Tranh Hàng Trống - đối thoại xưa và nay

Thứ Năm, 20/04/2023, 11:34

Nối tiếp thành công của dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”, mới đây, triển lãm tranh Hàng Trống tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ tiếp tục mạch câu chuyện về những giá trị của di sản tranh Hàng Trống và sự phát triển của nó trong đời sống đương đại. Điều này cho thấy, truyền thống chỉ thực sự có giá trị khi nó được sống và phát triển trong thời đại hôm nay.

Từ một di sản của quá khứ

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa. Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tranh Hàng Trống phát triển cực thịnh, từng trở thành một phần không thể thiếu trong không gian ngày Tết cổ truyền của người Hà thành. Tranh Hàng Trống có hai nội dung chủ yếu, tranh phục vụ tín ngưỡng tâm linh, trang trí tại các đền, chùa, đình, miếu, phủ, điện thờ ... và phục vụ phong tục chơi tranh cổ truyền.

triển lãm tranh hàng trống- truyền thống và hiện đại.jpg -0
Triển lãm tranh Hàng Trống- truyền thống và hiện đại.

Tranh Hàng Trống được sản xuất tại phố Hàng Trống, Hàng Nón và Hàng Quạt của huyện Thọ Xương xưa kia. Khác với các dòng tranh Đông Hồ hay tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống sử dụng giấy có chiều dài, rộng, nền trơn để họa sĩ có thể dễ dàng trong việc vẽ tranh. Tranh sau khi được in và in ván gỗ thì người nghệ nhân sẽ tiếp tục bồi giấy giúp bức tranh nổi bật bằng những nét đậm và rõ ràng hơn. Với sự đa dạng trong thể loại, tinh tế ở kỹ thuật tạo hình, tranh dân gian Hàng Trống đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa truyền thống, tạo nên cốt cách riêng trong thị hiếu của người Kinh kỳ và là bộ phận không thể tách rời của tranh dân gian Việt Nam.

Nhưng cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội hiện đại, dòng tranh này ngày càng mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất. Nghệ nhân dân gian còn lại cuối cùng, ông Lê Đình Nghiên năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi. Vậy làm thế nào để bảo tồn và phát triển di sản tranh Hàng Trống trong thời đại hôm nay. Nhiều năm nay, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển dòng tranh này trong đời sống đương đại. Lần này, triển lãm trưng bày 23 bức tranh Hàng Trống với các chủ đề tranh thờ và tranh trang trí của nghệ nhân Lê Đình Nghiên do nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung cung cấp. Ở đó, chúng ta sẽ gặp lại ký ức của mình với những bức tranh quen thuộc như “Lý ngư vọng nguyệt”, “Tứ bình”, “Ngũ hổ”, “Tố nữ”... của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, những vẻ đẹp xưa cũ, thể hiện bàn tay tài hoa của nghệ nhân.

Đến hành trình đương đại

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người thực hành và giám tuyển cho nhiều dự án nghệ thuật chia sẻ rằng, truyền thống chỉ thực sự có giá trị nếu nó phát triển trong dòng chảy đương đại và chúng ta phải tạo ra truyền thống trong thời đại của mình. Vì thế, từ năm 2020, lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh này, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” được tổ chức tại đình Nam Hương đã nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền hội họa Việt Nam, đó là chất liệu sơn mài và lụa. Nhóm họa sĩ trẻ (khi đó là sinh viên Khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã tiếp xúc trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm, tình yêu nghề, yêu văn hóa bản sắc bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Vẫn là những thực hành trên chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, giấy dó... nhưng các nghệ sĩ trẻ đã “làm mới” dòng tranh Hàng Trống bằng cách sử dụng tư duy sáng tạo.

Lần này, cũng với tư duy đối thoại đó, triển lãm tranh Hàng Trống bên cạnh trưng bày những bức tranh của nghệ nhân Lê Đình Nghiên là 23 tác phẩm của các họa sĩ trẻ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống trên nhiều chất liệu khác nhau. Các tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Thế Sơn sắp đặt theo từng cặp, một bên là tác phẩm gốc của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và một bên tác phẩm mới đương đại lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc. Cách trưng bày này tạo nên một cuộc đối thoại giữa truyền thống và đương đại, giữa cũ và mới đầy thú vị.

Họa sĩ Nguyễn Thị Như Quỳnh với tác phẩm “Xích hổ tướng quân” bằng lọ sơn mài chia sẻ: “Dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” là dự án muốn đưa dòng tranh rất truyền thống, rất Việt Nam, tranh Hàng Trống thể hiện lên chất liệu truyền thống khác của Việt Nam, tranh sơn mài, tranh lụa. Sau khi quan sát, tìm hiểu, cá nhân tôi thấy tranh Hàng Trống và tranh sơn mài có nhiều điểm giống nhau từ màu sắc, có độ chuyển cho đến tính tỉ mỉ cần có khi vẽ, đặc biệt là chi tiết, nét của tranh Hàng Trống rất hợp để đi nét bằng sơn mài. Chính vì vậy tôi đã tận dụng bản nét của tranh kết hợp với chất liệu tuyệt vời là sơn mài để tranh Hàng Trống có màu sắc mới, đa sắc độ và mang âm điệu vui tươi”.

một số tác phẩm tranh thờ của nghệ nhân lê đình  nghiên.jpg -0
Một số tác phẩm tranh thờ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Còn họa sĩ Hoàng Việt Hương có một series tác phẩm về hầu đồng mang tên “Căn 1”, “Căn 2”, “Căn 3” bằng chất liệu lụa kết hợp thêu lấy cảm hứng từ tranh thờ Hàng Trống. Chị chia sẻ: “Thời ông cha ta, hầu đồng đã được đưa vào những bức tranh Hàng Trống khắc họa lại hình ảnh của Thánh, Mẫu đầy vẻ uy nghi và tráng lệ. Áp dụng vào thời nay, hình ảnh hầu đồng kết hợp với chất liệu lụa truyền thống lồng ghép cùng các chi tiết đặc trưng trong các bức tranh thờ Hàng Trống tạo nên bộ tác phẩm về 3 trong 36 giá hầu của Việt Nam: “Cậu bé đồi ngang”, “Cô bé thác bà”, và “cô Chín”. Sợi dây “từ truyền thống đến truyền thống” hơn lúc nào hết đã được kéo lại gần với nhau, gắn kết vào nhau. Lớp trẻ chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để những văn hóa truyền thống không bị mai một theo năm tháng”.

Họa sĩ trẻ Phạm Tuấn Anh cũng lấy cảm hứng từ tranh thờ Hàng Trống để thực hiện tác phẩm “Bà Chúa” trên chất liệu lụa. Anh chia sẻ: “Chất liệu lụa truyền thống có tính mềm mại và khá mỏng có thể xuyên sáng. Tận dụng lợi thế đó của lụa, tôi muốn thể hiện tranh Hàng Trống bằng phương pháp vẽ nhiều lớp lụa tạo nên các lớp, ở đây, cụ thể là bức tranh “Bà Chúa” trong tranh Hàng Trống. Tôi muốn đưa “Bà Chúa” đang ở trong một không gian điện thờ kết hợp chất liệu lụa cùng với ánh sáng đèn tạo nên cách thể hiện khác trong tranh Hàng Trống”.

Họa sĩ Lê Thị Hải Yến lại lấy cảm hứng từ bức tranh ngũ hổ nổi tiếng của tranh Hàng Trống để thực hiện tác phẩm sơn mài “Ông Ba Mươi”. Chị chia sẻ: “Để ứng tác với tranh Hàng Trống, tôi vẽ hình tượng hổ kết hợp với chòm sao Bắc Đẩu và mặt trời phía trên để nói lên ý nghĩa nguồn gốc thiên văn và thuyết ngũ hành trong tranh Hàng Trống. Sự phối hợp uyển chuyển đường nét và màu sắc lộng lẫy, uy linh trên tranh Hàng Trống sẽ được kết hợp cùng nhiều chất liệu đặc tả của sơn mài, tạo nên hình tượng “Ông Ba Mươi” mới lạ nhưng vẫn giữ được nét uy nghi.

Có thể nói, các họa sĩ trẻ, mỗi người có một cách từ những họa tiết, hình ảnh, màu sắc trong tranh Hàng Trống để viết tiếp câu chuyện mang dấu ấn cá nhân của mình. Họa sĩ Trương Hoàng Hải vẽ sơn mài trên đĩa nhựa tái chế; Kim Hiền và Cẩm Nhung kết hợp sơn mài và lụa để tạo nên bức bình phong 2 mặt; Nguyễn Minh Trang và Nguyễn Hoài Giang sáng tạo book art sơn mài rất độc đáo… Qua mỗi tác phẩm, các nghệ sĩ trẻ cho thấy những nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của dự án này chia sẻ: “Trên con đường sáng tác độc lập phía trước, việc quan tâm đến các giá trị di sản văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa để đưa vào các thực hành nghệ thuật, viết tiếp nên những giá trị sáng tạo mới, cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Chúng ta hãy tạo ra truyền thống cho thời đại của mình chứ không chỉ đóng khung trong các giá trị xưa cũ. Vẻ đẹp của truyền thống chỉ có giá trị khi nó thực sự sống trong thời đại hôm nay bằng các sáng tạo mới lấy cảm hứng từ truyền thống".

Linh Nguyễn
.
.