Mai Quỳnh Nga
.
.